So sánh hiệu quả của Teriparatide với Risedronate trong điều trị Loãng Xương
Hiệu quả của cả hai loại thuốc Teriparatide và Risedronate đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu lâm sàng, tuy nhiên, sự khác biệt trong cơ chế tác động và cách sử dụng của chúng có thể dẫn đến hiệu quả khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Do đó, việc so sánh hiệu quả của hai loại thuốc này trong điều trị loãng xương là rất quan trọng để giúp bệnh nhân và chuyên gia y tế lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho từng trường hợp cụ thể
1.Giới thiệu về bệnh loãng xương
Nội dung bài viết
Loãng xương là một căn bệnh liên quan đến mật độ và cấu trúc của xương thường gặp ở những đối tượng bệnh nhân lớn tuổi. Loãng xương làm giảm mật độ chất khoáng trong xương và giảm cấu trúc xương làm cho xương yếu dẫn đến dễ gãy xương khi gặp những chấn thương nhỏ hoặc chấn thương không rõ nguyên nhân ở cột sống lưng, thắt lưng, cổ tay và khớp háng
Loãng xương
Sinh lý bệnh loãng xương: bình thường có sự cân bằng giữa quá trình tạo và hủy xương. Cụ thể, các tế bào tạo xương (các tế bào tạo nên chất nền của xương và sau đó khoáng hóa xương) và tế bào hủy xương (tế bào tiêu xương) được điều khiển bởi hormone tuyến cận giáp (PTH), calcitonin, estrogen, vitamin D, các cytokine khác nhau, và các yếu tố tại chỗ khác như prostaglandin. Khối lượng xương đỉnh ở nam giới và nữ giới đạt được ở độ tuổi 30. Nam giới có khối lượng xương cao hơn phụ nữ. Sau khi đạt được khối lượng xương đỉnh, mật độ xương được duy trì trong khoảng 10 năm, trong thời gian đó sự tạo xương gần bằng sự hủy xương. Sau đó, quá trình hủy xương xương xảy ra với tốc độ tăng khoảng 0,3 đến 0,5% mỗi năm
Sinh lý bệnh loãng xương
Loãng xương là một căn bệnh toàn cầu liên quan đến việc giảm sức mạnh và chất lượng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Khoảng 20% phụ nữ ở Bắc Mỹ sẽ bị gãy xương hông trong đời. Đối với những bệnh nhân trên 55 tuổi, tỷ lệ tử vong trong vòng 1 năm lên tới 39% nếu họ bị gãy xương hông; trong khi đó, đối với những người sống sót, tình trạng ốm yếu sẽ làm giảm tuổi thọ, giảm chức năng thể chất và suy giảm chất lượng cuộc sống
2.Thông tin thuốc về Teriparatide
Teriparatide là một phần của hormone tuyến cận giáp (PTH), là một tác nhân đồng hóa mạnh được sử dụng trong điều trị loãng xương. PTH nội sinh là chất điều hòa chính của chuyển hóa Canxi và Phosphate trong xương
Thuốc Teriparatide được chỉ định trong điều trị loãng xương
2.1 Chỉ định
Teriparatide được FDA chấp thuận cho các chỉ định sau: (1) Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh có nguy cơ gãy xương cao, (2) Tăng khối lượng xương ở nam giới bị loãng xương nguyên phát hoặc thiểu năng sinh dục có nguy cơ gãy xương cao, (3) Điều trị cho nam giới và phụ nữ bị loãng xương do Glucocorticoid toàn thân có nguy cơ gãy xương cao
2.2 Cơ chế hoạt động
Việc tiếp xúc liên tục với PTH liều thấp (Teriparatide sử dụng hàng ngày) giúp hình thành tế bào xương nhiều hơn quá trình tiêu xương. Teriparatide là chất tương tự với PTH liên kết với thụ thể PTH loại 1 (PTH loại 1R) qua vị trí tận cùng nguyên tố N. PTH loại 1R là các thụ thể kết hợp với G-protein (GPCR) trên bề mặt của các tế bào khác nhau trong đó có nguyên bào xương, tế bào xương. Sau khi liên kết, PTH hoạt hóa protein kinase A (PKA) và C (PKC) qua trung gian Gs của Adenylate cyclase và Gq.
Tác dụng đồng hóa của ACTH làm tăng hoạt động của Runx2 – yếu tố phiên mã cần thiết cho nguyên bào xương, giảm quá trình tổng hợp chất xơ cứng đối kháng Wnt từ đó tác động lên con đường truyền tín hiệu Wnt/β-catenin là chất điều chỉnh quan trọng của quá trình tạo xương. Teriparatide có tác dụng tương tự như PTH nội sinh điều hòa cân bằng nội môi Canxi và Phosphate bằng cách làm tăng Canxi huyết thanh và giảm Phosphate huyết thanh. PTH kích thích tái hấp thu Canxi ở ống lượn xa ở thận, ức chế tái hấp thu Phosphate ở ống lượn gần và kích hoạt enzyme 1-alpha-hydroxylase ở ống lượn gần, men này sau đó chuyển 25-hydroxyvitamin D đã được lọc thành 1,25-dihydroxy vitamin D.
2.3 Tác dụng phụ
Teriparatide là một loại thuốc dung nạp tốt. Các tác dụng phụ ngắn hạn được bệnh nhân báo cáo bao gồm buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt và hạ huyết áp thế đứng. Thay đổi chuyển hóa Canxi là phổ biến, với tăng Canxi máu và Canxi niệu là hai tác dụng phụ thường gặp nhất. Tác dụng phụ đáng lo ngại nhất là nguy cơ gây ung thư xương
2.4 Chống chỉ định
Teriparatide chống chỉ định ở những bệnh nhân: quá mẫn, tăng Canxi máu, tăng Canxi niệu hoặc sỏi thận, bệnh Paget xương, tiền sử bệnh ác tính xương nguyên phát hoặc thứ phát, tiền sử bức xạ ion hóa liên quan đến xương, bệnh nhi và trẻ nhỏ có đầu xương hở
3.Thông tin thuốc về Risedronate
Risedronate là loại thuốc thuộc nhóm Bisphosphate
Risedronate
3.1 Chỉ định
Risedronate được sử dụng để để điều trị chứng loãng xương có thể do mãn kinh hoặc sử dụng Steroid, đối tượng có nguy cơ cao bị gãy xương do loãng xương, điều trị bệnh Paget xương
3.2 Cơ chế hoạt động
Risedronate có ái lực mạnh mẽ đối với các tinh thể Hydroxyapatite (HA) trong mật độ chất khoáng của xương cho tác động như tác nhân giảm quá trình tiêu xương. Ở cấp độ tế bào, Risedronate có tác dụng ức chế các hủy cốt bào mặc dù các hủy cốt bào này vẫn dính vào bề mặt xương nhưng bị giảm hoạt động hủy xương. Ngoài ra, tác dụng chống hủy xương của Risedronate được chứng minh thông qua khả năng ức chế enzyme Farnesyl pyrophosphate synthase (FPPS), khi đó nồng độ Farnesyl pyrophosphate (FPP) bị giảm dẫn đến suy giảm quá trình Prenyl hóa các protein tín hiệu GTPase như Ras, Rho, Rac cần thiết cho các quá trình của tế bào hủy xương như tái hấp thu xương, di chuyển tế bào, sắp xếp lại tế bào và quá trình chết theo chương trình
3.3 Tác dụng phụ của Risedronate
Những tác dụng phụ phổ biến này của Risedronate xảy ra ở hơn 1 trên 100 người: táo bón, tiêu chảy, khó tiêu đầy bụng, đau dạ dày, nhức đầu, đau cơ, xương khớp nhẹ. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn: ợ nóng, đau tai, phân đen hoặc đỏ, đau khớp cơ xương dữ dội, sưng hoặc đau hàm, sốc phản vệ
3.4 Chống chỉ định
Risedronate không phù hợp cho các đối tượng sau: gặp vấn đề về thận, ung thư hoặc đang hóa, xạ trị, dị ứng, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, vấn đề răng miệng
4.So sánh giữa 2 thuốc Teriparatide và Risedronate
Nghiên cứu phân tích tổng hợp của nhóm tác giả Chengzhi Yang khi so sánh hiệu quả và an toàn của Teriparatide so với Risedronate trong điều trị loãng xương đã cung cấp bằng chứng ở mức độ tương đối cao cho thấy tỉ lệ gãy xương, gãy đốt sống và gãy xương ngoài đốt sống ở nhóm dùng Teriparatide thấp hơn đáng kể so với nhóm dùng Risedronate. Ngoài ra, trong nghiên cứu được báo cáo bởi Gluer CC và cộng sự chứng minh mật độ khoáng xương cột sống thắt lưng tăng nhiều hơn ở bệnh nhân điều trị bằng Teriparatide so với bệnh nhân điều trị bằng Risedronate sau 18 tháng điều trị.
Tuy vậy mức độ an toàn khi sử dụng 2 loại thuốc không có sự khác biệt đáng kể với tỉ lệ xảy ra tác dụng phụ tương đương nhau. Malouf-Sierra, J cùng cộng sự sau khi hoàn thành nghiên cứu đưa ra kết quả cho thấy những bệnh nhân được điều trị bằng Teriparatide có sự gia tăng đáng kể tình trạng tăng axit uric máu sau 6 tuần và tăng Canxi huyết sau 26 tuần so với những bệnh nhân điều trị bằng Risedronate. Tóm lại, có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm đưa ra kết luận cho đến hiện tại rằng Teriparatide vượt trội so với Risedronate trong điều trị loãng xương vì làm tăng mật độ chất khoáng xương ở nhiều vị trí như cột sống thắt lưng, cổ xương đùi và toàn bộ xương hông cũng như làm giảm nguy cơ gãy xương.