MỚI

Nội dung bài viết

Các kỹ thuật chẩn đoán vi sinh vật gây bệnh và chỉ định, nhận định kết quả xét nghiệm vi sinh

Ngày xuất bản: 22/03/2023

Nội dung bài viết

icon-toc-mobile

Các kỹ thuật chẩn đoán vi sinh vật gây bệnh thường được dùng để phát hiện những biểu hiện bệnh lý, phát hiện ký sinh trùng trong bệnh phẩm, từ đó định hướng chẩn đoán tác nhân gây bệnh. Bài viết này liệt kê các kỹ thuật chẩn đoán vi sinh vật gây bệnh và chỉ định, nhận định kết quả xét nghiệm vi sinh.

Bài viết bởi PGS.TS.BS. Đoàn Mai Phương – Trưởng đơn nguyên Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Hiện nay các phòng xét nghiệm vi sinh lâm sàng sử dụng 2 phương pháp chẩn đoán là phương pháp chẩn đoán trực tiếp và phương pháp chẩn đoán gián tiếp.

  • Chẩn đoán trực tiếp là phương pháp phát hiện các kháng nguyên vi sinh vật gây bệnh ở người, bao gồm các kỹ thuật như quan sát đại thể, soi tươi, nhuộm soi, nuôi cấy, sinh học phân tử, phát hiện kháng nguyên bằng phản ứng miễn dịch. 
  • Chẩn đoán gián tiếp là phương pháp phát hiện các kháng thể trong huyết thanh bệnh nhân bằng các phản ứng miễn dịch.
  1. Quan sát đại thể vi sinh vật

    Nội dung bài viết

     1.1. Mục đích: 

Phát hiện những biểu hiện bệnh lý, phát hiện ký sinh trùng trong bệnh phẩm, từ đó định hướng chẩn đoán tác nhân gây bệnh. 

     1.2. Chỉ định: 

Các loại bệnh phẩm chẩn đoán vi khuẩn, vi nấm, đơn bào, ký sinh trùng.

     1.3. Kỹ thuật quan sát: 

  • Số lượng bệnh phẩm: nhiều hay ít 
  • Màu sắc: dịch màu vàng có thể do Mycobacterium tuberculosis 
  • Mùi: nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí mùi rất thối 
  • Lẫn nhày: lỵ trực khuẩn 
  • Lẫn máu: lỵ trực khuẩn, lỵ amip  
  • Độ trong, đục: dịch đục có thể do nhiễm khuẩn
  • Đặc hay lỏng: phân lỏng, trắng như như nước vo gạo nghĩ đến Vibrio cholerae

     1.4. Nhận định kết quả:

  • Xét nghiệm ký sinh trùng: Quan sát đại thể có thể phát hiện và định danh được một số loài giun, sán.
  • Xét nghiệm đơn bào, vi nấm, vi khuẩn: Một số trường hợp có thể định hướng được bệnh do đơn bào, vi nấm, vi khuẩn.

     2. Soi tươi 

     2.1. Mục đích và nguyên lý

Sử dụng các kính có độ phóng đại để quan sát hình thể, kích thước, cấu tạo, hoạt động của các vi sinh vật có trong bệnh phẩm. Ngoài ra có thể quan sát sự có mặt của bạch cầu đa nhân và hồng cầu.

      2.2. Chỉ định: 

  • Xét nghiệm giun, sán
  • Xét nghiệm đơn bào
  • Xét nghiệm vi nấm
  • Xét nghiệm đánh giá khả năng di động của một số vi khuẩn 

      2.3. Kỹ thuật:

Dựa vào kích thước của các vi sinh vật cần chẩn đoán mà sử dụng các kính có độ phóng đại và kỹ thuật soi trực tiếp thích hợp.

  • Soi tươi bằng nước muối sinh lý
  • Sơi tươi bằng nước muối ưu trương
  • Soi tươi bằng KOH
  • Soi tươi bằng mực tầu
  • Soi tươi bằng kính hiển vi nền đen

      2.4. Đọc kết quả 

  • Dương tính: Có thấy hình ảnh đơn bào, giun, sán, trứng giun, sán, nấm men, nấm sợi, nấm lưỡng hình trong tiêu bản soi tươi.
  • Âm tính: Không thấy hình ảnh đơn bào, giun, sán, trứng giun, sán, nấm men, nấm sợi, nấm lưỡng hình trong tiêu bản soi tươi.

      2.5. Nhận định kết quả xét nghiệm

  • Xét nghiệm ký sinh khuẩn: Định danh được đa số các loài giun, sán và trứng giun, sán
  • Xét nghiệm đơn bào: Định danh một số đơn bào như Entamoeba histocolytica, Tricomonas, Giardia lamblia…
  • Xét nghiệm vi nấm: Định danh đến mức độ chi (genus) của nấm men, nấm sợi, nấm lưỡng hình
  • Xét nghiệm đánh giá khả năng di động của một số vi khuẩn: Đánh giá khả năng di động của một số vi khuẩn, ví dụ Vibrio cholera nhưng không đặc hiệu.

      2.6. Lưu ý: 

  • Ưu điểm: 
  • Đơn giản
  • Nhanh 
  • Ít tốn kém 
  • Thực hiện được ở các tuyến y tế cơ sở 
  • Nhược điểm: 
  • Cán bộ xét nghiệm phải được đào tạo và có kinh nghiệm.
  • Độ nhạy không cao
  • Không thử nghiệm được kháng sinh đồ

     3. Nhuộm soi

      3.1. Mục đích và nguyên lý của xét nghiệm

Nhuộm soi để quan sát hình thể, kích thước, cách sắp xếp và tính chất bắt màu của vi khuẩn, vi nấm, đơn bào, đồng thời quan sát sự có mặt của bạch cầu đa nhân và hồng cầu, mối quan hệ giữa vi sinh vật và bạch cầu đa nhân như vi khuẩn nằm trong hay ngoài bạch cầu đa nhân. 

Nhuộm soi còn để đánh giá chất lượng bệnh phẩm, chẩn đoán sơ bộ sớm cho các nhà lâm sàng, định hướng kỹ thuật chẩn đoán và đối chiếu kết quả nhuộm soi và nuôi cấy cho cán bộ vi sinh. 

      3.2. Chỉ định: 

  • Xét nghiệm vi khuẩn:
  • Xét nghiệm vi khuẩn thông thường: Nhuộm Gram phát hiện vi khuẩn Gram dương (Staphylococcus spp., Streptococcus spp.…) và vi khuẩn Gram âm (Enterobacteriaceae, Pseudomonas spp.…)
  • Xét nghiệm vi khuẩn kháng acid (AFB) Mycobacterium spp. như M. tuberculosis (trực khuẩn lao), M. avium complex (vi khuẩn lao không điển hình), Mycobacterium leprae (trực khuẩn hủi)… : Nhuộm Ziehl-Neelsen
  • Xét nghiệm vi khuẩn Nocardia spp., Rhodococcus spp., Actinomyces…: Nhuộm Ziehl-Neelsen cải tiến
  • Xét nghiệm một số vi khuẩn đặc biệt: Nhuộm huỳnh quang
  • Xét nghiệm Corynebacterium dipththeria (trực khuẩn bạch hầu): Nhuộm Albert 
  • Xét nghiệm Treponema pallium (xoắn khuẩn giang mai): Nhuộm thấm bạc
  • Xét nghiệm vi nấm: 
  • Nấm men: Nhuộm Gram
  • Nấm lưỡng hình Histoplasma:  Nhuộm Giemsa, PAS (Periodic acid schiff) 
  • Phát hiện Pneumocytis jiroveci (PCP): Nhuộm Giemsa, TBO (Toluidine blue O), GMS (Gomori methenamine silver)
  • Xét nghiệm đơn bào: 

Phát hiện Cyclospora, Crytosporidium, Isospora …: Nhuộm Ziehl-Neelsen cải tiến

  • Xét nghiệm ký sinh trùng:

Phát hiện Plasmodium (ký sinh khuẩn sốt rét), Filaria (ấu khuẩn giun chỉ), Toxoplasma…: Nhuộm Giemsa

       3.3. Kỹ thuật:

  • Nhuộm Gram 
  • Nhuộm Ziehl-Neelsen 
  • Nhuộm Ziehl-Neelsen cải tiến 
  • Nhuộm Albert 
  • Nhuộm thấm bạc 
  • Nhuộm huỳnh quang
  • Nhuộm Giemsa
  • Nhuộm PAS (Periodic acid schiff) 
  • Nhuộm TBO (Toluidine blue O)
  • Nhuộm GMS (Gomori methenamine silver)
  • Nhuộm xanh Methylen 

        3.4. Đọc kết quả:

  • Dương tính:
  • Có thấy hình thể vi khuẩn, vi nấm, đơn bào trong bệnh phẩm từ vị trí vô khuẩn.
  • Có thấy hình thể đặc biệt của một số vi khuẩn gây bệnh, hình thể của vi nấm, đơn bào gây bệnh trong các bệnh phẩm có vi hệ bình thường.
  • Âm tính:
  • Không thấy hình thể vi khuẩn từ các bệnh phẩm từ vị trí vô khuẩn.
  • Không thấy hình thể đặc biệt của một số vi khuẩn gây bệnh, hình thể của vi nấm, đơn bào gây bệnh trong các bệnh phẩm có vi hệ bình thường.

        3.5. Nhận định kết quả:

  • Đánh giá chất lượng bệnh phẩm: ví dụ bệnh phẩm đờm đạt tiêu chuẩn phải có > 25 bạch cầu đa nhân và/hoặc < 10 tế bào biểu mô. 
  • Định hướng chẩn đoán cho cán bộ vi sinh để lựa chọn kỹ thuật và môi trường nuôi cấy khi quan sát thấy vi sinh vật gây bệnh,
  • Chẩn đoán sơ bộ, định hướng sớm cho các nhà lâm sàng khi quan sát thấy vi sinh vật:
  • Vi sinh vật được coi là tác nhân gây nhiễm khuẩn khi phát hiện được trong bệnh phẩm từ vị trí vô khuẩn.
  • Vi sinh vật có hình thể đặc biệt  như Neisseria gonorhoeae, Mycobacterium tuberculosis, Treponema pallium, Vibrio cholera, Campylobacter, Corynebacterium dipththeria … coi là tác nhân gây nhiễm khuẩn khi phát hiện được trong bệnh phẩm từ vị trí có vi hệ bình thường.

         3.6. Lưu ý:

  • Ưu điểm:  
  • Đơn giản
  • Nhanh
  • Ít tốn kém 
  • Có thể thực hiện được ở các tuyến y tế cơ sở. 
  • Đối với một số bệnh cấp tính và có thể thành dịch như tả, bạch hầu, dịch hạch… nhuộm soi có vai trò quan trọng trong định hướng để điều trị và phòng bệnh.
  • Nhược điểm: 
  • Độ nhạy không cao
  • Không thử nghiệm được kháng sinh đồ
  • Cán bộ xét nghiệm phải được đào tạo và có kinh nghiệm

       4. Nuôi cấy, định danh

       4.1. Mục đích và nguyên lý

Vi khuẩn, vi nấm có khả năng phát triển trên môi trường nuôi cấy nhân tạo. Nuôi cấy vi khuẩn, vi nấm trên các môi trường thích hợp nhằm tăng sinh vi khuẩn, vi nấm về số lượng và tạo ra những khuẩn lạc riêng rẽ để định danh chúng dựa trên nhận dạng khuẩn lạc, hình thể nhuộm Gram và xác định các tính chất sinh vật hóa học của vi khuẩn, vi nấm. 

       4.2. Chỉ định:

  • Xét nghiệm vi khuẩn: Vi khuẩn hiếu, kỵ khí tùy tiện 
  • Xét nghiệm vi nấm: Nấm men, nấm mốc, nấm lưỡng hình

         4.3. Kỹ thuật: 

  • Lựa chọn môi trường: Có rất nhiều loại môi trường giầu chất dinh dưỡng và các vitamin thích hợp để nuôi cấy và định danh cho từng loại vi khuẩn, nấm. Môi trường lỏng, môi trường tăng sinh là môi trường tăng sinh, giúp vi sinh vật phát triển nhanh. Môi trường đặc giúp vi khuẩn, nấm tạo thành khuẩn lạc sau khi mọc trên môi trường đặc thích hợp sau một thời gian nhất định. Khuẩn lạc là một quần thể vi sinh vật phát triển từ một vi sinh vật ban đầu. Dựa vào tính chất khuẩn lạc như hình dạng, kích thước, màu sắc hoặc tính chất nuôi cấy như tan máu, lên men một số đường có thể định danh được vi khuẩn, vi nấm.
  • Bệnh phẩm từ vị trí vô khuẩn được nuôi cấy trên môi trường tăng sinh, giầu chất dinh dưỡng và các vitamin thích hợp cho vi khuẩn, vi nấm phát triển. 
  • Bệnh phẩm từ vị trí có vi hệ bình thường phải nuôi cấy trên môi trường chọn lọc có chất ức chế, hạn chế vi sinh vật cư trú mọc lấn át vi sinh vật gây bệnh 
  • Kỹ thuật nuôi cấy:
  • Bệnh phẩm từ vị trí vô khuẩn: Dùng kỹ thuật nuôi cấy thông thường
  • Bệnh phẩm từ vị trí có vi hệ bình thường: Dùng kỹ thuật cấy định lượng hoặc bán định lượng 
  • Điều kiện ủ ấm:
  • Nhiệt độ ủ ấm: 35- 37oC (25-42oC)
  • Khí trường: Thông thường, hoặc 5-10% CO2, hoặc kỵ khí 
  • Thời gian nuôi cấy: 3-7 ngày 
  • Định danh vi khuẩn, vi nấm:

  • Nhận định khuẩn lạc

  • Nhuộm Gram quan sát hình thể từ khuẩn lạc

  • Xác định tính chất sinh vật hoá học: Mỗi vi khuẩn, vi nấm có khả năng chuyển hoá các cơ chất bằng hệ thống enzym khác nhau. Dựa vào khả năng chuyển hóa này có thể xác định được các vi khuẩn, vi nấm. Dựa vào tính chất sinh vật hoá học, một số vi khuẩn có thể phân type (Biotype).

      4.4. Đọc kết quả:

  • Dương tính:
  • Phân lập, định danh được vi khuẩn, vi nấm từ các bệnh phẩm trong vị trí vô khuẩn.
  • Phân lập, định danh được được vi khuẩn, vi nấm gây bệnh từ các bệnh phẩm trong vị trí có vi hệ bình thường. 
  • Âm tính:
  • Không phân lập được vi khuẩn, vi nấm từ các bệnh phẩm trong vị trí vô khuẩn.
  • Không phân lập được vi khuẩn, vi nấm gây bệnh từ các bệnh phẩm trong vị trí có vi hệ bình thường. 

          4.5. Nhận định kết quả:

  • Bệnh phẩm từ vị trí vô khuẩn: Khi nuôi cấy, định danh  được vi sinh vật, chúng được coi là tác nhân gây nhiễm khuẩn. 
  • Bệnh phẩm từ vị trí có vi hệ bình thường: Khi nuôi cấy, định danh được vi sinh vật, chúng được coi là tác nhân gây nhiễm khuẩn khi: 
  • Số lượng vi sinh vật phải chiếm ưu thế (thường là ≥105 CFU/mL) 
  • Có sự hiện diện của bạch cầu đa nhân trung tính

          4.6. Lưu ý:  

  • Ưu điểm: 
  • Rất tốt nếu tiến hành chính xác
  • Nuôi cấy, phân lập và định danh được các vi khuẩn hiếu, kỵ khí tùy tiện
  • Nuôi cấy, phân lập và định danh được vi nấm 
  • Thử nghiệm kháng sinh đồ định tính và định lượng
  • Nhược điểm:
  • Tốn thời gian (18-72h)
  • Khó áp dụng cho vi khuẩn mọc chậm và các vi khuẩn đòi hỏi điều kiện nuôi cấy đặc biệt như Legionella, Mycoplasma, Chlamydia, Campylobacter, Nocardia … và vi khuẩn kỵ khí
  • Khó áp dụng cho virus
  • Đôi khi khó phân biệt giữa nhiễm khuẩn và vi hệ
  • Yêu cầu an toàn sinh học

          Phát hiện kháng nguyên vi sinh vật hoặc các sản phẩm của kháng nguyên bằng phản ứng miễn dịch học

           1. Mục đích và nguyên lý: 

Phát hiện kháng nguyên của vi sinh vật, kháng nguyên của vách tế bào, kháng nguyên lông, kháng nguyên vỏ, các độc tố có trong máu hoặc dịch tiết của cơ thể, các sản phẩm ngoại bào, các sản phẩm đặc biệt của vi sinh vật bằng cách dùng kháng thể đã biết trước (kháng huyết thanh mẫu) để xác định kháng nguyên.

           2. Chỉ định:

  • Xét nghiệm vi rút
  • Xét nghiệm vi khuẩn, vi nấm khó nuôi cấy
  • Xét nghiệm ký sinh trùng nội bào

           3. Kỹ thuật: 

Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật miễn dịch được ứng dụng để phát hiện kháng nguyên nhưng thông dụng nhất là:

  • Sắc ký miễn dịch
  • Ngưng kết trực tiếp
  • Ngưng kết latex
  • Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp 
  • Miễn dịch gắn men (ELISA) phát hiện kháng nguyên
  • Kỹ thuật hóa phát quang
  • Kỹ thuật điện hóa phát quang

           4. Đọc kết quả:

  • Dương tính: Có phản ứng xảy ra với chứng dương và bệnh phẩm 
  • Âm tính: Có phản ứng xảy ra với chứng dương nhưng không xảy ra với bệnh phẩm 

          5. Nhận định kết quả:

Có hoặc không có sự hiện diện của vi sinh vật hoặc các sản phẩm đặc biệt của vi sinh vật như vách tế bào, lông, vỏ, các độc tố, các sản phẩm ngoại bào…

          6. Lưu ý:  

  • Ưu điểm:
  • Nhanh
  • Tốt đối với các vi sinh vật không nuôi cấy được trên môi trường nhân tạo
  • Có thể chẩn đoán dương tính giai đoạn sớm của bệnh
  • Nhược điểm:
  • Có thể dương tính giả
  • Có thể có giai đoạn phát hiện ngắn
  • Không thử nghiệm được kháng sinh đồ

          Kỹ thuật sinh học phân tử pcr trong chẩn đoán vi sinh vật

          1. Mục đích và nguyên lý: 

Kỹ thuật khuếch đại gen PCR (Polymerase Chain Reaction) là một kỹ thuật phổ biến trong sinh học phân tử nhằm khuếch đại (tạo ra nhiều bản sao) một đoạn DNA mà không cần sử dụng các vi sinh vật sống, thay thế hoặc bổ sung cho các thử nghiệm kinh điển có độ nhậy và độ đặc hiệu kém hơn hoặc là thay thế cho các kỹ thuật phức tạp hơn. 

          2. Chỉ định:

  • Xét nghiệm các virus gây bệnh không nuôi cấy thường quy như virus viêm gan B, viêm gan C,  Dengue, HIV, Herpes, CMV, EBV, HPV, SARS, H5N1… Đối với HIV, PCR cho kết quả dương tính sớm hơn các dấu hiệu biến đổi về miễn dịch từ 3 – 6 tháng, đặc biệt có thể chẩn đoán HIV ở trẻ sơ sinh, khi các kháng thể kháng HIV ở trẻ không chỉ đơn thuần từ mẹ truyền sang.
  • Xét nghiệm các vi sinh vật nuôi cấy khó hoặc chưa nuôi cấy được nhân tạo như:
  • Các xoắn khuẩn: Xoắn khuẩn Treponema pallidum gây bệnh giang mai, đặc biệt là chẩn đoán giang mai bẩm sinh. Xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi gây bệnh Lyme.
  •  
  • Các tác nhân thường gây bệnh qua đường tình dục như Neisseria gonorrhoeae gây bệnh lậu và các tác nhân thường gây viêm niệu đạo sau lậu như Chlamydia trachomatis, Ureaplasma urealyticum và Mycoplasma genitalium.
  • Tác nhân quan trọng trong bệnh lý viêm, loét và ung thư dạ dày như Helicobacter pylori (HP) tìm trực tiếp từ mảnh sinh thiết dạ dày, hoặc tìm các gen (VacA, CagA) liên quan tới độc tính. 
  •  
  • Các vi khuẩn khác như Coxiella burnetti với mảnh 438-bp của gen mã hoá cho một protein 27kDa của màng ngoài; Salmonella typhi với mảnh 343-bp mã hoá cho protein lông và 599-bp mã hoá cho kháng nguyên Vi; Burkholderia pseudomallei với mảnh 517-bp của 16S ARNr.
  • Xét nghiệm tác nhân nuôi cấy thường quy cho kết quả chậm như Mycobacterium tuberculosis. M. tuberculosis nuôi cấy không quá khó nhưng do chúng mọc rất chậm, khoảng 2 tháng sau khi nuôi cấy mới nhìn thấy khuẩn lạc (thời gian nhân đôi từ 14 – 15 giờ, so với E. coli khoảng 20 phút). Vì vậy, giá trị phục vụ lâm sàng của phương pháp nuôi cấy bị hạn chế rất nhiều. Phương pháp nhuộm soi từ bệnh phẩm có độ nhạy thấp, phải có trên 105 vi khuẩn/ml đờm mới cho kết quả dương tính. 
  • Xét nghiệm tác nhân nuôi cấy thất bại vì có mặt rất ít trong bệnh phẩm do đã điều trị kháng sinh trước đó, ví dụ lao thất bại nuôi cấy, viêm màng não mủ mất đầu…
  • Xét nghiệm ký sinh trùng như Entamoeba histolytica, Leishmania, Echinococcus, Microsporidia, Giardia, Cryptosporidium, Toxoplasma gondii… 
  • Xét nghiệm xác định độc tố của vi sinh vật:
  • Tiểu đơn vị A của độc tố ruột không chịu nhiệt của E. coli, các gen elta và elfB của ETEC; vt1 và vt2 của EHEC; eaeA và bfpA của EPEC; ial của EIEC và Shigella đã được khuyếch đại bằng PCR nhằm chẩn đoán phân biệt giữa các loại Escherichia coli gây tiêu chảy.
  • Độc tố ruột của Vibrio cholera (CT: cholera toxin) đóng vai trò chủ đạo trong cơ chế gây bệnh, có thể phân biệt một cách chắc chắn Vibrio cholerae gây bệnh tả thực sự với các Vibrio cholerae khác, thuộc các nhóm huyết thanh không gây bệnh tả (NAG: non-agglutination).
  • Clostridium difficile đã được định loại thông qua xác định các loại độc tố riêng biệt.
  • Xét nghiệm xác định vi khuẩn ngoài môi trường: Legionella, Salmonella, Shigella Vibrio cholerae.
  • Xét nghiệm phát hiện gen mang tính kháng thuốc của vi sinh vật: Xác định các đột biến kháng Rifamicin M. tuberculosis ở gen rpoB, dấu hiệu rất có giá trị để coi một M. tuberculosis là đa đề kháng. 
  • Phân loại (classification) vi khuẩn: Khuếch đại những đoạn gen phụ trách ARNr 16S có thể so sánh mối quan hệ gần hoặc xa giữa các vi khuẩn, góp phần phân loại vi khuẩn chính xác hơn.

           3. Kỹ thuật

Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật sinh học phân tử được ứng dụng để chẩn đoán vi sinh vật nhưng kỹ thuật thông dụng nhất tại phòng xét nghiệm vi sinh lâm sàng là:

  • PCR
  • Real-time PCR

           4. Đọc kết quả:

  • Dương tính: Cường độ tín hiệu huỳnh quang của mẫu xét nghiệm vượt quá đường tín hiệu huỳnh quang nền (baseline).
  • Âm tính: Cường độ tín hiệu huỳnh quang của mẫu xét nghiệm bằng hoặc thấp hơn đường tín hiệu huỳnh quang nền (baseline).

           5. Nhận định kết quả:

Chẩn đoán, định lượng chính xác vi sinh vật dựa vào vật liệu di truyền của vi sinh vật đó.

           6. Lưu ý:

  • Ưu điểm: 
  • Nhanh (thời gian cần thiết cho chẩn đoán tính bằng “giờ” so với các kỹ thuật kinh điển phải tính bằng “ngày”)
  • Tốt đối với các vi sinh vật không nuôi cấy trên môi trường nhân tạo, khó nuôi cấy, hoặc kết quả nuôi cấy chậm, hoặc ở những bệnh nhân đã dùng kháng sinh trước khi vào viện.
  • Không nhất thiết đòi hỏi vi sinh vật sống.
  • Phát hiện vi sinh vật với số lượng nhỏ (chỉ cần số lượng 10 – 1.000 vi sinh vật).
  • Độ nhạy rất cao, gấp khoảng 10.000 lần so với các phương pháp cổ điển 
  • Độ đặc hiệu rất cao.
  • Có thể định lượng (real-time PCR)
  • Nhược điểm:
  • PCR chỉ bổ sung chứ không thay thế hẳn được phương pháp chẩn đoán kinh điển khác do quá nhạy nên rất dễ xảy ra hiện tượng âm tính giả hoặc dương tính giả.
  • Yêu cầu trang thiết bị, sinh phẩm chuyên biệt, đắt tiền, cán bộ kỹ thuật phải có trình độ nhất định và kỹ thuật thực hiện còn phức tạp.
  • Không có chủng vi sinh vật để thực hiện kháng sinh đồ 

          Phát hiện kháng thể bằng phản ứng miễn dịch học

          1. Mục đích và nguyên lý: 

Phát hiện kháng thể là phương pháp chẩn đoán gián tiếp tìm kháng thể trong huyết thanh bệnh nhân. Dựa vào các kháng nguyên mẫu đã biết trước và bằng các phản ứng kết hợp kháng nguyên – kháng thể đặc hiệu để tìm kháng thể. Thông qua sự có mặt của kháng thể mà kết luận sự có mặt của kháng nguyên là vi sinh vật gây bệnh.

          2. Chỉ định: 

  • Các virus gây nhiễm khuẩn như virus viêm gan B, viêm gan C,  Dengue, HIV, Herpes, CMV, EBV, HPV, SARS, H5N1…
  • Các ký sinh trùng như Entamoeba histolytica, Toxoplasma gondii…

          3. Kỹ thuật:

Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật miễn dịch được ứng dụng để phát hiện kháng thể nhưng thông dụng nhất là:

  • Kỹ thuật miễn dịch gắn men (ELISA) phát hiện IgM, IgG
  • Kỹ thuật ngưng kết
  • Kỹ thuật hóa phát quang
  • Kỹ thuật điện hóa phát quang
  • Kỹ thuật sắc ký miễn dịch
  • Kỹ thuật Western blot

          4. Đọc kết quả:

  • Dương tính: Trên ngưỡng phát hiện 
  • Âm tính: Dưới ngưỡng phát hiện

          5. Nhận định kết quả:

  • Kháng thể IgM dương tính: Nhiễm khuẩn cấp tính
  • Kháng thể IgG dương tính: Nhiễm khuẩn đã mắc trước đó

          6. Lưu ý:

  • Ưu điểm: 
  • Không đắt
  • Dễ thực hiện
  • Tốt đối với các vi sinh vật không nuôi cấy được trên môi trường nhân tạo (vi rus, vi khuẩn, vi nấm khó mọc) 
  • Có thể thử nghiệm nhanh, tùy thuộc vào kỹ thuật
  • Nhược điểm: 
  • Có thể dương tính giả
  • Có thể âm tính giả
  • Khó phiên giải kết quả do đáp ứng miễn dịch xảy ra chậm (kết quả âm tính giả trong giai đoạn cửa sổ), giai đoạn nhiễm khuẩn không phải lúc nào cũng rõ ràng.
  • Đôi khi cần 2 lần thử nghiệm (chậm)
  • Không thử nghiệm được kháng sinh đồ

Tóm lại, xét nghiệm vi sinh chỉ thực sự đóng vai trò quan trọng trong công tác chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh nhiễm khuẩn khi các xét nghiệm vi sinh này đảm bảo chất lượng. Vì vậy, mỗi phòng xét nghiệm vi sinh phải có kế hoạch thực hiện việc quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở của mình. 

facebook
963

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên gia

tra-cuu-thuoc

THÔNG TIN THUỐC

TRA CỨU NGAY