MỚI

Thuốc chống động kinh được sử dụng rộng rãi có liên quan đến giảm nồng độ vitamin D

Ngày xuất bản: 02/12/2022

Dữ liệu mới cho thấy khi sử dụng rộng rãi thuốc chống động kinh (ASM) carbamazepine có liên quan đến việc giảm nồng độ 25-hydroxyvitamin D (25OHD).

Dựa trên kết quả nghiên cứu phân tích tổng hợp với cỡ mẫu lớn cho thấy, những người dùng carbamazepine có nồng độ 25OHD thấp hơn đáng kể so với nhóm chứng – nhóm chứng ở đây là nhóm người được điều trị bằng ASM không gây cảm ứng enzym hoặc nhóm người khỏe mạnh không sử dụng ASM – với sự khác biệt trung bình có điều chỉnh là 4,00 ng / mL.

Theo thành viên nhóm nghiên cứu, PGS.BS Thần kinh học Carla LoPinto-Khoury tại Trường Y Lewis Katz thuộc Đại học Temple, Philadelphia, Pennsylvania trả lời phỏng vấn của Medscape Medical News cho biết: “Tôi khuyến cáo nên theo dõi nồng độ vitamin D của người bệnh ở mọi lứa tuổi ít nhất 2 năm một lần khi họ được chỉ định sử dụng thuốc carbamazepine, đây cũng là thời điểm mà tôi thường khuyến nghị để theo dõi mật độ xương của người bệnh”. 

LoPinto-Khoury cho biết: “Trên thực tế, tôi kiểm tra lại vitamin D hàng năm ở những bệnh nhân này nếu họ có các yếu tố nguy cơ cụ thể, chẳng hạn như hiếm khi ra ngoài trời hoặc có vấn đề về dinh dưỡng và nếu cần thiết, họ sẽ được chỉ định sử dụng thực phẩm bổ sung”.

Kết quả nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Epilepsy Research số ra tháng 12.

Sử dụng rộng rãi

Carbamazepine được sử dụng rộng rãi cho người mắc bệnh động kinh và bệnh tâm thần như rối loạn lưỡng cực. Loại thuốc này cũng nằm trong danh sách các loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới. Nguyên nhân là do thuốc này có giá thành “rất rẻ” và thường được sử dụng ở các quốc gia không có sẵn các loại thuốc ASM đắt tiền hơn, LoPinto-Khoury lưu ý thêm.

Một trong những tác dụng phụ tiềm ẩn lâu dài của carbamazepine là thiếu hụt vitamin D, nguyên nhân do cảm ứng các enzym cytochrom P450 chuyển hóa 25OHD, từ dạng có hoạt tính sinh lý thành các chất chuyển hóa không hoạt động. Từ đó, thiếu hụt vitamin D “có khả năng gây ra một số tác dụng bất lợi mãn tính đối với sức khỏe”, bao gồm loãng xương và sau đó là gãy xương.

LoPinto-Khoury cho biết: “Chúng tôi đã biết từ lâu rằng các loại thuốc chống động kinh, cụ thể là phenobarbital và phenytoin, có liên quan đến giảm nồng độ vitamin D, từ đó có thể dẫn đến mất xương. Phát hiện quan trọng này đã xuất hiện từ những năm 1970, nên chúng tôi muốn kiểm tra xem liệu carbamazepine có làm giảm nồng độ vitamin D tương tự như hai loại thuốc kể trên hay không, đặc biệt là khi carbamazepine được sử dụng rộng rãi.”

Để cho ra kết quả nghiên cứu, LoPinto-Khoury và các đồng nghiệp đã tiến hành tìm kiếm các bài báo liên quan đến carbamazepine và vitamin D. Trong số 103 bài báo nghiên cứu được xuất bản từ năm 1984 đến năm 2015, họ đã lựa chọn 12 bài báo nghiên cứu để đưa vào phân tích với tổng số 331 người bệnh được điều trị bằng carbamazepine, thời gian điều trị từ 1 đến 10 năm và 328 người bệnh ở nhóm chứng.

Không chỉ là mất xương

Trong phần lớn các nghiên cứu được lựa chọn, tỷ lệ nữ giới dao động từ 24% đến 63%; tuy nhiên, chỉ có hai nghiên cứu có tất cả đối tượng nghiên cứu là nữ giới và một nghiên cứu thì chỉ bao gồm toàn người bệnh nam giới. Ngoài ra, mặc dù hầu hết (n=9) các nghiên cứu được thực hiện ở đối tượng người lớn, thì có ba nghiên cứu tập trung vào trẻ em. Các nghiên cứu này được thực hiện ở nhiều vĩ độ địa lý khác nhau.

Sự khác biệt trung bình thô về nồng độ 25OHD giữa nhóm có sử dụng carbamazepine và nhóm chứng là 4,00 ng / mL (95% CI từ -7,00 đến -0,98), “điều này chỉ ra rằng, nhóm được điều trị bằng carbamazepine có nồng độ 25OHD thấp hơn trung bình khoảng 4,00 ng / mL so với nhóm chứng”. Giá trị Z cho kiểm định giả thuyết không là 2,60 (P = 0,009).

Các tác giả cảnh báo rằng, “do sự phân tán của các tác động… nên hệ số ảnh hưởng trung bình này chỉ đúng với với các quần thể trong phạm vi nghiên cứu, và do đó có thể khác biệt với các nhóm quần thể khác.”

Khi đo lường chỉ số không đồng nhất, họ nhận thấy giá trị Q là 77,86 với bậc tự do là 11 (P <0,001), ” điều này cho thấy rằng hệ số ảnh hưởng thực sự không đồng nhất giữa các nghiên cứu này”, nhóm tác giả nhận xét.

Tuy nhiên, chỉ số không đồng nhất I2 là 86%, “kết quả này cho chúng ta biết rằng 86% phương sai trong các hệ số quan sát phản ánh phương sai trong các hệ số thực hơn là sai lầm do lựa chọn mẫu”, nhóm nghiên cứu cho biết thêm. Khi phân tích sâu hơn về phương sai của hệ số thực cho thấy T2 là 23,24 (95% khoảng dự báo từ -15,27 đến 7,27), với SD của hệ số thực (T) là 4,82.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích một số biến số tiềm năng về nhân khẩu học và biến điều tiết lâm sàng, bao gồm bổ sung vitamin D và loại nhóm chứng (bao gồm nhóm khoẻ mạnh không mắc động kinh và nhóm động kinh có sử dụng thuốc ASM không gây cảm ứng enzym).

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng trong các bài báo nghiên cứu có đối tượng nghiên cứu uống bổ sung vitamin D, thì sự khác biệt trung bình giữa những người dùng carbamazepine và nhóm chứng là -0,96 (-6,51 đến 4,60; Z = -0,31; P = 0,76). Mặt khác, trong các bài báo nghiên cứu loại trừ việc bổ sung 25OHD, thì hệ số ảnh hưởng trung bình là -1,88 (-4,06 đến 0,29; Z = -1,69; P = 0,09).

Có 10 nghiên cứu sử dụng nhóm chứng khỏe mạnh và hai nghiên cứu sử dụng nhóm chứng là người bệnh động kinh không sử dụng carbamazepine (trung bình sự khác biệt tương ứng lần lượt là -4,85 [95% CI, -8,03 đến -1,68] và -0,24 [95% CI, -6,09 đến 6,43]).

Các biến khác như tuổi tác, thời gian điều trị carbamazepine, hoặc vĩ độ địa lý không có ảnh hưởng đáng kể đến nồng độ 25OHD được quan sát.

Các phân tích về sai số tiềm tàng cho thấy rằng “kết quả hiện tại không phải do sai số chọn mẫu ngẫu nhiên” và “sai lệch xuất bản không có khả năng giải thích cho những phát hiện của chúng tôi”, các tác giả cho biết.

“Phân tích tổng hợp của chúng tôi được thực hiện bằng cách phân tích các biến điều tiết, vì vậy chúng tôi nhận thấy rằng biến tuổi tác và giới tính không liên quan đến sự khác biệt về vitamin D [giữa người bệnh được điều trị bằng carbamazepine và nhóm chứng], cũng như vĩ độ địa lý, LoPinto-Khoury cho biết.

LoPinto-Khoury lưu ý rằng thiếu vitamin D có thể có tác động tiêu cực không chỉ làm tăng nguy cơ loãng xương mà còn ảnh hưởng đến các hệ thống khác trong cơ thể.

“Một trong những chủ đề nóng gần đây là vitamin D có thể ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ mạch máu giống như cholesterol và nó có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch như hiện nay, thì vấn đề này càng được quan tâm.”

Tương tự bài báo cáo trước đây được đăng tải trên Medscape Medical News, một nghiên cứu gần đây đã đưa ra lời kêu gọi nên thu hồi ASM cảm ứng enzym do họ nhận thấy loại thuốc này có liên quan đáng kể đến nguy cơ gia tăng mắc bệnh tim mạch.

Theo dõi là then chốt

Bình luận trên Medscape Medical News về những phát hiện này, GS. BS Kimford Meador tại Khoa Thần kinh học và Khoa học Thần kinh, Trường Y Đại học Stanford, California, đã mô tả nghiên cứu này “được tiến hành tốt”. 

Theo Meador – người không tham gia vào nghiên cứu này cho biết: “Điều quan trọng là kết quả nghiên cứu đã làm nổi bật tác dụng phụ tiềm ẩn của carbamazepine và các tác động tương tự có thể xảy ra của các loại thuốc chống co giật có gây cảm ứng enzym khác. Ngụ ý của kết quả nghiên cứu không chỉ dành cho chứng động kinh, vì những loại thuốc này cũng được chỉ định cho những bệnh khác.

LoPinto-Khoury cho biết khi theo dõi những người bệnh dùng carbamazepine, cô thường xuyên kiểm tra chức năng chuyển hóa cơ bản của gan và công thức máu cũng như kiểm tra nồng độ vitamin D thường xuyên. “Nếu người bệnh bị thiếu hụt, tôi sẽ bổ sung vitamin D cho họ. Đồng thời xem xét khả năng chuyển người bệnh nhân sang sử dụng ASM không gây cảm ứng, chẳng hạn như lamotrigine.”

Nguồn dịch:

  1. https://www.medscape.com/viewarticle/964889 
facebook
21

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên gia

tra-cuu-thuoc

THÔNG TIN THUỐC

TRA CỨU NGAY