Thuốc tiêu sợi huyết và các chỉ định thực hành
Thuốc tiêu sợi huyết thường được sử dụng để điều trị bệnh tim mạch và ngăn ngừa đột quỵ. Bên cạnh các loại thuốc chống đông như: Aspirin, clopidogel…
1.Sự hình thành và ly giải huyết khối
Huyết khối là một phần quan trọng của phản ứng đông cầm máu bình thường nhằm hạn chế xuất huyết do tổn thương mạch máu. Trong điều kiện bình thường, huyết khối bị giới hạn ở vùng tổn thương ngay lập tức và không gây cản trở dòng máu đến các khu vực quan trọng, ngoại trừ lòng mạch xơ vữa. Trong điều kiện bệnh lý, huyết khối có thể lan rộng, có thể cản trở dòng chảy trong lòng mạch và ảnh hưởng đến huyết động. Các hội chứng lâm sàng cấp tính có thể là hậu quả của huyết khối:
- Nhồi máu cơ tim cấp. Huyết khối tĩnh mạch sâu. Thuyên tắc động mạch phổi.
- Đột quỵ thiếu máu não cấp. Tắc động mạch ngoại biên cấp.
Huyết khối bệnh lý có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể. Các yếu tố thuận lợi hình thành huyết khối bao gồm: xơ vữa động mạch, lưu lượng máu thay đổi, rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, tăng lipid máu), tình trạng tăng đông, hút thuốc lá, chấn thương và bỏng.
2.Cơ chế hình thành huyết khối:
- Cầm máu và huyết khối đều phụ thuộc vào quá trình đông máu, tính toàn vẹn của thành mạch máu và phản ứng tiểu cầu. Một số yếu tố tế bào cũng liên quan đến hình thành huyết khối. Khi có tác nhân gây tổn thương thành mạch, phản ứng tế bào cục bộ ngay lập tức diễn ra. Tiểu cầu di chuyển đến khu vực tổn thương và tiết ra các yếu tố tế bào và các chất trung gian hóa học. Các chất trung gian này thúc đẩy sự hình thành cục máu đông. Ba thành phần chính của cục máu đông gồm tiểu cầu, thrombin và fibrin. Mỗi thành phần này là một mục tiêu điều trị quan trọng. Trong quá trình hình thành huyết khối, prothrombin được hoạt hóa thành yếu tố đông máu hoạt động thrombin bằng tiểu cầu được kích hoạt. Fibrinogen được hoạt hóa thành fibrin bởi thrombin. Fibrin sau đó được hình thành vào phức hợp fibrin. Tất cả quá trình diễn ra trong khi tiểu cầu đang kết tập.
- Quá trình ly giải huyết khối: Sự ly giải huyết khối thông qua việc phá vỡ các liên kết fibrin bởi plasmin. Plasmin được hình thành trong hệ tuần hoàn sẽ làm thoái triển fibrin trong máu và tại cục máu đông thành những chất hoà tan được. Tiền chất của plasmin là plasminogen lưu hành trong máu và là một enzyme không hoạt động. Để chuyển plasminogen thành plasmin cần có sự tham gia của các chất hoạt hóa plasminogen. Tuy nhiên, các chất này lại bị ức chế bởi chất ức chế hoạt hóa plasminogen (plasminogen activating inhibitor – PAI). Trong máu còn có Alpha2- antiplasmin, chất ức chế plasmin mới hình thành. Để quá trình ly giải huyết khối diễn ra, sự hoạt hóa plasminogen phải mạnh hơn quá trình ức chế bởi PAI và alpha2- antiplasmin. Plasminogen tập hợp trong phức hợp fibrin. Plasminogen gắn với fibrin sẽ được chuyển hóa bằng thuốc tiêu sợi huyết thành plasmin trong quá trình tan huyết khối. Cần lưu ý rằng quá trình tan huyết khối hoạt động tốt nhất trên huyết khối được hình thành gần đây. Huyết khối cũ với phức hợp fibrin lớn làm cho chúng có khả năng kháng thuốc tiêu sợi huyết cao hơn; do đó, thời gian là yếu tố quan trọng đối với liệu pháp tiêu sợi huyết.
Xem thêm: Điều trị đột qụy não bằng phương pháp tiêu sợi huyết (rt-PA)
Cơ chế hoạt động của thuốc
3.Các thuốc tiêu sợi huyết
3.1. Alteplase (chất hoạt hóa plasminogen tổ chức – tPA)
Alteplase (biệt dược: Activase, Actilyse) là một enzym có nguồn gốc tự nhiên có khả năng gắn fibrin với ái lực cao hơn streptokinase và urokinase. Sau khi gắn với fibrin, alteplase lập tức chuyển plasminogen thành plasmin ngay trên bề mặt fibrin.
Về lý thuyết, alteplase chỉ có hiệu quả ở bề mặt của fibrin. Tuy nhiên, trên thực tế, nhìn thấy một tình trạng tiêu sợi huyết toàn thân, với các sản phẩm giáng hóa fibrin tuần hoàn và nguy cơ chảy máu toàn thân đáng kể. Alteplase không phải là kháng nguyên nên biểu hiện dị ứng thấp hơn các thuốc tiêu sợi huyết khác. Thuốc có thời gian bán thải rất ngắn nên bắt buộc phải điều trị phối hợp với heparin để tránh tái phát huyết khối.
Alteplase dùng đường tĩnh mạch. Thuốc đào thải nhanh ra khỏi máu chủ yếu qua gan với độ thanh thải khoảng 572 ± 132 mL/ph. Sau 5 phút tiêm truyền tĩnh mạch, trên > 50% nồng độ thuốc được đào thải ra khỏi huyết tương và sau 10 phút thì 80 % bị đào thải.
3.2. Streptokinase
Streptokinase được sản xuất bởi streptococci tan huyết beta. Streptokinase không phải là chất hoạt hóa plasminogen, nhưng liên kết với plasminogen lưu hành tự do (hoặc với plasmin) để tạo thành phức hợp có thể chuyển đổi plasminogen thành plasmin. Hoạt động của streptokinase không được tăng cường khi có fibrin. Ngoài ra streptokinase còn làm tăng nồng độ protein C hoạt hóa trong máu tuần hoàn, do đó thúc đẩy quá trình ly giải cục huyết khối.
Các nghiên cứu sử dụng streptokinase phóng xạ đã ghi nhận hai thời gian bán huỷ khác nhau: thời gian bán hủy nhanh (khoảng 18 phút) và thời gian bán hủy chậm hơn (khoảng 83 phút).
Vì streptokinase được sản xuất từ vi khuẩn streptococci nên có thể gây ra sốt và các phản ứng dị ứng khác. Thuốc đồng thời có thể gây hạ huyết áp dường như liên quan đến liều dùng. Streptokinase thường không được sử dụng một cách an toàn lần thứ hai trong vòng 6 tháng bởi vì có tính kháng nguyên cao và xuất hiện lượng lớn kháng thể kháng streptococci.
Do nguy cơ dị ứng và gặp phải các tác dụng không mong muốn, streptokinase được sử dụng hạn chế trên lâm sàng. Tuy nhiên, ở các quốc gia đang phát triển, streptokinase vẫn tiếp tục được sử dụng vì có giá thành thấp hơn các thuốc tiêu sợi huyết khác.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đội ngũ Dược sĩ dược lâm sàng và đưa hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại đạt chuẩn vào công tác thăm khám, chẩn đoán và điều trị hỗ trợ cấp cứu các bệnh lý tim mạch.