Cập nhật hướng dẫn thực hành của Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (AGA): Các chiến lược điều trị nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori
Điều trị nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (H.pylori) có thể gặp khó khăn do tình trạng kháng kháng sinh và một số nguyên nhân khác. Thử nghiệm độ nhạy cảm với kháng sinh trước khi thay đổi phác đồ có thể được cân nhắc đồng thời với việc sàng lọc các yếu tố có thể gây thất bại trong quá trình điều trị diệt trừ H pylori.
Kháng kháng sinh là nguyên nhân phổ biến nhất khiến việc điều trị nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (H pylori) trở nên khó khăn, dai dẳng. Tuy nhiên, theo cập nhật thực hành lâm sàng của Hiệp hội tiêu hóa Hoa Kỳ (AGA), bác sĩ điều trị nên sàng lọc các yếu tố như việc không tuân thủ điều trị hoặc sử dụng thuốc ức chế axit dạ dày (PPI) chưa đủ trước khi quyết định đổi kháng sinh.
“Ức chế axit không đủ có liên quan đến thất bại trong việc diệt trừ vi khuẩn H pylori. Việc sử dụng PPI liều cao và mạnh hơn (PPI không được chuyển hóa bởi CYP2C19) hoặc thuốc ức chế axit cạnh tranh Kali (nếu có) nên được cân nhắc trong những trường hợp điều trị H pylori khó khăn”- Trích báo cáo của Bác sĩ, Thạc sĩ y tế công cộng Shailja C. Shah – Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt- Nashville, Tenn cùng Bác sĩ Prasad G. Iyer, Bác sĩ Steven F. Moss trong Khoa tiêu hóa.
Nhiễm khuẩn H pylori là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ung thư dạ dày. Các chuyên gia chú thích rằng, mặc dù diệt trừ vi khuẩn H pylori được khuyến cáo rộng rãi, nhưng việc này có thể gặp thách thức vì sự đa dạng chủng loại, tình trạng kháng thuốc kháng sinh gia tăng, thiếu hụt các thử nghiệm lâm sàng đối đầu, dữ liệu về dịch tễ học và độ nhạy còn thưa thớt. Vì những nguyên nhân này, trước khi lựa chọn một phác đồ để điều trị diệt vi khuẩn, điều quan trọng là phải xem xét một cách đầy đủ về tiền sử sử dụng kháng sinh của bệnh nhân. Ví dụ, bất kì trường hợp nào đã sử dụng kháng sinh nhóm Macrolid hay Fluroquinolone thì không nên sử dụng phác đồ dựa trên Clarithromycin hay Levofloxacine do có khả năng kháng thuốc cao. Đồng thời các chuyên gia cũng khuyến cáo các bác sĩ lâm sàng nên tránh sử dụng Levofloxacin trừ khi chủng H pylori nhạy cảm với kháng sinh này hoặc tỉ lệ dân số được biết có tỷ lệ kháng dưới 15%. Tuy nhiên, tỉ lệ kháng thuốc của Amoxicilin, Tetracyclin, Rifabutin là rất thấp và những loại thuốc này có thể được cân nhắc cho các liệu pháp tiếp theo để điều trị H pylori kháng thuốc.
Một phác đồ kháng sinh kéo dài hơn (như là 14 ngày so với 7 ngày) rất có thể làm tăng khả năng tiêu diệt H pylori. Nếu liệu pháp đầu tay 4 thuốc có Bismuth (PPI, Bismuth, Metronidazole và Tetracycline) thất bại, thì lựa chọn sau đó sẽ bao gồm phác đồ Bismuth chứa 4 thuốc khác hoặc liệu pháp 3 thuốc với Rifabutin hoặc Levofloxacin kết hợp với liệu pháp PPI liều cao gấp đôi và Amoxicilin. Nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng (nhưng không có sốc phản vệ), có thể test dị ứng peniciline để xem xét lựa chọn phác đồ dựa trên Amoxicilin. Các tác giả cũng lưu ý rằng, nếu sử dụng Amoxiciline, các bác sĩ nên dùng liều 2g/ ngày chia 3-4 lần để tránh việc dùng liều thấp có thể làm tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn H pyori. Với Metronidazole, dù có tình trạng bị kháng trong thử nghiệm thì khả năng diệt vi khuẩn vẫn có thể cao hơn nếu bệnh nhân dùng liều 1.5-2g/ ngày, chia nhiều lần và dùng cùng với Bismuth.
Việc không tuân thủ điều trị góp phần làm gia tăng khó khăn trong việc điều trị H pylori. Nguyên nhân của việc không tuân thủ điều trị có thể do liệu trình điều trị phức tạp, số lượng thuốc nhiều và tác dụng phụ của thuốc. Để cải thiện điều này, các chuyên gia cần tư vấn cẩn thận cho bệnh nhân về sự hợp lý của phác đồ điều trị, hướng dẫn sử dụng thuốc, tầm quan trọng của việc hoàn thành toàn bộ liệu trình và báo trước những phản ứng phụ thường gặp. Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị liệu trình bậc 2 mà vẫn thất bại, thì nên thử nghiệm tính nhạy cảm một cách cẩn thận trước khi bắt đầu một phác đồ khác. Tùy thuộc vào kết quả của thử nghiệm, các lựa chọn tiếp theo có thể bao gồm liệu pháp 4 thuốc dựa trên Levofloxacine, một đợt điều trị liệu pháp 4 thuốc Bismuth, PPI kết hợp với Amoxicilin và Rifabutin, hoặc PPI liều cao kết hợp với Amoxicilin liều cao (2-3g/ ngày chia 3-4 lần).
Ngoài ra, cần lưu ý cách tiếp cận bệnh nhân và người chăm sóc, đặc biệt là người cao tuổi và những bệnh nhân dễ bị tổn thương. Bác sĩ nên cùng bệnh nhân và người chăm sóc đưa ra quyết định để giúp họ cân nhắc giữa tác dụng tiềm tàng của việc cố gắng loại trừ H pylori trước những nguy cơ bất lợi có thể xảy ra và “sự bất tiện khi sử dụng nhiều thuốc kháng sinh và thuốc ức chế axit liều cao”- theo các chuyên gia. Họ cũng khuyên nên theo dõi tỷ lệ tiêu diệt vi khuẩn thành công, dữ liệu nhân khẩu học và lâm sàng liên quan, bao gồm cả tiền sử kháng kháng sinh của bệnh nhân. Các kết quả đã xác minh, tổng hợp được chia sẻ công khai có thể giúp các bác sĩ lâm sàng lựa chọn phác đồ diệt khuẩn. Cuối cùng, việc sử dụng men vi sinh và các liệu pháp bổ trợ khác “nên được coi là thử nghiệm” vì chúng không có lợi ích rõ ràng trong việc điều trị nhiễm khuẩn H pylori kháng thuốc.
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmec. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmec chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmec không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmec không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết: Vinmec sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmec được liên kết với website www.vinmec.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.