11 loại thuốc và chất bổ sung có tác dụng phụ gây tăng huyết áp
Huyết áp là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng sức khỏe của con người. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc và chất bổ sung được sử dụng để điều trị các bệnh lý khác nhau có thể gây ra tác dụng phụ làm tăng huyết áp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về 11 loại thuốc và chất bổ sung có tác dụng phụ gây tăng huyết áp để phòng tránh và cẩn trọng khi sử dụng
1.Giới thiệu chung
Nội dung bài viết
Huyết áp là áp lực của máu đẩy lên thành động mạch và động mạch mang máu từ tim đến các cơ quan khác trong cơ thể. Mức huyết áp bình thường là < 120/80mmHg
Huyết áp cao hay còn gọi là tăng huyết áp, là mức huyết áp cao hơn bình thường. Huyết áp cao thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cảnh báo do đó thường nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời vì huyết áp cao có thể gây hại cho sức khỏe bằng cách làm tổn thương nghiêm trọng các cơ quan như tim, thận, não. Cụ thể, huyết áp cao có thể làm động mạch kém đàn hồi, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến tim dẫn đến nhiều vấn đề bệnh lý liên quan đến tim mạch bao gồm đau tim, suy tim, đau thắt ngực. Huyết áp cao còn có thể khiến các động mạch cung cấp máu và oxy cho não bị vỡ hoặc bị tắc nghẽn gây đột quỵ. Ước tính có khoảng 46% người trưởng thành bị tăng huyết áp mà không phát hiện và chưa đến một nửa số người trưởng thành (42%) bị tăng huyết áp được chẩn đoán và điều trị. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh cao huyết áp bao gồm lối sống không lành mạnh, bệnh đái tháo đường, béo phì,…Trong số đó, nhiều loại thuốc, các chất bổ sung và nhiều chất khác có thể gây tăng huyết áp như tác dụng phụ nếu sử dụng trong thời gian dài
2.Các loại thuốc và chất bổ sung phổ biến có thể gây tăng huyết áp
Dưới đây là 10 loại thuốc phổ biến có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tăng huyết áp. Nếu sử dụng những loại thuốc này chỉ trong một thời gian ngắn, huyết áp của bệnh nhân có thể trở lại như cũ sau khi ngừng dùng thuốc
2.1 Thuốc thông mũi
Các thuốc thông mũi như Pseudoephedrine có thể khiến tim đập nhanh hơn gây tăng huyết áp. Pseudoephedrine đường uống thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng viêm mũi và chảy nước mũi. Trong viêm mũi dị ứng, các tế bào miễn dịch kích hoạt cùng loại phản ứng ở mũi, xoang và cổ họng. Pseudoephedrine làm co mạch máu ở mũi và xoang do đó làm giảm sưng và hút dịch trong mũi để làm thông thoáng đường thở. Tuy nhiên, loại thuốc này còn ảnh hưởng đến việc làm co mạch máu khắp cơ thể, từ đó làm tăng áp lực máu lên thành mạch và gây tăng huyết áp. Do đó, cần tránh hoặc thận trọng với các loại thuốc có chứa Pseudoephedrine như Phenylephrine PE (Sudafed PE) và Ephedrine (Bronkaid, Primatene) nếu được chẩn đoán bị tăng huyết áp để không làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh
2.2. Một số loại thuốc kích thích (Amphetamine)
Nhiều loại thuốc theo toa dùng để điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là chất kích thích bao gồm hỗn hợp muối Amphetamine (Adderall), Methylphenidate (Ritalin) và Methylphenidate ER (Concerta). Cụ thể, Methylphenidate (MPH) ngăn chặn không cạnh tranh việc tái hấp thu Dopamine và Noradrenaline vào đầu cuối bằng cách ngăn chặn chất vận chuyển Dopamine (DAT) và chất vận chuyển Noradrenaline (NAT), làm tăng mức độ Dopamine và Noradrenaline trong khe hở tiếp hợp và Noradrenaline tạo ra sự co mạch trong mạch máu bằng cách kích thích hai thụ thể Alpha-1 và Alpha-2 sau synap gây tăng huyết áp
2.3 Thuốc tránh thai có chứa Estrogen
Estrogen là một thành phần phổ biến trong thuốc tránh thai và Estrogen được chứng minh kích hoạt hệ thống Renin-Angiotensin-Aldosterone (RAAS), từ đó làm co mạch và giữ thể tích dẫn đến tăng huyết áp. Vì vậy sử dụng thuốc tránh thai không được cho là lựa chọn tốt nhất khi đang mắc bệnh tăng huyết áp không kiểm soát được.
2.4 Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Nhiều loại thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) thuộc nhóm NSAID như Ibuprofen (Advil, Motrin) và Naproxen (Aleve) được sử dụng thường xuyên dễ dẫn đến tình trạng huyết áp cao. Cơ chế được giải thích như sau: Prostaglandin đóng một vai trò quan trọng trong cân bằng nội môi tim mạch và khi áp lực máu lên thành mạch cao Prostaglandin thúc đẩy quá trình giãn mạch và tăng cường bài tiết Natri. Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ngăn chặn sự tổng hợp Prostaglandin do đó cản trở quá trình kiểm soát hệ thống tuần hoàn và dễ làm nghiêm trọng tình trạng cao huyết áp
2.5 Steroid đường uống và đường tiêm
Các thuốc thuộc nhóm Corticosteroid (Steroid) như Prednisone, Dexamethasone và Methylprednisolone được sử dụng trong điều trị tình trạng viêm, phản ứng dị ứng và một số bệnh nhiễm trùng. Một trong số các tác dụng phụ khi sử dụng nhóm Steroid trong thời gian dài phổ biến nhất là tăng huyết áp. Nguyên nhân do các thuốc Corticosteroid có tác dụng kích thích quá mức thụ thể Mineralocorticoid nên giữ nước nhiều và giữ Natri ở thận gây tăng huyết áp
2.6 Một số loại thuốc chống trầm cảm
Các loại thuốc chống trầm cảm có thể gây ra tác dụng phụ là huyết áp cao bao gồm: chất ức chế tái hấp thu Serotonin và Norepinephrine (SNRI) như Venlafaxine (Effexor), thuốc chống trầm cảm không điển hình như Bupropion (Wellbutrin XL) và thuốc chống trầm cảm ba vòng. Venlafaxine làm tăng nồng độ Norepinephrine và tăng cường chất dẫn truyền thần kinh Noradrenergic mà Norepinephrine thúc đẩy sự co mạch làm tăng áp lực máu lên thành mạch
2.7 Thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần thường được sử dụng để giúp kiểm soát các tình trạng sức khỏe như tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực, đôi khi có thể được sử dụng điều trị chứng trầm cảm. Nhiều loại thuốc chống loạn thần được sử dụng để giúp tăng tác dụng của thuốc chống trầm cảm bao gồm như Aripiprazole (Abilify), Lurasidone (Latuda) và Clozapine (Clozaril) cũng gây tăng huyết áp như các loại thuốc chống trầm cảm
2.8 Một số loại thuốc ức chế miễn dịch
Nhiều loại thuốc miễn dịch như Cyclosporin (Sandimmune) và Tacrolimus (Prograf) dễ dẫn đến tác dụng phụ tăng huyết áp do đều gây ra sự co mạch lan rộng trong tuần hoàn hệ thống và tăng huyết áp động mạch
2.9 Một số chế phẩm sinh học khác
Các thuốc sinh học như Adalimumab (Humira), Infliximab (Remicade) và Abatacept (Orencia) được chỉ định sử dụng điều trị nhiều loại bệnh từ các vấn đề tự miễn đến Cholesterol cao và loãng xương. Mặc dù hiệu quả điều trị cao nhưng vẫn gây nhiều tác dụng phụ trong đó tăng huyết áp thường ít xảy ra nhưng vẫn tồn tại ở một số người.
2.10 Testosterone
Trong các nghiên cứu, nồng độ Testosterone thấp tỉ lệ thuận với với nguy cơ tăng huyết áp ở những người tham gia ở độ tuổi <65 hoặc BMI <24. Trong cơ thể con người, các mạch máu và tế bào cơ tim có các thụ thể bám vào Testosterone, Testosterone có thể kích thích hoạt động của hệ thống thần kinh tâm trương cũng gây ra sự co bóp của mạch máu, dẫn đến giảm lưu lượng máu và tăng huyết áp
2.11 Thảo dược bổ sung
Các loại thảo mộc được biết là có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ tăng huyết áp: ma hoàng, nhân sâm, cam thảo, John’s wort,…
3.Kết luận
Một số loại thuốc, chất bổ sung và các chất khác có thể gây ra tác dụng phụ là huyết áp cao. Nhưng cũng có nhiều loại thuốc và một số chất bổ sung có thể giúp giảm huyết áp của bệnh nhân vì vậy cần cân nhắc và báo cho dược sĩ trước khi sử dụng để tránh làm nghiêm trọng tình trạng tăng huyết áp