Nhiễm nấm Candida âm đạo trong thai kỳ
Nấm Candida là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nhiễm âm đạo ở phụ nữ.
Tác giả: ĐD Hoàng Thị Thanh – IVFAS
I. Tổng quan
Nội dung bài viết
Nấm Candida là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nhiễm âm đạo ở phụ nữ. Nhiễm nấm Candida âm đạo (Vulvovaginal Candidiasis – VVC) được xếp thứ hai sau viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn (Bacteria Vaginosis (BV), Aerobic Vaginitis (AV)…) và ảnh hưởng đến 75-80% phụ nữ [1]. Ngoài việc phát hiện nhiễm trùng âm đạo có triệu chứng thì nhiễm nấm Candida không triệu chứng được phát hiện ở 20 – 50% phụ nữ khỏe mạnh. Để nấm Candida phát triển mạnh làm mất cân bằng hệ vi sinh trong cơ thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng thì phải có điều kiện thuận lợi như môi trường âm đạo ẩm ướt, quan hệ tình dục hay mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh lý tiểu đường, mang thai … Trong đó, phụ nữ mang thai nhiễm nấm Candida âm đạo có tỷ lệ cao nhất chiếm 40% so với các nhóm còn lại [2]. Nấm Candida được chia làm hai nhóm: nhóm Candida Albicans và nhóm không phải Candida Albicans. Trong đó, nấm Candida albicans được tìm thấy trong các mẫu bệnh phẩm chiếm đến 70 – 95% [3], [4], [6].
II. Ảnh hưởng của nhiễm nấm Candida
Nhiễm nấm Candida âm đạo là bệnh nhiễm trùng phổ biến ở đường sinh dục nữ. Khi nhiễm nấm Candida, các triệu chứng và các dấu hiệu được thống kê như bỏng rát ở bộ phận sinh dục chiếm 6,8%, ban đỏ âm đạo là 53,4% và tiết dịch vàng là 64,8%. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa nấm Candida và các nhóm vi khuẩn khác như BV, AV… tạo ra viêm nhiễm âm đạo hỗn hợp. Khi nhiễm nấm âm đạo hỗn hợp thì các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng rõ rệt, nặng nề hơn. Chẳng hạn như phụ nữ bị viêm âm đạo do VVC + BV có các triệu chứng rõ ràng như ngứa bộ phận sinh dục (72,7%), ban đỏ âm đạo (63,6%), dịch vàng (81,8%). Ở nhóm phụ nữ bị VVC + AV thì các triệu chứng càng nặng nề và điển hình hơn như bỏng rát ở bộ phận sinh dục (25%), ban đỏ âm đạo (91,7%) và tiết dịch vàng (100%). Chính những triệu chứng này làm thay đổi sinh hoạt hằng ngày gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống ở nhiều phụ nữ nhất là phụ nữ mang thai [5].
III. Những ảnh hưởng trong thai kỳ
Mang thai là điều kiện thuận lợi cho việc xâm nhập của các loại vi khuẩn và nấm. Do đó, phụ nữ mang thai có tỷ lệ nhiễm nấm Candida âm đạo cao hơn phụ nữ không mang thai và phụ thuộc vào độ tuổi của thai phụ. So với người phụ nữ không mang thai thì các triệu chứng và biểu hiện lâm sàng về mặt phụ khoa ở người phụ nữ mang thai có nhiễm Candida âm đạo nghiêm trọng hơn thậm chí ảnh hưởng đến quá trình mang thai và em bé sinh ra.
Một nghiên cứu tại Nigeria năm 2007, có 420 trường hợp có độ tuổi từ 21 – 30 tuổi nhiễm nấm Candida. Trong đó, phụ nữ mang thai nhiễm nấm Candida âm đạo chiếm 40% (n = 168), nhóm suy giảm miễn dịch chiếm 24% (n = 101), nhóm sử dụng kháng sinh phổ rộng chiếm 16% (n = 67) và nhóm điều trị bằng nội tiết chiếm 15% (n = 63). Điều này cho thấy, nhóm phụ nữ mang thai trong độ tuổi từ 21 – 30 chiếm tỷ lệ nhiễm nấm âm đạo cao hơn so với các nhóm còn lại [2].
Cũng ở Nigeria, một nghiên cứu cắt ngang kéo dài 2 tháng được thực hiện tại Khoa Sản và Phụ khoa ở Tây Bắc năm 2017. Nghiên cứu liên quan đến phụ nữ mang thai ở các thời kỳ mang thai khác nhau có biểu hiện viêm âm đạo và được chọn bằng cách lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản. Trong số 288 phụ nữ mang thai được lấy mẫu, độ tuổi của phụ nữ dao động từ 16 đến 45 tuổi, có 175 phụ nữ dương tính với nấm Candida, tỷ lệ hiện nhiễm là 60,8%. Trong đó, phụ nữ mang thai từ 26–30 tuổi ghi nhận tỷ lệ cao nhất là 37,1% (65/175). Nhiễm nấm Candida âm đạo (VVC) ở ba tháng đầu thai kỳ 0,69%, ba tháng giữa thai kỳ là 6,94% và tăng cao theo ba tháng cuối của thai kỳ là 52,7%, trong đó, Candida albicans là loài phổ biến nhất được phân lập ở 73,7% phụ nữ [4].
Bên cạnh đó, bệnh tiểu đường trong thai kỳ cũng là một vấn đề cần quan tâm bởi đây cũng là yếu tố thuận lợi cho việc nhiễm nấm. Candida albicans chiếm ưu thế trong 90-95% các trường hợp và nhóm nấm Candida không phải Albicans như Candida Glabrata, Candida Tropicalis, Candida Krusei và Candida Parapsilosis chiếm tỷ lệ thấp [6].
Ngoài việc dễ bị nhiễm nấm Candida âm đạo hơn các nhóm khác thì phụ nữ mang thai nhiễm nấm Candida có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ như sinh non, sẩy thai, trẻ sinh nhẹ cân, nhiễm trùng hậu sản…[5]
Một nghiên cứu khác gồm 8450 phụ nữ mang thai, trong đó có 1142 phụ nữ (13,5%) nhiễm Candida Albicans không có triệu chứng. Trong nhóm này, 185 phụ nữ (2,2%) bị tái phát nấm Candida trên phết tế bào âm đạo. So với những người không nhiễm nấm Candida thì những phụ nữ nhiễm nấm Candida tái phát có tỷ lệ sinh non cao hơn (11,9% so với 9,5%) và nhẹ cân (10,8% so với 8,0) ( p = 0,02). Việc tái phát nấm Candida trong âm đạo không triệu chứng trong thời kỳ đầu mang thai có liên quan đến sinh non và sinh con nhẹ cân [7].
Roberts, C.L và cộng sự đã làm một thử nghiệm ngẫu nhiên. Với 779 phụ nữ được chọn thì có 500 (64%) tham gia khám sàng lọc nấm candida. Kết quả có 98 phụ nữ (19,6%) bị nhiễm nấm Candida âm đạo không triệu chứng. Họ được phân ngẫu nhiên vào hai nhóm, một nhóm điều trị bằng clotrimazole và một nhóm chăm sóc thông thường với tỷ lệ theo dõi là 99%. Kết quả cho thấy có xu hướng giảm sinh non tự phát ở những phụ nữ bị nhiễm nấm Candida không triệu chứng được điều trị bằng clotrimazole RR = 0,33, KTC 95% 0,04-3,03. Do đó, sử dụng clotrimazole để ngăn ngừa sinh non ở phụ nữ bị nhiễm nấm Candida không có triệu chứng cũng được xem là khả thi [8]. So với những phụ nữ mang thai nhiễm nấm Candida âm đạo có triệu chứng được theo dõi kỹ và điều trị theo phác đồ thì những phụ nữ mang thai nhiễm nấm không triệu chứng sẽ dễ bị bỏ qua hơn. Và điều này có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ hoặc những ảnh hưởng lên đứa trẻ được sinh ra nếu không được quan tâm đúng mức.
IV. Những ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh
Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp đến người phụ nữ, thì những ảnh hưởng lên đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ có nhiễm nấm Candida âm đạo cũng được ghi nhận qua các nghiên cứu.
Sustr, V và cộng sự đã ghi nhận rằng, những đứa trẻ sơ sinh được sinh ra từ người mẹ có nhiễm nấm Candida thường có biểu hiện viêm da do tã lót hoặc nấm miệng do lây truyền từ mẹ sang con theo chiều dọc [9].
Fernández-Ruiz và cộng sự ghi nhận một trường hợp đặc biệt xảy ra ở trẻ sơ sinh. Đó là bệnh nấm Candida bẩm sinh ở da (Cutaneous congenital candidiasis) là một bệnh hiếm gặp chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sinh non. Nhưng điều đáng nói là đứa trẻ này sinh đủ tháng qua đường âm đạo và người mẹ không nhiễm nấm Candida âm đạo khi mang thai. Biểu hiện ở đứa trẻ sơ sinh có ban dát lan tỏa kèm suy hô hấp và nhiễm trùng phổi. Cấy máu và cấy dịch âm đạo của mẹ cho kết quả nhiễm nấm Candida Albicans và cấy da em bé cũng có kết quả tương tự. Sau đó, cả mẹ và bé được sử dụng thuốc kháng nấm toàn thân để điều trị và mang lại kết quả tốt [10].
V. Kết luận
Như vậy, nhiễm nấm Candida âm đạo ở phụ nữ nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng đều có những ảnh hưởng thay đổi chất lượng cuộc sống của họ. Nhưng phụ nữ mang thai nhiễm nấm Candida hỗn hợp có nhiều biến chứng ảnh hưởng đến thai kỳ và cả đứa trẻ được sinh ra. Nhiễm nấm Candida âm đạo không triệu chứng cần được quan tâm hơn vì đây là nhóm dễ bị bỏ sót. Bên cạnh đó, việc phòng ngừa tái nhiễm cũng rất cần thiết vì tỷ lệ tái nhiễm nấm Candida âm đạo ở phụ nữ (4 lần trong 1 năm) được ghi nhận chiếm 9% phụ nữ nhiễm nấm Candida [1]. Điều này trở thành gánh nặng kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới [11], [12], [13]. Do đó, việc giáo dục phụ nữ và phụ nữ mang thai trong các vấn đề vệ sinh hay quan hệ tình dục trong thai kỳ cũng là cần thiết trong việc làm giảm tỷ lệ nhiễm và tái nhiễm nấm Candida.
Tài liệu tham khảo
- Sovianti, Cyntya Sari, and Mutia Devi. “Recurrent Vulvovaginal Candidiasis.” Bioscientia Medicina: Journal of Biomedicine and Translational Research 5.3 (2021): 498-507.
- Nwadioha, S. I., et al. “Risk factors for vaginal candidiasis among women attending primary health care centers in Jos, Nigeria.” Journal of clinical medicine and research 2.7 (2010): 111-113.
- Camacho-Cardoso, José Luis, et al. “Molecular detection of Candida species from hospitalized patient’s specimens.” Gac Med Mex 153 (2017): 581-589).
- Nnadi, Daniel Chukwunyere, and Swati Singh. “The prevalence of genital Candida species among pregnant women attending antenatal clinic in a tertiary health center in North-west Nigeria.” Sahel Medical Journal 20.1 (2017): 33.).
- Dong, Mengting, et al. “The relationship between mixed vaginitis in late pregnancy and adverse pregnancy outcomes: a cross-sectional study.” Authorea Preprints (2021)
- Felix, T.C.; Röder, D.V.D.D.B.; Pedroso, R.D.S. Alternative and complementary therapies for vulvovaginal candidiasis. Folia Microbiol. 2019, 64, 133–141.
- Farr, A.; Kiss, H.; Holzer, I.; Husslein, P.; Hagmann, M.; Petricevic, L. Effect of asymptomatic vaginal colonization with Candida albicans on pregnancy outcome. Acta Obstet. Gynecol. Scand. 2015, 94, 989–996
- Roberts, C.L.; Rickard, K.; Kotsiou, G.; Morris, J.M. Treatment of asymptomatic vaginal candidiasis in pregnancy to prevent preterm birth: An open-label pilot randomized controlled trial. BMC Pregnancy Childbirth 2011, 11, 18.
- Sustr, V.; Foessleitner, P.; Kiss, H.; Farr, A. Vulvovaginal Candidosis: Current Concepts, Challenges and Perspectives. J. Fungi 2020, 6.
- Fernández-Ruiz, Mario, et al. “Congenital cutaneous candidiasis associated with maternal peripartum candidemia.” Revista Iberoamericana de Micología 37.2 (2020): 68-71.
- Dorgan, Eileen, David W. Denning, and Ronan McMullan. “Burden of fungal disease in Ireland.” Journal of Medical Microbiology 64.4 (2015): 423-426.
- Mareș, Mihai, Valentina Ruxandra Moroti-Constantinescu, and David W. Denning. “The burden of fungal diseases in Romania.” Journal of Fungi 4.1 (2018): 31.
- Sacarlal, Jahit, and David W. Denning. “Estimated burden of serious fungal infections in Mozambique.” Journal of Fungi 4.3 (2018): 75.