MỚI

Những hình ảnh qua nội soi thực quản

Ngày xuất bản: 21/04/2023
icon-toc-mobile

Những triệu chứng như đau ngực, nuốt đau, nuốt khó, ợ chua do rất nhiều nguyên nhân gây ra, những triệu chứng này không đặc hiệu cho một bệnh lý nào ở thực quản do đó nội soi thực quản là một phương pháp quan trọng giúp chẩn đoán và điều trị những bệnh lý ở thực quản.

1. Giải phẫu thực quản bình thường

Thực quản là một phần của ống tiêu hóa nối từ miệng đến dạ dày, chiều dài khoảng 25 cm từ cổ ngay phía dưới chổ cơ nhẫn hầu (tương ứng với đốt sống cổ 6) cho đến tâm vị trong ổ bụng (tương ứng với đốt sống ngực 11). Bình thường lòng thực quản xẹp, khi nuốt lòng thực quản giãn ra khoảng 3cm. Thực quản đi theo hướng hơi lệch sang trái và nằm sau tim đi vào trong ổ bụng qua lổ hoành, lổ này xuyên qua trục hoành phải. ngang với đốt sống ngực 4, thực quản bị cung động mạch chủ đè vào, do đó khi soi thực quản sẽ thấy nhịp đập của động mạch chủ, vị trí này cách cung răng trên khoảng 23 cm, ngay phía dưới chổ lõm của cung động mạch chủ là chổ lõm của khí quản trái đè vào thực quản ở phía trước trái, tiếp theo thực quản nằm sát ngay sau thất trái. Bình thường đoạn thực quản trong ổ bụng dài 2 cm. Khi soi thực quản thấy chổ nối giữa thực quản và dạ dày các cung răng trên khoảng 38 – 40 cm.

Vấn đề viêm thực quản, u thực quản được đề cập trong một bài viết khác

2. Rối loạn vận động thực quản

2.1. Co thắt tâm vị (achalasia)

  • Co thắt tâm vị là một biểu hiện bệnh lý do giảm nhu động thực quản và tăng co bóp cơ thắt thực quản dưới. Do đó khó nuốt, thực quản giãn ra không hết làm cho thức ăn ứ đọng trong thực quản.
  • Khi soi thấy thực quản giãn rộng, ứ đọng thức ăn, có thể thấy sung huyết, trợt, loét, lúc mới đưa máy soi vào thực quản có thể khó, nhưng nếu nhẹ nhàng đẩy vào thì dễ dàng xuống dạ dày. Nếu máy soi đưa qua thực quản khó hoặc không thể qua được thì có thể hẹp thực quản do tổn thương lành hay ác tính. Quan sát vùng tâm vị bằng phương pháp soi ngược để loại trừ tổn thương ung thư ở vùng này gây nuốt khó. Biến chứng của co thắt tâm vị kéo dài là ung thư thực quản.
  • Điều trị bằng nong thực qua nội soi bằng bóng hoặc bằng dụng cụ nong. Chỉ định ngoại khoa khi nong thực quản 3 lần thất bại.

Co thắt tâm vị qua nội soi thực quản

2.2. Tăng co bóp thực quản:

  • Thực quản co bóp nhanh, mạnh và kéo dài, tăng trương lực cơ của cơ thắt thực quản dưới khi nuốt và giãn ra không hết.
  • Nội soi thực quản để loại trừ các tổn thương khác ở thực quản.
  • Thường kết hợp với viêm thực quản trào ngược.
  • Có thể thấy viêm thực quản do thuốc, do nhiễm trùng và ung thư thực quản.
  • Điều trị: nội khoa với thuốc giãn cơ nitrat, an thần, chống co thắt, thuốc chẹn kênh can xi. Nong thực quản qua nội soi hoặc phẫu thuật.

2.3. Các rối loạn co bóp thực quản khác

  • Giảm nhu động thực quản do bệnh lý toàn thân như xơ cứng bì, collagen.
  • Hình ảnh nội soi: viêm thực quản trào ngược, hẹp thực quản hoặc nấm thực quản.

3. Những bệnh lý thực quản khác

3.1. Vòng niêm mạc thực quản (Mucosal esophageal rings)

Vòng niêm mạc được bao phủ bởi lớp niêm mạc ở vị trí đường Z, được gọi là vòng Schatzki hoặc vòng B. Hình ảnh nội soi: vòng mỏng, tròn, hoặc khuyết ở trên đường Z, có thể thấy thức ăn vướng ở vòng niêm mạc hoặc chảy máu do rách khi máy soi đi qua.

Điều trị: nếu có hẹp thì nong qua nội soi.


                                                                                          Schatzki ring qua nội soi

3.2. Vòng cơ thực quản (Muscularesophageal rings)
Các đường Z vài cm, hình dạng thay đổi khi thực quản co bóp.

Phân biệt với vòng niêm mạc thực quản dựa vào vị trí, hình dạng, nếu là vòng niêm mạc sẽ không thay đổi khi thực quản co bóp và thấy vướng khi máy soi đi qua. Điều trị: nếu có hẹp thực quản nong qua nội soi.

3.3. Màng thực quản (Esophageal webs)

Màng được bao phủ bởi tế bào vẩy, có thể làm hẹp lòng thực quản, thường ở vị trí đoạn thực quản cổ nhưng cũng có thể thấy ở bất cứ đoạn nào của thực quản, có thể có một hoặc nhiều màng

  • Nếu có kết hợp với thiếu máu thiếu sắt gọi là hội chứng Plummer – Winson hoặc hội chứng Paterson – kelly.
  • Có thể chảy máu do bị thủng nhưng không cần điều trị.
  • Điều trị: nong thực quản qua nội soi nếu có nuốt khó và nhiều màng.

3.4. Hẹp thực quản do chèn ép từ ngoài vào

Những nguyên nhân gây chèn ép vào thực quản: tổ chức bất thường, mạch máu, tổ chức ung thư, gai đốt sống cổ, tim to, phồng động mạch chủ, nhánh của động mạch dưới đòn phải, ung thư phổi và hạch trung thất.

Hình ảnh nội soi: hẹp lòng thực quản, hình ảnh xâm lấn của khối u vào lòng thực quản. Điều trị: không có tác dụng khi nong thực quản qua nội soi.

3.5. Túi thừa thực quản – họng (túi thừa Zenker)

3.5.1. Túi thừa Zenker: túi thừa ở vị trí thực quản – họng, chụp thực quản có uống baryte để chẩn đoán, không có chỉ định soi thực quản vì túi thừa ngay ở vùng nhẫn hầu nên không phát hiện được quan nội soi. Nội soi chỉ để chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân khác, chú ý biến chứng thủng túi thừa khi soi.


                                                                                   Túi thừa Zenker ở thực quản

3.5.2. Túi thừa ở giữa thực quản

Thường do viêm nhiễm ở vùng trung thất co kéo sinh ra túi thừa, do quá trình rối loạn vận động của thực quản hoặc do bẩm sinh.

Chụp X quang: thấy hình ảnh túi thừa, nội soi chẩn đoán cần chú ý biến chứng thủng hoặc chảy máu.

Điều trị: ngoại khoa khi có biến chứng chảy máu hoặc hẹp.

3.5.3. Túi thừa trên cơ hoành

Túi thừa liên quan đến rối loạn vận động của thực quản đặc biệt là cơ thắt thực quản

Hình ảnh chụp x quang thực quản thấy túi thừa có miệng rộng ngay ở phía trên hình “mỏ chim” của bệnh co thắt tâm vị.

3.5.4. Giả túi thừa

Giả túi thừa có kích thước nhỏ, có ngay trên thành của thực quản nên rất rõ khi chụp x quang thực quản. Hình ảnh nội soi thấy túi thừa nhỏ. Túi thừa có thể liên quan đến hẹp thực quản, nấm thực quản hoặc viêm thực quản trào ngược. Không cần điều trị đặc hiệu

3.6. Ứ đọng glycogen

Ứ đọng glycogen là một bệnh lành tính.

Hình ảnh nội soi: mảng trắng, hạt trắng tròn, hình oval, nhẳn, thường ở đoạn dưới thực quản, kích thước nhỏ hơn 5mm, đôi khi 1,5 cm. Nếu lan rộng tạo thành mảng lớn, không có phù nề hoặc sung huyết. Cần phân biệt với bạch sản, nấm hoặc ung thư sớm.

3.7. Tuyến nhờn lạc chỗ: rất hiếm gặp

Hình ảnh nội soi: mảng vàng, xám, hình tròn hoặc oval. Kích thước 1 – 5 mm, đôi khi vài cm, cần phân biệt với polyp ứ glycogen, lành tính và không cần điều trị.

4. Giãn tĩnh mạch thực quản

Giãn tĩnh mạch thực quản (TMTQ) là hậu quả của tăng áp lực tĩnh mạch cửa, thường không có biểu hiện triệu chứng gì, hoặc có chảy máu do vỡ TMTQ. Nội soi giúp chẩn đoán giãn TMTQ và biến chứng chảy máu do vỡ giãn TMTQ, chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân gây chảy máu khác.

Hình ảnh giãn TMTQ qua nội soi: theo phân loại của Hội nội soi Nhật Bản

  • Độ 1: tĩnh mạch có kích thước nhỏ, thẳng biến mất khi bơm hơi căng.
  • Độ 2: tĩnh mạch có đường kính nhỏ hơn 5mm, ngoằn ngoèo và chiếm dưới 1/3 khẩu kính thực quản.
  •  Độ 3: tĩnh mạch có kích thước lớn hơn 5mm và chiếm trên 1/3 khẩu kính của thực quản.

5. Thoát vị hoành và bệnh lý thực quản do nguyên nhân ở dạ dày

5.1. Thoát vị hoành:

Là một phần dạ dày trượt qua lổ hoành chui vào lồng ngực, khi chổ nối giữa thực quản và dạ dày cao hơn lổ hoành lớn hơn 2 cm.  Thoát vị hoành chia làm 2 loại là thoát vị trượt và thoát vị khe.

5.1.1. Thoát vị trượt

Thoát vị trượt là chổ nối dạ dày – thực quản và một phần dạ dày bị đẩy lên phía sau trung thất nhưng dạ dày không có thay đổi trục.

Hình ảnh nội soi của thoát vị hoành trượt khi soi ngược thấy vùng khuyết ở đáy dạ dày đó là vùng cơ hoành, phía trên chổ khuyết là phần đáy dạ dày ở trong lồng ngực.

Hình ảnh thoát vị hoành trượt khi chụp x quang lồng ngực nghiêng thấy khối đọng thuốc với mức hơi ở trên.

Thoát vị hoành trượt thường không gây triệu chứng nếu có trào ngược thực quản sẽ có ợ nóng, đau ngực.

5.1.2. Thoát vị hoành khe

Là thoát vị nhưng chỗ nối của thực quản và dạ dày vẫn ở vị trí bình thường, đáy dạ dày chui vào lồng ngực và xoắn vặn, thường nằm dọc theo thực quản. Nếu lổ thoát vị to thì có thể toàn bộ dạ dày chui vào lồng ngực tạo ra hình lộn ngược gây hẹp thực quản và dạ dày. Nếu hệ thống nuôi dưỡng dạ dày bị ép thì có thể thủng dạ dày, X quang trong trường hợp thoát vị nhiều thấy toàn bộ dạ dày nằm trong lồng ngực ở vị trí đảo ngược, thân dạ dày và hang vị hoàn toàn ở trong lồng ngực không có mức nước và hơi.

Để đề phòng biến chứng cần điều trị ngoại khoa ngay nếu phát hiện thoát vị hoành.

6. Loét thực quản

6.1. Loét cấp tính: Loét cấp tính có thể do thuốc, do hóa chất, do vi khuẩn, virus…

6.2. Loét mạn tính: thường liên quan đến bệnh lý trào ngược thực quản, tổn thương loét ở trên đường Z và đoạn dưới thực quản, ổ loét sâu, biến chứng hẹp, thủng hoặc chảy máu và ung thư hóa.

7. Dị vật thực quản

Thực quản là đoạn ống tiêu háo có đường kính nhỏ nhất, có 3 chổ hẹp mà dị vật hay mắc: vùng cơ nhẫn – hầu cách cung răng trên 15 cm, vùng giữa động mạch chủ và khí quản trái cách cung răng trên 25cm và vùng cơ thắt thực quản dưới cách cung răng trên 38 – 40cm. Trẻ em hay bị mắc dị vật ở 1/3 trên thực quản, dị vật thường là đồng xu, nắp chai lọ hoặc đồ chơi. Người lớn hay bị mắc dị vật ở 1/3 dưới thực quản, dị vật thường là thức ăn như xương, thịt, măng khô. Dị vật thực quản gây ra nhiều biến chứng và có thể gây tử vong, biến chứng viêm trung thất, rò thực quản – động mạch chủ, áp xe phổi, dị vật thực quản cần được lấy ra sớm qua nội soi vì dị vật ở thực quản ít có khả năng tự xuống dạ dày do phù nề và sung huyết tại chổ.

8. Chấn thương thực quản

8.1. Rách thực quản (hội chứng Mallory – Weiss) Rách thực quản gần chổ nối giữa thực quản và dạ dày do áp lực khoang bụng tăng đột ngột. Nguyên nhân thường gặp là do nôn và ợ. Khi soi thấy có vết rách ở vị trí 12 giờ. Chảy máu do rách thực quản có thể tự cầm nhưng cũng có khi không tự cầm và tái phát.

8.2. Hội chứng Boerhaave

Thủng thực quản do nôn quá mạnh. Vị trí thủng thường ở thành sau bên trái của thực quản dài vài cm. Tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán sớm.

8.3. Tụ máu thực quản

Chảy máu dưới niêm mạc do bệnh máu hoặc do sau chấn thương do nôn hoặc hắt hơi mạnh. Tụ máu thực quản thường thấy ở đoạn dưới thực quản nhưng cũng có thể lan rộng trên bệnh nhân có rối loạn về đông máu, có thể thấy rất nhiều khối tụ máu ở thực quản.

Triệu chứng nuốt khó, nuốt đau, nôn ra máu.

Chụp x quang thực quản có baryte có hình ảnh như khối u dưới niêm mạc tạo những vết đọng thuốc.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nội soi tiêu hoá. Bệnh viện Bạch Mai.
  2. Jean Macr Canard (2011), Gastrointestinal Endoscopy in practice. Elsevier Churchill Livingstone.
facebook
210

Bài viết liên quan

Thuốc liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia