MỚI

Hội chứng vành cấp: triệu chứng và cách phòng ngừa

Ngày xuất bản: 02/06/2023

Hội chứng vành cấp (HCVC) bao gồm:  nhồi máu cơ tim ST chênh lên (STEMI), Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (NSTEMI) và cơn đau thắt ngực không ổn định (UA) có liên quan mật thiết với nhau, có sinh bệnh học và biểu hiện lâm sàng tượng tự nhau nhưng khác nhau ở mức độ nặng.


Cơ chế bệnh sinh chính của hội chứng vành cấp là mảng xơ vữa bị vỡ hay loét dẫn đến cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch vành.  Nếu sự tắc nghẽn lưu thông mạch vành không đủ nặng hoặc sự tắc nghẽn không tồn tại đủ lâu để gây hoại tử cơ tim (được chỉ điểm bởi dấu ấn sinh học của tim dượng tính), hội chứng này được gọi là đau thắt ngực không ổn định. 

1. Triệu chứng lâm sàng của hội chứng vành cấp

Hội chứng vành cấp gây ra triệu chứng tương tự đau thắt ngực ổn định nhưng mức độ nặng hơn và kéo  dài hơn. Người bệnh cảm thấy bứt rứt, khó thở và cảm giác sắp chết. Các triệu chứng do kích thích hệ thần kinh tự chủ: đổ mồ hôi, tái nhợt, buồn nôn, nôn ói và tiêu chảy, đặc biệt  khi nhồi máu thành dưới. Ở những người lớn tuổi và bệnh nhân có bệnh đồng mắc kèm theo như đái tháo đường, triệu  chứng đau ngực khi nhồi máu cơ tim vắng mặt ở 30% các trường hợp.

Các đặc điểm lâm sàng của cơn đau ngực liên quan đến thiếu máu cơ tim (đau thắt ngực) bao gồm các đặc điểm chính: vị trí, tính chất, cường độ, thời gian, triệu chứng kèm theo và các yếu tố làm tăng và giảm đau ngực.

Đau ngực do thiếu máu cơ tim thường ở vùng trước ngực, gần xương ức, nhưng có thể ở bất cứ đâu từ vùng thượng vị lan đến hàm dưới hoặc răng, giữa xương bả vai, hoặc ở hai cánh tay đến cổ tay và ngón tay. Cơn đau ngực thường được mô tả là nặng- đôi khi bóp nghẹt, co thắt, hoặc rát bỏng. Nhiều người không mô tả đau ngực mà khai cảm giác khó chịu ở ngực.

Khó thở có thể đi kèm với đau thắt ngực. Khó thở được coi là 1 triệu chứng tương đương đau thắt ngực, xuất hiện khi gắng sức hoặc  lo lắng, giảm khi nghỉ ngơi, đáp ứng tốt với nitroglycerin. Những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh  nhân đái tháo đường đôi khi chỉ có biểu hiện khó thở mà không có triệu chứng đau ngực.  Do vậy những bệnh nhân này khi có khó thở đi kèm với nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch  phải tầm soát có thiếu máu cơ tim hay nhồi máu cơ tim hay không.

Đau ngực cũng thế đi kèm với các triệu chứng ít đặc hiệu hơn như mệt mỏi hoặc ngất, buồn nôn, nóng rát, bồn chồn hoặc  cảm giác sắp chết. Khó thở có thể là triệu chứng duy nhất ở bệnh động mạch vành và có thể  khó phân biệt với khó thở do các nguyên nhân khác gây ra.

Cơn đau thắt ngực thường kéo dài >20 phút, cơn đau kéo dài ngắn hơn có khả năng không phải do bệnh mạch vành hoặc cơn đau thắt ngực ổn định. Các triệu chứng nặng hơn khi tăng mức độ gắng sức như đi leo dốc hoặc chống lại gió, hoặc trong thời tiết lạnh, và biến mất nhanh chóng trong vài phút khi các yếu tố này giảm đi. Các triệu chứng nặng hơn sau bữa ăn nhiều hoặc sau khi thức dậy vào buổi sáng là những đặc điểm của cơn đau thắt ngực kinh điển.

Nitrat ngậm dưới lưỡi làm giảm nhanh cơn đau thắt ngực. Các triệu chứng không liên quan đến hô hấp hoặc tư thế. Ngưỡng đau thắt ngực, các triệu chứng, có thể thay đổi đáng kể từ ngày này sang ngày khác và thậm chí trong cùng một ngày.

Phân độ đau ngực theo hội Tim mạch Canada (CCS)

Độ

Đặc điểm

Chú thích

I

Không giới hạn hoạt động thông thường

Đau thắt ngực chỉ xảy ra khi gắng sức rất nhiều/ nhanh/ kéo dài

II

Giới hạn nhẹ hoạt động bình thường

Đau ngực xảy ra khi: Đi bộ > 2 dãy nhà. Leo trên 1 tầng lầu. Sau bữa ăn, Thời tiết thất thường. Cảm xúc căng thẳng. Vài giờ sau thức dậy

III

Giới hạn đáng kể hoạt động thông thường

Đau ngực khi: Đi bộ 1 – 2 dãy nhà. Chỉ leo được 1 tầng lầu

IV

Không có khả năng hoạt động thông thường

Đau ngực xảy ra cả lúc nghỉ ngơi

 Đôi khi khó phân biệt giữa đau thắt ngực và những nguyên nhân đau khác không phải do  tim, như đau do thực quản.

2. Các biện pháp phòng ngừa

Dự phòng  hội chứng vành cấp gồm nhiều bước tiến hành một cách có hệ thống:

2.1 Xác định nguy cơ

Thu thập đồng thời các thông tin về các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân để phối hợp cho phép đánh giá toàn bộ mức độ rộng nguy cơ mang tính cá thể của động mạch vành và nguy cơ tim mạch để có lời khuyên đặc hiệu.

2.2. Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ

Dành cho những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ hoặc đã mắc hội chứng vành cấp

– Hút thuốc: bỏ hoàn toàn thuốc lá. Nguy cơ hút thuốc lại lớn hơn khi có nhiều yếu tố phối hợp. Việc dự phòng cần chú ý đặc biệt nếu là nam giới.

– Huyết áp: cần có chế độ điều trị theo dõi chặt chẽ những trường hợp mắc bệnh dù chỉ mới ở giai đoạn đầu tiên hoặc chỉ tăng huyết áp giới hạn.

– Tăng cholesterol máu: cần chú ý khi cholesterol máu tăng trên 220 mg% với sự khuyên dùng chế độ ăn đặc biệt cũng như cần phải được khám xét và điều trị đặc biệt khi tăng trên 260mg%.

-Tăng cường luyện tập và hoạt động thể lực nhiều hơn. Việc giảm thể trọng bao hàm việc giảm rõ các yếu tố nguy cơ.

– Đái tháo đường: sự điều trị liên tục có theo dõi chặt chẽ với một trung tâm chuyên khoa là sự chọn lựa thích hợp cho bệnh nhân.

– Chế độ ăn dành riêng cho từng bệnh nhân.

-Thuốc ngừa thai phụ nữ bằng đường uống: giảm thiểu tối đa việc sử dụng.

2.3 Dự phòng thuốc

Một số loại thuốc giảm rõ nguy cơ tử vong sau khi nhồi máu cơ tim cấp và được sử dụng trừ khi được chống chỉ định

  •  Aspirin (acetylsalicylic acid-ASA) (75-162mg/ngày) nên được cân nhắc sử dụng cho bệnh nhân nam có nguy cơ biến cố tim mạch trong 10 năm >10%.
  • Aspirin (75-162mg/ngay) nến được cân nhắc sử dụng cho bệnh nhân nữ có nguy cơ cao (nguy cơ biến cộ tim mach >20%). Nguy cơ chảy máu liên quan đến aspirin không được vượt qua lợi ích tiềm năng của nó.
  • Thuốc chẹn beta được coi là điều trị tiêu chuẩn sau hội chứng vành cấp. Nghiên cứu cho thấy các thuốc chẹn beta (như acebutolol, atenolol, metoprolol, propranolol, timolol) làm giảm tỷ lệ tử vong sau nhồi máu cơ tim khoảng 25% trong ít nhất 7 năm.
  • Kiểm soát tốt cholesterol và huyết áp. Điều chỉnh nồng độ lipid huyết thanh (đặc biệt với statin) có thể làm chậm hoặc thậm chí làm đảo ngược sự tiến triển của CAD.
  • Thuốc ức chế men chuyển cũng được coi là liệu pháp tiêu chuẩn và được dùng cho tất cả bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim nếu có thể, đặc biệt nếu bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim phân suất tống máu < 40%.

Xem thêm: Những hiểu biết về cơn đau thắt ngực

Tài liệu tham khảo: “Điều trị bệnh nội khoa”, 2020, TS.BS CKII Trần Thị Khánh Tường, Bộ môn  Nội tổng quát, ĐHYK Phạm Ngọc Thạch. 

facebook
20

Bài viết liên quan

Thuốc liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia