MỚI

Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue

Ngày xuất bản: 04/07/2022
icon-toc-mobile

Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue áp dụng cho bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa Nhi, phòng khám và khoa bệnh truyền nhiễm

Người thẩm định: Nguyễn Thị Hoàn

Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm

Ngày phát hành lần đầu: 13/04/2017

Ngày hiệu chỉnh: 16/06/2020

1. Định nghĩa và các khái niệm liên quan

  • Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes là côn trùng trung gian truyền bệnh, chủ yếu là A. aegypti (hơn 90%) và phần nhỏ là A. albopictus.
  • Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, xảy ra quanh năm, thường gây dịch vào mùa mưa nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong

2. Nguyên nhân

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 typ huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 (được ký hiệu là D1, D2, D3, D4 ). Cả 4 type gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng typ cho nên người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những typ vi rút khác nhau.

3. Biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng

Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

3.1. Lâm sàng

  • Giai đoạn sốt: Từ 1-3 ngày đầu:
    • Sốt cao đột ngột, nhức đầu, nhức hai hố mắt (trẻ em thường quấy khóc, kích thích), chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, đau cơ, đau khớp.
    • Có thể xuất hiện chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi; nghiệm pháp dây thắt dương tính.
  • Giai đoạn nguy hiểm: Thường từ ngày thứ 3 – 7 của bệnh: Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, thường có biểu hiện phát ban xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc dạng chấm, nốt, bệnh có thể ổn định và đỡ dần,… nhưng cần chú ý vì giai đoạn này có thể diễn biến nặng với các biểu hiện sau:
    • Đau bụng nhiều liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan.
  • Vật vã, lừ đừ, li bì.
  • Gan to > 2cm dưới bờ sườn, đau tức.
  • Nôn ói nhiều.
  • Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch: Tràn dịch màng bụng, màng phổi, có thể cả màng tim,…
  • Xuất huyết niêm mạc nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu. Xuất huyết nặng dễ xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày-tá tràng, viêm gan mạn.
  • Tình trạng sốc (do thoát dịch hoặc do xuất huyết nặng hoặc do cả 2 cơ chế trên)
  • Các dấu hiệu suy đa tạng (suy hô hấp, tuần hoàn, gan, thận,…) do hậu quả của sốc hoặc rối loạn đông cầm máu), giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.
  • Giai đoạn hồi phục: Thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh:
    • Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều.
    • Các vết ban xuất huyết dưới da hồi phục thường để lại vết thâm, có thể ngứa ngoài da.
    • Có thể có nhịp tim chậm, không đều trong thời gian ngắn.

3.2. Cận lâm sàng

  • Giai đoạn sốt:
    • Hematocrit (Hct) bình thường.
    • Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm nhẹ (thường còn trên 100.000/ mm3).
    • Số lượng bạch cầu thường giảm.
    • Xét nghiệm huyết thanh: Xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên NS1 thường (+).
    • Xét nghiệm PCR, phân lập vi rút Dengue (+) – (thường không dùng cho lâm sàng)
  • Giai đoạn nguy hiểm:
    • Thường có dấu hiệu cô đặc máu (Hematocrit tăng > 20% so với giá trị ban đầu của người bệnh hoặc so với giá trị trung bình của dân số ở cùng lứa tuổi).
    • Số lượng tiểu cầu thường giảm rõ (<100.000/mm3).
    • Men gan AST, ALT tăng, có thể ≥ 1000U/L.
    • Trường hợp nặng có thể có rối loạn đông máu.
    • Xét nghiệm ELISA tìm kháng thể kháng Dengue IgM, IgG (+) từ ngày thứ 5 của bệnh.
    • Siêu âm hoặc X quang có thể phát hiện tràn dịch màng bụng, màng phổi.
  • Giai đoạn hồi phục:
    • Hematocrit trở về bình thường hay có thể thấp hơn do dịch được tái hấp thu trở lại.
    • Số lượng bạch cầu máu thường tăng lên sớm sau giai đoạn hạ sốt.
    • Số lượng tiểu cầu dần trở về bình thường, muộn hơn so với số lượng bạch cầu.
    • AST, ALT có khuynh hướng giảm dần.
    • Xét nghiệm ELISA tìm kháng thể IgM, IgG vẫn còn (+).

(Xem thêm Phụ lục 1: Các giai đoạn lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue).

4. Chẩn đoán và phân độ

Chẩn đoán và phân độ dựa theo các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng.

4.1. Chẩn đoán

  • Chẩn đoán xác định:
    • Xác định ca bệnh lâm sàng: Dựa theo các biểu hiện lâm sàng và yếu tố dịch tễ/ có hoặc không có test nhanh NS1 (+).
    • Ca bệnh khẳng định: Khi có biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm PCR hoặc kháng thể chống Dengue IgM (+)
  • Chẩn đoán mức độ: Để điều trị đúng và kịp thời phải chẩn đoán mức độ bệnh ngay khi chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết Dengue. Bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ (theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2009):
  • Sốt xuất huyết Dengue.
  • Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.
  • Sốt xuất huyết Dengue nặng.

Để chẩn đoán mức độ bệnh sốt xuất huyết Dengue: Xem phụ lục 2 (phần phụ lục): Phân độ sốt xuất huyết Dengue

Lưu ý: Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy khi thăm khám cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.

4.2. Chẩn đoán phân biệt

  • Sốt phát ban do các vi rút khác.
  • Tay chân miệng.
  • Sốt mò (giai đoạn đầu).
  • Sốt rét.
  • Nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn, não mô cầu, vi khuẩn gram âm,…
  • Sốc nhiễm khuẩn.
  • Các bệnh máu (giai đoạn đầu của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, bệnh bạch cầu cấp,…).
  • Các bệnh lý ổ bụng cấp có tràn dịch phúc mạc (viêm phúc mạc, suy gan,…)

5. Điều trị

5.1. Điều trị sốt xuất huyết Dengue

  • Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, các dấu hiệu sốc để xử trí kịp thời.
  • Xem xét chỉ định nhập viện trong các trường hợp sau: Nhà xa cơ sở y tế, gia đình không có khả năng theo dõi sát, trẻ nhũ nhi, dư cân, béo phì hay có bệnh mạn tính (thận, tim, gan, hen, đái tháo đường, thiếu máu tan máu,…).

(Xem thêm phụ lục 3: Sơ đồ phân nhóm điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue)

  • Điều trị triệu chứng:
    • Nếu sốt cao ≥ 38,5 độ C: Cho thuốc hạ nhiệt, mặc thoáng, uống đủ nước, có thể hạ nhiệt bằng chườm ấm. Chú ý: Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/ kg cân nặng/ 24 giờ. Không dùng aspirin (acetylsalicylic acid), analgin, ibuprofen.
    • Bù dịch sớm bằng uống oresol hay nước trái cây hoặc nước cháo loãng với muối. Lượng dịch khuyến cáo: Uống theo nhu cầu cơ bản, khuyến khích uống nhiều.
    • Cung cấp vitamin C và nhóm B theo đường uống.
    • Theo dõi: Tái khám và làm xét nghiệm hàng ngày.

Riêng với trẻ em, cần đưa trẻ đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau: Trẻ quấy khóc, khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt, ăn uống kém, nôn ói nhiều, đau bụng, tay chân lạnh, mệt lả, bứt rứt, lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì,chảy máu mũi, miệng hoặc âm đạo, không tiểu tiện trên 6 giờ.

5.2. Điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo

Người bệnh có dấu hiệu cảnh báo phải cho nhập viện điều trị:

  • Điều trị triệu chứng: Hạ sốt, bù dịch sớm bằng đường uống nếu còn khả năng uống được.
  • Theo dõi mạch, HA, những dấu hiệu cảnh báo, lượng dịch đưa vào, nước tiểu và Hct mỗi 4 – 6 giờ.
  • Chỉ định truyền dịch khi có ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau: Lừ đừ, không uống được nước, nôn ói, đau bụng nhiều, có dấu hiệu mất nước, xét nghiệm máu có Hct tăng cao.
    • Cụ thể: Truyền Ringer lactate, Ringer acetate hoặc NaCl 0,9% 6 – 7ml/ kg/ giờ trong 1 – 3 giờ, sau đó 5ml/ kg/ giờ trong 2 – 4 giờ. Theo dõi lâm sàng, Hct mỗi 2-4 giờ để điều chỉnh theo (Phụ lục 4 (phần phụ lục): Sơ đồ xử trí sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo ở trẻ em)
    • Nếu SXHD cảnh báo kèm chi lạnh, ẩm, thời gian làm đầy mao mạch ≥ 3 giây, lừ đừ hay vật vã, bứt rứt, mặc dù huyết áp bình thường: cần điều trị như sốc SXHD.
    • Thời gian truyền dịch: Thường là không quá 24 – 48 giờ.

5.3. Điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng

5.3.1. Điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue

  • Chuẩn bị các dịch truyền sau:
    • Ringer lactate.
    • Ringer acetate trong trường hợp có tổn thương gan nặng hoặc suy gan cấp.
    • Dung dịch mặn đẳng trương (NaCl 0,9%).
    • Dung dịch cao phân tử (dextran 40 hoặc 70, hydroxyethyl starch (HES 200.000 dalton).
    • Dung dịch albumin.
  • Thở oxy qua gọng mũi 1 – 6 lít/ phút: Tất cả các người bệnh có sốc cần thở oxy gọng kính khi SpO2 < 95% (xem phụ lục 6 Điều trị suy hô hấp cấp
  • Bù dịch nhanh: Trong 1 giờ đầu phải thay thế nhanh chóng lượng huyết tương mất bằng Ringer lactate hoặc NaCl 0,9% 20ml/ kg/ giờ sau đó đánh giá lại lâm sàng, Hct:
    • Nếu cải thiện lâm sàng (mạch giảm, HA bình thường, hết kẹt):Tiếp tục truyền Ringer lactate hoặc NaCl 0,9%, tốc độ 10ml/giờ x 1-2 giờ. Nếu lâm sàng tiếp tục cải thiện, Hct giảm sẽ giảm dần tốc độ dịch truyền xuống 7,5ml/ giờ => 5ml/giờ =>3ml/giờ và có thể ngừng truyền dịch sau 24-48 giờ khi bệnh nhân hoàn toàn thoát sốc (mạch, huyết áp, khối lượng nước tiểu, Hct,… trở về bình thường) – theo phụ lục 7 (trẻ em) và phụ lục 14 (với người lớn).
    • Nếu không cải thiện (mạch vẫn nhanh, nhỏ, huyết áp còn tụt / kẹt,…) thì căn cứ theo tình trạng cô đặc máu /qua chỉ số Hct để xử trí tiếp:
      • Nếu Hct vẫn trên 40% hoặc có xu hướng tăng thêm: Chuyển sang dùng dung dịch cao phân tử (CPT) 10-20ml/kg trong 1 giờ, sau đó tiếp tục điều chỉnh theo diễn biến bệnh (theo phụ lục 7: Sơ đồ truyền dịch trong sốc sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em và phụ lục 14: Sơ đồ truyền dịch trong sốc sốt xuất huyết Dengue ở người lớn ).
      • Nếu Hct giảm 20% so với ban đầu hoặc giảm dưới 35%: Cần thăm khám kỹ để phát hiện có xuất huyết nội để chỉ định truyền máu kịp thời (khối hồng cầu: 5ml/ kg hay máu toàn phần 10ml/ kg) – tuỳ tình trạng chảy máu và Hct. Đồng thời truyền CPT10ml/ kh/ giờ và tiếp tục đánh giá lại sau 1 giờ để điều chỉnh theo phụ lục 7 (trẻ em) và phụ lục 14 (với người lớn).
      • Cần kiểm soát áp tốt lực tĩnh mạch trung tâm, huyết áp động mạch xâm nhập và các rối loạn toan kiềm, đường và điện giải máu, sử dụng thuốc vận mạch hay hỗ trợ hô hấp nếu có chỉ định và tổ chức hội chẩn (xem phụ lục 11 “Tiêu chuẩn hội chẩn” và phụ lục 9 “điều kiện chuyển từ truyền dịch cao phân tử sang dung dịch điện giải và ngược lại”, phụ lục 13 “sử dụng thuốc vận mạch trong sốc SXHD ở trẻ em).
  • Một số lưu ý đối với trẻ nhũ nhi (≤ 12 tháng tuổi).
  • Phát hiện sốc thường muộn do chẩn đoán muộn và khó đo huyết áp.
  • Hematocrit bình thường có thể ở mức thấp (30 – 35%) ,chú ý lượng dịch và tốc độ dịch truyền để tránh nguy cơ dư dịch, suy hô hấp.
  • Do ở trẻ nhũ nhi rất khó đo áp lực tĩnh mạch trung tâm nên xem xét dùng siêu âm khảo sát sự thay đổi đường kính của tĩnh mạch chủ dưới theo nhịp thở để giúp đánh giá thể tích dịch nội mạch thay cho CVP.
  • Điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng.

Trường hợp người bệnh vào viện trong tình trạng sốc nặng (mạch quay không bắt được, HA=0 hoặc giảm nặng, hoặc hiệu áp dưới 10mmHg,… cần xử trí rất khẩn trương như sau:

  • Để người bệnh nằm đầu thấp.
  • Thở oxy, hô hấp hỗ trợ, xem xét đặt nội khí quản thở máy.
  • Bolus dịch: dùng bơm tiêm to bơm trực tiếp vào tĩnh mạch Ringer lactate hoặc NaCl 0,9% với tốc độ 20ml/ kg cân nặng trong vòng 15 phút,… rồi tiếp tục xử trí theo phụ lục 10 “Sơ đồ truyền dịch trong sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ở trẻ em” và phụ lục 14..
  • Điều trị các rối loạn toan máu, xuất huyết, hạ đường huyết, hạ Calci máu,… nếu có.
  • Xét nghiệm Hct, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP), đo HA động mạch xâm lấn và đánh giá chức năng tim để chỉ định các loại dịch truyền, tốc độ truyền, thời gian truyền,… và sử dụng thuốc vận mạch, lợi tiểu khi cần thiết (xem Phụ lục 13: Sử dụng thuốc vận mạch trong sốc sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em)
  • Cần tổ chức hội chẩn các trường hợp sốc SXHD nặng – khi cần thiết cần chuyển tuyến hoặc hội chẩn với tuyến chuyên môn cao hơn (xem phụ lục 11 Tiêu chuẩn hội chẩn):
    • Tiêu chuẩn ngưng truyền dịch.
    • Lâm sàng ổn định, chi ấm, mạch rõ, HA ổn định, tiểu khá, Hct ổn định.
    • Thời điểm ngưng truyền dịch thường 24 giờ sau khi hết sốc và giai đoạn hồi phục.
    • Ngưng dịch truyền khi có dấu hiệu quá tải hoặc dọa phù phổi.
  • Trẻ đến trong tình trạng sốc, cần xem lượng dịch truyền từ tuyến trước để bù dịch sắp đưa vào cho phù hợp.
  • Nếu diễn biến không thuận lợi, nên tiến hành: Đo CVP để bù dịch theo CVP hoặc dùng vận mạch nếu CVP cao.
  • Nếu huyết áp kẹt, nhất là sau một thời gian đã trở lại bình thường cần phân biệt các nguyên nhân sau: Hạ đường huyết. Tái sốc do không bù đắp đủ lượng dịch tiếp tục thoát mạch. Xuất huyết nội. Quá tải do truyền dịch hoặc do tái hấp thu.
  • Khi điều trị sốc, cần phải chú ý đến điều chỉnh rối loạn điện giải và thăng bằng kiềm toan. 

5.3.2. Điều trị xuất huyết nặng

5.3.3. Điều trị toan chuyển hóa, hạ đường huyết, hạ Calci huyết, hạ Natri máu

  • Toan chuyển hoá (pH<7,35 và/hoặc HCO3 – <17): Truyền tĩnh mạch chậm Natri bicarbonate 4,2% liều 2ml/ kg.
  • Hạ đường máu (đường huyết < 40mg/ dl): Dextrose 30% truyền tĩnh mạch chậm liều 1 – 2ml/ kg.
  • Hạ calci máu (calci ion hoá <1 mmol/ L): Calci clorua 10% 0,1 – 0,2 ml/ kg (tối đa 2 – 5ml/ liều), pha loãng trong Dextrose 5% 10 – 20ml tĩnh mạch chậm 5 – 10 phút.
  • Hạ Natri máu nặng kèm rối loạn tri giác (Natri máu < 125 mEq/ l): Natriclorua 3% 4ml/ kg truyền tĩnh mạch trong 30 phút, lặp lại khi cần.

5.3.4. Điều trị suy tạng nặng

  • Điều trị suy hô hấp cấp theo Phụ lục 6 Điều trị suy hô hấp cấp.
  • Tổn thương gan, suy gan cấp, điều trị tùy theo mức độ tổn thương
    • Nhẹ: AST, ALT 120 – < 400U/L: Thường diễn biến lành tính, không cần can thiệp
    • Trung bình: AST, ALT tăng từ 400 – 1000U/ L: Tránh dùng thuốc hạ sốt và các thuốc ảnh hưởng đến chức năng gan. Có thể nhuận tràng bằng uống lactulose hoặc thụt tháo.
    • Nặng hoặc suy gan cấp: AST, ALT ≥ 1000U/L, có hoặc không có bệnh lý não gan:
      • Xem xét truyền tĩnh mạch N Acetyl Cystein khi suy gan cấp.
      • Xem xét lọc máu liên tục ± thay huyết tương khi suy đa cơ quan.
      • Điều trị tăng áp lực nội sọ (nếu có).
  • Tổn thương thận cấp: Điều trị theo phác đồ điều trị suy thận cấp.
  • Sốt xuất huyết Dengue thể não (viêm não) : điều trị theo phác đồ “viêm não cấp”.
  • Viêm cơ tim, suy tim: Tùy theo bệnh cảnh lâm sàng và cận lâm sàng để điều chỉnh dịch truyền, sử dụng thuốc co mạch, trợ tim, lợi tiểu… (Xem phụ lục 13 “sử dụng thuốc vận mạch trong SXHD trẻ em”).

5.3.5. Dư dịch

  • Có 2 loại dư dịch sau đây:
    • Dư dịch ngoài lòng mạch: Phù nhẹ mi mắt, mặt, chi, bụng báng, thường kèm sốc N4 – N5.không phù phổi.
    • Dư dịch trong và ngoài lòng mạch kèm quá tải dịch, hoặc phù phổi: Phù nhẹ mi mắt, mặt, chi, bụng báng to, thở nhanh, tĩnh mạch cổ nổi, gan to, thường ở giai đoạn tái hấp thu dịch – ngày thứ 6 – 7, có thể kèm phù phổi.
  • Điều trị
    • Dư dịch, không phù phổi: Điều trị theo phác đồ phù hợp với mức độ bệnh SXHD.
    • Quá tải dịch, không phù phổi kèm huyết động học bình thường và Hct bình thường:
      • Giảm tốc độ dịch truyền hoặc ngừng truyền dịch.
      • Nằm đầu cao thở NCPAP hoặc thở máy không xâm lấn.
      • Sử dụng vận mạch dopamine hoặc dobutamine.
      • Xem xét furosemide vào N7 của bệnh, liều thấp.
    • Quá tải dịch gây phù phổi:
      • Ngưng dịch.
      • Nằm đầu cao thở NCPAP hoặc thở máy không xâm lấn hoặc xâm lấn.
      • Dobutamine 5 – 10μg/ kg/ phút.
      • – Furosemide 0,5 – 1mg/ kg tĩnh mạch chậm lặp lại sau 1 giờ khi cần và tình trạng huyết động cho phép.

5.3.6. Chăm sóc, dinh dưỡng và tư vấn

5.3.7. Tiêu chuẩn cho người bệnh xuất viện

  • Hết sốt ít nhất 2 ngày, tỉnh táo, ăn uống được, mạch, huyết áp bình thường.
  • Không khó thở hoặc suy hô hấp do tràn dịch màng bụng hay màng phổi.
  • Không xuất huyết tiến triển.
  • AST, ALT <400 U/L; Hct trở về bình thường.
  • Số lượng tiểu cầu khuynh hướng hồi phục > 50.000/mm3.

6. Phòng bệnh

  • Thực hiện công tác giám sát, phòng chống sốt xuất huyết Dengue theo quy định của Bộ Y tế.
  • Vắc xin phòng bệnh đang tiếp tục được cân nhắc.
  • Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường loại bỏ ổ chứa nước đọng.

Các phụ lục điều trị sốt xuất huyết Dengue

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 1 Các giai đoạn lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 2 Phân độ sốt xuất huyết Dengue

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 3: Sơ đồ phân nhóm điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 4: Sơ đồ xử trí sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo ở trẻ em

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 5: Sơ đồ xử trí SXHD có dấu hiệu cảnh báo ở người lớn

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 6: Điều trị suy hô hấp cấp

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 7: Sơ đồ truyền dịch trong sốc sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 8: Cân nặng hiệu chỉnh ở trẻ em dư cân hoặc béo phì

(dựa theo hướng dẫn của CDC 2014)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 9: Điều kiện chuyển từ cao phân tử sang dung dịch điện giải và ngược lại

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 10: Sơ đồ truyền dịch trong sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ở trẻ em

(Ban hành kèm theo Quyết định 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 11: Tiêu chuẩn hội chẩn

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 12: Mẫu giấy tóm tắt điều trị sốt xuất huyết Dengue kèm theo giấy chuyển tuyến

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 13: Sử dụng thuốc vận mạch trong sốc sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 14: Sơ đồ truyền dịch trong sốc sốt xuất huyết Dengue ở người lớn

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 15: Hướng dẫn xử trí sốc SXHD thể xuất huyết nặng và chỉ định truyền máu, chế phẩm máu

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 16: Lưu đồ xử trí sốc SXHD không đáp ứng dịch truyền

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 17: Nuôi dưỡng người bệnh sốt xuất huyết Dengue

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 18: Các dấu hiệu cần theo dõi khi hồi sức sốc sốt xuất huyết Dengue

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 19: Phát hiện và xử trí sốt xuất huyết Dengue ở tuyến cơ sở khi có dịch

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 20: Hướng dẫn chăm sóc sốt xuất huyết Dengue trẻ em (<16 tuổi)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 21: Hướng dẫn chãm sóc sốt xuất huyết Dengue người lớn (≥ 16 tuổi)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 22: Lưu ý một số quy trình kỹ thuật trong chăm sóc sốt xuất huyết Dengue

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 23: Hướng dẫn tư vấn bà mẹ về sốt xuất huyết Dengue

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Tài liệu tham khảo/tài liệu liên quan

  • Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue và các phụ lục kèm theo. Quyết định 3705/QĐ-BYT, Hà Nội, 22/08/2019.
  • StephenJ Thomas MD et al, Dengue virus infection : Clinical manifestation and diagnostic. Last uptodate Novem 25, 2019.
  • Handbook for clinical management of dengue, World Health Organization. ISBN 978 92 4 150471 (NLM classification: WC 528) © World Health Organization 2012.
  • Centers for Disease Control and Prevention, National Center for Emerging and Zoonotic Infectious Diseases (NCEZID), Division of Vector-Borne Diseases (DVBD), September 26, 2019. (Thiếu tên bài viết?)

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của VinmecDr. Việc sao chép, sử dụng phải được VinmecDr chấp thuận trước bằng văn bản.

Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.

Đường link liên kết

VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr đựợc liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
25

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia