MỚI

Gãy xương cổ tay

Ngày xuất bản: 23/08/2022

Gãy đầu dưới xương quay, thường được biết đến với tên gọi gãy cổ tay, xuất hiện ở cả người trẻ tuổi và người lớn tuổi. Bài viết này sẽ cung cấp thêm thông tin về tình hình dịch tễ, dấu hiệu chẩn đoán, phương án điều trị để mang lại sự chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.

Nhóm tác giả: Hunter Hsu (1); Matthew P. Fahrenkopf (2); Shivajee V. Nallamothu (3)

Đơn vị công tác:

  1. Đại học Bang Michigan
  2. Hệ thống y tế Spectrum Health
  3. Mclaren Oakland – Đại học Bang Michigan

Tổng quan

Gãy đầu dưới xương quay, thường được biết đến với tên gọi gãy cổ tay, được định nghĩa là tình trạng gãy bao gồm cả phần đầu dưới xương quay. Ở những bệnh nhân trẻ tuổi, gãy xương thường do vận động hoặc va chạm mạnh, còn ở những bệnh nhân lớn tuổi, gãy xương thường do vận động hoặc va chạm nhẹ hơn hoặc do té ngã. Nhiều trường hợp gãy xương có thể gây ra bệnh lý nghiêm trọng nếu không được điều trị. Hướng điều trị có thể bao gồm cả phương pháp có và không có phẫu thuật, và cuối cùng, còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Bài viết này sẽ diễn giải các chỉ định cận lâm sàng, cũng như cách điều trị gãy xương cổ tay, bên cạnh đó là nhấn mạnh vai trò của đội ngũ chuyên gia trong việc cải thiện sức khỏe cho những đối tượng bệnh nhân này.

1. Mục tiêu

  • Tóm tắt tình hình dịch tễ của gãy xương cổ tay.
  • Mô tả các dấu hiệu chẩn đoán hình ảnh điển hình liên quan đến gãy xương cổ tay.
  • Giải thích tiêu chí điều trị gãy xương cổ tay không phẫu thuật.
  • Liệt kê tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các thành viên trong đội ngũ chuyên gia về việc đánh giá và chăm sóc các bệnh nhân gãy xương cổ tay.

2. Giới thiệu

Gãy đầu dưới xương quay, hay còn gọi là gãy cổ tay, được định nghĩa là tình trạng gãy bao gồm cả phần đầu dưới xương quay. Vết gãy có hoặc không có bao gồm khớp cổ tay-quay, khớp quay-trụ dưới, và/hoặc đoạn dưới xương trụ.[1] Chấn thương thường do vận động hoặc va chạm mạnh ở những bệnh nhân trẻ, và do vận động hoặc va chạm ở mức độ nhẹ hơn hoặc té ngã ở người cao tuổi.[2] Vết gãy gây đau cổ tay cấp tính kèn sưng, và nếu không được điều trị, nó có thể gây ra bệnh lý nguy hiểm. Phương pháp điều trị bao gồm cả điều trị không phẫu thuật và phẫu thuật, và việc lựa chọn phương pháp tối ưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố.[3]

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của chấn thương đoạn dưới xương quay là do bị tác động bởi lực theo trục dọc cổ tay, với hình thái tổn thương được xác định bởi mật độ xương, vị trí cổ tay, hướng và độ lớn của lực. Hầu hết các vết gãy xương cổ tay là do té ngã với cổ tay được mở rộng và di lệch gập góc về phía sau.[1] Hành động này đặt một mômen uốn của mặt lưng trên đoạn xa xương quay. Loại chấn thương này thường được gọi là “ngã vào bàn tay dang rộng” (fall onto an outstretched hand – FOOSH). Xương ở mu bàn tay yếu hơn, mỏng hơn nên sẽ sụp xuống theo sức ép; trong khi đó, xương ở lòng bàn tay cứng hơn sẽ không chịu được sức căng làm tán nhỏ xương theo hình tam giác với đỉnh là lòng bàn tay và tán nhỏ xương ở mu bàn tay. Sự ảnh hưởng của xốp hành xương làm ảnh hưởng đến sự ổn định của mặt lưng cẳng tay, lực cắt làm ảnh hưởng đến hình thái tổn thương trong đó bao gồm cả bề mặt khớp.[4] Các chấn thương do vận động hoặc va chạm mạnh có thể dẫn đến di lệch đáng kể hoặc tán nhuyễn xương gãy không ổn định về phía đầu dưới xương quay.

  • Những cơ chế chính ở người trẻ:
    • Té ngã
    • Tai nạn xe cơ giới
    • Chấn thương trong quá trình tham gia thể thao
  • Những cơ chế chính ở người cao tuổi:
    • Té ngã từ tư thế đứng

4. Dịch tễ

Gãy đầu dưới xương là quay nguyên nhân gãy xương chi trên phổ biến nhất.[1] Những trường hợp gãy xảy ra ở tất cả mọi người, là bệnh chấn thương chỉnh hình phổ biến nhất, được phân bố thành hai phương thức. Có hơn 450.000 trường hợp gãy xương xảy ra ở Hoa Kỳ và con số này vẫn tiếp tục gia tăng. Gãy đầu dưới xương quay chiếm khoảng ⅙ tổng số ca gãy xương được điều trị tại các khoa cấp cứu. Những bệnh nhân trẻ có thường bị chấn thương do vận động hoặc va chạm mạnh, trong khi đó, người cao tuổi thường gãy xương do tai nạn do vận động hoặc va chạm nhẹ hơn. Tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm dân số cao tuổi tương quan với chứng thiếu xương và tỷ lệ này gia tăng theo tuổi, cùng với gãy xương hông.[5]

Yếu tố nguy cơ ở người cao tuổi:

  • Giảm mật độ xương
  • Giới tính nữ
  • Chủng tộc da trắng
  • Tiền sử gia đình
  • Mãn kinh sớm

5. Sinh lý bệnh

Gãy cổ tay thường gặp ở những bệnh nhân mắc chứng loãng xương. Bất kỳ kiểu ngã chống tay nào cũng đều có nguy cơ bị gãy xương cổ tay.

6. Bệnh sử và khám lâm sàng

Bệnh nhân biểu hiện điển hình bằng sự biến dạng cổ tay và di lệch bàn tay so với cổ tay. Cổ tay thường sưng phồng, bầm tím, cứng và đau khi cử động. Cần khai thác cơ chế chấn thương để hỗ trợ đánh giá cường độ lực và mức độ phá hủy xương. Bác sĩ nên xác định tình trạng của bệnh nhân trước chấn thương và các nhu cầu nghề nghiệp, vì những điều này có thể hỗ trợ quyết định hướng điều trị. Cần ghi lại các vấn đề sức khỏe đi kèm có thể ảnh hưởng đến sự lành vết thương như loãng xương, đái tháo đường và/hoặc sử dụng thuốc lá.

Khám lâm sàng nên chú ý đến các điểm sau:

  • Tình trạng của da và mô mềm xung quanh
  • Chất lượng tưới máu và chất lượng mạch máu
  • Sự toàn vẹn chức năng thần kinh
  • Phân biệt 2 điểm bằng giác quan
  • Chức năng vận động của cơ nội tại, cơ lòng bàn tay và cơ mô út của bàn tay
  • Chú ý chức năng thần kinh giữa cũng như hội chứng ống cổ tay cấp tính (có tỷ lệ xuất hiện 20%)[6]
  • Đánh giá và ghi lại sự toàn vẹn của thần kinh giữa

Các chấn thương đi kèm bao gồm:

  • Khuỷu tay cùng bên
  • Vai cùng bên
  • Khớp quay-trụ dưới
  • Gãy mỏm trâm quay
  • Phức hợp sụn sợi tam giác
  • Dây chằng thuyền-nguyệt
  • Dây chằng nguyệt-tháp

7. Chỉ định cận lâm sàng

Chẩn đoán hình ảnh xác định độ nặng, sự ổn định và tiếp cận các hướng dẫn điều trị. Chụp X-quang không sửa soạn nên được thực hiện trước và sau khi nắn chỉnh xương (nếu cần). Chụp X-quang tiêu chuẩn bao gồm chụp sau-trước và chụp bên của cổ tay, cũng như chụp chiếu xiên để xác định chi tiết hơn vết gãy. Góc chiếu xiên hữu ích trong việc đánh giá các khớp liên quan, đặc biệt là mảnh ở hố xương nguyệt. Góc chiếu từ cổ tay bên đối diện có thể đánh giá độ chênh xương trụ và góc thuyền-nguyệt của bệnh nhân. Chụp cắt lớp vi tính có thể chứng minh mức độ tổn thương nội khớp. Cần phải biết các chỉ số bình thường của đầu dưới xương quay trên phim X-quang vì các chỉ số này hữu ích để xác định gãy xương quay. Các số đo này cũng hữu ích trong việc xác định phương pháp điều trị.

Các mối quan hệ quan trọng của chụp X-quang thông thường bao gồm[7][8]:

  • Độ gập góc của xương quay: trung bình là 23 độ
  • Chiều cao xương quay: trung bình là 11 mm
  • Độ gập góc của lòng bàn tay: trung bình là 11 độ

8. Điều trị/Quản lý

Gãy đầu dưới xương quay có cả phương pháp điều trị phẫu thuật và không phẫu thuật. Điều trị không phẫu thuật đòi hỏi sự di dời, gập góc và rút ngắn vết gãy có thể chấp nhận được. Nếu các tiêu chí này không được đáp ứng, nên khuyến khích bệnh nhân điều trị phẫu thuật.

Các tiêu chí có thể chấp nhận được đối với gãy đầu dưới xương quay bao gồm:

  • Chiều cao xương quay: Rút ngắn dưới 5 mm
  • Độ gập góc của xương quay: Thay đổi ít hơn 5 độ
  • Lún khớp: Ít hơn 2 mm
  • Độ gập góc của lòng bàn tay: Di lệch gập góc về phía mu bàn tay nhỏ hơn 5 độ hoặc trong khoảng 20 độ của xương quay bên đối diện

Gãy xương di lệch cần phải được nắn chỉnh kín để có thể hồi phục về mặt giải phẫu hoặc ở mức chấp nhận được. Nếu cần thực hiện nắn chỉnh kín, nên gây tê/gây mê hoặc giảm đau phù hợp bằng việc an thần còn ý thức hoặc phong bế khối máu tụ.[9] Sau khi nắn chỉnh kín, nên bất động cánh tay trong một thanh nẹp dài và hẹp, trái ngược với bó bột. Thanh nẹp dài và hẹp sẽ ngăn việc nghiêng người, nằm ngửa, gập khuỷu tay, từ đó loại bỏ lực làm biến dạng của cơ cánh tay-quay. Không giống như bó bột, việc dùng thanh nẹp sẽ gây sưng lên.[10] Chụp X-quang sau nắn chính cần được thực hiện để đánh giá chất lượng nắn xương. Nếu kết quả nắn chỉnh vết gãy đáp ứng các tiêu chí chấp nhận được, bệnh nhân  tiếp tục giữ nẹp và được theo dõi bởi bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, chụp X-quang hàng tuần trong hai tuần đầu tiên. Nếu kết quả nắn chỉnh không được duy trì và không chấp nhận được, bệnh nhân nên được can thiệp phẫu thuật. Nếu kết quả nắn chỉnh được duy trì, có thể chuyển thanh nẹp sang bó bột và bất động cho bệnh nhân tổng cộng trong sáu tuần.

Gãy xương không di lệch được điều trị mà không cần phẫu thuật bằng nẹp dài, bệnh nhân sẽ được chuyển sang bó bột ngắn tại phòng khám và thời gian bó bột tổng cộng là 6 tuần. Sau đó, bệnh nhân được chụp X-quang để theo dõi sự di lệch và lành vết gãy.

Đối với những trường hợp gãy xương không liền xương đến một mức độ chấp nhận được, bệnh nhân sẽ được khuyến cáo can thiệp phẫu thuật.[3] Mục tiêu của điều trị phẫu thuật là liền xương có thể chấp nhận được và ổn định xương để bệnh nhân có thể vận động lại sớm. Có nhiều phương án để cố định xương, bao gồm đóng đinh, cố định ngoài, nẹp vít mu bàn tay, nẹp vít mặt mu bàn tay. Việc đóng đinh qua da mang lại hiệu quả trong việc duy trì chiều dài trục xương và duy trì sự liền lạc ở những trường hợp gãy xương ngoài khớp có vỏ bờ trước chắc chắn, và dĩ nhiên,  nếu không có đủ yếu tố cố định xương để duy trì nắn chỉnh xương, xương sẽ không thể ổn định được. Nhiều kết quả khả quan đã được báo cáo, trong đó có đến 90% các trường hợp đã đạt được hiệu quả. Cố định ngoài sử dụng cùng với đinh hoặc nẹp vít vì phương pháp cố định ngoài không thể tự phục hồi độ di lệch gập góc về phía lòng bàn tay. Kỹ thuật này dựa vào sự kéo dãn dây chằng để duy trì việc nắn chỉnh vết gãy. Cần giới hạn thời gian cố định ngoài đến tối đa là tám tuần và tiến hành liệu pháp tích cực ở tay để giữ biên độ cử động của bàn tay. Hiệu quả tích cực đã được báo cáo, trong đó có đến 90% các trường hợp đã đạt được hiệu quả. Cố định bên trong bằng mổ mở để kết hợp xương và nẹp vít mu bàn tay được ứng dụng rộng rãi hơn là nẹp vít mu bàn tay. Nẹp vít lòng liên quan đến sự kích ứng của cả gân cơ gấp và gân cơ duỗi, và có thể gây đứt gân cơ duỗi ngón cái dài.[11][12] Nẹp vít mu bàn tay giúp hỗ trợ các xương dưới sụn duy trì nắn chỉnh xương gãy. Nẹp vít mu bàn tay có liên quan đến kích ứng và đứt gân cơ duỗi. Phương pháp này thường được dùng trong các trường hợp gãy trong khớp có di lệch về mặt lưng.

9. Chẩn đoán phân biệt

Chụp X-quang xác định chẩn đoán, tuy nhiên, có một số điểm cần được cân nhắc:

  • Các chấn thương liên quan hoặc tổn thương có vai trò tác động luôn phải được phân biệt
  • Gãy xương bệnh lý
  • Tổn thương liên quan đến ống cổ tay

10. Giai đoạn

10.1. Các hệ thống phân loại gãy đầu dưới xương quay

10.1.1. Phân loại Frykman

Dựa trên hình thái trong khớp

  1. Gãy ngoài khớp đầu dưới xương quay
  2. 1 + gãy đầu dưới xương trụ
  3. Gãy trong khớp đầu dưới xương quay kèm với khớp quay-cổ tay
  4. 3 + gãy đầu dưới xương trụ
  5. Gãy trong khớp đầu dưới xương quay kèm với khớp quay-trụ dưới
  6. 5+ gãy đầu dưới xương trụ
  7. Gãy trong khớp đầu dưới xương quay kèm với khớp quay-cổ tay và khớp quay-trụ dưới
  8. 7 + gãy đầu dưới xương trụ

10.1.2. Phân loại Fernandez

Dựa trên cơ chế tổn thương

  1. Gãy uốn cong đầu xương với các vấn đề về giảm độ di lệch gập góc về phía lòng bàn tay và ngắn xương quay tương đối so với xương trụ
  2. Gãy xé cần nắn chính và thường xuyên uốn đoạn khớp.
  3. Gãy lún mặt khớp không phân mảnh; có khả năng gây chấn thương dây chằng chéo đáng kể
  4. Gãy nứt hoặc gãy trật khớp quay-cổ tay
  5. Gãy kết hợp với tổn thương mô mềm đáng kể do chấn thương do vận động hoặc va chạm mạnh

10.2. Các từ ngữ phổ biến về gãy đầu dưới xương quay

  • Gãy xương do va chạm
    • Là gãy đầu dưới xương quay trong hoặc ngoài khớp, do chấn thương do vận động hoặc va chạm nhẹ, di lệch gập góc về phía mu bàn tay, di lệch mu bàn tay, ngắn xương quay.
    • Trên lâm sàng, dịch này được mô tả là “biến dạng hình nĩa”
  • Gãy Smith: Là gãy đầu dưới xương quay ngoài khớp, do chấn thương do vận động hoặc va chạm nhẹ, di lệch gập góc về phía lòng bàn tay.
  • Gãy Barton
    • Gãy di lệch hoặc bán trật cổ tay. Rìa của mu và lòng bàn tay đầu dưới xương quay bị di lệch cùng với bàn tay và cổ tay.
    • Thường đi kèm với lòng bàn tay.
  • Gãy Chauffeur: Gãy nhổ mỏm trâm quay
  • Gãy Die-punch: Gãy lõm hố xương nguyệt của mặt khớp đầu dưới xương quay

11. Tiên lượng

Trong điều trị mổ mở để kết hợp xương bằng nẹp vít lòng bàn tay, người ta có thể kỳ vọng về một kết quả tổng thể từ tốt đến xuất xuất ở hơn 80% bệnh nhân về các yếu tố, như biên độ chuyển động, sức mạnh, điểm kết quả. Các nghiên cứu so sánh giữa cố định lòng bàn tay với các phương án cố định khác đã cho thấy phương pháp trên cũng mang lại kết quả tương tự, thậm chí là vượt trội hơn. Kết quả có xu hướng cao hơn trong giai đoạn phục hồi ban đầu, kết quả giữa tất cả các nhóm đối tượng nắn chỉnh là như nhau. Khi so sánh với các phương pháp cố định khác, một số nghiên cứu đề xuất nên tiếp tục duy trì nẹp vít lòng bàn tay trong việc nắn chỉnh xương.[1]

12. Biến chứng

  • Bệnh thần kinh giữa (Hội chứng ống cổ tay)[6]
    • Là biến chứng thần kinh thường gặp nhất
    • Cơ chế gãy xương do vận động hoặc va chạm nhẹ chiếm 1-12%, cơ chế gãy xương do vận động hoặc va chạm mạnh chiếm đến 30%
    • Điều trị hội chứng ống cổ tay cấp tính khi dị cảm tiến triển, cảm giác yếu ngón cái, nếu các triệu chứng không đáp ứng với điều trị nắn chỉnh kín, và kéo dài từ trên 24 đến 48 giờ
  • Đứt gân duỗi ngón cái dài[11][12]: Gãy đầu dưới xương quay không di lệch có nguy cơ đứt gân duỗi ngón cái dài
  • Viêm khớp quay-cổ tay
    • Tỷ lệ hiện mắc được báo cáo lên đến 30%
    • 90% thanh thiếu niên có lún khớp trên 1 đến 2mm sẽ phát triển viêm khớp có triệu chứng
    • Bệnh có thể không có triệu chứng
    • Không liền hoặc liền bất thường
  • Hội chứng chèn ép khoang
  • Hội chứng đau cục bộ phức hợp

13. Chăm sóc sau phẫu thuật và phục hồi chức năng

Chăm sóc sau phẫu thuật cho những bệnh nhân mổ hở để kết hợp xương bằng nẹp vít lòng bàn tay, bao gồm nẹp lòng bàn tay ngay sau phẫu thuật. Bệnh nhân được hướng dẫn để chủ động thực hiện các bài tập biên độ hoạt động cho các ngón tay và nâng cổ tay lên phía trên tim để ngăn ngừa cứng, cũng như hỗ trợ kiểm soát phù. Trong vòng 01 đến 02 tuần sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ tháo nẹp để kiểm tra vết thương. Việc đặt thanh nẹp có thể tháo rời nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên trị liệu tay để giúp giảm phù nề, bệnh nhân nên đeo liên tục để cố định xương gãy. Bệnh nhân không nên vận động nặng chi trên, nhưng sau lần khám đầu tiên, bệnh nhân có thể bắt đầu chủ động tập luyện các bài tập cổ tay. Sau 04 đến 06 tuần, bệnh nhân nên tập thêm các bài tập đẩy và cầm nắm. Sau 06 đến 08 tuần, bệnh nhân có thể ngừng nẹp và nên tăng cường dần các bài tập nâng cao. Thông thường, bệnh nhân sẽ được xuất viện và hoạt động bình thường sau 10 đến 12 tuần.

14. Nâng cao kết quả của nhóm chăm sóc sức khỏe

Gãy xương cổ tay phức tạp vì bệnh có thể liên quan đến rất nhiều cấu trúc giải phẫu. Phần lớn những bệnh nhân được thăm khám ban đầu bởi y tá hoặc bác sĩ khoa cấp cứu. Sau khi được chẩn đoán gãy xương cổ tay, bệnh nhân thường được tư vấn thực hiện nắn chỉnh hoặc phẫu thuật bàn tay. Bên cạnh việc kiểm soát và ổn định cơn đau, bệnh nhân sẽ được chuyển đến khám với các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình hoặc phẫu thuật tay. Những trường hợp gãy xương nhẹ có thể được xử trí bằng cách nắn chỉnh đóng, còn những trường hợp gãy nặng có thể cần mổ mở để kết hợp xương bằng nẹp vít.

Sau khi xử trí gãy xương cổ tay, các bác sĩ chăm sóc nên theo dõi bệnh nhân để để kiểm soát cơn đau, điều này rất quan trọng. Bác sĩ chấn thương chỉnh hình nên tái khám cho bệnh nhân trước khi khuyến khích họ quay trở lại công việc. Bệnh nhân cần được theo dõi lâu dài vì ngay cả việc điều trị phẫu thuật cũng mang lại những biến chứng, và không phải mọi bệnh nhân đều đạt được kết quả như mong muốn. Các thành viên nên giao tiếp cởi mở để đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc tốt nhất. Tuy điều dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong cả điều trị phẫu thuật hay điều trị bảo tồn, nhưng vai trò của họ cũng rất quan trọng trong việc theo dõi các lần tái khớp, kiểm tra tiến triển bệnh và phối hợp các liệu pháp vật lý trị liệu hay trị liệu nghề nghiệp. Phương pháp phối hợp giữa các chuyên gia là cần thiết để có thể mang lại hiệu quả tối ưu và giảm tỷ lệ bệnh tật xuống tối thiểu.

Việc hồi phục đối với hầu hết các bệnh nhân là như nhau, nhưng vẫn có một số lượng đáng kể những người bị đau mạn tính và hạn chế vận động sau khi điều trị. Bệnh nhân cần phải tập vật lý trị liệu để lấy lại chức năng và sức mạnh của cơ.[13][14]

gay-xuong-co-tayHình ảnh gãy cổ tay trên phim CT-scan và phim X-quang không chuẩn bị. Hình ảnh được cung cấp bởi Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình John Copeland.

Tài liệu tham khảo

  1. Mauck BM, Swigler CW. Evidence-Based Review of Distal Radius Fractures. Orthop Clin North Am. 2018 Apr;49(2):211-222. – PubMed
  2. Martinez-Mendez D, Lizaur-Utrilla A, de Juan-Herrero J. Prospective study of comminuted articular distal radius fractures stabilized by volar plating in the elderly. Int Orthop. 2018 Sep;42(9):2243-2248. – PubMed
  3. Calbiyik M. Fixation of unstable distal radius fractures by using expandable Intramedullary nailing system in adult patients. Pak J Med Sci. 2018 Jan-Feb;34(1):198-203. – PMC PubMed
  4. Corsino CB, Reeves RA, Sieg RN. StatPearls [Internet] StatPearls Publishing; Treasure Island (FL): 2021. Aug 11, Distal Radius Fractures. – PubMed
  5. Franic D, Verdenik I. Risk Factors for Osteoporosis in Postmenopausal Women – from The Point of View of Primary Care Gynecologist. Zdr Varst. 2018 Mar;57(1):33-38. – PMC PubMed
  6. Al-Amin Z, Senyürek SA, Van Lieshout EMM, Wijffels MME. Systematic review and pooled analysis of the rate of carpal tunnel syndrome after prophylactic carpal tunnel release in patients with a distal radius fracture. Hand Surg Rehabil. 2018 Jun;37(3):155-159. – PubMed
  7. Garner MR, Schottel PC, Thacher RR, Warner SJ, Lorich DG. Dual Radial Styloid and Volar Plating for Unstable Fractures of the Distal Radius. Am J Orthop (Belle Mead NJ) 2018 Mar;47(3) – PubMed
  8. Bessho Y, Nakamura T, Nishiwaki M, Nagura T, Matsumoto M, Nakamura M, Sato K. Effect of decrease in radial inclination of distal radius fractures on distal radioulnar joint stability: a biomechanical study. J Hand Surg Eur Vol. 2018 Nov;43(9):967-973. – PubMed
  9. Tseng PT, Leu TH, Chen YW, Chen YP. Hematoma block or procedural sedation and analgesia, which is the most effective method of anesthesia in reduction of displaced distal radius fracture? J Orthop Surg Res. 2018 Mar 27;13(1):62. – PMC PubMed
  10. Okamura A, de Mendonça GM, Raduan Neto J, de Moraes VY, Faloppa F, Belloti JC. Above-versus below-elbow casting for conservative treatment of distal radius fractures: a randomized controlled trial and study protocol. BMC Musculoskelet Disord. 2018 Mar 27;19(1):92. – PMC PubMed
  11. Nkaoui M, Yazidi AE. [Rupture of the extensor pollicis longus secondary to distal radius fracture repaired with partial tendineous graft from the extensor carpi radialis longus with good functional result]. Pan Afr Med J. 2017;28:152. – PMC PubMed
  12. Sato K, Murakami K, Mimata Y, Doita M. Incidence of tendon rupture following volar plate fixation of distal radius fractures: A survey of 2787 cases. J Orthop. 2018 Mar;15(1):236-238. – PMC PubMed
  13. Nasser JS, Huetteman HE, Shauver MJ, Chung KC. Older Patient Preferences for Internal Fixation after a Distal Radius Fracture: A Qualitative Study from the Wrist and Radius Injury Surgical Trial. Plast Reconstr Surg. 2018 Jul;142(1):34e-41e. – PMC PubMed
  14. Weinstock-Zlotnick G, Page C, Ghomrawi HM, Wolff AL. Responsiveness of three Patient Report Outcome (PRO) measures in patients with hand fractures: A preliminary cohort study. J Hand Ther. 2015 Oct-Dec;28(4):403-10; quiz 411. – PubMed

Để đọc chi tiết bài nghiên cứu, vui lòng truy cập tại đây.

Nguồn tham khảo: Theo ncbi.nlm.nih.gov

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.

Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.

Đường link liên kết

Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
314

Bài viết liên quan

Thuốc liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia