MỚI

Ảnh hưởng của vắc-xin mRNA và bệnh COVID-19 lên khả năng sinh sản của con người

Ngày xuất bản: 13/01/2023

Chưa có bằng chứng chứng minh COVID-19 ảnh hưởng tới hệ sinh sản của nam và nữ. Các nghiên cứu đến thời điểm hiện tại cho rằng vắc-xin mRNA không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả nam và nữ, đặc biệt phụ nữ mang thai, không có vấn đề gì về khả năng sinh sản hoặc thai nghén bất thường sau tiêm chủng. Mọi người nên tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn ngay cả khi đã tiêm vắc-xin.

Nhóm tác giả: Fei Chen; Shiheng Zhu; Zhiqing Dai; Lanting Hao; Chun Luan; Qi Guo; Chaofan Meng; Yankun Zhang

1. Tóm tắt 

Bệnh coronavirus 2019 (COVID-19), do coronavirus 2 (SARS-CoV-2) gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng, đã tạo ra cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu với tỷ lệ chưa từng có. Do tác động nghiêm trọng của nó, nhiều loại vắc-xin COVID-19 đang được phát triển, phê duyệt và sản xuất nhanh chóng. Trong số đó, vắc-xin mRNA được coi là vắc  xin lý tưởng có nhiều ưu điểm đặc biệt đáp ứng thách thức này. Tuy nhiên, đã có báo cáo vài tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi dùng làm tăng đáng kể lo ngại về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin, đồng thời nghi ngờ về sự cần thiết của tiêm chủng.

Mặc dù một số hiệp hội hỗ trợ sinh sản đã công bố rằng vắc-xin COVID-19 mRNA không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nhưng không thể phủ nhận rằng bằng chứng hiện tại còn rất hạn chế, đây là một trong những lý do khiến người dân ngại tiêm vắc-xin, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai. Trong bài báo này, chúng tôi thảo luận chuyên sâu  về hệ sinh sản nam và nữ khi cơ thể nhiễm SARS-CoV-2 hoặc sau khi tiêm chủng. Mặc dù, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sang hệ sinh sản nam và thai nhi thấp nhưng nó vẫn có thể là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe sinh sản con người.

Mặt khác, theo đánh giá của chúng tôi, ở cả nam và nữ, đặc biệt phụ nữ mang thai, không có vấn đề gì về khả năng sinh sản hoặc thai nghén bất thường sau tiêm chủng, đáng chú ý là kháng thể từ mẹ truyền qua nhau thai tăng vượt trội hơn bất kỳ mối nguy hiểm nào. Điều này vẫn cần nghiên cứu thêm, phải nghiên cứu dọc trên quần thể lớn hơn, nhưng trong trường hợp COVID-19 lây lan nhanh chóng thì lựa chọn khôn ngoan là tiêm phòng thay vì phải chịu đựng các triệu chứng nguy hiểm khi bị nhiễm virus.

2. Giới thiệu

Mối liên hệ giữa nhiễm virus và vô sinh đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Nhiều loại virus, bao gồm virus Zika, HIV và cytomegalovirus đã được phát hiện trong tinh dịch người, trong số đó một số có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới (Mate và cộng sự, 2015; Counotte và cộng sự, 2018).

Hơn nữa, trong tinh hoàn có đặc quyền miễn dịch và hàng rào máu – tinh hoàn (BTB) kháng lại thuốc kháng vi-rút, nên một số vi-rút có thể tồn tại trong tinh dịch và tồn tại lâu hơn so với các chất dịch khác trong cơ thể (Liu và cộng sự, 2018; Paz-Bailey và cộng sự, 2019). Do đó, phải khẩn cấp nghiên cứu kỹ ảnh hưởng của bệnh coronavirus 2019 (COVID-19) đối với hệ sinh sản con người. Trong khi đó, vì hội chứng hô hấp cấp tính nặng do coronavirus 2 (SARS-CoV-2) có tác hại tiềm tàng đối với hệ sinh sản, nên một số cá nhân nghi ngờ rằng vắc-xin bắt chước vi-rút (vắc-xin mRNA) cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thông qua cơ chế tương tự. Đáng chú ý, mặc dù hiện đã sử dụng hơn 4 tỷ liều vắc-xin, nhưng khi tiêm chủng mRNA thì phụ nữ mang thai luôn bị loại khỏi các thử nghiệm lâm sàng ban đầu.

Tuy nhiên, tính đến ngày 30 tháng 8 năm 2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã báo cáo hơn 155.000 người đang mang thai tham gia tiêm chủng, điều này thu hút sự quan tâm về tính an toàn của vắc-xin mRNA khi đang mang thai. Các nghiên cứu trước đây đã cho biết là protein vỏ virus loại I và protein syncytin-1 ở người có đặc điểm cấu trúc tương tự nhau và đều liên quan đến sự hình thành nhau thai, đặc biệt là ở các vùng lặp lại heptad đầu N và C (Gong et al., 2005) . Một số người hoài nghi và phong trào chống tiêm chủng đã tuyên bố rằng kháng thể do vắc-xin mRNA (Abs) kháng protein đột biến (protein S) có thể phản ứng chéo với syncytin-1, dẫn đến kết quả bất lợi cho thai kỳ. Do đó, cần khẩn cấp xem xét lại những dữ liệu hạn chế và nghiên cứu lý thuyết để xây dựng các hướng dẫn lâm sàng, đồng thời giúp sáng tỏ thêm những tác động khác nhau của COVID-19 và vắc-xin đối với hệ sinh sản của con người.

2.1. Ảnh hưởng của COVID-19 đối với hệ sinh sản nam và nữ

Ai cũng biết rằng BTB bảo vệ các tế bào sinh tinh khỏi tác nhân gây bệnh khác nhau, nhưng viêm do COVID-19 gây ra có thể thay đổi tình trạng này, vì mức độ interleukin-6 cao có thể phá vỡ tính toàn vẹn của BTB và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự xâm nhập virus. Hơn nữa, tinh hoàn là một trong những mô có biểu hiện cao nhất của enzym chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2) mRNA (ACE2) và protein. Vì vậy, trong giai đoạn đầu của bệnh dịch này, một số người đã dự đoán rằng tinh hoàn có thể dễ bị nhiễm SARS-CoV-2. Thật vậy, một hoặc một vài đồng yếu tố, chẳng hạn như protease serine xuyên màng 2 (TMPRSS2), protease serine xuyên màng 4 (TMPRSS4),cathepsin B (CTSB) và cathepsin L (CTSL), là những protease thiết yếu cho quá trình phân cắt protein S, giúp virus xâm nhiễm vào tế bào dễ dàng.

Dựa vào thực tế là, proteinACE2 và TMPRSS2 biểu hiện ở vài tế bào sinh tinh duy nhất trong tinh hoàn (Stanley và cộng sự, 2020),  một số tác giả cho rằng tinh hoàn không chắc chắn là mục tiêu của SARS-CoV-2.Trong khi đó, nhóm nghiên cứu khác lại nói  protein ACE2 và CTSL cùng biểu hiện cao có thể làm tăng tính nhạy cảm  của tinh hoàn với viêm nhiễm (Kerslake và cộng sự, 2020).Do đó, liệu SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm sang hệ sinh sản nam giới hay không vẫn còn nhiều tranh cãi.

Bảng I tóm tắt các đặc điểm lâm sàng và kết quả phát hiện SARS-CoV-2 trong tinh dịch hoặc mô tinh hoàn của bệnh nhân bị nhiễm và phục hồi được đưa vào các nghiên cứu hiện tại (Holtmann và cộng sự, 2020; Kayaaslan và cộng sự, 2020; Li và cộng sự. , 2020; Pan và cộng sự, 2020; Song và cộng sự, 2020; Yang và cộng sự, 2020; Gacci và cộng sự, 2021; Guo và cộng sự, 2021; Ma và cộng sự, 2021; Ruan và cộng sự, Năm 2021).

Trong 210 bệnh nhân hồi phục lâm sàng, xét nghiệm tinh dịch đồ có tỷ lệ dương tính chỉ là 1,4%, thấp hơn 6,9% ở 58 bệnh nhân đang trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính. Kết quả này là dễ hiểu vì virus hết dần khi bệnh nhân hồi phục. Hơn nữa, đáng chú ý là ở những bệnh nhân có tinh dịch đồ dương tính thì thời gian từ khi phát bệnh hoặc khỏi bệnh đến khi lấy mẫu tinh dịch hầu hết là ngắn (khoảng 2-11 ngày), ngoại trừ một bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính sau 21 ngày hồi phục.

Ngoài ra, mặc dù tất cả các gen mục tiêu SARS-CoV-2 đều được phát hiện trong tinh dịch của bệnh nhân này, và sau khi phục hồi COVID-19  anh ta đã quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo và hậu môn không bảo vệ chỉ với một người, nhưng kiểm tra lại hầu họng, âm đạo và các mẫu gạc trực tràng của người đó kết quả đều âm tính (Gacci và cộng sự, 2021), điều đó cho thấy rằng sau khi khỏi COVID-19 bệnh nhân chỉ còn RNA của virus chứ không còn virus sống. Về phương diện xét nghiệm mô tinh hoàn, các dữ liệu thí nghiệm hiện có còn hạn chế.

Trong số các mẫu mô thu được từ 13 bệnh nhân đã chết vì COVID-19, thì SARS-CoV-2 chỉ được phát hiện trong một trường hợp có tải lượng virus cao. Ngoài tinh hoàn, phổi, thận và lá lách của bệnh nhân này cũng dương tính. Hơn nữa, các tác giả đã nói rằng lấy mẫu mô tinh hoàn có chứa mô sợi mạch (Li và cộng sự, 2020). Do đó, khả năng virus được phát hiện có trong máu chứ không phải trong mô tinh hoàn.

Tương tự, đối với kết quả dương tính trong tinh dịch, không thể loại trừ hoàn toàn xác suất nhiễm virus từ các nguồn không phải tinh dịch. Mặt khác, hầu hết các mẫu tinh dịch được thu thập bằng thủ dâm, nên có khả năng nhiễm virus trên lớp biểu bì. Thêm nữa, giọt và sol khí là hai con đường lây truyền chính của SARS-CoV-2. Không đậy kín ống ly tâm hoặc không đóng nắp trong quá trình thu mẫu thì mẫu ly tâm có thể bị nhiễm bẩn từ môi trường bên ngoài. Ngoài ra, phát hiện riêng gen mục tiêu N2 được coi là có khả năng tạo ra kết quả dương tính giả (Vogels và cộng sự, 2020). Nhìn chung, SARS-CoV-2 phát tán vào tinh dịch hoặc tinh hoàn là trường hợp hiếm gặp và ngay cả khi nó xảy ra, thì virus cũng không thể tồn tại trong một thời gian dài. 

Tuy nhiên, xem xét thực tế thấy nhiều bệnh nhân có tỷ lệ các triệu chứng khác nhau ở hệ thống sinh sản, chẳng hạn như khó chịu ở bìu (17,6%, 6/34), tổn thương ống bán kim (100,0%, 11/11), khả năng di chuyển của tinh trùng thấp (33,3%) , 4/12) và oligo-crypto-azoospermia (25,5%, 11/43) (Bảng I), ngay cả rủi ro nhỏ cũng không phải là không đáng kể. Hơn nữa, hầu hết các tỷ lệ đều cao hơn so với tỷ lệ dương tính với virus nêu trên. Do đó, có thể suy đoán rằng những bất thường này là do các nguyên nhân khác, chẳng hạn như tăng thân nhiệt và thiếu oxy dẫn đến rối loạn mạch máu và căng thẳng oxy hóa liên quan cơ quan, gây ra viêm mô tinh hoàn. Ngoài tổn thương tinh hoàn, nồng độ hormone bất thường cũng được thấy ở bệnh nhân nam, chẳng hạn như nồng độ LH cao và testosterone thấp (Ma và cộng sự, 2020), và nghiêm trọng hơn, ở nam giới bị COVID-19, nồng độ testosterone thấp hơn. và tăng tỷ lệ estradiol-testosterone được chứng minh là có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh, tình trạng viêm và tỷ lệ tử vong (Dhindsa và cộng sự, 2021).

Trong các bài báo trước đây, chúng tôi suy đoán SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm vào buồng trứng, tử cung và âm đạo, nhận diện và bám dính lên protease ACE2, do đó làm rối loạn chức năng sinh sản của phụ nữ, dẫn đến vô sinh và rối loạn kinh nguyệt (Jing và cộng sự, 2020). Tuy nhiên, một vài nghiên cứu trong cơ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng và vú người không thấy đồng biểu hiện protein ACE2 cùng proteáe TMPRSS2 vì nồng độ TMPRSS2 thấp (Nguyen và cộng sự, 2018; Goad và cộng sự, 2020). Nhưng trong trường hợp không có protein TMPRSS2, virus cũng có thể xâm nhập vào tế bào thông qua con đường nội bào, mà trong đó CTSL đóng một vai trò quan trọng (Kawase và cộng sự, 2012).

Hơn nữa, chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng đến biểu hiện gen của nội mạc tử cung. Ví dụ, Henarejos-Castillo và cộng sự (2020) nhận thấy rằng mức độ biểu hiện của các protease, chẳng hạn như TMPRSS2, TMPRSS4, CTSB và CTSL, tăng đáng kể từ giai đoạn chế tiết sớm đến giai đoạn trung tiết sau khi rụng trứng (Henarejos-Castillo và cộng sự, 2020). Chính vì vậy, làm cho hệ sinh sản nữ dễ bị viêm nhiễm. Cả ba nghiên cứu (Scorzolini và cộng sự, 2020; Barber và cộng sự, 2021; Schwartz và cộng sự, 2021) cũng đồng quan điểm, họ đều phát hiện ra virus SARS-CoV-2 trong gạc âm đạo. Tuy nhiên, tổng tác dụng phụ do COVID-19 gây ra cho hệ sinh sản nữ vẫn chưa rõ ràng. Chúng tôi chỉ biết rằng, một số bệnh nhân bị giảm lượng kinh nguyệt hoặc kéo dài chu kỳ(Li và cộng sự, 2021), điều này cho thấy buồng trứng bị ức chế làm thay đổi về hormone sinh dục. Ngoài ra, hiện tại chỉ mới nghiên cứu trên kích thước mẫu nhỏ và thời gian ngắn, nên cần khẩn trương nghiên cứu thêm và theo dõi để đánh giá tác động lâu dài của COVID-19.

2.2. Phụ nữ mang thai bị nhiễm SARS-CoV-2 và lây truyền dọc

Do tình trạng ức chế miễn dịch và sự thích nghi sinh lý trong thời kỳ mang thai (tăng tiêu thụ oxy, nâng cơ hoành do tử cung chèn ép, giảm tổng thể tích phổi, phù niêm mạc đường hô hấp, v.v.), nên phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm COVID hơn, không chịu được tình trạng thiếu oxy kéo dài so với người bình thường. Tuy nhiên, dữ liệu ban đầu không nhất quán cho thấy bệnh nhân mang thai có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn. Liu và cộng sự. (2020) báo cáo rằng tần suất nhập viện chăm sóc đặc biệt (ICU) hoặc thở máy là tương tự nhau giữa 21 phụ nữ có thai và 19 nhóm chứng không mang thai cùng độ tuổi (Liu và cộng sự, 2020). 

Kết quả như vậy có thể được quy cho, là do kích thước mẫu nhỏ và thời gian theo dõi ngắn, như dữ liệu tiếp theo từ bốn bệnh viện lớn ở Pháp và Bỉ thấy rằng thai phụ bị COVID-19 nhập viện nhiều hơn (58,2% so với 17,4%) và phải thở nội khí quản nhiều hơn (10,2% so với 1,7%) (Badr et al., 2020) so với nhóm chứng.

Tương tự, nghiên cứu trên 400.000 phụ nữ ở Hoa Kỳ trong độ tuổi từ 15 đến 44 có triệu chứng COVID-19,  thì người mang thai nhiều khả năng phải nhập viện ICU, đặt ống nội khí quản và tử vong (Zambrano và cộng sự, 2020). Ngoài ra, lớp nội mạc trong màng rụng nhau thai và nhung mao đệm đã biến đổi, biểu hiện huyết khối, nhồi máu và tái tạo thành mạch. Một số nghiên cứu đã báo cáo rằng đây là tình trạng bất thường mạch máu của thai nhi và mẹ, có thể liên quan đến thiểu ối, suy dinh dưỡng bào thai, sinh non hoặc thai chết lưu (Breslin và cộng sự, 2020; Chen và cộng sự, 2020; Knight và cộng sự, 2020; Pereira et al., 2020; Wu et al., 2020; Yan et al., 2020; Al-Matary et al., 2021; Damar Çakırca et al., 2021; Keita et al., 2021; Nayak et al., 2021 ; Sahin và cộng sự, 2021) (Bảng II). So với trường hợp mang thai không bị nhiễm, thì thai phụ bị nhiễm SARS-CoV-2 có tỷ lệ sinh mổ cao hơn, đặc biệt là ở Trung Quốc (gần 90%). Rõ ràng, ngoài các chỉ định sản khoa khác, lo ngại mang thai bị ảnh hưởng COVID-19 cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng này (Bảng II). 

Đáng chú ý, các thụ thể-protease khác nhau, bao gồm ACE2 + TMPRSS2, ACE2 + FURIN, basignin (BSG) + TMPRSS2, BSG + FURIN, dipeptidyl peptidase-4 (DPP4) + TMPRSS2 và DPP4 + FURIN đồng biểu hiện ở lớp trong lá nuôi và hợp bào lá nuôi (Singh và cộng sự, 2020). Hơn nữa, ở miếng gạc nhau thai hoặc màng lọc của bệnh nhân nữ nhiễm COVID-19 đếu phát hiện thấy SARS-CoV-2 RNA (Penfield và cộng sự, 2020). Nên các nghiên cứu đã cho thấy khả năng lây truyền dọc rất mạnh (Kulkarni và cộng sự, 2021). Tuy nhiên, cho đến nay tài liệu về nhiễm trùng tử cung do SARS-CoV-2 chỉ mang tính suy đoán cao, kết luận vẫn chưa rõ ràng. Một nghiên cứu báo cáo rằng trong số 212 mẫu, bao gồm 155 mẫu ngoáy họng, 19 phân, 19 nước tiểu và 19 mẫu dịch dạ dày từ 132 trẻ sơ sinh, tất cả đều âm tính với SARS-CoV-2 (Juan và cộng sự, 2020).

Tuy nhiên, tại hai bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc xét nghiệm thấy kháng thể IgM Abs tăng cao trong máu trẻ sơ sinh (Dong et al., 2020; Zeng et al., 2020). IgM không thể qua nhau thai do có cấu trúc phân tử lớn, nên có thể trẻ sơ sinh đã tạo ra kháng thể IgM sau khi tử cung bị nhiễm trùng. Xét nghiệm IgM là một cách để chẩn đoán nhiều bệnh nhiễm trùng bẩm sinh vì tính nhạy cảm của nó với kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả, phản ứng chéo và thách thức xét nghiệm bổ sung. Ví dụ, trong hội chứng rubella bẩm sinh, xét nghiệm IgM có thể cho kết quả dương tính giả vì loại bỏ không hoàn toàn IgG hoặc sự hiện diện của yếu tố dạng thấp (Cradock-Watson và cộng sự, 1980). Điều quan trọng nhất là trong năm qua, báo cáo chỉ có vài trường hợp nhiễm trùng sơ sinh trong tử cung. Do đó, hiện nay hầu hết các dữ liệu cho thấy nguy cơ lây truyền từ mẹ sang thai nhi có thể thấp. 

2.3. Ảnh hưởng của vắc-xin mRNA tới khả năng sinh sản ở người

Hiện tại, bằng chứng về tác động của vắc-xin COVID-19 mRNA đối với khả năng sinh sản của con người vẫn còn rất hạn chế. Rất may là hai nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả chủng ngừa BNT162b2 và mRNA-1273 đều không ảnh hưởng đến các thông số của tinh trùng, bao gồm nồng độ tinh trùng, khối lượng tinh dịch, khả năng di chuyển của tinh trùng, khối lượng tinh trùng và tổng số tinh trùng di động (Gonzalez et al., 2021; Safrai et al. ., 2021). Tương tự, đánh giá về sự hình thành nang noãn và chất lượng tế bào trứng không cho thấy bất kỳ sự khác biệt nào có thể đo lường được khi so sánh với những phụ nữ không được tiêm chủng (Bentov và cộng sự, 2021).

Hơn nữa, Orvieto và cộng sự (2021) báo cáo rằng nhiều thông số điều trị IVF, chẳng hạn như số lượng tế bào trứng, tế bào trứng trưởng thành được lấy lại, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phôi chất lượng hàng đầu (TQEs) trên mỗi tế bào trứng thụ tinh, không có sự khác biệt đáng kể giữa trước và sau tiêm chủng BNT162b2 (Orvieto và cộng sự, 2021): các nhà nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng nhiễm COVID-19 có thể dẫn đến tỷ lệ TQE thấp hơn đáng kể (Orvieto và cộng sự, 2021). Nhìn chung, những phát hiện ban đầu này đều cho rằng tiêm chủng sẽ không có bất kỳ tác dụng bất lợi đáng kể nào tới hệ sinh sản nam và nữ.

2.4. Ảnh hưởng của vắc-xin mRNA đối với phụ nữ mang thai và thai nhi

Bất chấp mối đe dọa nghiêm trọng của COVID-19 đối với phụ nữ mang thai, nhưng những lo ngại về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin mRNA vẫn khiến hầu hết nhóm này trì hoãn tiêm chủng. Như đã đề cập ở trên, protein SARS-CoV-2 S tương tự như protein syncytin-1 ở người. Tuy nhiên, điểm tương đồng rất ít, vì khi tìm kiếm ở những đoạn nhỏ tương đồng, chỉ thấy có hai đoạn axit amin giống hệt nhau (Kloc và cộng sự, 2021). Trên thực tế, có thể tìm thấy mức độ tương đồng khá thấp giữa protein S và bất kỳ loại protein khác trong cơ thể người. Hơn nữa, dựa vào đoạn ngắn liên kết axit amin liền kề để dự báo phản ứng dị ứng chéo là không đáng tin cậy. Nếu các cặp protein có tỷ lệ đồng nhất <35% với hơn 80 axit amin, thì các protein không phản ứng chéo ngay cả với các liên kết tiếp giáp tám axit amin (Herman và cộng sự, 2009). 

Điều này cũng được tác giả Lu-Culligan và Iwasaki (2021) phân tích trong huyết thanh của những phụ nữ bị COVID-19, không phát hiện thấy bất kỳ phản ứng nào của protein syncytin-1 với kháng thể Abs của bệnh nhân (Lu-Culligan và Iwasaki, 2021), quan trọng nhất là một số nghiên cứu gần đây đã chứng minh không có sự khác biệt về tỷ lệ cấy hoặc duy trì cấy ghép (âm thanh tim thai dương tính được ghi nhận bằng siêu âm qua ngã âm đạo tại hai thời điểm cách nhau ít nhất 1 tuần) giữa bệnh nhân nữ thông thường và bệnh nhân nữ đã được tiêm chủng BNT162b2 hoặc mRNA-1273 trước đó (Aharon và cộng sự ., 2021; Morris, 2021; Morris và cộng sự, 2021).

Lưu ý, cả hai vắc-xin COVID-19 mRNA (mRNA-1273 và BNT162b2) được cấp phép sử dụng khẩn cấp đều có thể tạo ra miễn dịch Th1, kích hoạt phản ứng interferon-γ + CD8 + tế bào T ở nam giới và phụ nữ không mang thai. Do kết quả thai kỳ thuận lợi phụ thuộc rất nhiều vào cân bằng đáp ứng miễn dịch tế bào Th1 và Th2  (Saito và cộng sự, 2010), nên điều này làm dấy lên lo ngại liệu tác động của vắc-xin lên hệ miễn dịch tế bào có gây nguy hiểm cho thai kỳ hay không. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu ở bệnh nhân tiêm chủng và bệnh nhân thường, kết quả báo cáo cho thấy biến chứng thai kỳ cũng như kết quả sản khoa bất thường đều có tỷ lệ thấp, chẳng hạn như sẩy thai và sinh non (Bookstein Peretz và cộng sự, 2021; Shimabukuro và cộng sự, 2021). Như thể hiện trong Bảng II, các bà mẹ được tiêm phòng có nguy cơ vỡ ối sớm (0,8% so với 8,3%), thai chết lưu (0,1% so với 1,0%) và sinh non (7,3% so với 21,4%) thấp hơn đáng kể so với những bà mẹ bị nhiễm COVID-19.

Các biến chứng ở trẻ sơ sinh (chẳng hạn như biến chứng hô hấp ở trẻ sơ sinh) là không có sự khác biệt giữa nhóm được tiêm chủng và nhóm không được tiêm chủng (Wainstock và cộng sự, 2021). Chúng tôi cũng nhận thấy tỷ lệ sẩy thai bất thường (4,1%) ở bệnh nhân COVID-19 (Bảng II). Điều này có thể một phần là do khi họ được chẩn đoán dương tính với COVID-19 thì xác suất họ nhận được sự quan tâm chăm sóc đặc biệt cao hơn.

Hơn nữa, cần phải lưu ý trong các nghiên cứu hiện tại có thể đánh giá thấp các nguy cơ do COVID-19 đối với thai phụ vì những lý do sau: thứ nhất, nhiễm trùng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng trong phần lớn các trường hợp, và thứ hai, hơn 63%. bệnh nhân được đang trong ba tháng cuối của thai kỳ (Bảng II), nhưng thường là khoảng 80% trường hợp sảy thai xảy ra trong ba tháng đầu.

Tác dụng và lợi ích của vắc-xin mRNA đối với phụ nữ mang thai là không thể bàn cãi. Sau 14 ngày, tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 ghi nhận ở nhóm phụ nữ mang thai được tiêm chủng BNT162b2 bắt đầu giảm đáng kể so với nhóm đối chứng mang thai không được tiêm chủng (Dagan và cộng sự, 2021). Hơn nữa, kháng thể Abs của người mẹ, dù được tạo ra sau viêm nhiễm hay tiêm chủng, đều có thể bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại sự lây nhiễm, nên thai phụ bớt chần chừ khi quyết định tiêm chủng. Các nghiên cứu trước đây đã báo cáo rằng ở những bệnh nhân bị nhiễm bệnh trong tam cá nguyệt thứ ba truyền kháng thể Abs đặc hiệu SARS-CoV-2 sang thai nhi bị suy giảm đáng kể (Edlow và cộng sự, 2020; Atyeo và cộng sự, 2021; Beharier và cộng sự, 2021 ). 

Thật may là thai phụ bị Covid trong tam cá nguyệt thứ hai vẫn có thể truyền kháng thể Abs đặc hiệu SARS-CoV-2 sang thai nhi mà không bị suy giảm. Tại thời điểm sinh nở, kháng thể Abs đặc hiệu của máu mẹ và máu dây rốn truyền sang con với tỷ lệ cao như ở những thai phụ đã hồi phục COVID-19 từ vài tháng trước đó (Beharier et al., 2021). Đây chính là độ trễ của quá trình truyền kháng thể Abs đặc hiệu S qua nhau thai, điều này có thể được sử dụng để giải thích các nghiên cứu mà trong đó thai phụ đều được tiêm vắc-xin BNT162b2 mRNA COVID-19 nhưng có tỷ lệ truyền kháng thể Abs khác nhau (Beharier và cộng sự, 2021; Rottenstreich và cộng sự ., 2021). Bắt đầu tiêm chủng sớm so với thời điểm sinh thì khả năng truyền kháng thể sang con với tỷ lệ cao hơn.

Nhận thấy rằng, kháng thể IgG của người mẹ có khả năng đi qua nhau thai  truyền cho con trong vòng 15 ngày sau khi tiêm liều vắc-xin mRNA BNT162b2 đầu tiên (Beharier và cộng sự, 2021), kháng thể Ab của mẹ truyền cho con qua nhau thai bắt đầu từ tuần thứ 17 đến tuần thứ 18, thời điểm tối ưu để người mẹ bắt đầu tiêm chủng là từ ba tháng đầu của thai kỳ thì trẻ sơ sinh sẽ có khả năng miễn dịch bẩm sinh với virus SARS-CoV-2. Tiêm vắc-xin đúng thời điểm là cách tốt nhất để bảo vệ cả bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây cho thấy những thai phụ tiêm vắc-xin ho gà, cúm, rubella và viêm gan B, trẻ sinh ra có mức Ab đạt yêu cầu, nhưng kháng thể Abs của mẹ truyền cho con qua nhau có tỷ lệ thấp hơn so với những thai phụ được tiêm chủng trong tam cá nguyệt thứ ba (Rottenstreich và cộng sự, 2021). Ngoài ra, kháng thể Abs từ sữa mẹ truyền cho con không hiệu quả  bằng kháng thể Abs trong màng nuôi bào thai, nên phụ nữ mang thai trong tam cá tam cá nguyệt thứ ba cũng cần chủng ngừa COVID-19, đặc biệt những thai phụ sống ở vùng dễ lây nhiễm hoặc họ là nhân viên y tế tuyến đầu.

3. Kết luận

Bệnh COVID-19 có thể đe dọa hệ sinh sản của cả nam và nữ. Vi rút SARS-CoV-2 có trong âm đạo và nhau thai làm suy giảm khả năng sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên, mặc dù virus cũng đã được phát hiện trong tinh dịch hoặc mô tinh hoàn, nhưng liệu nó có thể lây nhiễm sang hệ sinh sản nam hay không thì vẫn còn gây tranh cãi vì trong tinh dịch tỷ lệ dương tính cực kỳ thấp với virus SARS-CoV,  ngoài ra trong quá trình xét nghiệm còn có xác suất lây nhiễm từ các nguồn không phải tinh dịch. Hơn nữa, ngay cả khi nhiễm SARS-CoV xảy ra, virus không thể tồn tại trong một thời gian dài. Vì vậy, nhiều bệnh nhân nam biểu hiện các triệu chứng khác nhau ở hệ sinh sản có thể là do nguyên nhân khác, chẳng hạn như tăng thân nhiệt và thiếu oxy. Điều đáng chú ý là cần nghiên cứu sâu hơn mối liên hệ giữa mức độ nghiêm trọng của bệnh, nồng độ testosterone thấp hơn và tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nam giới, qua đó làm rõ liệu testosterone có thể được sử dụng để phân tầng nguy cơ hay không, liệu bổ sung hoặc thậm chí tăng testosterone có thể cải thiện kết quả lâm sàng hay không .

Ngoài ra, thai phụ có nguy cơ bị mắc COVID-19 nặng hơn so với phụ nữ không mang thai ở cùng độ tuổi, đồng thời thai phụ bị nhiễm Covid-19 phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn thai phụ không bị nhiễm Covid-19. May là, bằng chứng hiện tại vẫn cho thấy nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang thai nhi thấp, nhưng bất kỳ trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 nào trong thời kỳ mang thai vẫn cần phải sàng lọc một cách có hệ thống, cần chăm sóc thật tốt trước, trong và sau khi sinh con, cả mẹ và con cần được theo dõi lâu dài.

Các hướng dẫn gần đây của CDC khuyến cáo tiêm vắcxin COVID-19 mRNA cho tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên, gồm cả những phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc đang cố gắng mang thai, Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới cũng đưa ra kết luận tương tự.

Tuy nhiên, những người không ủng hộ tiêm chủng vẫn cho rằng không có đủ dữ liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin, tiêm chủng quy mô lớn có thể dẫn đến một số vấn đề chưa từng có. Phải thừa nhận rằng dữ liệu về vắc-xin COVID-19 mRNA không đầy đủ khi so sánh với các vắc-xin truyền thống dựa trên các nghiên cứu dài hạn với các mẫu lớn.

Tuy nhiên, tổng hợp bằng chứng cho thấy các tác dụng phụ nghiêm trọng do vắc-xin mRNA gây ra là rất hiếm, sau khi tiêm chủng phụ nữ hoặc nam giới đều không gặp vấn đề về khả năng sinh sản. Phụ nữ mang thai cần được tiêm phòng bởi lợi ích của việc tiêm phòng đối với phụ nữ mang thai lớn hơn rất nhiều những rủi ro tiềm ẩn, mặc dù độ bền của kháng thể Abs truyền từ mẹ làm tăng khả năng miễn dịch ở trẻ sơ sinh là một vấn đề chưa được giải quyết. Quan trọng nhất, không nên so sánh từng tác dụng phụ tiềm ẩn của việc tiêm chủng với mức độ nguy hiểm, bùng phát và lây lan nhanh chóng của dịch bệnh COVID-19 tác động đến sức khỏe con người. Theo đánh giá của chúng tôi, từ góc độ sinh sản, rõ ràng tiêm vắc-xin là một lựa chọn khôn ngoan thay vì phải chịu đựng những rủi ro do nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, trước sự xuất hiện của nhiễm trùng đột phá vắc-xin, mỗi người, đặc biệt là phụ nữ mang thai, nên tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn ngay cả khi đã tiêm vắc-xin.

facebook
82

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên gia

tra-cuu-thuoc

THÔNG TIN THUỐC

TRA CỨU NGAY