MỚI

Ngộ độc thuốc tê – biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm trong đốt sóng cao tần điều trị u giáp

Tác giả:
Ngày xuất bản: 02/06/2023

Đốt sóng cao tần điều trị u giáp đang ngày càng phổ biến tại các cơ sở y tế. Đây là một biện pháp điều trị ít xâm lấn nhưng mang lại hiệu quả điều trị cao, trong khi lại ít nguy cơ, biến chứng. Trong những nguy cơ, biến chứng của thủ thuật này, không thể không kể đến biến chứng có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nếu không được xử trí kịp thời, đó là nguy cơ ngộ độc thuốc tê.

1. Các yếu tố nguy cơ của ngộ độc thuốc tê

Ngộ độc thuốc tê có thể gặp ở bất kỳ ai, tuy nhiên những trường hợp sau có nguy cơ cao hơn:

  • Trẻ em, người già yếu, suy kiệt
  • Vị trí tiêm: Nguy cơ cao hơn ở những vị trí giàu mạch máu như: đầu mặt cổ, khoang miệng, mũi họng và tầng sinh môn
  • Loại thuốc tê: Thuốc tê tan trong mỡ nguy cơ cao hơn
  • Bệnh nhân có các bệnh lý mãn tính kết hợp: Suy tim, bệnh van tim nặng, suy giảm chức năng gan thận, giảm protein máu…
  • Liều càng cao thì nguy cơ ngộ độc thuốc tê càng cao

2. Triệu chứng lâm sàng ngộ độc thuốc tê:
2.1. Dấu hiệu thần kinh trung ương:

  • Dấu hiệu sớm: Đắng miệng, có mùi kim loại, tê quanh miệng, ù tai, nhìn mờ, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, khó chịu
  • Dấu hiệu kích thích thần kinh trung ương: Kích động, trợn mắt, đảo nhãn cầu, nói nhảm, lú lẫn, rung giật, co giật
  • Dấu hiệu ức chế thần kinh trung ương: Ngủ yên, lơ mơ, hôn mê

2.2. Dấu hiệu tim mạch:

  • Đôi khi là biểu hiện duy nhất trong ngộ độc thuốc tê
  • Rối loạn nhịp tim và/hoặc rối loạn dẫn truyền cơ tim
  • Tụt huyết áp tiến triển
  • Ngừng tim

2.3. Một số dấu hiệu khác:

  • Bệnh nhân hồi hộp sau tiêm, môi tím
  • Khó thở hay ngừng thở

3. Xử trí ngộ độc thuốc tê:

Khi xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc thuốc tê, nhất định phải có sự can thiệp càng sớm càng tốt. Các biện pháp xử trí cần phải được thực hiện ngay, bao gồm:

  • Ngừng tiêm thuốc tê
  • Gọi hỗ trợ, thông báo ngay cho ICU
  • Thở oxy 100%, đặt nội khí quản thở máy nếu cần
  • Truyền lipid 20% ngay khi có triệu chứng của ngộ độc thuốc tê

Bệnh nhân cân nặng trên 70kg

Bệnh nhân cân nặng dưới 70 kg

Bolus 100 ml nhũ tương lipid 20% trong 2-3 phút

Truyền 200 – 250 ml nhũ tương lipid 20% trong 15-20 phút tiếp theo

Bolus lipid 20% liều 1.5 ml/kg trong 2-3 phút

Truyền nhũ tương lipid 20% với tốc độ 0.25 ml/kg/phút

    • Nếu tình trạng bệnh nhân chưa ổn định, nhắc lại liều bolus 1-2 lần
    • Tổng liều không vượt quá 12ml/kg hay 1000ml trong 30 phút
  • Điều trị co giật: Benzodiazepin (Midazolam) được ưu tiên do ít ảnh hưởng đến cơ tim. Tránh dung Propofol ở những bệnh nhân huyết động không ổn định
  • Điều trị nhịp chậm: Atropine sulfat
  • Nếu có ngừng tim: Hồi sinh tim phổi nâng cao ngay, kết hợp với lipid 20%
  • Theo dõi sau ổn định: Bệnh nhân cần được theo dõi 4-6 tiếng nếu có biến cố tim mạch, hoặc ít nhất 2 tiếng nếu chỉ có biến cố thần kinh trung ương

4. Dự phòng ngộ độc thuốc tê

Để tránh ngộ độc thuốc tê xảy ra cần thực hiện những biện pháp sau:

  • Tuyệt đối không tiến hành gây tê nếu không có đủ phương tiện cấp cứu ngộ độc thuốc tê
  • Theo dõi bệnh nhân trong quá trình tiêm thuốc tê và sau khi tiêm tê ít nhất 30 phút
  • Nên sàng lọc kỹ trước khi thực hiện thủ thuật
  • Hút ngược xi lanh mỗi khi bơm 1-2 ml thuốc tê để đảm bảo không tiêm thuốc tê vào mạch máu
  • Nếu bệnh nhân có tiền sử ngộ độc thuốc tê, bắt buộc gây mê để thực hiện thủ thuật
  • Cân nhắc sử dụng liều thuốc tê nhỏ nhất, tối đa 4.5 mg/kg cân nặng
  • Nghĩ ngay đến ngộ độc thuốc tê khi có bất kỳ triệu chứng thay đổi tinh thần, triệu chứng thần kinh hoặc bất thường về tim mạch trong quá trình gây tê dù với liều thuốc tê nhỏ

Tóm lại, ngộ độc thuốc tê là biến cố có thể cướp đi sinh mạng của bệnh nhân một cách nhanh chóng. Chính vì vậy, các cơ sở y tế khi thực hiện các thủ thuật có liên quan đến thuốc tê cần hết sức cẩn trọng. Đồng thời, cán bộ y tế cần phát hiện sớm và xử trí kịp thời nếu bệnh nhân có các dấu hiệu của ngộ độc thuốc tê.

facebook
12

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia

tra-cuu-thuoc

THÔNG TIN THUỐC

TRA CỨU NGAY