Viêm quanh Implant nha khoa – Phân loại và điều trị
Bài viết này nhằm phân loại viêm quanh Implant Nha khoa theo hệ thống phân loại, đồng thời đánh giá tỷ lệ tồn tại Implant đối với bệnh nhân mắc bệnh nha chu và giải pháp điều trị vấn đề này trên lâm sàng. Cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.
1. Mô tả hệ thống phân loại viêm quanh Implant nha khoa
Nội dung bài viết
Do bệnh lý quanh implant có thể mất nhiều năm để phát triển, giống như viêm nha chu, nên các nghiên cứu tiến cứu dài hạn là có giá trị nhất trong việc xác định các yếu tố nguy cơ. Y văn hiện nay có sự khác biệt đáng kể trong thiết kế nghiên cứu, thời gian theo dõi, tình trạng nha chu của dân số, và kết quả đo lường. Tuy nhiên, vào năm 2008, Heitz-Mayfield đã hoàn thành một tổng quan toàn diện và sắp xếp các yếu tố nguy cơ của viêm quanh implant theo mức độ bằng chứng. Dựa trên bằng chứng mà chúng ta có cho đến nay, phần lớn bằng chứng ghi nhận các yếu tố nguy cơ sau: vệ sinh răng miệng kém, tiền sử viêm nha chu, và hút thuốc lá. Có một vài bằng chứng ghi nhận các yếu tố nguy cơ sau cho viêm quanh implant: đái tháo đường và uống rượu.
Theo Froum và Rosen, việc chưa có phân loại chuẩn để phân biệt các mức độ viêm quanh implant khác nhau đã dẫn tới sự nhầm lẫn khi giải thích kết quả của các nghiên cứu đánh giá tỷ lệ, điều trị, và kết quả điều trị. Các tác giả đã phát triển một hệ thống phân loại (Bảng dưới đây).
Giai đoạn | Hệ thống phân loại |
Sớm | Độ sâu túi ≥ 4 mm (chảy máu và/hoặc chảy mủ khi thăm dò). Tiêu xương < 25% so với chiều dài implant |
Trung bình | Độ sâu túi ≥ 6mm (chảy máu và/hoặc chảy mủ khi thăm dò). Tiêu xương 25-50% so với chiều dài implant |
Tiến triển | Độ sâu tủi ≥ 8 mm (chảy máu và/hoặc chảy mủ khi thăm dò) Tiêu xương > 50% so với chiều dài implant |
Bảng: Hệ thống phân loại viêm quanh Implant
Theo văn bản của AAP vào năm 2013, một số yếu tố nguy cơ đã được xác định là có thể dẫn đến sự hình thành và tiến triển viêm niêm mạc quanh implant và viêm quanh implant, bao gồm tiền sử bệnh chủ, kiểm soát mảng bám kém/không thể làm sạch mảng bám, xi măng dư, hút thuốc lá, đái tháo đường, khớp cắn và quá tải lực nhai, và những yếu tố nguy cơ khác (viêm khớp dạng thấp, uống rượu).
Một danh sách các lưu ý chẩn đoán để phát hiện sớm viêm quanh implant đã được đề xuất bởi AAP bao gồm độ sâu túi, chảy máu, và chảy mủ. Nên tiến hành thăm dò implant sau khi gắn phục hình sau cùng. Theo Effer và cộng sự, có thể thực hiện giống như thăm dò mô nha chu truyền thống, sử dụng lực nhẹ (0.25 N) do giải phẫu mỏng manh và đặc trưng của niêm mạc quanh implant. Ngoài ra, phim quanh chóp của implant sau khi đặt và sau khi gắn phục hình nên được sử dụng làm dữ liệu nền để so sánh với các phim X-quang trong tương lai. Chẩn đoán thứ cấp, chẳng hạn như cấy vi khuẩn, đã được đề nghị; các chất đánh dấu viêm và chẩn đoán di truyền cũng có thể hữu ích trong việc chẩn đoán bệnh lý quanh implant.
2. Tỷ lệ tồn tại Implant đối với bệnh nhân mắc bệnh nha chu
Tỷ lệ tồn tại của implant ở bệnh nhân bị bệnh nha chu đã được khảo sát, và tỷ lệ tồn tại 5 năm của implant hai thì và một thì lần lượt là 97% và 94%. Các thử nghiệm lâm sàng đã so sánh tỷ lệ thành công của implant ở bệnh nhân có tiền sử viêm nha chu so với bệnh nhân không có tiền sử viêm nha chu. Những nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ tồn tại implant tăng lên ở bệnh nhân khỏe mạnh. Tỷ lệ thành công của implant ở bệnh nhân viêm nha chu mạn và viêm nha chu tấn công đã được đánh giá theo chiều dọc. Các tác giả đã kết luận rằng kết quả điều trị implant, bao gồm tiêu xương nâng đỡ và thất bại implant, có thể khác biệt ở bệnh nhân viêm nha chu so với đối tượng không có tiền sử bệnh lý.
Trong nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu và hồi cứu, Schou và cộng sự đã đánh giá tổng quan các nghiên cứu có thời gian tối thiểu 5 năm về kết quả điều trị cấy ghép ở những đối tượng mất răng do viêm nha chu và mất răng không do viêm nha chu. Trong một nghiên cứu siêu phân tích, các tác giả kết luận rằng có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ viêm quanh implant và tiêu viền xương quanh implant ở những đối tượng mất răng do viêm nha chu.
Thông qua nhiều nghiên cứu, Araújo và cộng sự nhận thấy sự thay đổi sống hàm sau khi đặt implant ở chó sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng implant. Karoussis và cộng sự đã sử dụng phương pháp hệ thống để xác định 15 nghiên cứu tiến cứu về tiên lượng ngắn hạn (< 5 năm) và dài hạn (> 5 năm) của implant đã tích hợp xương ở bệnh nhân mất răng bán phần bị bệnh nha chu. Các tác giả nhận thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ tồn tại ngắn hạn và dài hạn của implant giữa bệnh nhân có tiền sử viêm nha chu mạn với đối tượng có mô nha chu lành mạnh. Tuy nhiên, các tác giả nhận thấy bệnh nhân có tiền sử viêm nha chu mạn có thể có độ sâu túi lớn hơn, tiêu viền xương quanh implant nhiều hơn, và tăng tỷ lệ viêm quanh implant sau thời gian dài so với đối tượng có mô nha chu lành mạnh.
3. Phương pháp điều trị tình trạng này
Trở ngại lớn nhất của điều trị viêm quanh implant dường như là việc khử khuẩn bề mặt. Hầu hết implant đang được sử dụng thì có bề mặt titanium nhám. Mặc dù bề mặt titanium nhám tạo ra diện tích bề mặt lớn hơn cho sự tích hợp xương, nhưng việc khử khuẩn bề mặt titanium nhám với cấu trúc vi thể phức tạp trong trường hợp viêm quanh implant lại là một nhiệm vụ đầy thách thức. Tuy nhiên, các công cụ mới đã liên tục được phát triển để khử khuẩn bề mặt implant, bao gồm sử dụng TiBrush, laser, siêu âm, và hóa chất (acid citric, peroxide).
Các phương pháp điều trị viêm niêm mạc quanh implant và viêm quanh implant được chia thành phẫu thuật và không phẫu thuật. Phác đồ lựa chọn điều trị đã được đề xuất. Theo Renvert, điều trị cơ học có hiệu quả đối với viêm niêm mạc quanh implant, và sử dụng kháng sinh hỗ trợ có thể mang lại lợi ích. Ngược lại, trong một số trường hợp, điều trị cơ học đơn thuần là không đủ đối với viêm quanh implant. Điều này đúng cho cả trường hợp sử dụng kháng sinh tại chỗ lẫn toàn thân.
Xem thêm: Hình thái học của răng và ứng dụng trong Chỉnh nha (vinmecdr.com)
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.