Tiếp cận điều trị thoái hóa khớp gối
Điều trị thoái hóa khớp gối cần phải có chuyên gia, cân nhắc kỹ các triệu chứng lâm sàng và tiến trình của bệnh.
Nhóm tác giả: Bogdan Uivaraseanu, Cosmin Mihai Vesa, Delia Mirela Tit, Areha Abid, Octavian Maghiar, Teodor Andrei Maghiar, Calin Hozan, Aurelia Cristina Nechifor, Tapan Behl, Jenel Marian Patrascu, và Simona Bungau
Tóm tắt
Thoái hóa khớp (THK) là một bệnh thoái hóa thường gặp gây đau và hạn chế vận động, nguy cơ mắc thoái hóa khớp tăng lên theo tuổi. Đây là một bệnh phức tạp, điều trị thường khó khăn. Điều trị thoái hóa khớp gối cần phải có chuyên gia, cân nhắc kỹ các triệu chứng lâm sàng và tiến trình của bệnh. Các biện pháp điều trị đầu tiên thường là bảo tồn, gồm các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Nếu các biện pháp điều trị bảo tồn hoặc không xâm lấn thất bại, cân nhắc đến phương án phẫu thuật. Bài viết này tập trung vào việc phân tích các biện pháp điều trị ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối nhằm mục đích giảm đau và tăng cường hoạt động, tăng biên độ vận động khớp gối, phân tích các ưu và nhược điểm của từng phương pháp. Chúng tôi phân tích các biện pháp phẫu thuật và không phẫu thuật dựa trên những số liệu được công bố, tập trung vào những số liệu mới ra gần đây.
1. Giới thiệu
Nội dung bài viết
Bệnh thoái hóa khớp hay gặp nhất là thoái hóa khớp gối, tỉ lệ mắc đang tiếp tục tăng lên khi tuổi thọ trung bình tăng và tỷ lệ béo phì tăng. Một vài nghiên cứu cho thấy khoảng 10% nam giới và 13% phụ nữ trên 60 tuổi có thoái hóa khớp gối.
Đối với những bệnh nhân trên 70 tuổi, tỷ lệ mắc thoái hóa khớp gối lên đến 40%. Thoái hóa khớp gối thường gặp nhiều ở phụ nữ hơn nam giới. Không phải tất cả các bệnh nhân có các đặc điểm của thoái hóa khớp gối trên chẩn đoán hình ảnh đều có triệu chứng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ có 10- 15% những người có thoái hóa khớp gối trên chẩn đoán hình ảnh có triệu chứng. Nếu không xét đến yếu tố tuổi tác, hằng năm, cứ 100.000 người thì có khoảng 240 người bị thoái hóa khớp gối có triệu chứng.
Thoái hóa khớp gối có nhiều mức độ, phụ thuộc vào nguyên nhân thoái hóa. Triệu chứng thường gặp nhất của thoái hóa khớp gối là đau ở khu vực khớp gối. Đau khớp gối có thể liên tục, gián đoạn, đau nhói hoặc âm ỉ, đau từ nhẹ, vừa đến nặng. Đau cũng có thể gây giảm biên độ vận động của khớp. Ngoài yếu cơ, cũng có thể nghe tiếng lục cục ở khớp gối. Những triệu chứng thường gặp gồm cứng khớp, sưng nề và mất vững khớp gối. Chúng gây đau, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, đi, đứng, leo cầu thang và ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý của người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Bài viết này phân tích các số liệu hiện có liên quan đến các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối trên phương diện bảo tồn và phẫu thuật. Các số liệu này được lấy từ những nguồn dữ liệu nổi tiếng và tin cậy (ví dụ Web of Sience, Cochrane datebase, PubMed). Bài viết này dựa trên những dữ kiện được công bố từ năm 1957 đến 2021, giúp tóm tắt và cung cấp những thông tin liên quan đến sinh bệnh học của thoái hóa khớp gối, các biện pháp điều trị không phẫu thuật và phẫu thuật, những thông tin chi tiết quan trọng của các kỹ thuật xâm lấn và cuối cùng nhấn mạnh cách tiếp cận điều trị bệnh nhân thoái hóa khớp gối.
2. Sinh bệnh học của thoái hóa khớp gối
Cấu trúc của sụn khớp bao gồm proteoglycan, collagen type 2, nước và tế bào sụn. Bình thường, các thành phần này cân bằng với nhau, quá trình tổng hợp giúp sửa chữa sụn khớp bị hư hại. Trong thoái hóa khớp các enzyme thoái hóa- matrix metalloproteases (MMPs) tăng hoạt động, làm mất cân bằng dẫn đến mất proteoglycan và collagen. Khi thoái hóa khớp mới khởi phát, các tế bào sụn tăng tổng hợp proteoglycan và sản xuất các chất ức chế mô của MMPs, giúp khôi phục sự cân bằng. Tuy nhiên, về lâu dài, hoạt động khôi phục này không đủ. Sự mất cân bằng này dẫn đến giảm chất lượng của proteoglycan mặc dù được tăng tổng hợp, tăng lượng nước, các sợi collagen sắp xếp hỗn độn cũng như giảm độ đàn hồi của xương khớp. Những sự thay đổi này lâu dần gây nứt sụn, cuối cùng gây mòn bề mặt sụn.
Dựa vào nguyên nhân, thoái hóa khớp được chia làm 2 loại: thoái hóa khớp nguyên phát- không chấn thương hoặc tự phát và thoái hóa khớp thứ phát- đa phần gây ra bởi chấn thương hoặc sai lệch cấu trúc. Dựa trên kết quả chẩn đoán hình ảnh của hệ thống Kellgren- Lawrence năm 1957, có thể phân loại mức độ của thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp được cho là một rối loạn thoái hóa ảnh hưởng đến sụn tuy nhiên những nghiên cứu trước đó cho thấy nguyên nhân của thoái hóa khớp rất phức tạp, có thể do viêm, rối loạn chuyển hóa, chấn thương, phản ứng sinh hóa và lực cơ học. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng không chỉ có phần sụn bị ảnh hưởng. Trong giai đoạn đầu của bệnh, sụn khớp không có khả năng gây đau hoặc viêm do không có mạch máu và dây thần kinh chi phối, vì thế, đau thường bắt nguồn từ các cấu trúc khác của khớp ví dụ dây chằng, xương dưới sụn, bao khớp, cơ quanh khớp, bao hoạt dịch. Khi bệnh tiến triển, các thành phần này bị tổn thương gây nên các triệu chứng lâm sàng gồm yếu các cơ quanh khớp, tái cấu trúc xương, tràn dịch bao hoạt dịch, giãn dây chằng và hình thành gai xương.
Chúng ta chưa biết chính xác được phản ứng viêm gây ra những thay đổi trong thoái hóa khớp hay thoái hóa khớp gây viêm. Không giống như viêm khớp, viêm trong thoái hóa khớp thường là mạn tính, nhẹ, ảnh hưởng đến quá trình miễn dịch tự nhiên. Một đặc điểm thường gặp trong thoái hóa khớp là sự hiện diện của viêm màng hoạt dịch, triệu chứng này xuất hiện trong giai đoạn sớm, ở giai đoạn càng muộn, tỷ lệ viêm màng hoạt dịch càng cao và mức độ càng nghiêm trọng. Trong thoái hóa khớp, dịch của bao hoạt dịch gồm các chất trung gian gây viêm, ví dụ leukotrienes (LKB4), yếu tố tăng trưởng (VEGF, TGFꞵ, NGF và FGFs), protein huyết tương (CRP, một chỉ số gợi ý của thoái hóa khớp tiến triển), cytokine (IL1ꞵ, IL6, IL15, IL17, IL18, IL21 và TNF), phức hợp bổ thể, nitic oxide và prostaglandins (PGE2).
Tất cả những thành phần kể trên đều có khả năng tạo ra MMPs cũng như các enzyme thủy phân (prostaglandin E và cyclooxygenases) tại chỗ, gây phá hủy collagen và proteoglycan, từ đó phá hủy sụn. Các tế bào miễn dịch tự nhiên ( tế bào mast và đại thực bào) nhận diện các phân tử được tạo ra từ quá trình phá vỡ chất nền ngoại bào, giúp định hướng các hoạt động của bạch cầu trong quá trình bảo vệ. Tuy nhiên nếu viêm kéo dài và có hệ thống, điều này có thể dẫn đến tổn thương mô.
3. Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật)
Các biện pháp điều trị thoái hóa khớp gối rất đa dạng, từ thay đổi lối sống đến các biện pháp tiêm- những biện pháp này thường được chỉ định bởi các bác sĩ gia đình.
- Các biện pháp không dùng thuốc
Phối hợp giảm cân và tập thể dục giúp làm giảm áp lực lên khớp gối, giúp cải thiện hoạt động thể chất. Nghiên cứu cho thấy rằng giảm 1kg cân nặng giúp làm giảm 4 lần áp lực lên gối. Đối với những bệnh nhân có triệu chứng của thoái hóa khớp, sự cải thiện về mặt triệu chứng thường được ghi nhận sau khi giảm cân. Theo một nghiên cứu phân tích tổng hợp gồm 44 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, so với những người không tập thể dục, những bệnh nhân tập thể dục đều đặn ghi nhận giảm triệu chứng đau đáng kể(10-15, CI 95%, 10 điểm/100), cải thiện chất lượng cuộc sống và hoạt động thể chất (8-13, CI 95%, 10 điểm/100). Giảm cân, tập thể dục và áp dụng chế độ ăn thích hợp là những biện pháp giúp điều trị thoái hóa khớp gối. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy sau 18 tháng, can thiệp bằng chế độ dinh dưỡng giúp giảm 4,9% trọng lượng cơ thể và giảm 5,7% trọng lượng cơ thể khi kết hợp chế độ ăn và tập thể dục.
Các bài tập aerobic (các bài tập với máy elip hoặc bơi lội) giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm cân đồng thời giúp bảo vệ những vùng tổn thương của khớp.
Trong thoái hóa khớp gối, ngăn giữa của khớp bị tổn thương nhiều nhất. Có nhiều số liệu được công bố cho thấy khung trợ lực khớp gối rất có hiệu quả trong thoái hóa khớp gối, mặc dù có 92% các nghiên cứu khuyến cáo sử dụng khung trợ lực khớp gối, tuy nhiên có 94% các nghiên cứu này không chia nhóm ngẫu nhiên hoặc các khuyến cáo này được đưa ra bởi các chuyên gia. Phân tích 6 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng so sánh hiệu quả điều trị viêm ngăn giữa khớp giữa việc sử dụng khung trợ lực khớp gối với chỉnh hình cho thấy khung trợ lực khớp gối có tác dụng giảm đau có ý nghĩa thống kê tuy nhiên không lớn (95% CI 0.13-0.52). Do ít bằng chứng, những kết quả này không có ý nghĩa rõ ràng trong thực hành lâm sàng.
Những bài tập thể dục làm tăng sức mạnh có vai trò cải thiện hoạt động của cơ chi dưới, đặc biệt là cơ tứ đầu đùi, giúp làm giảm áp lực lên khớp gối khi chuyển động. Phân tích một cách có hệ thống gồm 26 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối xứng nghiên cứu về các bài tập làm mạnh cơ khác nhau ở giai đoạn đầu của thoái hóa khớp gối cho thấy các bài tập giúp cải thiện đáng kể hoạt động thể chất, triệu chứng đau và sức khỏe nói chung.
- Điều trị thuốc
Có nhiều loại thuốc giảm đau được sử dụng trong thoái hóa khớp, lựa chọn thuốc nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) là nhóm thuốc có hoạt chất phong phú, chúng có hiệu quả điều trị và tác dụng phụ tương đối giống nhau. Thường chỉ định NSAIDs đường uống trong thoái hóa khớp, ở Mỹ, chúng được chỉ định ở 65% bệnh nhân thoái hóa khớp. Trong một phân tích tổng hợp gồm 74 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối xứng nghiên cứu về hiệu quả của NSAID với những liều và dạng bào chế khác nhau cho thấy diclofenac 150mg/ ngày có hiệu quả nhất trong việc giảm đau và cải thiện hoạt động thể chất. Tuy nhiên, có một vài tác dụng phụ nguy hiểm liên quan đến tim mạch, tiêu hóa, thận khi uống NSAID. Việc uống NSAID hàng ngày làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa trên gấp 4 lần. Phân tích tổng hợp 280 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy tăng biến cố mạch máu lên 1/3 lần khi dùng ức chế Cox- II. So với đường uống, bôi NSAID ít tác dụng phụ hơn nên được sử dụng rộng rãi để giảm đau trong thoái hóa khớp. Có nhiều guideline và nghiên cứu phân tích tổng hợp giúp hướng dẫn chọn loại NSAID bôi, trong đó bôi ketoprofen và diclofenac tỏ ra có hiệu quả trong thoái hóa khớp gối.
Các chất ức chế Cox không chọn lọc (diclofenac, ibuprofen, aspirin, meloxicam) gây ức chế Cox- I và Cox- II làm giảm sự tổng hợp prostaglandin. Các chất ức chế Cox- II (rofecoxib, celecoxib, valdecoxib) được phê duyệt sử dụng do chúng có ít tác dụng phụ hơn trên đường tiêu hóa. Khi so sánh với các loại NSAID khác, chúng có hiệu quả tương đương trong thoái hóa khớp tuy nhiên ít tác dụng phụ trên đường tiêu hóa hơn. Các số liệu cho thấy việc sử dụng NSAID trong thoái hóa khớp cho hiệu quả tốt, tuy nhiên các tác dụng phụ lên thận, đường tiêu hóa, tim mạch dấy lên lo ngại về vấn đề sử dụng NSAID trong điều trị thoái hóa khớp. Y văn khuyến cáo sử dụng paracetamol cho thoái hóa khớp khi ở mức độ A, tuy nhiên NSAID có tác dụng giảm đau tốt hơn.
- Thuốc opioid có tác dụng giảm đau tương đương với NSAID trong thoái hóa khớp
Các thuốc có nguồn gốc opium, opiates, các chế phẩm tự nhiên gồm codein, morphin và một vài thành phần bán tổng hợp. Opioids kiểm soát đau bằng việc tác động vào não giữa và ức chế quá trình truyền thông tin nhận cảm giác đau từ sừng sau tủy sống. Opiates được chia thành các nhóm sau: opioids tác dụng ngắn, opioids tác dụng dài, đồng vận một phần. Các nhóm thuốc được đề cập trên cho thấy có hiệu quả trong điều trị giảm đau và được chứng minh ở mức độ bằng chứng 3. Tuy nhiên tác dụng giảm đau của chúng bị hạn chế, chúng thường xuyên có tác dụng phụ, tác dụng phụ có thể nghiêm trọng khi sử dụng trong thời gian dài. Việc sử dụng opioid hàng ngày một cách liên tục gây hiện tượng quen thuốc và phụ thuộc thuốc.
Huyết tương tươi giàu tiểu cầu (PRP) là một phương pháp điều trị mới đang được khuyến khích, nó có tác dụng đẩy mạnh quá trình tái tạo sụn bị tổn thương. PRP là huyết tương tươi gồm tiểu cầu tự thân chứa các yếu tố tăng trưởng tiết ra bởi tiểu cầu, giúp làm lành các mô ở lớp trung mô, có hiệu quả trong điều trị các tổn thương do thoái hóa sụn khớp và thoái hóa khớp. Có nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả của một vài loại thuốc tiêm nội khớp trong thoái hóa khớp gối. Rodriguez- Merchan đánh giá một cách hệ thống hiệu quả giảm đau của corticosteroids và acid hyaluronic (HA) trong điều trị thoái hóa khớp gối. So với corticosteroids, HA có hiệu quả hơn trong việc giảm đau, khi tiêm HA trong 3- 5 tuần, hiệu quả giảm đau kéo dài 5-13 tuần trong khi corticosteroid có tác dụng giảm đau chỉ trong 2-3 tuần. Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, Raeissadat và cộng sự so sánh hiệu quả lâu dài của việc tiêm nội khớp PRP và HA trên những bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Sau 12 tháng, cả 2 nhóm đều cải thiện đáng kể tình trạng đau và thang điểm WOMAC, nhóm được tiêm PRP có kết quả tốt hơn nhóm HA (P< 0.001) đặc biệt ở những bệnh nhân Kellgran giai đoạn 1 và 2. Kết quả này cho thấy PRP có hiệu quả tốt hơn trong điều trị đau ở các bệnh nhân thoái hóa khớp.
Tế bào gốc được sử dụng để duy trì quá trình tự chữa lành của sụn khớp gối bị tổn thương do thoái hóa khớp. Tế bào gốc có nguồn gốc trung mô (mesenchymal stem cells- MSC) được tách thành các tế bào sụn hiện diện trong dịch khớp. Liệu pháp tế bào gốc bao gồm lấy PRP và MSC tự thân ở những bệnh nhân cần điều trị. Để làm tăng lượng sụn, MSC được tách ra thông qua quá trình ly tâm và các bước làm sạch. Hiện nay vẫn còn thiếu các dữ liệu lâm sàng khi so sánh hiệu quả của liệu pháp tế bào gốc với việc dùng thuốc trong thoái hóa khớp.
4. Điều trị phẫu thuật
Nội soi làm sạch khớp gối (bào nhẵn những bề mặt sụn gồ ghề hoặc những sụn bị tổn thương) là một kỹ thuật nội soi khớp. Theo lý thuyết, nội soi khớp bị thoái hóa giúp làm giảm triệu chứng bằng việc loại bỏ những mảnh vụn cũng như cytokine viêm gây viêm màng hoạt dịch. Hiệu quả của nội soi khớp trong điều trị thoái hóa khớp gối vẫn còn là nghi vấn. Mặc dù được sử dụng rộng rãi, có ít bằng chứng cho thấy lợi ích từ việc nội soi khớp. Trong 1 thử nghiệm có đối chứng, Moseley và cộng sự so sánh phương pháp nội soi làm sạch khớp gối với nhóm chứng cho thấy kỹ thuật nội soi không mang lại lợi ích so với nhóm chứng.
Trong một nghiên cứu khác, ở những bệnh nhân thoái hóa khớp gối ở độ tuổi trung niên, nội soi làm sạch khớp gối cho thấy làm giảm triệu chứng tạm thời. Đối với những bệnh nhân có tình trạng khớp nhẹ hơn (biểu hiện bằng hình ảnh trên phim, tổn thương ở sụn khớp ít, tuổi còn trẻ khi được làm phẫu thuật), triệu chứng cải thiện nhiều hơn. Phẫu thuật giúp giảm thời gian đau, giúp cải thiện tình trạng viêm ở những trường hợp viêm khớp nhẹ và trung bình trên chẩn đoán hình ảnh.
- Các phẫu thuật xương quanh khớp gối
Trong điều trị thoái hóa khớp gối bán phần liên quan đến biến dạng khép hoặc dạng khớp gối, phương pháp được đồng thuận bao gồm các phẫu thuật xương quanh khớp gối. Các phẫu thuật này được sử dụng từ đầu thế kỷ 19. Được thực hiện thường xuyên vào đầu thế kỷ 20, các phẫu thuật vào xương được biết đến rộng rãi sau khi các nghiên cứu của Gariepy, Jackson, Waugh… được công bố vào cuối những năm 1950 và 1960. Đối với những bệnh nhân thoái hóa khớp gối bán phần, phẫu thuật xương là một phương pháp điều trị thay thế chuẩn. Trong phẫu thuật xương Coventry điển hình, đường rạch vào xương mác nằm cạnh lồi củ xương chày.
- Tạo hình khớp
Trong điều trị thoái hóa khớp gối, tạo hình khớp được coi là một phương pháp an toàn và hiệu quả về mặt kinh tế. Do đây là thủ thuật không thể đảo ngược, tạo hình khớp chỉ được sử dụng trong các trường hợp các biện pháp khác bị chống chỉ định hoặc đã thất bại. Các thành phần nhân tạo có thể có thời gian sử dụng từ 15-20 năm tuy nhiên khớp gối nhân tạo bán phần thường có thời gian sử dụng ngắn hơn. Do vậy ở những bệnh nhân dưới 60 tuổi, cần tránh phương pháp tạo hình khớp. Phẫu thuật làm giảm áp lực lên khớp gối hoặc thay khớp gối bán phần có thể cân nhắc nếu thoái hóa khớp chỉ giới hạn trên 1 thành phần của khớp gối, tuy nhiên, trong một vài trường hợp, thay khớp gối toàn phần là chỉ định phù hợp.
- Thay khớp gối bán phần (Unicompartmental knee arthroplasty- UKA)
UKA được chú ý nhiều sau khi những nghiên cứu của Marmor được công bố vào những năm 1990. UKA được khuyến cáo nếu thoái hóa khớp chỉ ảnh hưởng đến một ngăn của khớp gối, ví dụ ngăn đùi- chè, đùi- chày giữa hoặc ngăn bên. Trong UKA, ngăn đùi- chày giữa được thay thế bởi hai dụng cụ kim loại nhân tạo, ở giữa là một lớp polyethylene. Dây chằng chéo giúp khớp giả vững chắc, sự cấy ghép này không chỉ giới hạn ở mặt phẳng đứng dọc.
Các trường hợp lệch trục là chống chỉ định của UKA. Việc điều chỉnh quá mức các thành phần phía đối diện có thể gây thoái hóa khớp tiến triển và khiến các triệu chứng kéo dài dai dẳng. Tương tự như vậy, UKA cũng không tạo được kết quả tốt nếu điều chỉnh dưới mức yêu cầu đặt ra. Một trong những ưu điểm của UKA là ít xâm lấn. Hệ thống cơ duỗi không bị ảnh hưởng và xương bánh chè không bị lộn ngược giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và ra viện sớm hơn. Nó bảo tồn khối lượng xương, tăng cường chức năng sinh lí và điều hòa chuyển động của khớp gối. Khi sử dụng phương pháp phẫu thuật hiện đại và cấy ghép, kết quả và tỉ lệ sống sót khi thực hiện UKA cho ngăn giữa tăng lên. Khớp gối nhân tạo ngăn giữa có thời gian tồn tại khoảng 10 năm.
- Thay khớp gối toàn bộ (total knee arthroplasty- TKA)
Trong trường hợp khớp gối có nhiều thành phần bị ảnh hưởng và thất bại với các phương pháp khác, TKA cho kết quả tương đối khả quan, giúp cải thiện khả năng đi lại và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hiện tại, TKA là phương pháp điều trị được ưu tiên cho thoái hóa khớp ở giai đoạn sau. Tỉ lệ sống sót là 98% sau 15 năm. Ở những người trẻ, tỷ lệ sống sót sau 10 năm nhỏ hơn 76%. Mặc dù TKA tỏ ra có hiệu quả trong điều trị thoái hóa khớp gối giai đoạn sau, có tới một trong tám bệnh nhân có đau sau phẫu thuật tuy nhiên không có biểu hiện trên chẩn đoán hình ảnh hoặc rối loạn chức năng biểu hiện trên lâm sàng. Những biến chứng nghiêm trọng nhất bao gồm nhiễm trùng các vấn đề liên quan đến đùi- bánh chè, cứng khớp, mất các thành phần của khớp. Các bệnh nền của bệnh nhân ảnh hưởng đến tình trạng của khớp gối cũng như biên độ vận động của khớp gối sau phẫu thuật. Hiểu rõ được các biến chứng cho phép duy trì sự cải thiện trong quá trình điều trị. Các yếu tố chủ quan (liên quan đến bệnh nhân) có vai trò quan trọng trong việc đánh giá kết quả của TKA và cần được cân nhắc cẩn thận trước khi làm TKA. Khớp đùi- bánh chè là yếu tố chính gây đau dai dẳng sau phẫu thuật. Trong những năm trở lại đây, nhằm cải thiện hiệu quả của TKA, nhiều chiến lược đã được phát triển, rút kinh nghiệm từ những ca phẫu thuật có kết quả xấu. Những chiến lược này bao gồm cải thiện vật liệu, cải thiện kĩ năng phẫu thuật, hạn chế xâm lấn tối đa, phẫu thuật dưới sự hướng dẫn của máy móc, cải thiện chất lượng thiết bị máy móc.
5. Kết luận
Mặc dù thoái hóa khớp là bệnh thường gặp nhất và được nghiên cứu nhiều nhất của khớp gối tuy nhiên sinh lí bệnh vẫn chưa được làm rõ và chưa có đơn trị liệu nào hiệu quả trong điều trị triệu chứng và các tổn thương liên quan. Trong giai đoạn sớm của thoái hóa khớp gối, tập thể dục là phương pháp điều trị hiệu quả. Có nhiều biện pháp điều trị không dùng đến phẫu thuật, các phương pháp này khác nhau về mặt hiệu quả và kết quả thì được quyết định bởi nhiều yếu tố (trang thiết bị, trình độ của người thực hiện, bản thân bệnh nhân). Dựa vào mỗi tình huống cụ thể, từng biện pháp được cân nhắc cẩn thận. Cố định sinh học là một biện pháp hứa hẹn làm tăng độ bền của TKA, đặc biệt ở những bệnh nhân trẻ, do cải thiện trong công nghệ sinh học và vật liệu sinh học giúp vật liệu có thêm các đặc tính của xương.
Link bài gốc: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8972824/
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết
Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.