Các triệu chứng thường thấy của bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý khớp tự miễn mạn tính, với tổn thương cơ bản bắt đầu ở màng hoạt dịch của khớp. Đây là bệnh thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, ở độ tuổi trung niên và có biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng rõ rệt.
Hình ảnh viêm khớp dạng thấp tại Khoa Nội Cơ, Xương, Khớp Bệnh viện TWQĐ 108
Các triệu chứng lâm sàng thường thấy ở bệnh viêm khớp dạng thấp bao gồm:
Triệu chứng cơ năng:
- Đau, sưng khớp có tính chất đối xứng, lan tỏa đặc biệt là ở các khớp nhỏ và nhỡ. Thường đau sưng khớp liên tục cả ngày, tăng lên về đêm và gần sáng, nghỉ ngơi không đỡ đau.
- Tình trạng cứng khớp buổi sáng: thường kéo dài trên 1 giờ
- Mệt mỏi, suy nhược do viêm khớp kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân có thể không sốt hoặc sốt nhẹ trong đợt tiến triển bệnh.
Triệu chứng thực thể tại khớp:
- Sưng, đau, nóng tại các khớp, ít khi tấy đỏ. Sưng có thể là do sưng phần mềm hoặc do tràn dịch khớp. Thường viêm khớp nhỏ, có tính chất đối xứng, kéo dài vài tuần đến vài tháng. Các khớp viêm hay gặp như: cổ tay, bàn ngón tay, ngón gần, khuỷu, vai, háng, gối, cổ chân, khớp nhỏ bàn chân. Nếu bệnh nhân có viêm cột sống cổ thường là dấu hiệu tiên lượng nặng của bệnh, có thể xuất hiện bán trật khớp đội trục gây chèn ép tủy cổ.
Nếu không được điều trị sớm, đầy đủ, người bệnh sẽ bị dính và biến dạng các khớp viêm do tổn thương phá hủy khớp, gân, dây chằng từ đó gây bán trật khớp, tàn phế. Các kiểu biến dạng thường gặp gồm có: bàn tay gió thổi, cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay người thợ thùa khuyết, ngón tay hình cổ cò, hội chứng đường hầm cổ tay…
Triệu chứng ngoài khớp:
- Hạt thấp dưới da: Tỉ lệ gặp là 10-15%, thường ở dưới da vùng tỳ đè như khuỷu, cạnh ngón tay, ngón chân, vùng chẩm, gân Achilles. Hay gặp ở người viêm khớp dạng thấp nặng, tiến triển bệnh nhanh, thể huyết thanh dương tính. Tuy nhiên thấy người bệnh viêm khớp dạng thấp ở Việt Nam ít có hạt thấp dưới da. Đặc điểm những hạt này có mật độ chắc, thường gắn dính với màng xương hoặc gân nên ít di động, kích thước từ vài mm đến 2 cm, đứng thành từng đám.
- Tổn thương mắt: Thường viêm khô kết mạc, một phần trong hội chứng Sjogren. Có thể viêm củng mạc và nhuyễn củng mạc thủng khi bệnh tiến triển nặng
- Tổn thương phổi: Nốt dạng thấp ở nhu mô, xơ phổi kẽ lan tỏa, viêm phế quản hay tắc nghẽn đường hô hấp do viêm khớp nhẫn giáp, viêm phổi (thể bệnh nặng), viêm màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi cũng có thể gặp
- Tổn thương tim mạch: Viêm màng tim, viêm cơ tim, viêm van tim, loạn nhịp tim, nhiễm bột và viêm mạch.
- Hội chứng Felty: Giảm bạch cầu hạt, lách to, nhiễm khuẩn tái phát, hội chứng Sjogren, thường là biểu hiện toàn thân, đang tiến triển.
- Hiếm gặp tổn thương thần kinh ngoại biên và trung ương.
- Bên cạnh những triệu chứng lâm sàng nói trên, người bệnh có thể nhận định chính xác tình trạng bệnh của bản thân nhờ các dấu hiệu cận lâm sàng như:
- Thiếu máu: Khi bị viêm khớp dạng thấp kéo dài, mãn tính, người bệnh có thể bị tăng tiểu cầu, số lượng bạch cầu bình thường hoặc tăng nhẹ.
- Tăng tốc độ máu lắng và CRP: Dấu hiệu này có giá trị để đánh giá tình trạng viêm và dùng trong theo dõi đáp ứng điều trị, tuy nhiên đây là xét nghiệm không đặc hiệu.
- Yếu tố dạng thấp (Rheumatoid Factor – RF): Là các globulin miễn dịch kháng lại đoạn Fc của phân tử Globulin IgE. 50-75% người VKDT có RF dương tính thường là ở những bệnh nhân có HLA-DR4 và thể bệnh nặng, tiến triển nhanh… Hiệu giá kháng thể RF cao được xem là yếu tố tiên lượng nặng của bệnh.
- Kháng thể kháng CCP (anti-cyclic citrulinated peptide antibodies – antiCCP) rất có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp do xét nghiệm có độ đặc hiệu cao (98%). Có tới 93% người viêm khớp sớm chưa xác định rõ ràng loại bệnh nếu có anti-CCP dương tính thì sẽ tiến triển thành viêm khớp dạng thấp trong vòng 3 năm sau đó. Anti-CCP tăng cao cũng được xem là một yếu tố tiên lượng nặng của bệnh.
- Các thăm dò chẩn đoán hình ảnh.
Đối với viêm khớp dạng thấp, người bệnh thường chủ quan không kiểm tra thường xuyên và điều trị đúng cách dẫn đến tình trạng khi đến Bệnh viện thì bệnh đã chuyển nặng. Đây là bệnh lý có tỷ lệ tàn phế cao do tình trạng phá hủy khớp gây nên nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Do đó, việc nhận biết bệnh sớm là điều vô cùng quan trọng, người bệnh hãy chú ý theo dõi cơ thể của mình và chủ động tới các cơ sở y tế để được thăm khám thường xuyên và được tư vấn hướng điều trị phù hợp.
TS. BS. Vũ Thị Thanh Hoa
Khoa Nội Cơ Xương Khớp (A17) – Bệnh viện TWQĐ 108 – Truyền thông Bệnh viện
Trích nguồn: https://benhvien108.vn/cac-trieu-chung-thuong-thay-cua-benh-viem-khop-dang-thap.htm
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của VinmecDr. Việc sao chép, sử dụng phải được VinmecDr chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết
VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.