MỚI

Hướng dẫn thực hiện quy trình định lượng Bilirubin toàn phần (BIL.T) trên máy AU5800

Ngày xuất bản: 30/06/2022

Mô tả: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn định lượng Bilirubin toàn phần (BIL.T) trên máy AU5800

Người thẩm định: Nguyễn Gia Bình

Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm

Ngày phát hành: 20/01/2022

1. Mục đích
1.1. Mục đích của quy trình

1.2. Mục đích định lượng Bilirubin toàn phần (BIL.T) trên máy AU5800
Định lượng Bilirubin toàn phần giúp:

  • Chẩn đoán các bệnh lý gan mật như: tắc mật, teo đường mật bẩm sinh, viêm gan… và tình trạng tan máu.
  • Theo dõi hiệu quả của điều trị chiếu đèn cho trẻ sơ sinh bị vàng da.

2. Phạm vi áp dụng

  • Xét nghiệm định lượng Bilirubin toàn phần (Bil.T) trong huyết tương của máu được chống đông bằng heparin lithium, EDTA hoặc huyết thanh tại khoa Xét nghiệm trên máy AU5800.

3. Trách nhiệm

  • Lãnh đạo đơn nguyên Hóa sinh có trách nhiệm giám sát nhân viên thực hiện.
  • Tất cả nhân viên xét nghiệm được phân quyền, đã được đào tạo thực hiện xét nghiệm theo quy trình.

4. Định nghĩa – Viết tắt  
4.1. Định nghĩa:
Bil T: Bilirubin là sản phẩm thoái giáng của hemoglobin. Do khả năng tan trong nước kém, bilirubin dạng không liên hợp (bilirubin gián tiếp) được vận chuyển đến gan nhờ albumin. Bên trong tế bào gan, chất này nhanh chóng kết hợp với acid glucuronic để tạo thành mono bilirubin – và diglucuronide (bilirubin trực tiếp), sau đó, các chất này được bài tiết trong dịch mật cùng với tất cả các thành phần bình thường khác của dịch. Bilirubin toàn trong phần huyết thanh bao gồm bilirubin gián tiếp (chiếm 70%) và bilirubin trực tiếp (chiếm 30%).
4.2. Chữ viết tắt:

  • Bil T: Total Bilirubin.
  • EQA: (External Quality Assurance): Ngoại kiểm.
  • GTSD: Giá trị sử dụng.
  • HSD: Hạn sử dụng.
  • IQC: (Internal Quality Control): Nội kiểm tra chất lượng. 
  • LOQ: (Limit of Quantitation): Giới hạn định lượng.
  • NSX: Nhà sản xuất.
  • PXN: Phòng xét nghiệm.
  • QC: (Quality Control): Kiểm soát chất lượng.

  5. Chuẩn bị người bệnh/Mẫu bệnh phẩm
5.1. Chuẩn bị người bệnh

  • Có thể lấy máu bất kỳ thời điểm nào trong ngày, tốt nhất là nhịn ăn trước lấy máu 12h.
  • Ngừng tất cả các hình thức vận động nặng 24 giờ trước khi lấy máu.
  • Trong trường hợp lấy máu để xây dựng khoảng tham chiếu thì ngoài các chú ý trên còn cần chú ý: không dùng bất cứ thuốc gì trước khi lấy máu.

5.2. Loại mẫu bệnh phẩm

  • Sử dụng huyết tương chống đông bằng Heparin lithium, EDTA hoặc huyết thanh.
  • Huyết thanh/huyết tương ổn định 7 ngày ở 2-8°C và trong 1 ngày ở 15-25°C trong điều kiện không tiếp xúc với ánh sáng.

5.3. Loại dụng cụ chứa mẫu bệnh phẩm

  • Ống không chứa chất chống đông, ống chứa chất chống đông Heparin lithium, EDTA.

quy trình định lượng Bilirubin toàn phần
Hướng dẫn thực hiện quy trình định lượng Bilirubin toàn phần (BIL.T) trên máy AU5800

6. Trang thiết bị
6.1. Trang thiết bị

  • Máy hóa sinh tự động AU5800.
  • Máy ly tâm, Micropipette.

6.2. Thuốc thử

Tên hóa chấtNhiệt độ bảo quảnNhiệt độ sử dụngHSD sau mở nắp
Thuốc thử định lượng Bil T (Beckman Coulter).2-8 ℃, tránh ánh sáng4-12 ℃ (on board) (*)90 ngày
Huyết thanh nội kiểm mức 1 and 2: Human Assayed Control 2 & 3 (Randox)-20 ℃ sau khi hoàn nguyên Nhiệt độ phòngChỉ rã đông một lần: Sử dụng trong vòng 2 giờ sau rã đông.
Chất hiệu chuẩn (Olympus system calibrator Cat. No.66300)-20 ℃ sau khi hoàn nguyênNhiệt độ phòngChỉ rã đông một lần: Sử dụng trong vòng 2 giờ sau rã đông.
Nước cất, nước muối sinh lýNhiệt độ phòngNhiệt độ phòng7 ngày

(*) Nhiệt độ onboard là nhiệt độ của buồng đựng thuốc thử định lượng trên máy.

     6.3. Vật tư tiêu hao

  • Găng tay, khẩu trang, Hitachi cup, đầu côn, giấy in.

7. Nguyên tắc/ nguyên lý của quy trình
Bil T trong máu được định lượng theo phương pháp đo màu. Muối diazoni dạng ổn định, 3,5-diclorophenyldiazoni tetrafluoroborat (DPD), phản ứng trực tiếp với bilirubin liên hợp và bilirubin tự do khi có mặt chất gia tốc để tạo thành azobilirubin. Độ hấp thụ ở bước sóng 540nm tỉ lệ với nồng độ bilirubin toàn phần trong mẫu. Cần thực hiện xét nghiệm với mẫu trắng tách biệt để giảm ảnh hưởng của các yếu tố gây nhiễu nội sinh trong huyết thanh.                          
Caffeine
Bilirubin + DPD ———————–>  Azobilirubin                           Surfactant
8. Nguyên tắc an toàn

  • Không được để hóa chất tiếp xúc trực tiếp với mắt và da.
  • Luôn đeo găng khi xử lý mẫu bệnh phẩm và làm xét nghiệm.
  • Khử khuẩn bề mặt nơi làm việc, xử lý rác bệnh phẩm theo quy định an toàn PXN.

9. Các bước thực hiện quy trình

  • Bước 1: Chuẩn bị máy sinh hóa tự động AU5800: chuẩn xét nghiệm (nếu cần) và tiến hành nội kiểm tra chất lượng (chạy QC) cho xét nghiệm Bil T.
  • Bước 2: Nhận mẫu bệnh phẩm từ các khoa lâm sàng, mẫu khám sức khỏe ngoại viện… và ký nhận bệnh phẩm.
  • Bước 3: Kiểm tra thông tin (họ tên, ngày tháng năm sinh) SID (sample ID) phải khớp nhau, kiểm tra thông tin trên phiếu chỉ định của bác sĩ lâm sàng, vào sổ, với hệ thống eHos nhập chỉ định vào hệ thống mạng Labconn; với hệ thống OH nhận mẫu trên OH.
  • Bước 4: Ly tâm mẫu bệnh phẩm trong 5 phút với vận tốc 5400 g(RCF)/ phút. Sau ly tâm, kiểm tra tình trạng bệnh phẩm. Nếu mẫu lưu ở 2- 8°C: cần trộn đều mẫu trước khi tiến hành xét nghiệm.
  • Nếu vỡ hồng cầu và thiếu mẫu: Đề nghị khoa lâm sàng lấy lại mẫu khác, ghi sổ về tình trạng mẫu vỡ hồng cầu, mẫu bị thiếu thể tích.
  • Nếu huyết thanh (ống đỏ) bị đông dây, cẩn thận dùng đầu côn vàng khuấy nhẹ để tách sợi đông và tiến hành ly tâm lại.
  • Bước 5: Đặt ống bệnh phẩm đã được ly tâm vào rack bệnh phẩm trên giàn tự động (rack xanh dương) và khởi động giàn nhận mẫu tự động. Có thể chạy mẫu trực tiếp từ khay cấp cứu trên máy AU5800 theo quy trình chạy mẫu ở khay cấp cứu AU5800.
  • Bước 6: Vận hành máy theo quy trình vận hành máy AU5800.
  • Bước 7: Duyệt kết quả trên phần mềm Labconn.

Kết quả bình thường: Duyệt kết quả và lưu kết quả trên mạng nội bộ của viện đồng thời in kết quả và trình người có thẩm quyền ký duyệt trước khi trả.
Kết quả bất thường: Khi kết quả quá thấp không đo được < 0.2 μmol/L phải kiểm tra lại mẫu bệnh phẩm (bệnh phẩm có quá ít, có đông, có nhầm lẫn bệnh phẩm, huyết thanh có đục, có bọt không…). Chạy lại mẫu.

  • Kết quả cao hơn hoặc bằng giá trị báo động trả kết quả theo quy trình trả kết quả báo động của khoa Xét nghiệm bệnh viện đa khoa quốc tế VINMEC.
  • Khi phát hiện lỗi cảnh báo ngoài khoảng tuyến tính trên màn hình máy, thực hiện kiểm tra lại chất lượng mẫu để loại trừ sai sót do mẫu bị hỏng, kiểm tra lại chất lượng xét nghiệm (QC). Sau khi đã loại trừ các nguyên nhân dẫn đến sai sót chủ quan, tiến hành phân tích lại mẫu. Nếu kết quả vẫn < 0,2 μmol/L (rất hiếm gặp) sẽ được trả là “< 0,2 μmol/L”. Nếu kết quả trên > 513 μmol/L (30 mg/dL) sẽ được trả là > 513 μmol/L (30 mg/dL).

10.Kiểm soát chất lượng
10.1. Hiệu chuẩn:

  • Dựng đường chuẩn trên máy AU5800.
  • Tần suất hiệu chuẩn:
  • Hiệu chuẩn lại xét nghiệm sau mỗi 21 ngày.
  • Chuẩn lại khi thay đổi Lot hóa chất, giá trị QC ngoài dải hoặc có các thay đổi (shift) có ý nghĩa.
  •  Khi có các bảo trì, thay thế các vật tư quan trọng như bóng đèn, cuvette…

10.2. Nội kiểm tra chất lượng (IQC)

  • Thực hiện theo quy trình kiểm soát chất lượng.
  • Tần suất QC: QC đầu ngày ít nhất 2 mức nồng độ trước khi tiến hành phân tích mẫu bệnh phẩm. QC khi có sự nghi ngờ tính chính xác của kết quả trên mẫu bệnh phẩm, QC sau khi bảo trì bảo dưỡng máy, sau khi chuẩn xét nghiệm.

10.3. Ngoại kiểm (EQA)

  • Tham gia chương trình ngoại kiểm hóa sinh (Randox, CAP…) theo quy trình Ngoại kiểm tra chất lượng

11. Diễn giải và báo cáo kết quả
11.1. Khoảng tham chiếu:

  • Người lớn: 5 – 21 μmol/L (0,3 – 1,2 mg/dL)
  • Trẻ em:

          0 – 1 ngày tuổi 24 – 149 μmol/L (1,4 – 8,7 mg/dL)           1 – 2 ngày tuổi 58 – 197 μmol/L (3,4 – 11,5 mg/dL)           3 – 5 ngày tuổi 26 – 205 μmol/L (1,5 – 12,0 mg/dL)
11.2. Giá trị báo động:

  • Không áp dụng

11.3. Khoảng tuyến tính

  • NSX           0 – 513 μmol/L (0 – 30 mg/dL).

11.4. Mức độ pha loãng và khoảng báo cáo:

  • Không áp dụng

11.5. Ý nghĩa lâm sàng

  • 80 – 85% lượng bilirubin sinh ra hàng ngày có nguồn gốc từ hemoglobin – giải phóng bởi sự ly giải của các tế bào hồng cầu già, 15 – 20% lượng còn lại có nguồn gốc từ sự thoái hóa của các protein chứa nhân Hem như myoglobin, cytochrom, catalase và từ tủy xương do quá trình tạo hồng cầu không hiệu quả. Một số bệnh gây ảnh hưởng tới một hoặc nhiều bước trong quy trình sản xuất, hấp thụ, lưu trữ, chuyển hóa và đào thải bilirubin. Phụ thuộc vào nguyên nhân chủ yếu gây tăng bilirubin máu là do các rối loạn liên quan tới bilirubin liên hợp, tự do hay cả hai mà tình trạng tăng bilirubin máu được phân thành các loại sau:
  • Vàng da trước gan: Những bệnh có nguyên nhân trước gan, chủ yếu gây tăng bilirubin tự do trong máu, bao gồm thiếu máu tan máu (corpuscular haemolytic anemia), ví dụ như bệnh thalassemia và thiếu máu hồng cầu hình liềm; thiếu máu tan máu ngoài hồng cầu (extracorpuscular haemolytic anemia), ví dụ như phản ứng truyền máu do không hòa hợp nhóm máu ABO và Rh; bệnh vàng da sơ sinh và bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh.
  • Vàng da tại gan: Những bệnh có nguồn gốc tại gan, chủ yếu gây tăng bilirubin liên hợp trong máu, bao gồm viêm gan virus cấp và mạn tính, xơ gan và ung thư tế bào gan.
  • Vàng da sau gan: Những bệnh có nguồn gốc sau gan, chủ yếu gây tăng bilirubin liên hợp trong máu, bao gồm ứ mật ngoài gan và thải ghép gan.
  • Các trường hợp tăng bilirubin máu bẩm sinh mạn tính bao gồm tăng bilirubin tự do trong hội chứng Crigler-Najjar và hội chứng Gilbert, tăng bilirubin liên hợp trong hội chứng Dubin- Johnson và hội chứng Rotor. Chứng tăng bilirubin mạn tính bẩm sinh và các loại bệnh bilirubin mắc phải được phân biệt dựa trên việc định lượng các đoạn bilirubin và phát hiện hoạt độ enzyme gan bình thường.

11.6. Kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng/gây nhiễu

  • Tan huyết:       Mức độ gây nhiễu nhỏ hơn 10% với nồng độ hemoglobin lên tới 0,45g/L
  • Mẫu nhiễm mỡ: Mức độ gây nhiễu nhỏ hơn 10% với nồng độ Intralipid (Soybean oil – lipid truyền tĩnh mạch) lên tới 1000 mg/dL                     

12. Các ghi chú bổ sung:

  • Không được để hóa chất, QC, Calibrator, dịch rửa cạn kiệt.
  • Các nguồn biến thiên tiềm tàng:
  • Do huyết tương đục.
  • Do hóa chất hết hạn onboard.
  • Do thao tác không đúng quy trình.

13. Lưu trữ hồ sơ: Không áp dụng.
14. Tài liệu tham khảo

  • BoA: Tiêu chuẩn ISO 15189:2012 (TCVN ISO 15189:2014): Phòng thí nghiệm Y tế
  • Yêu cầu cụ thể về chất lượng và năng lực.
  • BoA: ARLM 03 (01/2020) – Yêu cầu bổ sung đánh giá phòng xét nghiệm Y tế của Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA), Bộ Khoa học và Công nghệ.
  • Bộ Y tế: Quyết định 5530/QĐ-BYT ban hành 25/12/2015 “về việc hướng dẫn xây dựng quy trình thực hành chuẩn trong quản lý chất lượng xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh”.
  • Bộ Y Tế-2012: Hướng dẫn quy trình kỹ thuật hóa sinh.
  • Beckman Coulter: AU5800 User’s guide.
  • Beckman Coulter: Instruction For Use-Total Bilirubin.

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
265

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên gia