Bệnh gan bí ẩn ở trẻ và những điều cần biết
Kể từ sau thông báo về chuỗi ca bệnh viêm gan không rõ bệnh nguyên ở trẻ sơ sinh ở Vương quốc Anh và Bắc Ireland được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào ngày 15 tháng Tư năm 2022, ngày càng có nhiều báo cáo ca tương tự được ghi nhận từ khắp các quốc gia trên thế giới. Tính đến ngày 21 tháng Tư năm 2022, có tối thiểu 169 trường hợp viêm gan cấp không rõ nguyên nhân được báo cáo từ 11 quốc gia (ở Châu Âu và Châu Mỹ). Các trường hợp được ghi nhận có độ tuổi từ 1 tháng tuổi – 16 tuổi. Trong đó có 17 trẻ cần được cấy ghép gan và 1 trẻ bị tử vong.
1. Phân tích từ những dữ liệu ban đầu về bệnh gan ở trẻ
Nội dung bài viết
Triệu chứng lâm sàng điển hình là viêm gan cấp tính kèm tăng nồng độ men gan. Một số trẻ có biểu hiện các triệu chứng trên đường tiêu hóa bao gồm đau bụng, tiêu chảy và nôn. Đa số trẻ đều không có biểu hiện sốt. Virus thường gặp gây viêm gan cấp như virus viêm gan A, B, C, D và E đều không được phát hiện ở tất cả các trường hợp được báo cáo. Dựa vào dữ liệu hiện có, du lịch quốc tế hay mối liên kết giữa các quốc gia chưa được xem là một yếu tố nguy cơ.
2. Những điều bác sĩ lâm sàng nên biết về bệnh gan ở trẻ
Adenovirus được phát hiện ở tối thiểu 74 ca bệnh (trong đó 18 trường hợp được nhận định là adenovirus F type 41). Có 20 trường hợp được xác nhận mắc SARS-CoV-2, trong đó có tới 19 trường hợp đồng mắc SARS-CoV-2 và adenovirus.
Tại Vương quốc Anh, ở cùng thời điểm phát hiện nhiều ca bệnh viêm gan cấp không rõ bệnh nguyên cũng báo cáo sự gia tăng số trường hợp nhiễm adenovirus trong cộng đồng, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Hà Lan.
Cho tới thời điểm hiện tại, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ, tuy adenovirus được phát hiện ở một số trường hợp tuy nhiên vẫn chưa thể đưa ra kết luận liệu adenovirus có phải là nguyên nhân gây bệnh. Adenovirus là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nhiễm trùng. Adenovirus có thể lây nhiễm từ người sang người và là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh lý trên đường hô hấp, tuy nhiên một số adenovirus khác có thể gây cả những bệnh lý trên đường tiêu hóa như nhiễm trùng dạ dày hoặc ruột, viêm kết mạc, viêm bàng quang. Có khoảng hơn 50 loại adenovirus có thể gây bệnh nhiễm trùng ở trên người. Adenovirus 41 điển hình gây tiêu chảy, nôn, sốt và có thể gây kèm cả những biểu hiện trên đường hô hấp.
Đã có một số báo cáo ca về việc adenovirus gây viêm gan cấp ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch, tuy nhiên cho đến nay adenovirus 41 vẫn chưa được ghi nhận gây viêm gan ở trẻ em khỏe mạnh.
So với những bệnh lý nhi khoa khác, tình trạng gia tăng số lượng trẻ bị viêm gan cấp không rõ bệnh nguyên được xem là đáng quan tâm hơn cả vì số tình trạng này xảy ra sau đại dịch COVID-19. Khi quản lý những trường hợp viêm gan cấp không rõ bệnh nguyên ở trẻ, bác sĩ điều trị nên chuyển trẻ tới chuyên khoa tiêu hóa hoặc chuyên khoa gan để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh (bệnh viêm gan tự miễn hoặc bệnh lý chuyển hóa đặc biệt khác). Hơn nữa, diễn biến bệnh có thể trở nên phức tạp. Với dữ liệu hiện có, vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây bệnh, nhưng số ca phát hiện adenovirus ngày càng gia tăng, vì vậy nên tiến hành xét nghiệm adenovirus bằng mẫu máu toàn phần hơn là plasma (để gia tăng độ nhạy). WHO cũng đưa ra khuyến cáo tương tự. Tuy nhiên, bên cạnh đó WHO cũng khuyến cáo nên làm xét nghiệm trên cả mẫu huyết thanh, nước tiểu, mẫu phân và bệnh phẩm đường hô hấp.
3. Bàn luận
Có rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp xung quanh vấn đề viêm gan cấp không rõ bệnh nguyên ở trẻ. Liệu đây có phải là một dạng bệnh lý mới? Liệu mức độ nhạy cảm với bệnh có liên quan đến SARS-CoV-2? Liệu bệnh lý này có liên quan đến biến thể SARS-CoV-2 mới?
Tài liệu tham khảo
- WHO. Multi-Country – Acute, severe hepatitis of unknown origin in children. Updated 23 Apr 2022. Accessed date 15 Jun 2022. URL: https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2022-DON376
- CDC. Children with Hepatitis of unknown cause. Updated 07 Jun 2022. Accessed date 15 Jun 2022. URL: https://www.cdc.gov/ncird/investigation/hepatitis-unknown-cause/overview-what-to-know.html
- William F. Balistreri. Alarming Global Rise in Pediatric Hepatitis: Expert Q&A. Medscape. Updated 05 May 2022. Accessed date 15 Jun 2022. URL: https://www.medscape.com/viewarticle/973461