Vai trò của Levofloxacin trong ngăn ngừa lao đa kháng tại Việt Nam
Bài nghiên cứu trên tạp chí The New England Journal of Medicine về vai trò của kháng sinh Levofloxacin trong ngăn ngừa lao đa kháng tại Việt Nam
Tác giả: Greg J. Fox, Ph.D., Nguyen Viet Nhung, Ph.D., Nguyen Cam Binh, Ph.D., Nguyen Binh Hoa, Ph.D., Frances L. Garden, Ph.D., Andrea Benedetti, Ph.D., Pham Ngoc Yen, M.Sc., Nguyen Kim Cuong, Ph.D., Emily L. MacLean, Ph.D., H. Manisha Yapa, Ph.D., David W. Dowdy, Ph.D., Nguyen Huu Lan, M.D., Elyse Guevara-Rattray, M.I.P.H., Pham Duc Cuong, B.A., Ori Solomon, Ph.D., Marcel A. Behr, M.D., Ben J. Marais, Ph.D., Steven M. Graham, Ph.D., Dick Menzies, M.D., Nguyen Thu Anh, Ph.D., Guy B. Marks, Ph.D.
Nguồn và thời gian đăng báo
- The New England Journal of Medicine, Tập 392, Số 23 (2025): 2390–2391
- Ngày đăng: 12/18/2024
- DOI: 10.1056/NEJMc2502735
Tổng quan và Mục tiêu
Nội dung bài viết
Ngăn ngừa lao kháng thuốc, đặc biệt là lao đa kháng (MDR-TB), là một ưu tiên sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đánh giá hiệu quả dự phòng bằng kháng sinh cho người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao đa kháng vẫn còn hạn chế. Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả của levofloxacin trong việc phòng ngừa lao ở nhóm có nguy cơ cao tại Việt Nam.
Phương pháp
Đây là một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược, so sánh hiệu quả của levofloxacin liều theo cân nặng dùng hàng ngày trong 6 tháng so với giả dược ở người tiếp xúc gần trong hộ gia đình với bệnh nhân lao kháng rifampicin hoặc lao đa kháng.
Người tham gia đủ điều kiện bao gồm người ở mọi độ tuổi có xét nghiệm tuberculin dương tính hoặc bị suy giảm miễn dịch. Tiêu chí đánh giá chính là tỷ lệ mắc lao được xác nhận bằng vi sinh trong vòng 30 tháng. Các tiêu chí phụ gồm tác dụng phụ cấp độ 3 hoặc 4, tử vong do mọi nguyên nhân và tình trạng kháng thuốc mắc phải.
Kết quả
Trong tổng số 3.948 người được sàng lọc, có 61 trường hợp (1,5%) mắc lao đồng hiện (chẩn đoán trước khi phân nhóm). 2.041 người được phân nhóm ngẫu nhiên và theo dõi, trong đó 1.995 người (97,7%) hoàn thành thời gian theo dõi 30 tháng.
Tỷ lệ mắc lao xác nhận bằng vi sinh là 0,6% ở nhóm dùng levofloxacin và 1,1% ở nhóm dùng giả dược (tỷ lệ hiện mắc: 0,55; khoảng tin cậy 95%: 0,19–1,62), không có ý nghĩa thống kê.
Tác dụng phụ cấp độ 3 hoặc 4 không khác biệt đáng kể giữa hai nhóm (chênh lệch nguy cơ: 1,0%; khoảng tin cậy 95%: −0,3 đến 2,4). Tuy nhiên, các tác dụng phụ ở mọi mức độ được báo cáo cao hơn ở nhóm dùng levofloxacin (31,9% so với 13,0%; chênh lệch nguy cơ: 18,9%; khoảng tin cậy 95%: 14,2–23,6). Không ghi nhận trường hợp kháng fluoroquinolone mắc phải nào.
Kết luận
Việc sử dụng levofloxacin trong dự phòng lao ở người tiếp xúc gần có nguy cơ cao tại Việt Nam giúp giảm nhẹ tỷ lệ mắc lao sau 30 tháng, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tác dụng phụ xảy ra với tỷ lệ cao hơn ở nhóm điều trị chủ động, nhưng không có thêm kháng thuốc mắc phải.
Người biên soạn:
BSNT. BSCKI. Nguyễn Duy Nghĩa
Viện Khoa Học Sức Khỏe, Đại học VinUni
Bệnh viện Vinmec Smart City