Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn điều trị và chăm sóc người bệnh hoá trị ung thư
Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn điều trị và chăm sóc người bệnh hoá trị ung thư
Người thẩm định : Đoàn Trung Hiệp
Người phê duyệt : Phùng Nam Lâm
Ngày hiệu chỉnh: 17/06/2020
1. Mục đích
- Giúp cho nhân viên nắm được quy trình điều trị người bệnh hóa trị liệu.
- Thống nhất trong cách điều trị và chăm sóc cho người bệnh.
- Phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng, tác dụng phụ có thể xảy ra.
2. Quy định chung
- Các nhân viên tham gia công việc hóa trị cần có chứng chỉ hành nghề phù hợp với lĩnh vực làm việc, có chứng nhận đã được đào tạo về công việc liên quan đến hóa trị theo quy trình của bệnh viện.
- Luôn có mặt trong khu vực đang tiến hành hóa trị tối thiểu 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng, đã đào tạo về hồi sinh tim phổi cơ bản để xử trí ngay khi có sự cố liên quan.
- Bệnh nhân hóa trị có thể tiếp cận với bác sĩ hoặc điều dưỡng ung bướu qua đường dây nóng của khoa hoặc bệnh viện trong trường hợp gặp tác dụng phụ hóa trị không biết cách xử trí 24 giờ mỗi ngày, tất cả các ngày trong tuần.
3. Quy trình
3.1. Trước khi điều trị
3.1.1. Hồ sơ bệnh án cần có tối thiểu các yếu tố sau:
- Xác nhận giải phẫu bệnh, hoặc đủ tiêu chuẩn chẩn đoán theo hướng dẫn lâm sàng. Chẩn đoán giải phẫu bệnh phải tương hợp bệnh cảnh lâm sàng. Cần có hội chẩn liên chuyên khoa trước khi tiến hành điều trị.
- Giai đoạn bệnh ban đầu và tình trạng lâm sàng hiện tại.
- Bệnh sử, khám toàn diện, tình trạng mang thai (nếu áp dụng).
- Tình trạng dị ứng, nhạy cảm thuốc.
- Đánh giá tình trạng hiểu rõ của bệnh nhân và người nhà về chẩn đoán và kế hoạch hoá trị, chi phí. Cam kết đồng ý hóa trị được ký lưu trong hồ sơ trước khi tiến hành hóa trị.
- Đánh giá ban đầu về tâm lý xã hội. Kế hoạch bảo tồn tinh trùng, trứng đối với người bệnh trẻ, người bệnh còn mong muốn sinh con sau hoá trị.
- Kế hoạch hoá trị được lưu ngay sau kế hoạch chăm sóc và điều trị trong mục bệnh án (kế hoạch hóa trị mẫu trong phụ lục 1). Kế hoạch hóa trị bao gồm tối thiểu các yếu tố sau:
- Tên bệnh nhân.
- Hai thông số để định danh bệnh nhân.
- Ngày kê toa.
- Tên phác đồ hóa trị .
- Số chu kỳ và ngày của chu kỳ.
- Tất cả các loại thuốc trong đơn hóa trị được liệt kê bằng cách sử dụng tên hoạt chất đầy đủ.
- Liều thuốc được viết theo đúng các quy định cho chữ viết tắt.
- Việc tính toán liều thuốc, bao gồm:
+ Phương pháp tính toán. + Các biến số được sử dụng để tính toán liều lượng. + Tần suất mà các biến số được đánh giá lại (creatinine, cân nặng,…). + Những thay đổi xét nghiệm cần xác nhận lại liều lượng thuốc. Ngày thực hiện thuốc.
- Đường sử dụng thuốc (tiêm, truyền, dưới da).
- Dị ứng.
- Các điều trị, chăm sóc hỗ trợ phù hợp với phác đồ hóa trị này, bao gồm thuốc dự phòng trước hóa trị, bù nước, các yếu tố tăng trưởng và thuốc dự phòng quá mẫn/dị ứng.
- Các thông số xét nghiệm/tình trạng lâm sàng/độc tính sẽ yêu cầu tạm ngưng hoặc sửa đổi liều thuốc.
- Trình tự thực hiện thuốc hóa trị.
- Tốc độ truyền thuốc.
- Có diễn giải về giới hạn thời gian, ví dụ như tổng số chu kỳ hóa trị.
Kế hoạch hóa trị đầu tiên cần có xác nhận của dược sĩ lâm sàng và trưởng khoa. Các kế hoạch sau đó cần ghi rõ số chu kỳ, số ngày của chu kỳ và có chữ ký xác nhận của bác sĩ. Trường hợp hóa trị liên tục 3-5 ngày, cần có kế hoạch cho riêng mỗi ngày. Nếu có thay đổi so với kế hoạch lần đầu ví dụ như: chỉnh liều thuốc, dị ứng thuốc và có sự xác nhận của bác sĩ điều trị cùng dược sĩ lâm sàng. Các thay đổi lớn so với phác đồ chuẩn ví dụ như ngưng một loại thuốc, bổ sung thuốc mới cần có sự xác nhận của bác sĩ điều trị, trưởng khoa, và dược sĩ lâm sàng.
- Kế hoạch hóa trị có bao gồm cả tính liều và lịch trình sử dụng cho thuốc hóa trị đường uống. Kế hoạch hóa trị dạng viên uống bao gồm các yếu tố sau:
- Tên bệnh nhân.
- Hai định danh bệnh nhân.
- Tên hoạt chất thuốc đầy đủ.
- Ngày kê toa.
- Liều thuốc theo tiêu chuẩn cho chữ viết tắt, ký hiệu và chỉ định liều dùng.
- Nêu rõ phương pháp tính toán.
- Đường dùng, hướng dẫn đặc biệt nếu có.
- Số lượng thuốc.
- Lịch trình dùng thuốc.
- Thời gian điều trị và giải thích về giới hạn thời gian, chẳng hạn như tổng số chu kỳ.
- Ghi rõ trong kế hoạch hóa trị tần suất tái khám và theo dõi cho các thuốc hóa trị đường uống, khả năng sử dụng thuốc uống hóa trị của bệnh nhân, các khó khăn và kế hoạch giải quyết cũng cần được ghi nhận trong kế hoạch hóa trị và kế hoạch ra viện sớm.
- Xác nhận đã giáo dục sức khỏe bệnh nhân về kế hoạch hóa trị, các biện pháp tự chăm sóc bản thân tại nhà, cách xử lý thuốc điều trị ung thư cũng như chất thải liên quan và các tình huống cần nhập viện gấp.
3.1.2. Phối hợp bàn giao giữa các bộ phận
– Bác sỹ thông báo kế hoạch điều trị cho điều dưỡng hành chính phụ trách hóa trị để cập nhật lịch hẹn trên phần mềm quản lý bệnh viện. Các trường hợp hóa trị đột xuất, hoặc sử dụng các thuốc mắc tiền, ít dùng hiện không có sẵn tại khoa dược cần được báo trực tiếp với dược sĩ lâm sàng để xác nhận thời gian chuẩn bị được thuốc trước khi chốt lịch hẹn với bệnh nhân và đặt lịch trên phần mềm. – Bác sỹ hoàn chỉnh kế hoạch hóa trị, ký xác nhận với dược sĩ lâm sàng và trưởng khoa. Sau đó, lưu 1 bản cứng vào hồ sơ bệnh án, 1 bản cứng gửi cho khoa dược và lưu bản điện tử trên dataroom chung để dược sĩ và điều dưỡng tra cứu khi cần. Các trường hợp chỉnh liều cần gửi lại một bản cứng có chữ ký xác nhận của bác sĩ điều trị và dược sĩ lâm sàng cho khoa dược làm căn cứ để đối chiếu điều chỉnh khi pha thuốc. – Dược sĩ pha chế lấy thông tin trên lịch hẹn và kế hoạch hóa trị bản mềm trên dataroom chung để dự trù và chuẩn bị trước thuốc cần pha. – Chăm sóc khách hàng lấy thông tin trên lịch hẹn để gửi tin nhắn mời bệnh nhân đến theo hẹn. – Khi bệnh nhân xin đổi lịch, hoặc hoãn lịch vì bất cứ lý do gì, các đầu mối nhận thông tin như chăm sóc khách hàng, bác sĩ cần thông báo lại cho điều dưỡng hành chính hóa trị để cập nhật lịch hẹn sớm nhất có thể nhưng không quá 24 giờ sau khi nhận thông tin (trừ ngày lễ và chủ nhật). – Nhân viên hành chính/Điều dưỡng hành chính phụ trách hóa trị hướng dẫn người bệnh/người nhà làm các thủ tục hành chính cần thiết và hoàn thiện hồ sơ bệnh án. 3.2. Ngày điều trị:
- Điều dưỡng đánh giá ban đầu tối thiểu gồm các yếu tố sau:
- Tổng trạng theo ECOG.
- Dấu hiệu sinh tồn.
- Cân nặng được đo ít nhất mỗi tuần hoặc sớm hơn với một số trường hơp đặc biệt/phù, báng.. ̣
- Chiều cao đo mỗi lần đến bệnh viện.
- Tuổi/ đặc biệt là trẻ em.
- Dị ứng, và các phản ứng thuốc của các chu kỳ hoá trị trước.
- Tác dụng phụ của hoá trị đợt trước.
- Đánh giá đau.
- Bác sĩ khám và chỉ định người bệnh điều trị hoá chất dưới 2 dạng: điều trị nội trú hoặc điều trị trong ngày.
- Bác sỹ ra y lệnh đơn thuốc hóa trị. Y lệnh miệng không được phép ngoại trừ để dừng hoặc chấm dứt thực hiện thuốc hóa trị.
- Bàn giao y lệnh cho Điều dưỡng điều trị hoặc Điều dưỡng trưởng nếu Điều dưỡng điều trị người bệnh không có mặt. Điều dưỡng trưởng chịu trách nhiệm bàn giao y lệnh cho Điều dưỡng viên thực hiện y lệnh.
- Dược sĩ đối chiếu đơn thuốc hóa trị và kế hoạch hóa trị cùng ngày. Lưu ý các vấn đề sau: Đúng đơn thuốc so với phác đồ trong kế hoạch hóa trị; đúng khoảng cách giữa các chu kỳ; đúng đường dùng cho từng loại thuốc; đúng tốc độ dùng thuốc; đảm bảo đã xem xét đến tác dụng phụ xảy ra trên bệnh nhân và tiền sử dị ứng; chức năng gan, thận, tủy xương và các xét nghiệm khác
3.3. Chăm sóc Điều dưỡng. – Điều dưỡng hóa trị tiếp nhận y lệnh, kế hoạch điều trị từ Bác sỹ điều trị. – Hai Điều dưỡng thực hiện rà soát độc lập y lệnh hoá trị so với phác đồ trong kế hoạch hóa trị cập nhật nhất. Kết thúc kiểm tra chéo, cả 02 Điều dưỡng phải kí xác nhận đã kiểm tra. Bất cứ thông tin chưa rõ, không hiểu, lạ … phải hỏi ý kiến Bác sỹ điều trị. – Điều dưỡng liên hệ phòng pha chế dược về tiến độ pha chế hoá chất để có thời gian biểu dùng thuốc theo đúng y lệnh. – Khi nhận dung dịch đã được pha chế, Điều dưỡng điều trị cần kiểm tra đối chiếu y lệnh và yêu cầu pha chế theo quy định 6 đúng (đúng người bệnh, đúng tên thuốc, đúng dạng thuốc, đúng hàm lượng, đúng số lượng, hạn dùng). – Thực hiện dùng thuốc điều trị ung thư theo y lệnh: điều dưỡng mặc đồ phòng hộ như Quy định an toàn sử dụng thuốc độc tế bào. – Hoá chất truyền tĩnh mạch:
- Hai Điều dưỡng cần đối chiếu y lệnh hoá trị và dung dịch hoá chất đã pha chế trước truyền: định danh người bệnh, tên thuốc, hàm lượng, liều, đường dùng, thời gian dùng, tốc độ truyền, lưu ý đặc biệt. Đặc biệt phải ghi tốc độ truyền lên nhãn chai hóa chất và có ký xác nhận 02 Điều dưỡng đã kiểm tra chéo.
- Đặt đường truyền tĩnh mạch: ngoại vi hoặc trung ương.
- Trước khi bắt đầu mỗi chu kỳ hóa trị, điều dưỡng xác nhận phác đồ điều trị với bệnh nhân bao gồm: tên của thuốc, thời gian truyền, đường truyền và các phản ứng liên quan đến truyền hóa trị cần báo ngay cho điều dưỡng. ví dụ, nhưng không giới hạn ở: triệu chứng quá mẫn hoặc đau trong khi truyền.
- Thực hiện truyền các thuốc hỗ trợ và hóa chất theo y lệnh:
- Đeo găng sạch, khẩu trang thích hợp khi tiến hành truyền hoá chất.
- Sử dụng tấm lót có khả năng hấp phụ hóa chất đặt dưới vị trí truyền.
- Kết nối dây truyền vào kim luồn và kiểm tra để đảm bảo không rò rỉ hoá chất tại chỗ kết nối trong suốt quá trình truyền.
- Sau kết thúc truyền hoá chất, bỏ tất cả các phương tiện bảo hộ cá nhân, vật tư tiêu hao đã dùng vào túi nhựa có dán nhãn cảnh báo và thu gom chứa tại thùng rác thải độc hại theo quy định.
- Trong những trường hợp dùng áo choàng bảo hộ, cần phải tháo bỏ ngay sau kết thúc công việc tại khu vực làm việc hoặc khi nghi ngờ có nhiễm hoá chất vào áo.
- Nếu tiêm hoá chất tĩnh mạch: Dịch pha tiêm chỉ được phép < 3/4 thể tích bơm tiêm. Trước tiêm cần phủ ga hấp phụ cách ly giữa đường ven tiêm và da người bệnh và phủ vị trí kết nối giữa bơm tiêm và kim luồn bằng ga giấy có khả năng hấp phụ hoá chất đề phòng trường hợp thoát hoá chất ra môi trường trong khi tiêm. Đặc biệt, không được tiến hành đuổi khí và bơm mồi dịch vào kim tiêm. Khi đưa bơm tiêm vào kim luồn hút máu ngược để kiểm tra đồng thời để lượng khí trong đầu bơm tiêm đi lên phía pít-tông rồi tiến hành tiêm hoá chất vào ven.
– Đối với thuốc hoá chất uống: kiểm tra tên thuốc, hàm lượng, cách dùng, thời gian dùng, tần suất dùng, thuốc hỗ trợ, đóng gói và phân loại rác độc hại sau dùng thuốc.
- Không cắt, nghiền viên thuốc hoá chất. Nếu cần cắt, nghiền cần gửi khoa dược để thực hiện.
- Đeo găng khi mở vỉ thuốc hoá chất.
- Lấy viên thuốc từ vỉ thuốc và đặt trong một cốc nhỏ dùng 01 lần.
- Uống thuốc.
- Sau uống thuốc, bỏ găng tay, cốc đựng thuốc và phần vỏ vỉ thuốc chứa những viên thuốc đã uống vào túi nhựa nhỏ thích hợp. Bỏ túi này vào thùng chứa rác thải độc hại có dán nhãn.
– Theo dõi người bệnh trong quá trình truyền hoá chất: các thông số gồm dấu hiệu sinh tồn, phản ứng quá mẫn, thoát mạch hóa chất, một số thông số đặc biệt được Bác sỹ chỉ định theo dõi tùy người bệnh hoặc hóa chất đang dùng. Theo dõi sự lưu thông đường truyền: Nếu là tiêm tĩnh mạch thì phải kiểm tra bằng cách hút ngược xem máu có trào ngược vào bơm tiêm hay không sau tiêm được mỗi 2-3ml, nếu là truyền tĩnh mạch liên tục thì tối thiểu phải kiểm tra sự lưu thông ven 1-2 lần/chai truyền. – Thu gom, phân loại rác thải độc hại theo quy định. – Ghi hồ sơ bệnh án: Vị trí lấy đường truyền tĩnh mạch, loại kim truyền đã dùng, loại máy truyền dịch/bơm tiêm điện đã dùng, trình tự dùng thuốc, tốc độ truyền đối với từng thuốc, thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc dùng từng thuốc, diễn biến người bệnh trong quá trình dùng thuốc, dung dịch tráng rửa ven đã dùng, mô tả đánh giá vị trí đường vào ven. – Hướng dẫn người bệnh cách tự nhận biết những dấu hiệu bất thường như nôn, buồn nôn, các dấu hiệu thoát mạch, kích ứng ven … những dấu hiệu báo động cần đi khám lại ngay sau khi ra viện
3.4. Theo dõi sau khi thực hiện hóa trị Sau hóa trị trị cần theo dõi các yếu tố bao gồm: Tuân thủ, độc tính và biến chứng – Theo dõi đáp ứng điều trị trong khoảng thời gian thích hợp được nêu rõ trong kế hoạch hóa trị, dựa trên y học chứng cứ và hướng dẫn điều trị. Ví dụ sau 2,3 chu kỳ với các phác đồ hóa trị thông thường. – Bệnh nhân được cung cấp số điện thoại đường dây nóng của khoa ung bướu 24/7 để liên hệ khi có tác dụng phụ. – Nhân viên y tế phụ trách đường dây nóng hướng dẫn bệnh nhân xử lý các tác dụng phụ theo phác đồ xử lý sơ bộ (phụ lục 2) với các tác dụng phụ mức 1,2 và hướng dẫn nhập cấp cứu khi có chỉ định. – Các trường hợp nhập cấp cứu sẽ được nhân viên y tế tại khoa cấp cứu liên hệ ngay với bác sĩ trực ung bướu để xử lý sớm nhất có thể. – Số ngày bệnh nhân trễ hẹn hóa trị hoặc quên sử dụng thuốc hóa trị dạng viên uống được cập nhật vào phần ghi chú trong kế hoạch hóa trị. Liều hóa trị tích lũy được ghi nhận vào kế hoạch hóa trị để theo dõi cho các loại thuốc hóa trị có độc tính tích lũy Phụ lục 1_ Kế hoạch hóa trị Phụ lục 2 _ Hướng dẫn xử lý sơ bộ tác dụng phụ do hóa trị
Tài liệu tham khảo
- Uptodate.com
- https://dr.vingroup.net/sites/VME/SitePages/ViewDoc.aspx?path=/sites/VME/A1/Q%C4%90%20-%20QC/III.%20QD,%20QT,%20CSQT/4.%20QD-QT/3.%20QD%20-QT%20theo%20tung%20BV/1.%20BV%20Times%20City/1.%20Q%C4%90/2.QD%20qu%E1%BA%A3n%20l%C3%BD%20DP%20v%C3%A0%20HC/VME.III.4.3.1.1.2.005.V0_Cong%20ty%20VM_QD%20ve%20an%20toan%20su%20dung%20thuoc%20doc%20te%20bao_05.01.2017.pdf
- Safe handing of Hazardous drugs, Martha Polovich, PhD, RN, AOCN
- Michael N. Neuss et al, 2016 Updated American Society of Clinical Oncology/Oncology Nursing Society Chemotherapy Administration Safety Standards
Ghi chú: Văn bản được sửa đổi lần thứ 03, thay thế văn bản “Hướng dẫn điều trị và chăm sóc người bệnh hóa trị Ung thư” – Mã 01967/JCI – COP3 phát hành ngày 13/04/2018.
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó