MỚI

Cường giáp – nguyên nhân và triệu chứng trong y học

Ngày xuất bản: 09/06/2023

Cường giáp là tình trạng bệnh lý do quá tải hormone giáp trong cơ thể gây ra hội chứng nhiễm độc giáp. Thuật ngữ nhiễm độc giáp không đồng nghĩa với cường giáp, là hậu quả của tình trạng tăng hoạt động của tuyến giáp tăng sản xuất hormone tuyến giáp T3 và T4. Nguyên nhân thường gặp của nhiễm độc tuyến giáp là cường giáp do bệnh Graves, u độc giáp (adenoma độc tính), bướu giáp đa nhân hóa độc.

Cường giáp - nguyên nhân và triệu chứng trong y học
Cường giáp – nguyên nhân và triệu chứng trong y học

1. Các nguyên nhân cường giáp

Cường giáp nguyên phát:

  • Bệnh Basedow: 60% – 80% nguyên nhân cường giáp.
  • Bướu giáp đa nhân hóa độc.
  • U độc giáp.
  • Các ung thư giáp di căn.
  • Đột biến tăng hoạt thụ thể TSH.
  • Hội chứng Mc Cune – Albright.
  • U dạng bì hay u quái buồng trứng.
  • Quá tải iode (hiện tượng Job – Basedow): do sử dụng muối Iode hay thuốc cản quang

Cường giáp thứ phát:

  • Adenoma tuyến yên tăng tiết TSH.
  • Hội chứng đề kháng hormon giáp.(TSH tăng hoặc bình thường.
  • U tiết hCG (thai trứng, u nguyên bào nuôi) – TSH giảm.
  • Nhiễm độc giáp thai kỳ (TSH giảm)

Nhiễm độc giáp không do cường giáp

  • Viêm giáp.
  • Các nguyên nhân gây hủy tuyến giáp: xạ trị đầu mặt cổ, thuốc amiodarone, nhồi máu của
  • Cường giáp giả do dùng hormon giáp ngoại sinh.

Phần triệu chứng của cường giáp sẽ được trình bày chung trong phần tiếp cận chẩn đoán bệnh Basedow.

2. Chẩn đoán bệnh Basedow

2.1 Bệnh sinh

Bản chất bệnh Basedow – tại sao bệnh Basedow có cường giáp.
– Basedow là bệnh tự miễn vì hiện diện các kháng thể kháng thyroglobulin (Tg – Ab), kháng thyroperoxidase (TPO – Ab, anti – microsomal), kháng thụ thể TSH (TR – Ab).
– Cường giáp gây ra do TSI là kháng thể kích thích TSH receptor trên màng tế bào nang tuyến giáp, kháng thể này được tổng hợp ngay tại nang tuyến, tủy xương và mô hạch bạch huyết. Không có mối liên hệ giữa nồng độ TSI với lượng hormone giáp (do cùng tồn tại tình trạng viêm giáp). Do đó suy giáp tự miễn thứ phát cũng có thể gặp ở khoảng 15% người bệnh Basedow.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng sản xuất kháng thể tự miễn gây ra bệnh Basedow:
– Có sự kết hợp giữa yếu tố môi trường và di truyền. Bệnh thường xảy ra trong gia đình của người bệnh thiếu máu Biermer, đái tháo đường type 1, bệnh Addison, bệnh nhược cơ, viêm khớp dạng thấp, giảm tiểu cầu vô căn, hội chứng Sjogren.
– Những người có kiểu hình HLA – DR, CTLA – 4 và PTPN – 22 (đây chủ yếu là các gen điều hòa hoạt động của tế bào T) sẽ tăng khả năng mắc bệnh Basedow. Khi có stress tác động lên hệ miễn dịch thông qua những ảnh hưởng thần kinh nội tiết, bệnh Basedow sẽ dễ dàng được biểu hiện trên những người có cơ địa mang kiểu hình như trên. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ mức độ yếu gây bệnh Basedow nhưng lại là nguy cơ chính gây bệnh mắt trong bệnh Basedow. Tương tự như vậy một yếu tố môi trường khác tạo thuận lợi cho bệnh xuất hiện chính là thai kỳ, khả năng mắc bệnh tăng gấp 3 lần vào thời kỳ hậu sản.
Cơ chế tổn thương mắt trong bệnh Basedow:
– Các cytokin đóng vai trò chính trong vấn đề này. Các cơ ngoài nhãn cầu thâm nhiễm tế bào T kích hoạt và có sự phóng thích các cytokine như INF – γ, TNF, IL1 hoạt hóa các nguyên bào sợi và tăng tổng hợp glycosaminoglycan gây giữ nước và phù nề và xơ hóa cơ vận nhãn không phục hồi.
– Có ghi nhận của sự hiện diện của kháng nguyên TSH – receptor ở hốc mắt và tăng lượng mỡ làm tăng số lượng mô hậu nhãn cầu.

2.2 Triệu chứng lâm sàng

Trên lâm sàng bệnh Basedow sẽ biểu hiện với ít nhất 3 hội chứng: hội chứng cường giáp – bướu giáp – biểu hiện ở mắt.

– Hội chứng nhiễm độc giáp không thể xác định được chính xác nếu chỉ dựa vào lâm sàng, nó chỉ được chẩn đoán khi có xét nghiệm cho thấy có sự gia tăng hormone giáp trong huyết thanh. Đối với bệnh Basedow phải cho thấy sự gia tăng hormone giáp là do tăng hoạt chức năng tuyến giáp tự động không do tăng hoạt tuyến yên mà do gia tăng kháng thể kích hoạt TSH receptor (xét nghiệm TSH giảm, TSI tăng hiệu giá và xét nghiệm đo độ tập trung phóng xạ dương tính).
– Nhiễm độc giáp gây ra tất cả các dấu hiệu tổn thương ở mô và rối loạn chuyển hóa do dư thừa hormone giáp. Hội chứng nhiễm độc giáp có thể đầy đủ triệu chứng kinh điển hoặc chỉ biểu hiện dưới những thể lâm sàng đặc biệt. Bệnh cảnh có thể khác nhau tùy theo tuổi của bệnh nhân, thời gian bị bệnh, bệnh nguyên và các bệnh lý phối hợp.
– Điển hình là một phụ nữ ở lứa tuổi 20 – 50, dễ xúc động, gầy, ra nhiều mồ hôi, run rẩy hay than là bị đánh trống ngực và có khó thở khi gắng sức.

2.2.1 Biểu hiện nhiễm độc giáp:

*  Hệ thần kinh:
– Hệ thần kinh cao cấp (tâm thần): bồn chồn, tính khí bất thường, trầm cảm, dễ cáu gắt hoặc vui vẻ, nhiệt tình quá mức, khó ngủ.
– Hệ thần kinh thực vật: rối loạn vận mạch (đỏ mặt từng lúc, toát mồ hôi).
– Hệ thần kinh vận động – cảm giác:
§ Run đầu ngón tay với tần số cao và đều, biên độ thấp.
§ Tăng phản xạ gân cơ.

* Hệ tim mạch

– Hồi hộp, khó thở

– Nhịp tim nhanh thường xuyên > 100 bpm, có thể thay đổi trong ngày,
tăng lên khi xúc động hoặc gắng sức. Đáp ứng với thuốc chẹn beta.
– Tiếng tim manh, có thể có âm thổi tâm trương ở liên sườn 2 – 3 bờ trái ức (hẹp chủ cơ năng).
– Mạch rộng, nảy mạnh và nhanh.
– Huyết áp tâm thu cao, hiệu áp rộng

– Rối loạn nhịp tim.

– Tim lớn

– Suy tim cung lượng cao.

* Hệ Tiêu hóa

Hệ thống tiêu hóa chỉ có biểu hiện qua triệu chứng cơ năng, hiếm khi có biểu hiện thực thể.
– Tăng số lần đại tiện và lượng phân.
– Có thể có tiêu chảy không kèm đau bụng 5 – 15 lần/ngày.
– Bệnh nhân táo bón thường xuyên thì bây giờ sự bài tiết phân trở lại bình thường.

Hệ sinh sản:
Ở nữ: giảm khả năng sinh sản, kinh ít.
Ở nam: giảm số lượng tinh trùng, rối loạn cương và nhũ hóa tuyến vú.

2.2.2 Bướu giáp

Trong bệnh Basedow, bướu giáp thường mới xuất hiện trong vòng 3 năm tính tới lúc bệnh nhân đến khám (khác với bướu giáp trong bệnh cảnh bướu giáp đa nhân hóa độc).
– Bướu giáp trong bệnh lý Basedow thường lớn độ I hoặc độ II, bướu giáp lan tỏa nhưng cũng có thể có một thùy to hơn các thùy khác, không đau, có tính chất của bướu mạch (có rung miu khi sờ, âm thổi tâm thu hoặc âm thổi liên tục).
– Nếu bệnh nhân đến với hội chứng nhiễm độc giáp thì tùy nguyên nhân mà có bướu giáp đi cùng với hội chứng nhiễm độc giáp, và nếu có thì tùy nguyên nhân mà bướu giáp có những tính chất khác nhau (nhờ đó mà ta có thể tiếp cận để chẩn đoán nguyên nhân của hội chứng nhiễm độc giáp).

2.2.3 Biểu hiện ở mắt:
Trong bệnh Basedow, bệnh lý thường ảnh hưởng ở cả hai mắt, đôi khi rõ rệt ở một bên. Hiếm khi có những thể chỉ ở một mắt. Biểu hiện ở mắt có thể tiến triển độc lập với hội chứng nhiễm độc giáp.

Tổn thương mắt trong bệnh Basedow được phân độ NO SPECS theo Werner

Phân độ

NO SPECS

Biểu hiện

0

Không có triệu chứng và dấu hiệu

Không có triệu chứng

1

Chỉ có dấu hiệu, không có triệu chứng

Co cơ nâng mi trên (dấu Dalrymple, liglag,…)

2

Các mô mềm bị ảnh hưởng

Phù quanh hốc mắt

3

Lồi mắt (Proptosis)

Lồi mắt > 22 mm

4

Các cơ vận nhãn bị ảnh hưởng

Nhìn đôi

5

Ảnh hưởng giác mạc

Viêm hoặc loét giác mạc.

6

Mất thị lực

Mất thị lực do chèn ép thần kinh thị

Xem thêm : Bệnh cường giáp có nguy hiểm không?

facebook
78

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia