Góc nhìn tổng quan về Trám bít ống tuỷ
Trám bít ống tủy là bước cuối cùng của bộ ba nội nha bao gồm sửa soạn, khử trùng và trám bít. Mục tiêu điều trị đạt được nhờ tác dụng của việc trám bít, điều này còn phụ thuộc vào một vài đặc tính của vật liệu trám bít. Bài viết này đưa ra một góc nhìn bao quát và tổng quan nhất về quá trình trám bít ống tủy, đồng thời giới thiệu chung về tiêu chuẩn vật liệu liên quan đến mục đích, chức năng lâm sàng và tính chất chung. Cùng tìm hiểu thêm.
Trám bít ống tuỷ răng
1. Tổng quan về quá trình trám bít ống tủy trong điều trị Nội nha
Trám bít ống tủy là bước cuối cùng của bộ ba nội nha bao gồm sửa soạn, khử trùng và trám bít. Mục tiêu điều trị (ngăn ngừa hoặc loại bỏ viêm quanh chóp) đạt được nhờ tác dụng của việc trám bít (gồm dán kín, tiêu diệt vi khuẩn và lấp kín khoảng trống), điều này còn phụ thuộc vào một vài đặc tính của vật liệu trám bít.
Qua thời gian, sự phát triển của các loại vật liệu đã đóng góp rất lớn vào tiên lượng của điều trị nội nha và kết quả lành thương quanh chóp tốt sau điều trị. Những loại sealer dùng trong nội nha hiện nay đa số thích hợp cho việc trám bít theo chiều dọc như: ZnO-eugenol, resin tổng hợp, silicone, Ca(OH)2-salicylate và vật liệu nền sứ dường như cho kết quả lâm sàng rất tốt. Tuy nhiên chúng còn phụ thuộc vào nhiều tính chất khác để phục vụ cho mục đích trám bít. Đối với việc trám ngược hay sửa chữa lỗ thủng, vật liệu đòi hỏi phải thúc đẩy sự phục hồi mô.
Mineral trioxide aggregate (MTA) là một hợp chất đạt tiêu chuẩn trong trường hợp này, trong khi gần đây những sản phẩm calcium-phosphate cũng đầy hứa hẹn nhưng chưa có nhiều tài liệu lâm sàng rộng rãi.
2. Giới thiệu sơ lược về quá trình trám bít
Trám bít ống tủy là bước rất quan trọng đối với quá trình điều trị nội nha lâm sàng. Nó bao gồm tất cả các quy trình và vật liệu để lấp kín khoảng trống tạo ra sau việc sửa soạn và làm sạch. Thông thường, việc điều trị nội nha kết thúc đến buồng tủy, nhưng quan niệm về sự rò rỉ thân răng (coronal leakage) đã mở rộng thủ thuật nội nha bao gồm cả phần thân răng của phục hồi sau cùng.
Bất kì nỗ lực nào liên quan giữa thực hành lâm sàng với tiên lượng điều trị đều phải sử dụng chức năng để làm tiêu chuẩn đánh giá. Sundqvist và Figdor đã đề xuất một mô tả đơn giản và hữu ích trên lâm sàng về chức năng sau cùng của một răng đã được điều trị: nó nên (1) ngăn ngừa sự rò rỉ thân răng, (2) chôn vùi vi khuẩn còn sót trong những ống tủy đã sửa soạn, (3) ngăn dịch tích lũy để làm nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn xâm nhập hoặc vi khuẩn còn sót trong ống tủy.
Nhờ vậy, cả 3 chức năng trên đều cố gắng hạn chế hoặc loại bỏ sự phát triển của vi khuẩn ở trong và xung quanh ống tủy, do đó chúng là một phần mở rộng của mục đích điều trị nội nha nói chung: ngăn chặn hoặc điều trị nhiễm trùng trong ống tủy và viêm quanh chóp. Trong trường hợp một lượng lớn mô liên kết và mô xương bị lộ thì có thể cần thêm chức năng thứ tư là thúc đẩy sự tái tạo của mô.
Để việc trám bít đạt được những chức năng này, vật liệu cần có những đặc tính quan trọng thiết yếu. Dưới đây tổng hợp các mục đích, chức năng, tính chất và một số phương pháp kiểm nghiệm của các loại vật liệu:
- Mục đích:
- Ngăn ngừa hoặc điều trị viêm quanh chóp: Theo dõi lâm sàng và so sánh
- Thúc đẩy sự tái tạo mô: Nghiên cứu lâm sàng và thí nghiệm trên động vật
- Chức năng lâm sàng:
- Bịt kín thân răng: Nghiên cứu lâm sàng và thí nghiệm trên động vật
- Chôn vùi và tiêu diệt vi khuẩn: Nghiên cứu lâm sàng và thí nghiệm trên động vật
- Ngăn ngừa dịch ứ đọng: Nghiên cứu lâm sàng và thí nghiệm trên động vật
- Thúc đẩy sự biệt hóa tế bào: Nghiên cứu lâm sàng và thí nghiệm trên động vật
- Tính chất:
- Có khả năng kháng rò rỉ/bịt kín: Kiểm tra chức năng: lọc dịch
- Bám dính vào ngà răng: Kiểm tra chức năng bằng máy tiêu chuẩn
- Khả năng kháng khuẩn: Nhiều phương pháp invitro khác nhau
- Vô trùng: Nhiều phương pháp invitro khác nhau
- Không có độc tính, không gây dị ứng, không gây ung thư: Tiêu chuẩn: ANSI/ADA, ISO; CEN
- Ổn định về kích thước và tính chất hóa học: Tiêu chuẩn: ANSI/ADA, ISO; CEN
- Đặc tính thao tác: thời gian chuẩn bị và thời gian làm việc, độ chảy nhớt, bề dày: Tiêu chuẩn: ANSI/ADA, ISO; CEN
- Cản quang: Tiêu chuẩn: ANSI/ADA, ISO; CEN
- Không nhiễm màu: Báo cáo ca lâm sàng và kinh nghiệm
- Có thể lấy đi dễ dàng: Thử nghiệm in vivo trên răng đã nhổ
Việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm thường hướng tới một hay một vài đặc tính của vật liệu, nhưng có nhiều đặc tính có khả năng mâu thuẫn với nhau. Do vậy không thể chỉ dựa vào một đặc tính nào đó để đảm bảo thành công trên lâm sàng.
Nhiều tính chất của vật liệu chịu ảnh hưởng bởi cách thức trám bít cũng như đặc tính hóa học của vật liệu, và vật liệu nội nha thường trải qua nhiều giai đoạn với độ chảy nhớt khác nhau, từ vật liệu cứng chắc qua vật liệu làm mềm bằng nhiệt cho tới vật liệu lỏng hoặc sealer.
Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017