Đột quỵ não – chăm sóc người bệnh tại bệnh viện
Việc chăm sóc một người bị đột quỵ não là thử thách. Các khả năng hành vi, ghi nhớ, giao tiếp và thể chất của bệnh nhân đều có thể bị ảnh hưởng bởi đột quỵ. Bệnh nhân đột quỵ cần được hỗ trợ và chăm sóc đầy đủ để phục hồi chức năng cơ thể và tăng cường chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số phương pháp hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân đột quỵ
1. Theo dõi bệnh nhân
Nội dung bài viết
Theo dõi thường xuyên để có đánh giá và can thiệp kịp thời trên bệnh nhân
Cần theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở và SpO2, đây là các yếu tố đơn giản và dễ dàng theo dõi ở bệnh nhân đột quỵ.
Theo dõi các bệnh kèm theo và các cận lâm sàng do bác sĩ chỉ định như: hình ảnh học, siêu âm, điện tim, công thức máu, sinh hoá máu.
Theo dõi và giải thích bệnh nhân và người nhà về thuốc và các tác dụng phụ của thuốc
Theo dõi tình trạng thông khí, hút đàm nhớt cho bệnh nhân (nếu có).
2. Hướng dẫn tư thế nằm đúng
Bệnh nhân cần nằm đúng tư thế để giảm bớt sự co cứng và đề phòng khớp biến dạng. Đồng thời xoay trở mình để tránh ê mỏi
- Nằm nghiêng về bên liệt: giữ trục cơ thể thẳng
- Kê gối đầu đến khớp vai
- Chặn gối mềm dọc sau lưng
- Chân liệt giữ thẳng
- Gập vai, cánh tay duỗi vuông góc
- Chân lành gập vuông góc, kê gối nâng chân
Tư thế nằm nghiêng về bên liệt
- Nằm nghiêng về bên lành
- Ôm gối mềm làm điểm tựa đỡ cánh tay liệt
- Kê gối mềm nâng toàn bộ chân liệt
- Chặn gối mềm sau lưng
- Gập vai, cánh tay lành thả lỏng tự nhiên
- Chân lành duỗi tự nhiên
Tư thế nằm nghiêng về bên lành
- Nằm ngửa
- Cuộn chăn kê hông bên liệt
- Cuộn chăn kê chân bên liệt
- Kê gối đầu đến vai
Tư thế nằm ngửa
- Hướng dẫn người nhà bệnh nhân xoay trở tư thế thường xuyên và ngồi dậy
- Xoay trở sang bên liệt: nâng tay và chân lành lên => đưa chân và tay lành về phía bên liệt => xoay thân mình bên liệt
- Xoay trở sang bên lành:Cài tay lành vào tay liệt => Dùng tay lành kéo tay liệt sang phía tay lành=> Người hỗ trợ giúp người bệnh, gập gối và háng bên liệt, kéo hông người bệnh xoay sang bên lành.
Cách xoay trở và ngồi dậy cho bệnh nhân sau đột quỵ não
3. Hướng dẫn bệnh nhân ngồi dậy
- Ngồi dậy phía bên liệt:
- Người tập đứng về phía bên liệt, giúp người bệnh nằm nghiêng phía bên liệt sát mép giường, hai chân gấp. Tay bên liệt duỗi thẳng ra trước, vuông góc với thân mình, bàn tay bên lành chống lên mặt giường, phía trên tay liệt.
- Sau đó người tập hướng dẫn hoặc giúp người bệnh đưa hai chân ra ngoài mép giường, rồi nâng đầu và vai lên khỏi mặt giường với sự hỗ trợ của tay bên lành và tay bên liệt.
- Đồng thời Người bệnh dùng tay lành và tay liệt đẩy thân mình lên để ngồi dậy. Người tập trợ giúp người bệnh thực hiện động tác bằng cách hỗ trợ. Người bệnh nâng đầu và vai lên, giữ bàn tay liệt cố định trên mặt giường trong khi vận động.
Cách ngồi dậy từ bên liệt
- Ngồi dậy phía bên lành:
- Người bệnh nằm nghiêng bên lành cạnh mép giường. Chân lành luồn dưới gót chân liệt đưa chân liệt ra ngoài mép giường. Thả cả hai chân xuống dưới cạnh giường. Chống khuỷu tay lành lên mặt giường, duỗi tay lành để đẩy thân mình ngồi lên. Khi đó người nhà đỡ vai dưới để hỗ trợ người bệnh ngồi dậy.
Cách ngồi dậy từ bên lành
4. Chăm sóc chế độ dinh dưỡng và an toàn nuốt cho bệnh nhân
Bệnh nhân đột quỵ trong giai đoạn cấp không được ăn đầy đủ bằng đường miệng, nên được đặt sonde dạ dày trong vòng 24 giờ đầu sau nhập viện. Nếu bệnh nhân khó chịu với ống sonde mũi – dạ dày, cân nhắc sử dụng sonde mũi có móc hoặc phẫu thuật mở dạ dày.
Cung cấp chế độ ăn rối loạn nuốt:
- Chế biến thành dạng dễ nuốt, phòng tránh bị sặc;
- Thức ăn thích hợp cho việc luyện tập nuốt;
- Ngăn ngừa viêm phổi sặc bằng cách thay đổi kết cấu đồ ăn và chất lỏng để phù hợp với tình trạng rối loạn nuốt:
- Làm quánh đồ có nước (Đồ uống, canh, món ninh);
- Cho thêm nước sốt dính để thức ăn quyện lại với nhau;
- Ninh đến khi mềm ra;
- Tránh thức ăn nhiều xơ;
- Cắt nhỏ thức ăn
- Dùng máy xay xay nhuyễn;
- Nấu thức ăn thành dạng thạch hoặc dạng lỏng
Khi bệnh nhân không có vấn đề về nuốt, có thể cho bệnh nhân ăn thức ăn như bình thường nhưng cần giám sát chặt chẽ
5. Can thiệp điều dưỡng và chăm sóc các rối loạn vận động
Hướng dẫn bệnh nhân tập vận động hoặc chủ động bên liệt (chú ý các khớp vai, cổ tay, cổ chân bên liệt) và chủ động tự do bên lành.
Hướng dẫn, khuyến khích các hoạt động tự chăm sóc như ăn uống, vệ sinh cá nhân, mặc quần áo (sau khi đã được lượng giá và cho phép). Chỉ hỗ trợ khi cần thiết các hoạt động mà bệnh nhân có thể tự làm. Giúp bệnh nhân đặt ra các mục tiêu thực tế, thêm một nhiệm vụ mới hàng ngày.
Bệnh nhân cần được khuyến khích tự tập các vận động ở tư thế ngồi/đứng hoặc dưới sự hỗ trợ của người nhà khi đã được lượng giá cho ngồi/đứng.
Hỗ trợ và khuyến khích cảm xúc giúp bệnh nhân tránh mệt mỏi và chán nản. Động viên bệnh nhân thực hiện các bài tập được thiết kế của nhóm phục hồi.
6. Can thiệp điều dưỡng vào rối loạn giác quan
Khi bệnh nhân còn hôn mê, khuyến khích người nhà sờ vào bên liệt của bệnh nhân khi vệ sinh thân thể để tăng cường kích thích cảm giác.
Bệnh nhân có suy giảm thị lực, điều dưỡng viên nên tiếp cận bệnh nhân ở bên thị giác giảm ít hơn hoặc còn nguyên vẹn. Đặt tất cả kích thích thị giác ở bên đó. Dạy cho bệnh nhân quay đầu và chú ý về phía thị giác bị tổn thương. Chú ý giao tiếp bằng mắt với bệnh nhân và thu hút sự chú ý của bệnh nhân về phía thị lực giảm.
Khi bệnh nhân xuất hiện dị cảm hay đau, cần theo dõi vị trí, kiểu đau, thời gian đau để kịp thời thảo luận với nhóm phục hồi nhằm đưa ra hướng xử trí phù hợp.
7. Can thiệp điều dưỡng vào rối loạn nhận thức, hành vi và trầm cảm
Động viên, giúp bệnh nhân giảm lo âu, mặc cảm sau đột quỵ
Động viên, khuyến khích và khen ngợi bệnh nhân khi họ có cải thiện, hay khi họ thực hiện tốt chương trình tập luyện nhằm củng cố niềm tin và hi vọng cho bệnh nhân.
Phát hiện các biểu hiện bất thường về hành vi và nhận thức. Thảo luận với nhóm phục hồi để can thiệp.
8. Can thiệp điều dưỡng vào mất ngôn ngữ
Tạo bầu không khí thoải mái khi giao tiếp và chăm sóc bệnh nhân. Cần nói chậm, to rõ, dễ nghe cho bệnh nhân.
Khuyến khích tương tác, duy trì sự chú ý của bệnh nhân khi giao tiếp. Nếu bệnh nhân không thể diễn đạt bằng lời nói, có thể giao tiếp qua điệu bộ, cử chỉ, tranh ảnh.
Nhất quán trong lịch trình, thói quen và lặp đi lặp lại.
Hướng dẫn người nhà tăng cường giao tiếp với bệnh nhân.
>>> Xem thêm: Điều trị đột qụy não bằng phương pháp tiêu sợi huyết (rt-PA)
9. Theo dõi và chăm sóc các thương tật thứ phát
- Loét da: gây ra do mất cảm giác, tuần hoàn kém, giảm ý thức, không thể tự di chuyển và tiêu/tiểu không tự chủ. Điều dưỡng theo dõi da của bệnh nhân mỗi khi xoay trở hoặc ngồi, chú ý bên liệt. Hướng dẫn bệnh nhân cẩn thận khi xoay trở tránh trầy xước. Sử dụng đệm chống loét, thay đổi tư thế. Vỗ, xoay bóp vùng tỳ đè. Giữ da khô ráo, vệ sinh hàng ngày
Đệm chống loét
- Nhiễm trùng phổi: theo dõi khi ho, có đàm, sốt, khó thở. Hướng dẫn vỗ rung và thực hiện phương pháp phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân. Dùng thuốc theo y lệnh.
- Rối loạn đi tiểu: theo dõi tần suất và thời điểm tiểu khi bệnh nhân có rối loạn tiểu tiện. Chương trình quản lý thói quen của bàng quang bằng cách hướng dẫn bệnh nhân đi tiểu mỗi 2 giờ khi thức, mỗi 4 giờ vào ban đêm, hạn chế uống nước trước khi ngủ. Theo dõi nhiễm trùng. Rửa bàng quang khi nước tiểu quá đục hoặc nhiều cặn mủ.
- Rối loạn đi tiêu hay táo bón: cần hướng dẫn chế độ ăn hoặc dùng thuốc nhuận tràng khi có chỉ định.