MỚI

Đánh giá kết quả điều trị nội nha không phẫu thuật – Tổng quan

Ngày xuất bản: 03/05/2023

Một trong mặt quan trọng của điều trị nội nha không phẫu thuật là theo dõi bệnh nhân và đánh giá xem điều trị đã thực hiện ảnh hưởng đến kết quả như thế nào, chẳng hạn như giúp giải quyết triệu chứng cho bệnh nhân, phục hồi cấu trúc, chức năng bình thường của mô quanh chóp và cuối cùng là giữ lại răng, và vì thế, thoả mãn tiêu chuẩn đánh giá điều trị nội nha không phẫu thuật là những yếu tố mang tính quyết định để khẳng định một kết quả điều trị thành công. Cùng tìm hiểu quá trình đánh giá kết quả điều trị nội nha không phẫu thuật một cách tổng quan ở bài viết này.

Đánh giá kết quả điều trị nội nha không phẫu thuật - Tổng quanĐánh giá kết quả điều trị nội nha không phẫu thuật – Tổng quan

1. Tổng quan về đánh giá kết quả điều trị nội nha không phẫu thuật

Tiêu chuẩn đánh giá điều trị nội nha không phẫu thuật là những yếu tố mang tính quyết định để khẳng định một kết quả điều trị thành công. Strindberg (1956) đã xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn khá nghiêm ngặt đánh giá trên lâm sàng và trên phim X quang của một răng đã được điều trị nội nha trong những lần kiểm tra theo dõi sau điều trị. Sự mất đi các triệu chứng lâm sàng, sự hiện diện hay mất đi của tổn thương thấu quang quanh chóp trở thành thước đo kết quả chính của điều trị nội nha.
Những nghiên cứu về sau đã xem xét đến những yếu tố khác ảnh hưởng đến kết quả điều trị như tình trạng vi khuẩn trước khi trám bít, tình trạng mô bệnh học, hiệu quả của những kĩ thuật và vật liệu khác nhau. “Chỉ số quanh chóp” (periapical index – PAI) giới thiệu khái niệm về một “thể liên tục” (continuum) tồn tại giữa sự thất bại và sự thành công tại nơi sang thương được cho là đang lành thương. Nghiên cứu Toronto giới thiệu tiêu chuẩn kết quả mới về “chức năng” cho những răng đã điều trị không còn triệu chứng bất kể điểm PAI bao nhiêu. Hiệp hội nội nha Mỹ (AAE) thì đưa ra các đánh giá cho những răng điều trị nội nha là đã lành thương (1), không lành thương (2), đang lành thương (3) hoặc thực hiện tốt chức năng (4). Gần đây, những tiến bộ công nghệ trong chẩn đoán hình ảnh và ứng dụng cone-beam CT (CBCT) độ phân giải cao đã góp phần làm tăng độ chính xác trong chẩn đoán sự thay đổi trên phim ở vùng mô quanh chóp. Tuy nhiên, việc ứng dụng những công nghệ này còn bị hạn chế trong các nghiên cứu. Nghiên cứu vi sinh chỉ ra tầm quan trọng của việc làm sạch hệ thống ống tủy ảnh hưởng tới kết quả nội nha. Do đó, sự mất đi của các triệu chứng lâm sàng, sự tồn tại hay biến mất của tổn thương quanh chóp trên phim vẫn còn là thước đo kết quả chủ yếu của điều trị nội nha.

2. Giới thiệu chung

Cho dù đã hoàn thành việc điều trị nội nha và thực hiện phục hồi sau cùng thì nghĩa vụ của thầy thuốc với bệnh nhân vẫn chưa dừng lại. Một trong mặt quan trọng của điều trị nội nha là theo dõi bệnh nhân và đánh giá xem điều trị đã thực hiện ảnh hưởng đến kết quả như thế nào, chẳng hạn như giúp giải quyết triệu chứng cho bệnh nhân, phục hồi cấu trúc, chức năng bình thường của mô quanh chóp và cuối cùng là giữ lại răng. Việc đánh giá kết quả của răng đã điều trị nội nha vẫn đang được nghiên cứu rộng rãi. Thuật ngữ được sử dụng để đánh giá kết quả thì đa dạng và có thể gây nhầm lẫn đối với nha sĩ khi thực hành. Mục đích của chương này là làm rõ một vài thuật ngữ chủ yếu và trình bày cách đánh giá kết quả phù hợp mà một nha sĩ trong chăm sóc ban đầu cần thiết phải ghi nhớ. Kiến thức thu được từ các kết quả nghiên cứu nên được ứng dụng vào việc đánh giá trước khi bắt đầu điều trị nội nha. Những kiến thức này phải là một phần của thảo luận trước điều trị, lên kế hoạch điều trị và sự đồng ý của bệnh nhân.
Phương pháp sử dụng để đánh giá kết quả điều trị nội nha bao gồm quan sát sự giải quyết triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng, đánh giá phim X quang tình trạng mô quanh chóp và những phát hiện mô học từ các mẫu sinh thiết. Triệu chứng bao gồm đau tự phát hoặc/và đau khi gõ, sờ hoặc cắn, xuất hiện sau điều trị. Dấu hiệu bao gồm sưng hoặc lỗ dò sau điều trị.
Tỷ lệ đau cao trước điều trị giảm xuống mức trung bình trong vòng 1 ngày và sau đó giảm tới mức thấp nhất vào 7 ngày sau khi điều trị nội nha. Tần suất của đau dai dẳng trong 6 tháng hoặc hơn sau điều trị nội nha răng vĩnh viễn là khoảng 5% và có thể bao gồm cả đau từ những răng kế cận, đau chuyển vị từ các cấu trúc không thuộc răng hoặc đau loạn cảm (deafferentation pain).
Đau còn tồn tại cũng có thể là một dấu hiệu của nhiễm trùng dai dẳng. Phân tích mô bệnh học thường không thể thực hiện trong điều trị nội nha phẫu thuật thông thường. Do đó, đánh giá tình trạng mô quanh chóp trên phim X quang vẫn là phương tiện cơ bản để khẳng định kết quả điều trị nội nha.
Một nghiên cứu mang tính bước ngoặt về đánh giá kết quả điều trị nội nha được công bố vào năm 1956, đó là nghiên cứu cổ điển của Strindberg đã đặt nền móng cho việc tiến hành các nghiên cứu kết quả điều trị nội nha sau này. Nghiên cứu này là nghiên cứu thuần tập tiến cứu lâm sàng trên 344 bệnh nhân, trong đó bao gồm 539 răng và 779 chân răng, đều được điều trị bởi cùng một bác sĩ. Tất cả các dữ liệu y khoa, nha khoa và dữ liệu điều trị đáng lưu ý đã được tổng hợp, ghi chép và phân tích. Thời gian theo dõi là 6 năm, mỗi 6 tháng trong vòng 2 năm đầu và sau đó là mỗi năm 1 lần. Tỉ lệ giữ được răng ở những bệnh nhân đã điều trị (75%) tương đối cao. Những điểm nhấn của nghiên cứu này là nó đã:
  1. Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá kết quả điều trị nội nha, thường được gọi là tiêu chuẩn Strindberg.
  2. Cho thấy tỷ lệ thành công cao của điều trị nội nha theo lối cổ điển.
  3. Liên hệ giữa kết quả điều trị nội nha với chẩn đoán tình trạng mô quanh chóp trước điều trị.
  4. Xác định khoảng thời gian và tần suất theo dõi: mỗi 6 tháng trong 2 năm đầu và sau đó là mỗi năm 1 lần cho đến ít nhất là 4 năm sau điều trị.
Các nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị sau đó đều sử dụng tiêu chuẩn Strindberg hoặc các biến đổi của nó. Sự mở rộng phạm vi của các tiêu chuẩn đang được nghiên cứu, chẳng hạn như tình trạng vi khuẩn trước khi trám bít, hiệu quả của băng thuốc nội tủy, chất trám bít, kỹ thuật điều trị và chất lượng của phục hồi sau cùng.
Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017

Đọc thêm: Tiêu chuẩn Strindberg – Thành công sau điều trị nội nha.

facebook
6

Bài viết liên quan

Thuốc liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia