MỚI

Thoái hóa khớp gối

Ngày xuất bản: 23/08/2022

Thoái hóa khớp gối thường là hậu quả của sự xói mòn, rách và mất dần của sụn khớp, thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Thoái hóa khớp gối có thể chia thành 2 loại: nguyên phát và thứ phát.

Tổng quan

Thoái hóa khớp gối thường là hậu quả của sự xói mòn, rách và mất dần của sụn khớp, thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Thoái hóa khớp gối có thể chia thành 2 loại: nguyên phát và thứ phát. Thoái hóa khớp gối nguyên phát là sự thoái hóa khớp mà không có nguyên nhân nào rõ ràng. Thoái hóa khớp gối thứ phát là hậu quả của việc dồn lực bất thường lên khớp, ví dụ do các nguyên nhân sau chấn thương hoặc bất thường về sụn khớp, ví dụ như viêm khớp dạng thấp. Thoái hóa khớp là một bệnh thoái hóa điển hình, hậu quả cuối cùng có thể dẫn đến tàn phế. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng lâm sàng có thể thay đổi tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Tuy nhiên các triệu chứng có thể trở nên nặng hơn, xảy ra thường xuyên hơn theo thời gian. Mức độ tiến triển cũng tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Các triệu chứng lâm sàng thường gặp bao bao gồm đau khớp gối tiến triển ttừ, đau tăng lên khi vận động, cứng khớp gối, sưng và đau sau một khoảng thời gian ngồi hoặc nghỉ ngơi lâu. Qua thời gian, đau tăng dần. Điều trị thoái hóa khớp gối thường bắt đầu bằng các phương pháp bảo tồn, các phương pháp điều trị bằng phẫu thuật được chỉ định khi điều trị bảo tồn thất bại. Hiện nay, mặc dù một số thuốc có thể làm giảm tốc độ tiến triển của viêm khớp dạng thấp và các tình trạng viêm khác, tuy nhiên trong điều trị thoái hóa khớp gối, không có các yếu tố nào được chứng minh có thể thay đổi tiến trình bệnh. Bài viết này nhấn mạnh vai trò của nhóm đa chuyên khoa trong quản lí thoái hóa khớp gối.

1. Giới thiệu

Thoái hóa khớp gối là một bệnh thoái hóa khớp đặc trưng bởi sự rách, mòn và mất dần của sụn khớp.  Thoái hóa khớp gối thường gặp ở người lớn tuổi, có thể chia làm 2 loại: nguyên phát và thứ phát. Thoái hóa khớp gối nguyên phát là sự thoái hóa khớp mà không có bất kỳ nguyên nhân nào rõ ràng. Thoái hóa khớp gối thứ phát là hậu quả của việc tác dụng lực bất thường lên khớp, ví dụ như do các nguyên nhân sau chấn thương hoặc bất thường sụn khớp, ví dụ như viêm khớp dạng thấp.

Thoái hóa khớp gối là một bệnh thoái hóa điển hình mà hậu quả có thể gây tàn phế. Mức độ năng của các triệu chứng lâm sàng có thể thay đổi tùy thuộc vào mỗi bệnh nhân. tuy nhiên, theo thời gian, chúng thường nặng hơn, xuất hiện thường xuyên hơn. Mức độ tiến triển cũng tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Các triệu chứng lâm sàng thường gặp gồm có đau khớp gối- thường khởi phát và nặng dần khi hoạt động, cứng khớp gối và sưng đau sau khi ngồi hoặc nghỉ nhiều. Các cơn đau tăng dần theo thời gian. Điều trị thoái hóa khớp gối thường bắt đầu với các phương pháp bảo tồn và sau đó là các phương pháp phẫu thuật khi điều trị bảo tồn thất bại. Hiện nay, trong khi một số thuốc có thể làm giảm tốc độ tiến triển của viêm khớp dạng thấp và các tình trạng viêm khác, không có yếu tố nào được chứng minh có thể thay đổi tiến trình của thoái hóa khớp gối.

2. Nguyên nhân

Thoái hóa khớp gối được chia làm thoái hóa khớp gối nguyên phát và thứ phát phụ thuộc vào nguyên nhân của chúng. Thoái hóa khớp gối nguyên phát là hậu quả của việc thoái hóa sụn khớp mà không có nguyên nhân nào được tìm thấy. Thoái hóa do tuổi, mòn và rách được cho là nguyên nhân của thoái hóa khớp gối nguyên phát.

Một số nguyên nhân của thoái hóa khớp gối thứ phát:

  • Sau chấn thương
  • Sau phẫu thuật
  • Bẩm sinh hoặc dị dạng chi
  • Sai vị trí
  • Vẹo cột sống
  • Bệnh còi xương
  • Ứ sắt
  • Lắng đọng muối canxi trong sụn
  • Rối loạn sắc tố da
  • Bệnh Wilson
  • Gút
  • Giả gút
  • To đầu chi
  • Hoại tử vô mạch
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Viêm khớp nhiễm khuẩn
  • Hemophilia
  • Bệnh Paget
  • Bệnh tế bào hình liềm

3. Các yếu tố nguy cơ của thoái hóa khớp gối

Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

  • Chấn thương khớp
  • Nghề nghiệp: đứng lâu và gập gối thường xuyên
  • Yếu cơ hoặc mất thăng bằng
  • Cân nặng
  • Hội chứng chuyển hóa

Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được

  • Giới tính: thường gặp nữ giới nhiều hơn nam giới
  • Tuổi
  • Gene
  • Chủng tộc

4. Dịch tễ học

Thoái hóa khớp gối là loại thoái hóa khớp thường gặp nhất, tỉ lệ mắc sẽ tăng dần khi tuổi thọ trung bình và tỷ lệ béo phì tăng. Theo thống kê, có đến 13% phụ nữ và 10%  nam giới trên 60 tuổi có các triệu chứng của thoái hóa khớp gối. Ở những người trên 70 tuổi, tỷ lệ mắc cao đến 40%. Tỉ lệ mắc  ở nam giới thấp hơn ở phụ nữ. Điều thú vị là không phải ai có đặc điểm của thoái hóa khớp gối trên chẩn đoán hình ảnh cũng có triệu chứng lâm sàng. Một nghiên cứu cho thấy chỉ có 15% những bệnh nhân có hình ảnh của thoái hóa khớp gối trên phim là có triệu chứng. Nếu không xét đến khía cạnh tuổi tác, tỉ lệ thoái hóa khớp gối có triệu chứng là 240/100,000 ca mỗi năm.

5. Sinh lý bệnh

Thành phần của sụn khớp chủ yếu là collagen tuýp 2, proteoglycan, tế bào sụn và nước. Bình thường quá trình hủy sụn khớp và tái tạo sụn khớp cân  bằng với nhau. Trong quá trình thoái hóa khớp, các emzym phá hủy (Matrix metalloproteases- MPPs) chiếm ưu thế, phá hủy trạng thái cân  bằng từ đó gây mất collagen và proteoglycan. Trong thoái hóa khớp giai đoạn sớm, tế bào sụn bài tiết ra các chất ức chế mô MMPs, do đó làm tăng tổng hợp proteoglycan, giúp bù trừ quá trình tiêu hủy khớp. Tuy nhiên, quá trình sửa chữa này không đủ. Sự mất cân  bằng gây giảm lượng proteoglycan mặc dù có sự tăng tổng hợp, tăng thành phần của nước, sự rối loạn tổ chức của collagen, cuối cùng làm mất sự đàn hồi của sụn khớp.  Những thay đổi vĩ mô làm nứt và gãy sụn khớp, cuối cùng gây mòn mặt khớp.

Mặc dù thoái hóa khớp gối liên quan rất chặt chẽ với tuổi nhưng cần biết rằng thoái hóa khớp gối không chỉ đơn giản là hậu quả của tuổi già mà hơn hết là do bản thân khớp gối. Điều này được chứng minh bằng việc có sự khác nhau ở sụn khi đối chiếu sụn của bệnh nhân thoái hóa khớp với sụn ở bệnh nhân lớn tuổi. Ngoài ra, trong khớp gối bị thoái hóa, enzym gây thoái hóa khớp có nồng độ cao, trong khi lượng emzyme này là bình thường trong khớp không bị thoái hóa ở người cùng tuổi.

6. Mô bệnh học

6.1. Thay đổi của sụn theo tuổi

  • Nước- giảm
  • Collagen- không đổi
  • Proteoglycan- giảm
  • Tổng hợp proteoglycan- Không đổi
  • Kích thước tế bào sụn- tăng
  • Số lượng tế bào sụn- giảm
  • Độ đàn hồi- tăng

6.2. Thay đổi của sụn trong thoái hóa khớp

  • Nước- giảm
  • Collagen: rối loạn
  • Proteoglycan- giảm
  • Tổng hợp proteoglycan: tăng
  • Kích thước tế bào sụn: không đổi
  • Số lượng tế bào sụn-: không đổi
  • Độ đàn hồi: giảm 

6.3. Matrix Metalloproteases (MMPs)

Các chất tham gia vào quá trình thoái hóa sụn

  • Stromelysin
  • Plasmin
  • Aggrecanase- 1 (ADAMTS-4)
  • Collagenase
  • Gelatinase

6.4. Chất ức chế mô của MMPs

Kiểm soát hoạt động của MMP, ngăn ngừa sự thoái hóa quá mức

  • TIMP-1
  • TIMP-2
  • Alpha-2-macroglobulin

7. Bệnh sử và thăm khám

Bệnh nhân thường than phiền đau khớp gối, do đó cần khai thác bệnh sử một cách chi tiết liên quan đến các triệu chứng của bệnh nhân. Cần đặc biệt chú ý đến bệnh sử vì đau khớp gối cũng có thể liên quan đến cột sống thắt lưng hoặc khớp háng. Cần hỏi bệnh nhân về tiền sử sử dụng thuốc và phẫu thuật để loại trừ các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp gối thứ phát.

Bệnh sử liên quan đến thoái hóa khớp gối thường bao gồm các thông tin sau:

  • Hoàn cảnh khởi phát triệu chứng
  • Vị trí đau cụ thể
  • Thời gian kéo dài của cơn đau và các triệu chứng khác
  • Tính chất của cơn đau
  • Các yếu tố làm cơn đau tăng hoặc giảm
  • Hướng lan của cơn đau
  • Thời gian cụ thể của các triệu chứng
  • Độ nặng của triệu chứng
  • Hoạt động của bệnh nhân

8. Triệu chứng lâm sàng của thoái hóa khớp gối

  • Đau gối
  • Thường khởi phát từ từ
  • Đau dần khi hoạt động lâu
  • Đau tăng khi gập gối nhiều lần hoặc lên cầu thang
  • Đau tăng khi không hoạt động
  • Đau tăng dần theo thời gian
  • Đau giảm khi nghỉ
  • Đau giảm khi chườm đá hoặc dùng thuốc giảm viêm
  • Cứng khớp gối
  • Sưng khớp gối
  • Giảm các hoạt động hàng ngày 

Thăm khám khớp gối nên bắt đầu với phần nhìn. Bệnh nhân ở tư thế đứng, tìm dấu hiệu sưng đỏ quanh khớp, teo cơ tứ đầu đùi, biến dạng kéo hoặc xô lệch, nhìn dáng đi để phát hiện các dấu hiệu của đau khớp hoặc di động bất thường của khớp gối- gợi ý sự không ổn định của dây chằng. Tiếp theo, quan sát vùng da xung quanh để phát hiện sẹo cũ, các  bằng chứng của chấn thương hoặc các tổn thương phần mềm.

Khám biên độ vận động khớp ở trạng thái thụ động và chủ động ở tư thế gấp và duỗi khớp gối.

Sờ dọc theo xương và các cấu trúc phần mềm theo phân khu từ ngoài vào trong hoặc từ giữa ra 2 bên tùy thuộc vào mỗi bác sĩ.

Cần thăm khám thần kinh và mạch máu một cách có hệ thống. Nếu đau khớp gối, có thể có tình trạng teo cơ tứ đầu đùi và các cơ ở khoeo chân nên cần đánh giá sức cơ ở vùng này. Cần phải khám  cảm giác của dây thần kinh đùi, dây thần kinh chày, dây thần kinh mác bởi vì có thể có các triệu chứng thần kinh đi kèm. Các bất thường về mạch máu có thể được phát hiện thông qua việc sờ mạch khoeo, mạch mu chân và mạch chày sau.

Tùy thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng mà các nghiệm pháp khám khớp gối khác có thể thực hiện.

Các test để khám khớp gối và tổn thương tương ứng:

  • Sờ xương bánh chè – mất vững xương bánh chè
  • Dấu hiệu J – mất vững xương bánh chè
  • Ép xương bánh chè – mềm sụn hoặc viêm khớp patellofemoral
  • McMurray  giữa – rách sụn giữa
  • McMurray bên – rách sụn bên
  • Nghiệm pháp Thesaly – rách sụn
  • Dấu Lachman – tổn thương dây chằng chéo trước
  • Dấu hiệu ngăn kéo trước-  tổn thương dây chằng chéo trước
  • Pivor shift- tổn thương dây chằng chéo trước
  • Dấu hiệu ngăn kéo sau – tổn thương dây chằng chéo sau (ACL)
  • Chùng dây chằng chéo sau- tổn thương dây chằng chéo sau (PCL) 
  • Test co cơ tứ đầu đùi chủ động- tổn thương dây chằng chéo sau
  • Nghiệm pháp khép khớp gối – tổn thương dây chằng giữa gối
  • Nghiệm pháp dạng khớp gối – tổn thương dây chằng bên gối 

9. Đánh giá

Sau khi khai thác tiền sử và thăm khám cần chỉ định các chẩn đoán hình ảnh.

Có thể chụp tư thế đứng hướng trước sau hoặc hướng nghiêng ở trạng thái duỗi và phim skyline của xương bánh chè. Để khảo sát tốt bề mặt chịu lực của khớp gối cần chụp phim ở tư thế đứng hướng từ sau ra trước và nghiêng 45 độ. Đôi khi cần chụp phim ở tư thế đứng và lấy dài chân để khảo sát mức độ biến dạng cũng như độ thẳng trục của chi dưới. Khi chụp xquang khớp gối, bệnh nhân phải ở tư thế đứng. Việc này giúp cho chúng ta đánh giá đúng tình trạng hẹp khe khớp nếu có. Trên lâm sàng, bệnh nhân thường ở tư thế nằm ngửa  khiến chúng ta không đánh giá đúng tình trạng của khe khớp, do đó không nên dùng các phim xquang này khi nghi ngờ thoái hóa khớp gối.

Đặc điểm của thoái hóa khớp trên phim X-quang

  • Hẹp khe khớp
  • Hình thành gai xương
  • Xơ cứng dưới sụn
  • Nang dưới sụn

10. Điều trị/Quản lý

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối có thể chia làm 2 loại: phẫu thuật và không phẫu thuật. Điều trị thoái hóa khớp gối thường bắt đầu bằng các phương pháp không phẫu thuật, phẫu thuật được đặt ra khi điều trị nội khoa không còn hiệu quả. Có nhiều phương pháp điều trị nội khoa. Những phương pháp này không làm thay đổi tiến trình diễn biến của bệnh nhưng giúp giảm đau và giảm tàn tật đáng kể.

Các biện pháp điều trị nội khoa:

  • Giáo dục bệnh nhân
  • Liệu pháp vật lý trị liệu
  • Giảm cân
  • Tập làm mạnh khớp gối
  • Acetaminophen
  • Thuốc chống viêm không steroid
  • Ức chế COX-2
  • Glucosamine và chondroitin sulfate
  • Tiêm corticosteroid
  • Axit hyaluronic (HA)

Giáo dục bệnh nhân và vật lý trị liệu là lựa chọn điều trị đầu tiên ở tất cả các bệnh nhân thoái hóa khớp có triệu chứng. Sự kết hợp giữa các bài tập được chuyên gia hướng dẫn và chương trình tập thể dục tại nhà cho kết quả khả quan. Nếu dừng các bài thể dục này, lợi ích từ các bài tập này sẽ mất đi sau 6 tháng. Những bài tập này do Hiệp hội phẫu thuật chấn thương chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS) khuyến cáo.

Trong tất cả các giai đoạn của thoái hóa khớp gối, giảm cân luôn có giá trị trong việc điều trị. Giảm cân luôn được khuyến cáo ở các bệnh nhân viêm khớp có triệu chứng có chỉ số khối cơ thể lớn hơn 25. Để đạt được mục tiêu giảm cân, phương pháp tốt nhất được khuyến cáo là kiểm soát chế độ ăn và tập aerobic cường độ thấp. Trong guideline của AAOS, giảm cân là khuyến cáo có mức độ  bằng chứng trung bình.

Bài tập tăng sức mạnh khớp gối đặc biệt có ích khi các thành phần ở bên hoặc giữa khớp gối bị tổn thương, ví dụ trong biến dạng khép hoặc dạng.

Ở các bệnh nhân thoái hóa khớp có triệu chứng, thuốc cũng là điều trị hàng đầu. Có nhiều loại NSAIDs để sử dụng, lựa chọn thuốc nào dựa trên sự ưa thích của bác sĩ, sự chấp thuận của bệnh nhân và giá cả. Thời gian dùng NSAIDs phụ thuộc vào hiệu quả, các tác dụng phụ và tiền sử nội khoa của bệnh nhân.

Bệnh nhân có thể bổ sung glucosamine và chondroitin sulfate hàng ngày. Chúng là thành phần cấu tạo nên xương khớp và được cho rằng sẽ giúp tăng cường độ khỏe mạnh của sụn khớp. Không có các bằng chứng mạnh mẽ cho thấy lợi ích của chúng trong thoái hóa khớp gối. Thực tế, AAOS  khuyến cáo không nên dùng chúng trong thoái hóa khớp gối. Không có các tác dụng phụ nghiêm trọng khi bổ sung các chất này. Nếu bệnh nhân hiểu rõ được các  bằng chứng về lợi ích của glucosamine và chondroitin sulfate và sẵn sàng thử, đây là một phương pháp điều trị tương đối an toàn. Bất kỳ lợi ích nào có được từ việc bổ sung những chất này thì khả năng cao là do hiệu ứng của giả dược.

Tiêm corticosteroid vào khớp có thể có ích đối với những bệnh nhân thoái hóa khớp gối có triệu chứng, đặc biệt là khi có tình trạng viêm. Việc tiêm thẳng corticosteroid vào khớp gối giúp làm giảm tình trạng viêm tại chỗ do thoái hóa khớp và làm giảm tác dụng toàn thân của steroid.

Ngoài corticosteroid, chúng ta có thể tiêm HA vào khớp gối. HA là glycosaminoglycan hiện diện khắp nơi trong cơ thể và là một thành phần quan trọng trong bao hoạt dịch và sụn khớp. Trong tiến trình thoái hóa khớp, HA bị phá hủy làm mất sụn khớp, gây cứng và đau.

Việc tiêm HA vào khớp giúp bôi trơn khớp và từ đó làm tăng tốc độ sản xuất của HA trong khớp. Tùy thuộc vào hãng HA, chúng có thể được sản xuất từ tế bào của chim hoặc vi khuẩn trong phòng thí nghiệm do đó nên sử dụng một cách thận trọng ở những người dị ứng với chim. Hiện nay đang lưu hành phương pháp điều trị này nhưng chúng không được ủng hộ rộng rãi trong y văn. Guideline của AAOS khuyến cáo không nên sử dụng phương pháp này.

11. Các lựa chọn điều trị phẫu thuật

  • Phẫu thuật vào xương
  • Thay khớp gối bán phần (Unicompartmental knee arthroplasty – UKA)
  • Thay khớp gối toàn phần (total knee arthroplasty- TKA)

Trong trường hợp thoái hóa khớp gối bán phần kết hợp với vẹo khớp gối, có thể điều trị  bằng phẫu thuật cắt xương chỉnh trục phần cao của xương chày (high tibial osteotomy- HTO). HTO thường được chỉ định ở các trường hợp biến dạng khép, khi các thành phần giữa của khớp gối bị mòn và viêm. HTO là chỉ định lý tưởng ở những bệnh nhân trẻ khi tổn thương mòn nhiều, thất bại với phẫu thuật tạo hình. HTO bảo toàn được khớp gối, bao gồm dây chằng chéo, cho phép bệnh nhân trở lại với các hoạt động có áp lực cao khi lành vết thương. So với phẫu thuật tạo hình, thời gian để hồi phục sau HTO dài hơn, khả năng giảm đau thấp hơn và không thay thế được các sụn đã bị mất đi hoặc có khả năng sửa chữa bất kỳ sụn nào còn lại. Phẫu thuật vào xương làm giảm nguy cơ tiến đến can thiệp phẫu thuật tạo hình đến tận 10 năm.

12. Chỉ định và chống chỉ định của HTO

12.1. Chỉ định của HTO

  • Trẻ (nhỏ hơn 50 tuổi), bệnh nhân vận động nhiều
  • Những bệnh nhân khỏe mạnh có tình trạng mạch máu tốt
  • Bệnh nhân không bị béo phì
  • Giảm chất lượng cuộc sống do đau và tàn phế
  • Chỉ có một thành phần của khớp gối bị ảnh hưởng
  • Bệnh nhân có thể đáp ứng được quy trình hậu phẫu

12.2. Chống chỉ định của HTO

  • Viêm khớp
  • Béo phì
  • Khớp gối gập cứng > 15 độ
  • Khớp gối gấp < 90 độ
  • Phẫu thuật cần chỉnh biến dạng > 20 độ
  • Viêm khớp Patellofemoral
  • Dây chằng mất vững

Trong thoái hóa khớp gối bán phần, UKA cũng có thể được chỉ định như một biện pháp thay thế của HTO và TKA. Chỉ định này thường áp dụng đối với những bệnh nhân lớn tuổi, thường trên 60 tuổi, bệnh nhân gầy. UKA đang được khuyến khích với những kỹ thuật phẫu thuật mới.

13. Chỉ định và chống chỉ định của UKA

13.1. Chỉ định của UKA

  • Trên 60 tuổi, bệnh nhân ít hoạt động
  • Bệnh nhân tương đối gầy

13.2. Chống chỉ định của UKA

  • Viêm khớp
  • Khiếm khuyết dây chằng chéo trước
  • Biến dạng dạng > 10 độ
  • Biến dạng khép >5 độ
  • Cung vận động < 90 độ
  • Khớp gối gập cứng > 10 độ
  • Có nhiều hơn một thành phần khớp bị viêm
  • Bệnh nhân trẻ, hoạt động nhiều, lao động nặng
  • Viêm khớp Patellofemoral

TKA là lựa chọn phẫu thuật ở những bệnh nhân thất bại với điều trị bảo tồn và có nhiều hơn một thành phần khớp bị thoái hóa. TKA rất có giá trị đối với các bệnh nhân có các cơn đau dữ dội hàng ngày và có bằng chứng của thoái hóa khớp gối trên xquang.

14. Chỉ định và chống chỉ định của TKA

14.1. Chỉ định của TKA

  • Triệu chứng của thoái hóa khớp gối ở nhiều hơn một thành phần
  • Thất bại với các phương pháp điều trị nội khoa

14.2. Chống chỉ định của TKA

  Chống chỉ định tuyệt đối

  • Đang nhiễm trùng khớp gối hoặc nhiễm trùng khớp gối âm ỉ
  • Đang hiện diện một ổ nhiễm trùng khác trên cơ thể
  • Khiếm khuyết cơ tứ đầu đùi

 Chống chỉ định tương đối

  • Bệnh khớp thần kinh
  • Ít mô mềm che phủ
  • Béo phì
  • Bệnh nhân không hợp tác do các rối loạn tâm thần, nghiện rượu hoặc dùng chất kích thích
  • Thiếu dự trữ xương để tái cấu trúc
  • Thể trạng kém hoặc có nhiều bệnh nền làm bệnh nhân không thể trải qua 1 cuộc mổ hoặc đảm bảo điều kiện gây mê
  • Bệnh nhân ít quyết tâm phẫu thuật
  • Bệnh mạch máu ngoại vi mức độ nặng

15. Ưu điểm của UKA so với HTO

  • Nhanh hồi phục
  • Tính thẩm mỹ cao
  • Khả năng thành công cao hơn
  • Ít biến chứng gần
  • Hiệu quả lâu dài
  • Dễ đổi từ UKA sang TKA

16. Chẩn đoán phân biệt

Nên chẩn đoán phân biệt thoái hóa khớp gối với những nguyên nhân gây đau khớp gối tại chỗ hoặc lan tỏa như:

  • Viêm khớp háng
  • Đau lưng
  • Hẹp ống sống
  • Hội chứng Patellofemoral
  • Rách sụn chêm
  • Viêm bao hoạt dịch cơ chân ngỗng (Pes anserine bursitis)
  • Viêm khớp nhiễm trùng
  • Gút
  • Giả gút
  • Hội chứng dải chậu chày (Iliotibial band syndrome)
  • Tổn thương dây chằng bên hoặc dây chằng chéo

17. Tiên lượng

Có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy rằng tuổi, chủng tộc, chỉ số khối cơ thể, bệnh nền, tình trạng viêm của bao hoạt dịch trên MRI, tràn dịch khớp gối, tổn thương trên chẩn đoán hình ảnh và mức độ nặng của thoái hóa khớp là những chỉ số giúp tiên lượng quá trình tiến triển lâm sàng của thoái hóa khớp gối. Những ca nặng  thường cần phải  thay khớp gối toàn bộ. 

18. Biến chứng

Những biến chứng khi điều trị nội khoa thường liên quan đến việc sử dụng NSAIDs

Một số tác dụng phụ của NSAIDs

  • Đau bụng và ợ nóng
  • Loét dạ dày
  • Dễ chảy máu, đặc biệt là khi uống cùng aspirin
  • Ảnh hưởng chức năng thận 

Một số tác dụng phụ thường gặp khi tiêm corticosteroid nội khớp

  • Sưng và đau
  • Thay đổi màu sắc da tại vị trí tiêm
  • Tăng đường máu
  • Nhiễm trùng
  • Phản ứng dị ứng

Một số tác dụng phụ thường gặp khi tiêm HA nội khớp

  • Nhiễm trùng tại vị trí tiêm
  • Đau cơ
  • Khó khăn khi đi lại
  • Sốt
  • Rét run
  • Đau đầu

Các biến chứng liên quan đến HTO

  • Biến dạng tái phát
  • Mất độ nghiêng của mặt sau xương chày
  • Xương bánh chè xuống thấp
  • Hội chứng chèn ép khoang
  • Liệt dây thần kinh mác
  • Liền xương sai lệch hoặc không liền xương
  • Nhiễm trùng
  • Đau dai dẳng
  • Hình thành cục máu đông

Các biến chứng liên quan với UKA

  • Gãy xương bệnh lý của xương chày
  • Nhiễm trùng
  • Tiêu xương
  • Đau dai dẳng
  • Tổn thương mạch máu- thần kinh
  • Hình thành cục máu đông

Các biến chứng liên quan với TKA

  • Nhiễm trùng
  • Mất vững
  • Tiêu xương
  • Tổn thương mạch máu- thần kinh
  • Gãy xương
  • Mất vững xương bánh chè
  • Hội chứng Patellar clunk
  • Cứng khớp
  • Liệt dây thần kinh mác
  • Biến chứng liên quan đến vết thương
  • Cốt hóa xương bất thường
  • Hình thành cục máu đông

19. Chăm sóc hậu phẫu và tập phục hồi chức năng

Chăm sóc hậu phẫu và tập phục hồi chức năng sau TKA giúp khôi phục biên độ vận động khớp tốt nhất có thể. Tập phục hồi chức năng có hiệu quả là một thành tố quan trọng trong thành công của  TKA. Chương trình tập phục hồi chức năng sau TKA vẫn đang là vấn đề tranh cãi và thay đổi tùy thuộc vào từng bác sĩ. Vận động tại giường, hướng dẫn di chuyển và tập thể dục nhẹ nhàng cạnh giường bệnh có thể bắt đầu ngay ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật. Bệnh nhân cũng có thể tập đi lại với khung tập đi dưới sự giám sát của bác sĩ trị liệu. Từ ngày hậu phẫu thứ nhất, bệnh nhân được tập các bài tập cử động khớp gối chủ động, duỗi khớp gối hết mức, giơ thẳng chân, tăng sức mạnh của cơ, tập đi đứng. Nhìn chung, trước khi ra viện, bệnh nhân phải đi lại được với khung tập đi trên bề mặt phẳng và bậc thang, có thể chuyển tư thể nằm sang ngồi và đứng một cách an toàn và kiểm soát đau tốt. Sau khi ra viện, bệnh nhân thường về nhà hoặc đến các cơ sở chăm sóc y tế khác, tùy theo mong muốn của bệnh nhân.

Sau TKA, bệnh nhân thường lưu viện 1-2 đêm tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Sau 2 tuần, cần tái khám để kiểm tra vết thương, cắt chỉ (nếu có) và bắt đầu tập vật lý trị liệu nếu bệnh nhân chưa được tập trước đó. Bệnh nhân tăng sự độc lập trong các hoạt động hàng ngày, vận động được hết biên độ của khớp gối và sử dụng sức mạnh của cơ tứ đầu đùi. Bệnh nhân có thể bơi lội trở lại khi bàn chân có thể cử động an toàn và nhanh chóng, thường sau 4-6 tuần. Bệnh nhân có thể quay trở lại với công việc sau 4-10 tuần, phụ thuộc vào tính chất của công việc. Bệnh nhân phải tái khám thường quy sau 6 tuần, 3 tháng và 1 năm sau phẫu thuật. Bệnh nhân có thể chơi các môn thể thao ít tác dụng lực lên khớp gối khi sức mạnh của cơ, độ di động và độ thăng bằng tăng lên. Các hoạt động tác dụng lực nhiều lên khớp gối không được khuyến cáo. 

20. Giáo dục bệnh nhân

Cần giáo dục bệnh nhân về các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Các biện pháp không dùng thuốc bao gồm giảm cân, chỉnh hình, tập thể dục và vật lý trị liệu cũng như tham gia vào các nhóm hỗ trợ nhau. Cần giáo dục cho bệnh nhân về việc tuân thủ dùng thuốc, đôi khi bệnh nhân tuân thủ kém. Bệnh nhân phải biết rằng thoái hóa khớp gối là bệnh không thể chữa khỏi, bệnh sẽ nặng dần lên, đặc biệt là các trường hợp không tuân thủ các khuyến cáo trong việc dùng thuốc.

Các lưu ý khác:

Biên độ vận động khớp gối trước TKA là chỉ số dự đoán tốt nhất của biên độ vận động khớp gối mà bệnh nhân có thể đạt được cuối cùng sau phẫu thuật.

21. Vai trò của đội ngũ y tế

Để quản lý tốt thoái hóa khớp gối cần một đội đa chuyên khoa bao gồm bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, bác sĩ nội cơ xương khớp, chuyên gia vật lý trị liệu, bác sĩ dinh dưỡng, chuyên gia giảm đau, bác sĩ nội khoa, điều dưỡng và dược sĩ. Vì bệnh này không thể chữa khỏi nên mọi nỗ lực là để ngăn ngừa tiến triển của bệnh. Bệnh nhân cần được giới thiệu đến bác sĩ dinh dưỡng về vấn đề giảm cân và vật lý trị liệu để tập phục hồi chức năng khớp cũng như sức mạnh của cơ. Điều trị thoái hóa khớp gối thường bắt đầu với các biện pháp bảo tồn và tiến dần đến các phương pháp phẫu thuật nếu điều trị bảo tồn thất bại. Dược sĩ có vai trò đảm bảo rằng không có tương tác thuốc trong đơn thuốc của bệnh nhân cũng như các thuốc được kê đúng liều lượng và chỉ định. Sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các thành viên trong đội sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn và giảm nguy cơ bệnh tiến triển đến mức phải thực hiện TKA. 

Nguồn tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.

Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.

Đường link liên kết

Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
4

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia