Viêm khớp dạng thấp: Các yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa bệnh
Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp như do di truyền, hút thuốc, căng thẳng và lo âu,… Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa ngay từ bây giờ để giảm thiểu nguy cơ phải đối mặt với nó. Mong rằng bài viết dưới đây có thể cung cấp những thông tin hữu ích về các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp và cách để bạn phòng ngừa căn bệnh này.
1. Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp
Nội dung bài viết
1.1. Các yếu tố bẩm sinh :
Tuổi tác :
- Nhìn chung, bệnh viêm khớp thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện trong độ tuổi từ 40 đến 60.
- Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp với những người từ 35 đến 75 tuổi hiện nay đã tăng hơn gấp ba lần, số trường hợp mắc phải bệnh này đã tăng từ 29 lên 99 ca trên 100.000 người mỗi năm (theo một nghiên cứu từ Mayo Clinic).
Di truyền :
- Nếu bạn có cha mẹ hoặc anh chị em bị viêm khớp dạng thấp, nguy cơ mắc bệnh của bạn cao gấp ba đến năm lần so với dân số chung. Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên The Lancet, từ 40% đến 60% nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp là do di truyền. Tuy nhiên, dù viêm khớp dạng thấp có yếu tố di truyền giữa các thế hệ trong một gia đình, không chắc chắn hoàn toàn bạn sẽ mắc tình trạng này.
- Một trong những yếu tố chính là HLA-DR4, một biến thể gen liên quan đến các bệnh tự miễn dịch khác, chẳng hạn như bệnh lupus, đau đa cơ do thấp khớp và viêm gan tự miễn. Nghiên cứu từ Đại học Michigan đã kết luận thêm rằng những người có một dấu hiệu di truyền cụ thể được gọi là HLA shared epitope có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao gấp năm lần so với những người không có dấu hiệu này.
Giới tính :
- Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao gấp hai đến ba lần so với nam giới. Mặc dù lời giải thích cho sự chênh lệch này vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhưng các nhà khoa học tin rằng hormone có vai trò quyết định.
- Điều này được chứng minh một phần qua nghiên cứu cho thấy phụ nữ thường mắc bệnh viêm khớp dạng thấp sau các sự thay đổi nội tiết tố thường xuyên trong những giai đoạn như chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, cho con bú, tiền mãn kinh, v.v…
1.2. Các yếu tác động từ bên ngoài :
Căng thẳng, lo âu từ thể chất cho đến tinh thần :
- Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể sẽ khởi phát với những người có sẵn những yêu tố nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là khi tình trạng căng thẳng kéo dài cũng sẽ khiến các gen bệnh được kích hoạt.
- Căng thẳng về thể chất : Hoạt động thể chất quá sức là một trong những nguyên nhân gây ra điều này. Các nhà khoa học tin rằng việc giải phóng đột ngột và quá mức các hormone gây căng thẳng, chẳng hạn như cortisol và adrenaline, có thể gây ra những thay đổi gián tiếp tăng cường phản ứng tự miễn dịch. Mặc dù điều này không làm giảm tầm quan trọng của việc tập thể dục trong điều trị bệnh thấp khớp, nhưng lưu ý rằng hoạt động thể chất cần phải phù hợp, đặc biệt là khi có liên quan đến khớp.
- Lo âu về tinh thần : Phản ứng của cơ thể đối với căng thẳng về thể chất có thể được phản ánh bằng phản ứng của cơ thể đối với căng thẳng về cảm xúc. Nnhững người mắc bệnh này thường báo cáo rằng các đợt bùng phát xảy ra ngay sau những khoảnh khắc cực kỳ lo lắng, chán nản hoặc mệt mỏi.
Ốm đau hoặc nhiễm trùng :
- Cơ thể bị ốm có thể kích hoạt các phản ứng miễn dịch, gửi thông điệp tấn công các mô khỏe mạnh trong khớp. Tuy nhiên, tình trạng này không thường xuyên xảy ra. Thông thường, nguyên nhân khởi phát viêm khớp dạng thấp thường do virus như Virus Epstein-Barr (EBV), Parvovirus B19, và HIV.
Hút thuốc :
- Hút thuốc có mối quan hệ với viêm khớp dạng thấp. Thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mà còn có thể đẩy nhanh quá trình tiến triển của các triệu chứng của bạn, đôi khi sẽ khiến nó trở nên nghiêm trọng hơn.
- Một đánh giá toàn diện về các nghiên cứu lâm sàng do các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Y khoa Đại học Kobe thực hiện, họ đã kết luận rằng người nghiện thuốc lá nặng (được định nghĩa là những đối tượng hút một gói thuốc lá mỗi ngày trong hơn 20 năm) làm tăng gần gấp đôi nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Nếu bạn đang dùng các phương thuốc để điều trị bệnh của mình, việc hút thuốc lá có thể cản trở hoạt động của chúng và khiến cho việc chữa trị kém hiệu quả hơn. Điều này bao gồm các loại thuốc cơ bản như methotrexate và các thuốc ức chế TNF mới hơn như Enbrel (etanercept) và Humira (adalimumab).
Béo phì :
- Việc quá thừa cân có thể gây ra chứng viêm toàn thân vì các tế bào mỡ giải phóng các protein gây viêm gọi là cytokine, đóng vai trò cơ bản trong việc phá hủy mô khớp. Bạn càng có nhiều tế bào mỡ, cơ thể bạn càng sản xuất nhiều cytokine. Thừa cân hoặc béo phì cũng khiến bạn ít có khả năng đáp ứng đầy đủ với thuốc điều trị viêm khớp và giảm khả năng thuyên giảm bệnh. Theo nghiên cứu từ Đại học Y khoa Weill Cornell, những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 – định nghĩa lâm sàng về bệnh béo phì thì sẽ ít có khả năng thuyên giảm bệnh hơn 47% so với những người có chỉ số BMI dưới 25.
2. Các phương pháp phòng ngừa viêm khớp dạng thấp
Tập luyện thường xuyên
Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức khỏe và độ bền của khớp, giảm nguy cơ mắc bệnh RD.
Ăn uống lành mạnh
Ăn uống đầy đủ rau củ quả, hạn chế đồ uống có ga, thực phẩm xử lý sẵn, đồ ăn đóng hộp và thức ăn giàu đường, tuyệt đối không nên hút thuốc lá hay uống rượu bia.
Điều chỉnh phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Tránh quá tải sức khỏe trên khớp, hạn chế ngồi ít vận động hay đứng lâu, ngủ đủ giấc và tìm cách giảm stress.
Kiểm tra định kỳ sức khỏe
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để xác định các vấn đề và bệnh liên quan đến khớp, tìm cách xử lý kịp thời và hạn chế tác động tiêu cực đến khớp.
Nguồn : Arthritis