Bản tin Dược lâm sàng: Lựa chọn thuốc giảm đau chống viêm không Steroid (NSAID) trên đối tượng đặc biệt (phụ nữ cho con bú, trẻ em, bệnh nhân suy thận), số 8/2015
Paracetamol là thuốc giảm đau ưu tiên lựa chọn trên các đối tượng đặc biệt: Trẻ em, phụ nữ cho con bú và bệnh nhân suy thận. Trong thực hành lâm sàng, bác sĩ thường phối hợp thêm các NSAID để giảm đau hiệu quả hơn. Dưới đây là một số thông tin về thuốc giảm đau chống viêm không Steroid (NSAID) để hỗ trợ các bác sĩ trong việc lựa chọn thuốc giảm đau, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
- Lựa chọn thuốc giảm đau chống viêm không Steroid (NSAID) giảm đau cho trẻ em: Ibuprofen
Ibuprofen là thuốc ưu tiên lựa chọn ở trẻ em do hiệu quả tương đương và ít tác dụng không mong muốn hơn NSAID khác. Liều ibuprofen giảm đau ở trẻ em: 4-10mg/kg mỗi 6-8h. Tối đa: 40mg/kg/ngày [6] Nghiên cứu đã cho thấy, ibuprofen không gây tăng tỷ lệ chảy máu ở trẻ phẫu thuật cắt amidal so với paracetamol và giả dược. Theo Guideline (2011) của American Academy of Otolaryngology – Head and Neck Surgery, Ibuprofen là lựa chọn an toàn để giảm đau hậu phẫu ở trẻ em [2] Nhóm ức chế chọn lọc COX-2 (Arcoxia®, Celebrex®) chưa có nghiên cứu lớn, dài hạn để đánh giá tính an toàn trên đối tượng trẻ em. Do vậy, không một sản phẩm nào được phê duyệt chỉ định giảm đau và đưa ra mức liều khuyến cáo trên đối tượng này. Các bác sĩ nên cân nhắc khi sử dụng.
- Lựa chọn thuốc giảm đau chống viêm không Steroid NSAID giảm đau cho phụ nữ cho con bú: Ibuprofen
Prostaglandin là thành phần cần thiết cho sự phát triển các hệ cơ quan của trẻ sơ sinh. NSAID tiết qua sữa mẹ, có thể gây ức chế sinh tổng hợp prostaglandin ở trẻ sơ sinh, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ. Khi cần sử dụng NSAID cho phụ nữ cho con bú, ưu tiên lựa chọn ibuprofen do rất ít tiết qua sữa, thời gian bán thải ngắn (t1/2= 2 giờ). Nồng độ ibuprofen tiết qua sữa mẹ thấp hơn nhiều so với liều dùng khuyến cáo để giảm đau hạ sốt ở trẻ sơ sinh [3]. Theo khuyến cáo của WHO (2002), paracetamol và ibuprofen là lựa chọn an toàn nhất cho phụ nữ cho con bú [7]. Nhóm ức chế chọn lọc COX-2 có thời gian bán thải dài, có tiết qua sữa mẹ. Hiện chưa đủ thông tin để đánh giá tính an toàn, do đó không khuyến cáo sử dụng.
- Không dùng thuốc giảm đau chống viêm không Steroid NSAID ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận (Clcr<30ml/ph)
Thuốc giảm đau chống viêm không Steroid (NSAID) có nguy cơ gây độc tính trên thận do ức chế tổng hợp prostaglandin gây giảm mức lọc cầu thận, giảm tưới máu thận thậm chí dẫn tới thiếu máu hoại tử ống thận cấp. Tác dụng không mong muốn này hiếm gặp, thường chỉ tăng nguy cơ ở người có bệnh thận mạn, giảm thể tích tuần hoàn, người cao tuổiCác thuốc ức chế chọn lọc COX-2 có nguy cơ tương đương với NSAID truyền thống Nghiên cứu trên 386.961 bệnh nhân ≥50 tuổi đã chứng minh thuốc giảm đau chống viêm không Steroid (NSAID) tăng gấp 3 lần nguy cơ suy thận cấp so với người không sử dụng.
Nguy cơ xuất hiện ngay cả khi sử dụng ngắn ngày, nghiêm trọng hơn ở liều cao và sử dụng kéo dài [4]. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, NSAID làm tăng 26% nguy cơ tiến triển suy giảm chức năng thận ở người cao tuổi [5]. Theo thông tin nhà sản xuất, KHÔNG DÙNG thuốc giảm đau chống viêm không Steroid (NSAID) ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận nặng (Clcr<30ml/ph). Nếu bắt buộc phải dùng, cân nhắc lợi ích – nguy cơ từng trường hợp. Nên dùng ngắn ngày, theo dõi chặt chẽ chức năng thận, đảm bảo đủ dịch, tránh dùng đồng thời các thuốc gây độc với thận
Bảng lựa chọn NSAID cho các đối tượng đặc biệt theo hướng dẫn sử dụng sản phẩm được cục Quản lý Dược Việt Nam phê duyệt:
NSAID | Trẻ em | Phụ nữ cho con bú | Bệnh nhân suy thận nặng (Clcr≤30ml/ph) |
Piroxicam – Brexin® | CCĐ (<18 tuổi) | CCĐ | CCĐ |
Meloxicam – Mobic® | CCĐ (<15 tuổi) | CCĐ | CCĐ |
Ibuprofen – Brufen®, Gofen® | ✓Lựa chọn ưu tiên | ✓Lựa chọn ưu tiên | CCĐ |
Diclofenac – Voltaren® | ✓ | Thận trọng* | CCĐ |
Celecoxib – Celebrex® | Không có chỉ định giảm đau | Thận trọng | Thận trọng |
Etoricoxib – Arcoxia® | Thận trọng (<12 tuổi) | Thận trọng | CCĐ |
Ketorolac – Movepain® | Không đề cập | CCĐ | CCĐ |
Paracetamol | ✓Lựa chọn ưu tiên | ✓Lựa chọn ưu tiên | ✓Lựa chọn ưu tiên |
* Diclofenac có thời gian bán thải ngắn, có thể chấp nhận dùng ngắn ngày cho phụ nữ cho con bú [3]
Tài liệu tham khảo
- Hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất
- AAOHNS (2011), Clinical Practice Guideline : Tonsillectomy in Children
- Christof S. (2007), Drug during pregnancy and lactation
- Huerta C. (2005), Nonsteroidal anti-inflammatory drugs and risk of ARF in the general population.
- Katherine Gooch(2006), NSAID Use and Progression of Chronic Kidney Disease
- Uptodate (2015), Evaluation and management of pain in children
- WHO(2002), Recommendations for Drugs in the BREASTFEEDING AND MATERNAL MEDICATION
Bản tin Dược Lâm sàng phát hành ngày 13/8/2015, Bệnh viện Vinmec