MỚI

Tổn thương SLAP – Một nguyên nhân gây đau vai hay gặp trong thể thao

Ngày xuất bản: 01/04/2022

Bài viết của Tiến sĩ,  Bác sĩ Nguyễn Hữu Mạnh – Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên – Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Có nhiều nguyên nhân gây đau khớp vai, trong đó có tổn thương sụn viền vào chỗ bám của gân nhị đầu dài vào bờ trên ổ chảo xương cánh tay thường gọi là tổn thương SLAP (superior labrum anterior to posterior). Tổn thương này gây đau và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là đối với những người chơi thể thao có tầm vận động quá đầu như vận động viên ném bóng, cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội… hoặc sau một chấn thương cụ thể.

Theo một số ghi nhận, tổn thương SLAP ban đầu được mô tả ở những vận động viên ném bóng bởi Andrews và cộng sự năm 1985. Sau đó, năm 1990 Snyder và cộng sự đã giới thiệu lại tổn thương và gọi là tổn thương SLAP. Tỷ lệ mắc phải thực sự của tổn thương SLAP vẫn chưa được biết rõ tuy nhiên theo ghi nhận và thống kê trong quá trình phẫu thuật nội soi khớp vai của một số tác giả phương tây thì tỷ lệ này được báo cáo từ 6% đến 26%.
ton-thuong-slap-1.jpg
Hình 1: Hình ảnh minh hoạ tổn thương SLAP

1. Triệu chứng của tổn thương SLAP

Người bệnh đến khám với những triệu chứng khác nhau nhưng nổi bật lên là triệu chứng đau. Đau trong những trường hợp này thường dai dẳng, tăng lên khi thực hiện các động tác đưa tay qua đầu và làm giảm khả năng vận động của tay bị chấn thương, triệu chứng đau này thường đi kèm tiếng kêu “lách cách” và “pốp pốp” ở trong vai. Có nhiều tác giả đã đưa ra các phân loại về tổn thương SLAP, tuy nhiên phân loại ban đầu của Snyder về tổn thương SLAP vẫn được công nhận phổ biến nhất. Gồm có 4 loại:

  • Type I: Sụn viền trên bị rách ở bờ hướng về trung tâm ổ chảo và thoái hóa tại chỗ. Sụn viền trên và điểm bám gân nhị đầu vẫn còn nguyên vẹn. Những tổn thương này thường gặp phổ biến ở người trung niên và thường không có triệu chứng.
ton-thuong-slap-2.png
Hình 2: Hình ảnh tổn thương SLAP type I
  • Type II: tổn thương lâm sàng thường gặp nhất. Phần sụn viền trên (phần sụn viền có gân nhị đầu bám vào) tách ra khỏi củ trên ở chảo. Tổn thương Type II thể hiện sự di động bất thường của sụn viền và gân nhị đầu.
ton-thuong-slap-3.png
Hình 3: Hình ảnh tổn thương SLAP type II
  • Type III: tổn thương rách kiểu “quai xách” của sụn viền trên, với điểm bám của gân nhị đầu còn nguyên vẹn. Tùy thuộc vào kích thước của rách, mức độ di động của sụn viền mà có thể di chuyển vào khớp tạo ra các triệu chứng cơ học.
ton-thuong-slap4.png
Hình 4: Hình ảnh tổn thương SLAP type III
  • Type IV: Sụn viền trên rách kiểu “quai xách” với tổn thương mở rộng lên đến gân nhị đầu, tạo ra một hình dạng rách của gân nhị đầu. Một phần đáng kể của gân nhị đầu bám vào ổ chảo thường vẫn còn nguyên vẹn.
ton-thuong-slap-6.png
Hình 5: Hình ảnh tổn thương SLAP type IV
Về chẩn đoán hình ảnh của tổn thương SLAP thì chụp MRI có tiêm thuốc tương phản vẫn được coi là phương pháp chẩn đoán hữu hiệu nhất với độ nhạy báo cáo dao động từ 82 đến 100%, độ đặc hiệu từ 71 đến 98% và độ chính xác từ 83 đến 94%

2. Điều trị của tổn thương SLAP

  • Điều trị ban đầu của tổn thương SLAP nên điều trị không phẫu thuật với nghỉ ngơi và bao gồm: thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), vật lý trị liệu với các bài tập kéo giãn, bài tập tăng cường.
  • Đối với vận động viên ném và vận động viên có tầm vận động quá đầu có tình trạng giảm xoay trong khớp vai (bao khớp phía sau quá chặt), vật lý trị liệu kéo giãn bao khớp là giải pháp chính cho điều trị ban đầu. Bài tập “Kéo giãn ở tư thế nằm (Sleeper Stretch)” rất có hiệu quả trong kéo giãn bao khớp phía sau. Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại sau 03 tháng điều trị không phẫu thuật thì lên cân nhắc chỉ định phẫu thuật cho người bệnh
  • Điều trị phẫu thuật nội soi được đặt ra ở những bệnh nhân nghi ngờ tổn thương SLAP tuy nhiên đã điều trị bảo tồn không hiệu quả trong thời gian trên 3 tháng, hoặc sau một chấn thương cụ thể gây tổn thương SLAP. Với nhiều ưu điểm và lợi thế như ít xâm lấn, cho thời gian hồi phục sau mổ nhanh hơn giảm đau và nguy cơ cứng khớp sau phẫu thuật rất tốt
  • Trong quá trình phẫu thuật qua quan sát trên màn hình nội soi các phẫu thuật viên có thể kiểm tra toàn bộ những bệnh lý của khớp ổ chảo xương cánh tay có liên quan.
  • Dưới sự hỗ trợ của các dụng cụ chuyên dụng dành cho phẫu thuật nội soi các phẫu thuật viên có thể tiến hành xử lý các tổn thương của sụn viền kèm theo, khâu đính lại vị trí rách tại điểm bám của đầu dài gân nhị đầu.
  • Phẫu thuật nội soi điều trị tổn thương SLAP khớp vai là một kỹ thuật chuyên sâu, phức tạp, hiện tại vẫn chỉ có một số bệnh viện có thể triển khai được.
ton-thuong-slap-7.jpg
Hình 6: Hình ảnh minh hoạ khâu phục hồi tổn thương SLAP

3. Phẫu thuật nội soi điều trị tổn thương SLAP khớp vai tại Vinmec

Với lợi thế về trang thiết bị hiện đại phục vụ từ khám chẩn đoán đến hệ thống phòng mổ, và đặc biệt là đội ngũ phẫu thuật viên giỏi có nhiều kinh nghiệm về phẫu thuật nội soi khớp vai thì các phẫu thuật về nội soi điều trị tổn thương SLAP khớp vai đã trở thành một phẫu thuật thường quy tại bệnh viện Vinmec.
ton-thuong-slap-8.png
Hình 7: Hình ảnh mổ nội soi khâu phục hồi tổn thương SLAP tại Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống máy chụp cộng hưởng từ hiện đại 3 tesla đặc biệt với kỹ thuật chụp phim chụp cộng hưởng từ có bơm thuốc tương phản các vết rách tại vị trí bám của gân nhị đầu sẽ được quan sát rõ tránh bỏ sót tổn thương. Thêm vào đó Vinmec đang bắt đầu triển khai hệ thống nước có nhiệt độ thấp dùng trong quá trình mổ nội soi để giúp bệnh nhân giảm bớt tình trạng chảy máu trong mổ, giảm nề vai, giảm đau sau mổ tốt hơn so với cách truyền thống. Cùng với đó là hàng loạt trang thiết bị hiện đại hỗ trợ cho quá trình tập phục hồi chức năng sau mổ giúp cho người bệnh nhanh ổn định và trở về với sinh hoạt thường ngày.
Chăm sóc sau phẫu thuật:

  • Sau mổ bệnh nhân được bất động vai bằng áo Desault để ổn định tổn thương sau khi khâu phục hồi, thời gian bất động 4 tuần.
  • Giảm đau, thay băng vết mổ hàng ngày, cắt vết mổ sau khoảng 14 ngày sau phẫu thuật
  • Chườm lạnh, tập phục hồi chức năng bắt đầu từ các bài tập thụ động trong 4 tuần đầu sau mổ, sau tiến dần đến các bài tập chủ động và tăng dần sức cơ trong các tuần tiếp theo.
  • Thông thường bệnh nhân sẽ quay trở lại chơi thể thao sau 6 tháng tính từ thời điểm phẫu thuật.
facebook
348

Bài viết liên quan

Thuốc liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia

tra-cuu-thuoc

THÔNG TIN THUỐC

TRA CỨU NGAY