MỚI

Tổng quan về tai mũi họng trong bối cảnh Covid-19

Ngày xuất bản: 18/12/2022

Tác giả: TS BS Ngô Văn Công (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy), BS Huỳnh Khắc Cường (Chủ tịch Liên Chi hội Tai Mũi Họng TP.HCM)

Giới thiệu
Coronavirus 2 gây hội chứng nguy kịch đường hô hấp cấp (SARS-CoV-2), lần đầu tiên được biết đến vào năm 2019, khởi đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019. Từ thời điểm đó, COVID-19 đã vượt qua biên giới giữa các quốc gia cho đến khi tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định đây là bệnh dịch vào tháng 3/2020. Với tần suất lây nhiễm cao, tính đến nay đã lan rộng trên 220 lãnh thổ, quốc gia trên thế giới. Mỗi ngày, số ca nhiễm mới và tử vong không ngừng gia tăng. COVID-19 biểu hiện chủ yếu ở đường hô hấp, đặc biệt là đường hô hấp dưới với triệu chứng sốt, ho, khó thở, nặng ngực, có thể diễn tiến nhanh chóng đến hội chứng nguy kịch đường hô hấp cấp (ARDS). Tuy nhiên, rất nhiều triệu chứng khác sau đó được ghi nhận cho thấy có ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của bệnh. Từ không triệu chứng hoặc sốt nhẹ, ho, đau cơ, đau ngực đến suy hô hấp hoặc đông máu nội mạch lan tỏa (DIC), biểu hiện của COVID-19 rất đa dạng. Và hơn nữa các biểu hiện Tai Mũi Họng gồm mất mùi hoặc mất vị giác cũng đã được báo cáo. Vì vậy, việc thăm khám trên các bề mặt niêm mạc có tải lượng virus cao, rõ ràng các bác sĩ Tai Mũi Họng phải đối mặt với nguy cơ nhiễm cao. Chính vì việc này, đã có sự thay đổi một số đổi mới trong khám và chữa bệnh Tai Mũi Họng nói riêng và các bệnh lý khác liên quan nói chung.

Bệnh sinh

Theo nhiều nghiên cứu, con đường lây truyền chính của SARS-CoV-2 là qua các giọt chất lỏng bị nhiễm bệnh do hệ thống hô hấp của người nhiễm bệnh tiết ra khi hắt hơi, ho hoặc nói chuyện mà không che miệng và mũi. Các giọt này có thể đọng lại trong không khí và lây nhiễm cho những người tiếp xúc với chúng. Sự lây truyền thông qua: tiếp xúc cơ thể trực tiếp với người bị nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt hoặc vật thể bị ô nhiễm hoặc chạm vào miệng, mắt hoặc mũi bằng tay chưa rửa sạch hoặc hệ vi sinh vật trong phân.

Từ đây, SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể qua các đường sau:
Thứ nhất: SARS-CoV-2 nhạy cảm với các tế bào biểu mô trong hệ hô hấp, từ đó gây ra các tổn thương hệ thống niêm mạc biểu mô đường hô hấp. Tại niêm mạc mũi: làm tổn thương hệ thống biểu mô niêm mạc mũi, tiếp cận các đầu mút thần kinh (thần kinh khứu) qua thụ thể ACE-2 theo thần kinh khứu vào hệ thống thần kinh trung ương làm tổn thương hệ thống thần kinh trung ương (giải thích cho việc mất khứu giác). Tại phổi: gây tổn thương, nhiễm trùng biểu mô và hoạt hóa đại thực bào phế nang trong phổi gây nên các biến chứng nghiêm trọng ở phổi, hệ hô hấp và gây suy hô hấp cấp tính và dẫn đến tử vong.
Thứ hai: khi làm tổn thương hệ thống niêm mạc đường hô hấp, virus có thể xâm nhập vào máu theo hệ tuần hoàn đến các cơ quan đích và gây tổn thương như tiêu hóa, gan mật, tim mạch, thận và hệ thần kinh trung ương giải thích cho việc biểu hiện đa dạng các triệu chứng.

Các rối loạn chức năng cơ quan do SARS-CoV-2 gây ra có thể do cơ chế nhiễm độc trực tiếp, tổn thương thiếu máu cục bộ từ viêm mạch, huyết khối, rối loạn điều hòa miễn dịch và rối loạn điều hòa hệ thống angiotensin – aldosterone.

Về mặt sinh lý bệnh: tác nhân SARS-CoV-2 kích thích cơ thể tạo ra một phản ứng miễn dịch quá mức (bão cytokine) làm tổn thương nhu mô phổi, dẫn đến giảm oxy máu, suy đa cơ quan làm bệnh tiến triển nhanh và gây tử vong.

 Biểu hiện lâm sàng
Vì niêm mạc vùng hầu họng và hầu mũi là vùng cư trú chính yếu của virus này, nên các triệu chứng của bệnh cũng liên quan đến Tai Mũi Họng. Hầu hết các nghiên cứu hiện nay tập trung vào sự xuất hiện các triệu chứng toàn thân (sốt, đau cơ) và triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới, có rất ít nghiên cứu đề cập về biểu hiện Tai Mũi Họng ở bệnh nhân nhiễm COVID-19. Triệu chứng toàn thân và triệu chứng Tai Mũi Họng biểu hiện cao đáng kể. Các triệu chứng sốt và ho thường gặp nhất, sau đó là khó thở, tiêu chảy và mệt mỏi. Các triệu chứng Tai Mũi Họng gồm đau họng và giảm khứu thường gặp nhất, kế đến là mất vị giác và nghe kém. Không ghi nhận các triệu chứng ảnh hưởng đến thanh quản như thay đổi giọng nói hay khàn tiếng. Hầu hết các triệu chứng của bệnh nhân kéo dài khoảng 7 ngày và hồi phục sau 10 ngày.

Hiệp hội Tai Mũi Họng Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng triệu chứng mất khứu giác là một trong những triệu chứng của bệnh COVID-19, và xét nghiệm tầm soát COVID-19 nên được thực hiện ở những bệnh nhân mới khởi phát triệu chứng mất khứu. Giảm khứu/ mất khứu và mất vị giác đều khởi phát đột ngột và tần suất cao ở dân số trẻ. Tất cả bệnh nhân đều hồi phục hoàn toàn trong 2.5 ± 0.5 ngày trước nhập viện. Nghe kém khởi phát đột ngột và nổi bật ở nhóm lớn tuổi. 54.44% bệnh nhân có nghe kém sau khi được chẩn đoán/nhập viện. 81.6% bệnh nhân báo cáo hồi phục hoàn toàn trong 8 ± 2 ngày, số còn lại vẫn còn triệu chứng nghe kém kéo dài.

Chẩn đoán
Kết hợp các triệu chứng lâm sàng.
Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm RT-PCR. Tỷ lệ âm tính giả đối với xét nghiệm PCR vẫn chưa rõ, nhưng được ước tính là cao tới 67% trong giai đoạn không có triệu chứng. Ngoài ra, xét nghiệm PCR trong phết mũi họng có thể âm tính trong thời kỳ ủ bệnh. 
Những đổi mới trong phẫu thuật bệnh lý Tai Mũi Họng thời đại COVID-19
Do hậu quả của đại dịch Coronavirus toàn cầu 2019, nhiều giải pháp về phòng mổ đã được phát triển và triển khai trên các chuyên khoa phẫu thuật khác nhau để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Các bác sĩ lâm sàng Tai Mũi Họng có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn nhiều so với các chuyên khoa khác, do các thủ thuật xâm lấn và thăm khám khoang miệng và đường tiêu hóa trên. COVID-19 đã dẫn đến sự phát triển nhanh chóng các hướng dẫn chung, cần thiết trong việc tạo ra một môi trường làm việc an toàn hơn cho nhân viên y tế trong lĩnh vực Tai Mũi Họng. Nhiều giải pháp đã được phát triển trong vài tháng qua tỏ ra hữu ích trong việc giảm thiểu nguy cơ lây truyền COVID-19, đặc biệt là khi hơn 30% bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 không có triệu chứng.

  1. Khuyến cáo chung đối với phẫu thuật vùng Tai Mũi Họng

Một thay đổi lớn trong thực hành Tai Mũi Họng trong đại dịch COVID-19 là sự gia tăng đáng kể việc sử dụng y học từ xa để thăm khám cho bệnh nhân. Sử dụng trong một số phương pháp điều trị bệnh Tai Mũi Họng từ xa: Nội soi tai không dây với hỗ trợ của điện thoại thông minh (SEWO). Các bác sĩ Tai Mũi Họng có thể chẩn đoán và đưa ra phản hồi cho bệnh nhân, chẩn đoán một cách thành công các tình trạng như viêm tai giữa cấp tính, thủng màng nhĩ và cholesteatoma.

Bên cạnh đó, sử dụng các bộ đồ bảo hộ (PPE) cho việc thăm khám, thủ thuật và phẫu thuật để điều trị bệnh nhân COVID-19 nhằm hạn chế lây nhiễm do các thủ thuật, phẫu thuật tạo ra các giọt chất lỏng nhiễm bệnh (AGP). Tác giả cũng đề nghị sử dụng thuốc giãn cơ trong các phẫu thuật như mở khí quản để ngăn ngừa ho và tránh lây lan các giọt bắn. Trong quá trình phẫu thuật, nếu phương pháp phẫu thuật cho phép, nên sử dụng băng dính để che mũi và miệng của bệnh nhân

Dao điện, đốt điện, khoan, cưa, hút hở và các thiết bị tiên tiến khác tạo ra các giọt chất lỏng nhiễm bệnh hoặc tạo ra khói có thể lây nhiễm, nên hầu hết các hướng dẫn đều khuyến cáo hạn chế sử dụng tất cả các thiết bị năng lượng, đồng thời đảm bảo sử dụng dụng cụ bảo hộ cá nhân (PPE) khi cần thiết.

Các phòng áp lực âm nên được ưu tiên khi thực hiện thăm khám trên bệnh nhân dương tính hoặc nghi ngờ dương tính với COVID-19, ở hầu hết các cơ sở; tuy nhiên việc triển khai có những hạn chế.

Can thiệp trong phẫu thuật Tai Mũi Họng thông thường là sử dụng các hoạt chất tại chỗ có tính diệt khuẩn trước khi phẫu thuật. Parhar và cộng sự cho rằng dung dịch 0,23-7% Povidone-iodine có hiệu quả trong việc giảm tải lượng của coronavirus. Các tác giả khuyến cáo sử dụng PVP-I như một phương pháp rửa mũi và súc họng cho bệnh nhân nghi ngờ hoặc nhiễm COVID-19, và tưới rửa trong các thủ thuật cần khoan như tiệt căn xương chũm.

Ngoài ra, Farrel và cộng sự ủng hộ việc sử dụng nước muối ưu trương để cải thiện sự thanh thải nhầy lông chuyển và hỗ trợ loại bỏ các phần tử virus tại vùng mũi họng.

  1. Các giải pháp cho tình trạng thiếu trang thiết bị

Hai giải pháp khác nhau đã xuất hiện để giải quyết tình trạng thiếu thiết bị: (1) phân tầng nhu cầu PPE cho các thủ thuật khác nhau, và (2) tạo PPE mới từ nguồn vật liệu sẵn có.

Chow và cộng sự cho rằng lây nhiễm qua giọt bắn là cao nhất và phổ biến nhất trong quá trình khoan xương, cho thấy rằng những loại phẫu thuật này cần đảm bảo loại PPE tiên tiến nhất, trong khi phẫu thuật qua miệng bằng robot có nguy cơ lây nhiễm qua giọt bắn thấp nhất, nhu cầu về PPE ít nghiêm ngặt hơn.

Phát triển hành lang pháp lý cho các nhân viên y tế khám và điều trị từ xa, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Tái sử dụng các dụng cụ bảo hộ.

Sử dụng tạo ra các PPE từ các vật liệu sẵn có.

Tạo ra các mặt nạ phù hợp với chuyên ngành Tai Mũi Họng:

– Mặt nạ ENVO – SleepNet cho phép hút tạo ra môi trường áp lực âm xung quanh mũi và miệng của bệnh nhân. Rạch một đường nhỏ ở phần trước của bộ lọc để cho phép ống soi đi qua giúp ngăn chặn quá trình lây nhiễm qua khí dung trong khi nội soi mũi họng.

– Các bác sĩ Tai Mũi Họng cần sử dụng đèn đầu thực hiện khám mũi/họng. Viera-Artiles và Validade đã thiết kế một bộ nối được sản xuất bằng máy in 3D, sử dụng một tấm trong suốt để tạo ra hàng rào bảo vệ hiệu quả trong khi sử dụng đèn đầu.

  1. Các thủ thuật trên đường thở

Đặt nội khí quản cho bệnh nhân COVID-19 là một thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm cao. Những trường hợp khó cần có cả bác sĩ gây mê và bác sĩ Tai Mũi Họng tham gia. Một trong những thiết bị mới để đặt nội khí quản là hộp chống giọt bắn (aerosol box), giúp bảo vệ bác sĩ khỏi các giọt chất lỏng.

Thiết bị là một hộp nhựa trong suốt có một bên mở ra, cho phép đặt vừa qua ngực và cổ của bệnh nhân, trong khi bên đối diện có hai lỗ nhỏ để bác sĩ đưa tay vào. Hộp này có thể làm tăng thời gian đặt nội khí quản và các bác sĩ lâm sàng cần luyện tập để tránh làm hỏng PPE cũng như các thách thức khác trong quá trình sử dụng, đây là một giải pháp đơn giản có thể hạn chế rủi ro lây nhiễm.
Nhiều bệnh nhân COVID-19 cần mở khí quản. Sử dụng thiết bị cố định bên ngoài bằng kim loại, tạo ra một khung hình hộp, sau đó được bọc trong một màn bao trong suốt và vô trùng, sử dụng một lần. Kích thước có thể được điều chỉnh cho từng bệnh nhân, vật liệu không tốn kém và thường có sẵn trong hầu hết các phòng phẫu thuật.
Francom và cộng sự mô tả một phương pháp tạo ra “lều phẫu thuật” để ngăn chặn giọt bắn và các giọt chất lỏng trong các thủ thuật đường thở. Tác giả sử dụng ba tấm phủ – loại dùng một lần, một tấm che giường, một tấm che phần thân bệnh nhân và một tấm treo trên đầu và ngực của bệnh nhân bằng một vòm hoặc bàn mayo. Một thiết bị hút siêu lọc được gắn vào tấm phủ trên ngực của bệnh nhân.
Đối với nội soi thanh quản ống mềm, nhiều loại khẩu trang và tấm chắn đã được phát triển để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Hoffman đã thử nghiệm một sản phẩm tấm chắn mặt áp lực âm (NPFS) trong thực hành lâm sàng. NPFS bao gồm một hàng rào acrylic trong suốt với hai cổng thiết bị phía trước và một cổng bên cạnh để hút liên tục. Narwani và cộng sự đã cải tiến mặt nạ nội soi dành cho người lớn với cổng nội soi 5mm, vòng móc, bộ trao đổi nhiệt và độ ẩm với bộ lọc virus và dây đeo mặt nạ. Sử dụng dao mổ rạch một đường 3mm trong màng silicone trung tâm của mặt nạ nội soi. Cho phép ống soi thanh quản mềm đi qua. Trong các nghiên cứu trên mô hình, mặt nạ này cho phép dễ dàng điều chỉnh ống soi và quan sát vùng hạ thanh môn.

  1. Nội soi mũi và các phẫu thuật nền sọ

Các thủ thuật nội soi qua mũi có nguy cơ lây nhiễm đáng kể do hiệu giá virus ở mũi cao và khả năng tạo các giọt chất lỏng trong quá trình phẫu thuật. Các dụng cụ năng lượng cao, đặc biệt là thiết bị khoan tốc độ cao làm tăng khả năng lây lan của phân tử virus. Các phân tử virus sống, bao gồm cả virus HIV và HPV, đã được tìm thấy trong các giọt chất lỏng tạo ra bởi dụng cụ điện phẫu thuật hoặc trong các mẫu khói từ việc đốt bằng laser CO2. Nội soi đường mũi sử dụng các dụng cụ điện chỉ nên tiến hành khi thực sự cần thiết với PPE mức độ cao cho tất cả các nhân viên trong phòng mổ.

Workman và cộng sự đã tạo ra một loại mặt nạ mới có thể hạn chế sự lây truyền, một loại mặt nạ nội soi mũi và họng có van cải tiến (VENT). Ngoài ra, việc sử dụng hút mũi họng thông qua một ống hút cứng ở mũi đối bên trong quá trình khoan và đốt điện, giúp giảm thiểu sự phát tán qua không khí.

David và cộng sự đã phát triển một hệ thống áp suất âm và màn cách ly để giảm thiểu sự lây lan giọt bắn trong quá trình nội soi nền sọ và phẫu thuật qua ngã miệng. Hệ thống của tác giả, tấm màn cách ly virus Tai Mũi Họng áp suất âm (NOVID), bao gồm một tấm màn nhựa treo trên đầu của bệnh nhân và vùng phẫu thuật với một đầu hút khói trong buồng. Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của buồng ở những bệnh nhân trải qua cuộc phẫu thuật nội soi kéo dài có sử dụng khoan tốc độ cao, tác giả có thể giữ ở mức tối thiểu sự lây lan giọt bắn và các giọt chất lỏng, được nhuộm bằng fluorescein.

Trong giai đoạn COVID-19, nhiều loại mặt nạ khác đã được tạo ra để bệnh nhân đeo khi họ được nội soi ống mềm. Davies và cộng sự đã tạo ra ba loại mặt nạ nội soi in 3-D khác nhau: (1) mặt nạ tái sử dụng được làm bằng nhựa photopolymer có cổng bên, (2) mặt nạ dùng một lần sử dụng đầu nối ống nội khí quản 15mm và bộ nối xoay, và (3) mặt nạ dùng một lần với đầu nối in 3-D đục xuyên qua mặt nạ và cho phép ống nội soi đi qua.

Di Maio và cộng sự mô tả “phương pháp tiếp cận phía sau bệnh nhân” khi nội soi, khi đó người khám đứng phía sau bệnh nhân và đối diện với màn hình, do đó làm giảm mức độ phơi nhiễm của người khám đối với sự lây truyền virus trong không khí. Mặc dù đơn giản nhưng tác giả cho rằng những thay đổi nhỏ như vậy có thể chứng minh hiệu quả trong việc hạn chế sự lây lan của COVID-19 trong thực hành lâm sàng.

  1. Các thủ thuật tai

Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đã được biết đến trong các thủ thuật tai do sự liên tục của tai giữa với vùng mũi họng chứa đầy virus và việc sử dụng thiết bị và phẫu thuật vi phẫu. Phẫu thuật vi phẫu đem đến một khó khăn khi tiến hành trong tình trạng bắt buộc sử dụng PPE. Gordon và cộng sự sử dụng một màng vô trùng có keo dính, được gắn theo chu vi vào đầu camera và phủ lên khu vực thao tác, để tạo ra một lều chắn với tay phẫu thuật viên phía bên dưới. Sử dụng kính che mặt và tận dụng kính 3D làm phương pháp bảo vệ mắt duy nhất, hạn chế nhìn do kính che mặt gây ra khi nhìn qua kính hiển vi.

Carron và cộng sự đã thiết kế một hệ thống màn che để kiểm soát việc lây lan giọt bắn trong quá trình phẫu thuật khoan xương chũm, bằng việc gắn hai tấm phủ khác nhau vào lens của kính hiển vi. Cả hai tấm phủ này đều được căng trên giá đỡ Mayo ở đầu bệnh nhân và một tấm phủ khác được gắn vào tấm màn phẫu thuật bên trên vùng ngực của bệnh nhân…

Những cải tiến khác cho các thủ thuật tai bao gồm buồng cách ly CAMIC-Ear của Tolisano và cộng sự. Hệ thống này được đánh giá trên một bệnh nhân phẫu thuật tiệt căn xương chũm và được phẫu thuật viên coi là an toàn và đạt yêu cầu.

Ayache và cộng sự đề xuất sử dụng phẫu thuật qua nội soi tai (TEES) như một giải pháp thay thế hiệu quả để giải quyết nhiều bệnh lý tai, và cũng tránh được khả năng lây lan qua giọt chất lỏng liên quan đến phẫu thuật tai giữa và xương chũm. TEES cũng cho phép sử dụng tấm chắn bảo vệ mắt thoải mái hơn, vốn thường bị hạn trong phẫu thuật vi phẫu tai.

 Kết luận

Một loạt các chiến lược sáng tạo và thực tế đã được phát triển để ứng phó với đại dịch COVID-19, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong khi thăm khám và phẫu thuật Tai Mũi Họng. Những chiến lược này có thể tiếp tục mang lại lợi ích cho các bác sĩ Tai Mũi Họng trong thời gian tới, vì hiện tại vẫn chưa rõ khi nào virus ngừng đe dọa sức khỏe của bệnh nhân và nhân viên y tế. Đánh giá này có thể đóng vai trò như một nguồn tài liệu cho các bác sĩ Tai Mũi Họng và cho những bác sĩ trong các lĩnh vực khác, bằng cách cung cấp cho các nhà lâm sàng các giải pháp hữu ích để tự bảo vệ mình và bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

  1. Wang W, Xu Y, Gao R, et al. Detection of SARS-CoV-2 in different types of clinical specimens. JAMA. 2020;323: 1843e1844.
  2. Zou L, Ruan F, Huang M, et al. SARS-CoV-2 viral load in upper respiratory specimens of infected patients. N Engl J Med. 2020; 382:1177e1179.
  3. Thamboo A, Lea J, Sommer DD, et al. Clinical evidence based review and recommendations of aerosol generating medical procedures in otolaryngology – head and neck surgery during the COVID-19 pandemic. J Otolaryngol Head Neck Surg. 2020;49:28.
  4. Vukkadala N, Rosenthal E, Patel ZM. In response to COVID-19 and the otolaryngologist: preliminary evidence-based review. Laryngoscope. 2020;130:E526.
  5. Kucirka LM, Lauer SA, Laeyendecker O, Boon D, Lessler J. Variation in false-negative rate of reverse transcriptase polymerase chain reaction-based SARS-CoV-2 tests by time since exposure. Ann Intern Med. 2020;173:262e267.
  6. Lauer SA, Grantz KH, Bi Q, et al. The incubation period of Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) from publicly reported confirmed cases: estimation and application. Ann Intern Med. 2020;172:577e582.
  7. Lagos AE, Ramos PH, Andrade T. Protection for otolaryngologic surgery in the COVID-19 pandemic. OTO Open. 2020;4, 2473974X20934734.
  8. Liberati A, Altman DG, Tetzlaff J, et al. The PRISMA statement for reporting systematic reviews and meta-analyses of studies that evaluate health care interventions: explanation and elaboration. Plos Med. 2009;6, e1000100.
  9. Center for Evidence-Based Medicine. OCEBM levels of evidence; May 1, 2016. Published . Accessed December 20, 2020.
  10. Sterne JA, Herna´n MA, Reeves BC, et al. ROBINS-I: a tool for assessing risk of bias in non-randomised studies of interventions. BMJ. 2016;355:i4919.
  11. Xu K, Lai X, Liu Z. Suggestions on the prevention of COVID-19 for health care workers in department of otorhinolaryngology head and neck surgery. World J 12. Otorhinolaryngol Head Neck Surg. 2020 Nov;6:S2eS5. Epub 2020 Apr 2.
  12. Couloigner V, Schmerber S, Nicollas R, et al. COVID-19 and ENT surgery. Eur Ann Otorhinolaryngol Head Neck Dis. 2020;137: 161e166.
  13. Hilal A, Walshe P, Gendy S, Knowles S, Burns H. Mastoidectomy and trans-corneal viral transmission. Laryngoscope. 2005;115: 1873e1876.
  14. Norris BK, Goodier AP, Eby TL. Assessment of air quality during mastoidectomy. Otolaryngol Head Neck Surg. 2011;144:408e411.
  15. In SM, Park DY, Sohn IK, et al. Experimental study of the potential hazards of surgical smoke from powered instruments. Br J Surg. 2015;102:1581e1586.
  16. Carr MM, Patel VA, Soo JC, Friend S, Lee EG. Effect of electrocautery settings on particulate concentrations in surgical plume during tonsillectomy. Otolaryngol Head Neck Surg. 2020;162:867e872.
  17. Baggish MS, Polesz BJ, Joret D, Williamson P, Refai A. Presence of human immunodeficiency virus DNA in laser smoke. Lasers Surg Med. 1991;11:197e203.
  18. Workman AD, Welling DB, Carter BS, et al. Endonasal instrumentation and aerosolization risk in the era of COVID-19: simulation, literature review, and proposed mitigation strategies. Int Forum Allergy Rhinol. 2020;10:798e805.
  19. Kohanski MA, Palmer JN, Cohen NA. Aerosol or droplet: critical definitions in the COVID-19 era. Int Forum Allergy Rhinol. 2020;10:968e969.
  20. Sayin _I, Devecio_glu _I, Yazıcı ZM. A closed chamber ENT examination unit for aerosol-generating endoscopic examinations of COVID-19 patients. Ear Nose Throat J. 2020;99:594e596.
  21. Blood Jr TC, Perkins JN, Wistermayer PR, et al. COVID-19 airway management isolation chamber. Otolaryngol Head Neck Surg. 2021;164:74e81.
  22. Parhar HS, Tasche K, Brody RM, et al. Topical preparations to reduce SARS-CoV-2 aerosolization in head and neck mucosalsurgery. Head Neck. 2020;42:1268e1272.

Nguồn: Tạp Chí Sức Khỏe

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.

Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.

Đường link liên kết

Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
3

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia

tra-cuu-thuoc

THÔNG TIN THUỐC

TRA CỨU NGAY