MỚI

Mối liên hệ giữa cơ lực vùng cổ và tầm vận động cột sống cổ với tình trạng đau và suy giảm chức năng vùng cổ trong tương lai

Ngày xuất bản: 24/08/2022

Đau cổ và suy giảm chức năng liên quan đến vùng cổ là một vấn đề sức khỏe phổ biến. Một nghiên cứu theo thời gian kéo dài 16 năm đã tìm hiểu mối liên quan giữa cơ lực vùng cổ và tầm vận động cột sống cổ với sự tiến triển của chứng đau cổ và rối loạn chức năng liên quan trong tương lai ở những phụ nữ khỏe mạnh.Tuy nhiên, nghiên cứu đã không tìm thấy chứng cứ nào ủng hộ mối liên hệ này.

Tác giả: Juhani Multanen 1 2, Arja Häkkinen 3 4, Hannu Kautiainen 5 6, Jari Ylinen 4

Đơn vị công tác:

  1. Khoa Khoa học Thể thao và Sức khỏe, Đại học University of Jyväskylä, Jyväskylä, Phần Lan. 
  2. Khoa Y học thể chất và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Khu vực Miền trung Phần Lan, Jyväskylä, Phần Lan.
  3. Khoa Khoa học Thể thao và Sức khỏe, Đại học Jyväskylä Jyväskylä, Phần Lan.
  4. Khoa Y học thể chất và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Miền trung Phần Lan, Jyväskylä, Phần Lan.
  5. Khoa Điều trị Đa khoa và Chăm sóc sức khỏe ban đầu, Đại học  Helsinki, Helsinki, Phần Lan. 

1. Tổng quan

Mô tả: đau cổ có liên quan đến giảm cơ lực vùng cổ và giảm tầm vận động của cột sống cổ. Tuy nhiên, liệu cơ lực vùng cổ hay tầm vận động cột sống cổ có tiên lượng tình trạng suy giảm chức năng vùng cổ về sau hay không là vấn đề chưa được làm rõ. Trong nghiên cứu theo thời gian kéo dài 16 năm này, chúng tôi đã nghiên cứu liệu cơ lực vùng cổ và tầm vận động cột sống cổ có liên quan đến kết cuộc đau cổ và suy giảm chức năng liên quan trong tương lai hay không trên những phụ nữ không có tình trạng đau cổ lúc ban đầu.

Phương pháp: Lực co cơ đẳng trường tối đa vùng cổ và tầm vận động thụ động (passive range of motion, PROM) của cột sống cổ ở 220 phụ nữ (trung bình là 40 tuổi, độ lệch chuẩn [standard deviation, SD] 12 năm) được đo làm cơ sở vào giai đoạn 2000 – 2002. Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát qua thư tín vào 16 năm sau đó nhằm xác định liệu có người tham gia nào mắc chứng đau cổ và  suy giảm chức năng liên quan hay không. Phân tích hồi quy tuyến tính điều chỉnh theo độ tuổi và thể trọng được sử dụng để xác định trị số cơ lực ở cổ ban đầu và giá trị PROM có liên quan đến tình trạng đau vùng cổ trong tương lai cũng như các khuyết tật liên quan được đánh giá bằng Chỉ số Giảm chức năng Cổ (Neck Disability Index, NDI).

Kết quả: Phân tích hồi quy hệ số Beta vẫn dưới 0,1 ở tất cả các giá trị sức mạnh cơ cổ và PROM. Điều này cho thấy không có mối hệ giữa đau cổ và các khuyết tật liên quan. Trong số 149 (68%) người trả lời, điểm NDI trung bình là thấp nhất (3,3, 3,8 SD) ở những người tham gia không bị đau cổ (n = 50), thấp thứ nhì (7,7, 7,1) ở những người thỉnh thoảng bị đau cổ ( n = 94), và cao nhất (19,6, SD 22,0) ở những người bị đau cổ mãn tính (n = 5).

Kết luận: Nghiên cứu theo thời gian kéo dài 16 năm này cho thấy không có bằng chứng cho mối liên hệ giữa đau cơ cổ cũng như tầm vận động cột sống cổ với sự xuất hiện của đau cổ và suy yếu chức năng cổ về sau. Do đó, có thể không khuyến cáo việc tầm soát các đối tượng khỏe mạnh nhằm các mục đích dự phòng suy giảm cơ lực vùng cổ hay giảm tầm vận động cột sống cổ.

2. Giới thiệu

Đau cổ là tình trạng hay gặp với suất độ cao và ảnh hưởng đến khoảng ⅔ số người trưởng thành tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ [1]. Nữ giới thường gặp đau cổ nhiều hơn ở nam giới và có một nguyên nhân được nghĩ đến để giải thích cho sự phổ biến của vấn đề đau cổ ở nữ giới là do cơ lực của nhóm đối tượng này yếu hơn ở người nam [2]. Mặc dù cơ lực tối đa được biết đến là lớn nhất vào giai đoạn từ năm 20 đến 30 tuổi [3], bằng chứng cho thấy rằng tỷ lệ đau cổ mãn tính đạt đỉnh ở độ tuổi trung niên và giảm dần sau đó [4, 5]. Đây là một phát hiện gây ra nhiều khó hiểu nên cần được nghiên cứu sâu hơn. Mặc dù đau cổ thường khỏi trong vài ngày hoặc vài tuần nhưng lại có tỷ lệ cao chuyển sang một vấn đề mãn tính hoặc dai dẳng vì nó sẽ chuyển thành mãn tính trong 5–7% trường hợp [6, 7].

Hiệp hội Nghiên cứu Đau Quốc tế định nghĩa một tình trạng đau cổ kéo dài hơn 3 tháng thì được xem là mãn tính [8]. Đau vùng cổ có những ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và khả năng làm việc, và do đó đặt lên một gánh nặng lớn đối với cá nhân và kinh tế xã hội [9]. Nhằm dự phòng đau cổ, cần hiểu về các yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự tiến triển của bệnh lý này. Dù những gì được biết về căn nguyên của đau và suy giảm chức năng vùng cổ là rất ít, dữ liệu y văn cho thấy nguy cơ làm tiến triển tình trạng này có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố vật lý, tâm lý xã hội và trình độ các nhân [10].

Trong trường hợp các yếu tố nguy cơ về thể chất, nghiên cứu đã liên tục chỉ ra mối liên quan giữa đau cổ và giảm cơ lực vùng cổ [11–16]. Hơn nữa, một số nghiên cứu ngẫu nhiên đã báo cáo có giảm đau cổ nhờ vào kết quả của các chương trình phục hồi chức năng tăng cường cơ lực vùng cổ [17–20]. Tương tự, những bệnh nhân bị đau cổ cho thấy tầm vận động vùng cổ giảm đi so với những người không bị đau cổ [11, 21–24]. Một số nghiên cứu ngẫu nhiên cũng được báo cáo kết quả giảm đau và cải thiện tầm vận động động vùng cổ chính là kết quả của các chương trình tăng cường cơ lực vùng cổ [18, 25]. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định rõ liệu đau cổ có gây yếu cơ vùng cổ hay liệu các cơ vùng cổ bị giảm chức năng thì có gây ra đau cổ không.

Tương tự, mối liên hệ giữa giảm tầm vận động xương sống và đau cổ vẫn chưa được biết rõ. Có vẻ hợp lý khi cho rằng cơ lực vùng cổ khỏe mạnh và tầm vận động tốt tự nhiên có thể là những yếu tố bảo vệ chống lại chứng đau cổ. Mặc dù nhiều nghiên cứu đã đi tìm mối liên hệ giữa đau cổ và cơ lực vùng cổ hoặc tầm vận động cột sống vùng này, một số nghiên cứu theo thời gian lại tập trung vào giá trị tiên lượng có thể có về cơ lực vùng cổ và tầm vận động của cột sống đối với sự tiến triển của bệnh lý đau cổ trong tương lai.

Kết quả của số ít nghiên cứu hiện có này cho thấy tầm vận động của cột sống không có giá trị tiên lượng cho sự xuất hiện của đau vùng cổ trong tương lai ở những đối tượng được ghi nhận không có đau cổ từ ban đầu, trong khi những phát hiện về cơ lực thì có sự mâu thuẫn [26, 27]. Do đó, cần có thêm bằng chứng để làm rõ liệu cơ lực vùng cổ và tầm vận động của cột sống cổ có thể tiên lượng chứng đau cổ trong tương lai hay không.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu trước đây đã bỏ qua chứng đau cổ mãn tính hoặc các dị tật liên quan. Chỉ số Giảm chức năng Cổ (NDI) là công cụ tự báo cáo và được sử dụng phổ biến nhất để đánh giá tình trạng đau cổ, cung cấp thông tin không chỉ về những trải nghiệm đau mà còn về năng lực chức năng của từng cá nhân [28]. Do đó, trong nghiên cứu này, chúng tôi đã khảo sát tiền cứu xem cơ lực vùng cổ và khả năng vận động của cột sống cổ có liên quan đến năng lực chức năng trong cuộc sống mà sau này được đo bằng cách sử dụng chứng đau cổ và NDI ở những đối tượng không bị đau tại thời điểm đo lường cơ sở.

3. Phương pháp

Mô hình nghiên cứu: Đây là nghiên cứu theo thời gian kéo dài 16 năm nhằm đánh giá khả năng liên quan giữa cơ lực vùng cổ và tầm vận động cổ với sự tiến triển của đau cổ và các suy giảm chức năng liên quan. Hội đồng Đạo đức Y khoa Khu vực Miền Trung Phần Lan đã phê duyệt kế hoạch nghiên cứu (số phê duyệt quy trình 41/2000) đã được thiết kế thỏa theo các hướng dẫn của Tuyên bố Helsinki. Tất cả những người tham gia đã đồng ý bằng văn bản trước khi đăng ký tham gia.

Mục tiêu: Nhóm nghiên cứu ban đầu bao gồm các tình nguyện viên nữ được tuyển chọn thông qua các quảng cáo nhắm đến nhân sự của các nhà tuyển dụng lớn nhất ở Thành phố Jyväskylä, Phần Lan. Nghiên cứu tập trung vào phụ nữ do tỷ lệ đau cổ ở phụ nữ cao hơn [29]. 241 đối tượng quan tâm đến nghiên cứu đã được gửi một bảng câu hỏi sàng lọc để đánh giá tư cách tham gia đầy đủ của họ. Những cá nhân này đã làm việc cho chính quyền thành phố hoặc tại bệnh viện địa phương hoặc cho nhiều cơ sở công nghiệp sử dụng lao động phổ thông và nhân viên văn phòng hoặc người tham gia là những sinh viên. Bảng câu hỏi sàng lọc bao gồm các mục về tình trạng sức khỏe, nghề nghiệp và sự tham gia vào các môn thể thao cạnh tranh. Tiêu chí lựa chọn là nữ giới, khỏe mạnh và trong độ tuổi 20 đến 59 (phạm vi độ tuổi rộng này được sử dụng nhằm mục đích thiết lập các giá trị tham chiếu cho tầm vận động cột sống cổ và cơ lực của phụ nữ trong độ tuổi lao động). Tiêu chí loại trừ là: đau cổ và vai trong vòng 6 tháng trước, tiền sử chấn thương hoặc hiện tại có chấn thương, các vấn đề khác ở vùng cổ hoặc vai, viêm khớp dạng thấp, đau cơ xơ hóa, trầm cảm nặng hoặc rối loạn tâm thần hoặc tham gia tích cực các môn thể thao cạnh tranh. Chúng tôi đã loại trừ 18 trong số 241 tình nguyện viên do có có các triệu chứng ở cổ hay vai và loại 3 người do thiếu thông tin, do đó còn lại 220 phụ nữ khỏe mạnh tham gia nghiên cứu.

Những người tham gia đã hoàn thành bảng câu hỏi về tình trạng sức khỏe, nghề nghiệp, mức độ khối lượng công việc thể chất và thời gian dành cho hoạt động thể chất khi rảnh. Sử dụng thang đo nhìn hình đồng dạng (visual analog scale, VAS, 0–100 mm) để kiểm tra rằng họ không bị đau cổ trong tuần trước khi thực hiện đo lường cơ sở.

Các đo lường ban đầu

Các đo lường bao đầu bao gồm chiều cao và chỉ số khối cơ thể do cùng một chuyên gia vật lý trị liệu thực hiện trên tất cả người tham gia từ tháng 11 năm 2000 đến tháng 10 năm 2002. Lực co cơ đẳng trường tối đa của các cơ gấp, duỗi và xoay ở vùng cột sống cổ được đo bằng một hệ thống đo lường lực cơ vùng cổ đặc biệt (specially designed neck strength measurement system, NSMS; Kuntoväline Ltd., Helsinki, Phần Lan). Hệ thống gắn tường này có hai bản cứng có thể điều chỉnh được để giữ phần thân mình người tham gia được thăng bằng. Ngực và eo của đối tượng được giữ chặt vào các bản này bằng các dây đai bản rộng ngang mức mào chậu và phía trên góc dưới của xương bả vai. Người tham gia ngồi với hông và đầu gối gập 90 °. Đầu được giữ ở vị trí thẳng đứng trung tính. Trong quá trình kiểm tra lực gấp, người tham gia được cho ngồi đối diện trực tiếp với một thiết bị được trạng bị một thanh ngang có cảm biến lực tiếp xúc với trán của họ. Trong quá trình ghi nhận lực duỗi cơ, người tham gia quay 180 °, sao cho lưng của cô ấy hướng về phía thiết bị và cảm biến lực tiếp xúc vùng chẩm của cô ấy. Lực cơ để xoay cột sống cổ được đo bằng một mô-đun phía trên đầu bao gồm bốn miếng đệm được gắn vào cả hai bên đầu của đối tượng. Đầu của họ được cố định ở vị trí trung tính bằng cách giữ chặt cả bốn miếng đệm đồng thời. Ngoài ra, cằm của người tham gia được đỡ lấy bằng một thanh ngang để tránh các cử động của đầu. Trục xoay được điều chỉnh bằng cách căn giữa mô-đun phía trên đầu sao cho song song với trục thẳng đứng của ống tai ngoài. Cảm biến lực được gắn vào trục của mô-đun ở phía trên.

Đầu tiên, cơ lực vùng cổ được đo cho vận động xoay, sau đó là vận động gấp và duỗi. Hai thử nghiệm khởi động đã được thực hiện, sau đó là ba thử nghiệm gắng sức tối đa theo mỗi hướng. Kết quả cao nhất theo mỗi hướng lực được lấy dùng trong các phân tích. Kết quả của các phép đo cơ sở cho 220 đối tượng ban đầu được trình bày chi tiết trong những tài liệu khác [30]. Các phép đo cơ lực này cho thấy có độ tin cậy bên trong rất tốt đối với các giá trị hệ số tương quan trong một lượt đo (intraclass correlation coefficient, ICC) nằm trong khoảng từ 0,87 đến 0,96, tùy thuộc vào hướng lực được đánh giá [30].

Đo tầm vận động thụ động (PROM) của cột sống cổ bằng hệ thống phương pháp đo tầm vận động cột sống cổ (cervical measurement system, CMS; Kuntoväline Ltd., Helsinki, Phần Lan) được đo trên cả ba mặt phẳng: gập uốn bên (mặt phẳng trán), xoay quanh trục (mặt phẳng ngang) cho cả hai bên trái, phải và vận động gấp – duỗi (mặt phẳng dọc giữa). CMS bao gồm hai thước đo tầm vận động khớp theo trọng lực (gravity goniometer), một thước đo tầm vận động xoay (compass goniometer) và hai mực nước được đính vào một khung nhựa. Cử động trên các mặt phẳng khác nhau được cho biết nhờ vào các thước đo này và compa với gia số là 2o. Độ tin cậy inter-rater (thể hiện qua tính nhất quán giữa người đánh giá/ người quan sát) của phương pháp này được cho thấy là tốt với giá trị ICC trong khoảng từ 0,79 đến 0,92 [31]. Trong thử nghiệm ban đầu của chúng tôi, Salo và cộng sự (2009) đã chọn đánh giá những thay đổi liên quan đến tuổi và thiết lập các giá trị tham chiếu cho tầm vận động thụ động của cột sống cổ ở những phụ nữ khỏe mạnh trong độ tuổi lao động vì không có nghiên cứu nào trước đây báo cáo giá trị tham chiếu cho thông số này. Kết quả của các phép đo PROM ban đầu của nhóm nghiên cứu đầu tiên gồm 220 đối tượng đã được báo cáo chi tiết trong những tài liệu khác [31].

Khảo sát qua thư tín sau 16 năm thực hiện các phép đo ban đầu. 

Chúng tôi đã gửi một gói câu hỏi qua đường bưu điện đến những người tham gia sau 16 năm kể từ khi thực hiện đo tầm vận động lần đầu. Họ được hỏi liệu có bị đau cổ không, hay đau cổ thỉnh thoảng trong thời gian ngắn hoặc đau liên tục trong ít nhất 3 tháng (tức là đau mãn tính) kể từ khi thực hiện các phép đo đạc ban đầu. Các khoản mục về bệnh tật, tai nạn và quy trình phẫu thuật, các lần đi thăm khám, phương pháp điều trị và thuốc điều trị đau cổ cũng được đưa vào. Chúng tôi cũng hỏi những người tham gia về tổng trạng sức khỏe mà họ nhận thức được, tình trạng hút thuốc lá, thể trọng và chiều cao, thời gian dành cho hoạt động thể chất vào lúc rảnh, nghề nghiệp và mức độ khối lượng công việc thể chất. Những người tham gia cũng đã hoàn thành phiên bản đánh giá Chỉ số Suy giảm chức năng Cổ (NDI) đã được phê chuẩn của Phần Lan [32], được báo cáo lần đầu bởi Vernon và Mior [33]. Đây là một bảng câu hỏi về tình trạng chức năng bao gồm 10 khoản mục hỏi về tình trạng đau, chăm sóc cá nhân, khuân vác, đọc, tình trạng đau đầu, sự tập trung, công việc, lái xe, ngủ và giải trí. Mỗi khoản mục được đánh từ 0 đến 5 điểm, vì vậy cho ra tổng điểm có thể đạt được là 50. Chúng tôi đã nhân đôi điểm số của những người tham gia để có được điểm số phần trăm, theo hướng dẫn của Fairbank và cộng sự [34]. 0% cho thấy không có giới hạn hoạt động và điểm 100% cho thấy giới hoạt động hoàn toàn [33]. NDI cho thấy có độ tin cậy và hiệu lực cao ở những người bị đau cổ [28]. Thay đổi quan trọng tối thiểu về mặt lâm sàng được bệnh nhân báo cáo là 5–10 điểm trên thang điểm 0–50 (10–20%) [35].

Phương pháp thống kê

Chúng tôi trình bày các đặc điểm mô tả bằng cách sử dụng các giá trị trung bình và độ lệch chuẩn (SD) hoặc số lượng với tỷ lệ phần trăm và phân phối tần suất. Tính chuẩn của các biến được đánh giá bằng đồ thị và với bài kiểm định Shapiro-Wilk W. Những người tham gia được chia thành hai nhóm dựa trên tỷ lệ đau cổ. Chúng tôi so sánh các nhóm bằng phương pháp kiểm định t-test (kiểm định sự khác biệt) các mẫu độc lập và phân tích hiệp phương sai. Đối với những kết quả chính về sự khác nhau giữa các nhóm được đưa ra có nghĩa với khoảng tin cậy là 95%. Chúng tôi đặt mức α  ≤0,05 cho tất cả các bài kiểm tra. Chúng tôi đã sử dụng nhiều phân tích hồi quy tuyến tính để đánh giá mối liên hệ giữa NDI và cơ lực vùng cổ lúc ban đầu cũng như giá trị PROM bằng cách sử dụng hệ số hồi quy chuẩn hóa (chỉ số tuổi và chỉ số khối cơ thể) đã được điều chỉnh (Beta). Giá trị Beta là phương tiện dùng để đo mức độ ảnh hưởng của mỗi biến lên biến tiêu chuẩn (biến phụ thuộc). Beta được đo bằng đơn vị độ lệch chuẩn. Tiêu chuẩn của Cohen cho các giá trị Beta trên 0,10, 0,30 và 0,50 lần lượt đại diện cho các mối liên quan ít, vừa phải và nhiều [36]. Chúng tôi đã phân tích dữ liệu bằng gói phần mềm ứng dụng trong phân tích thống kê STATA 14.1 (StataCorp, College Station, TX). 

Trong 220 người tham gia ban đầu được lựa chọn cho nghiên cứu, 149 (68%) người gửi lại bảng câu hỏi theo dõi kéo dài 16 năm. Những đặc điểm của người tham gia và cơ lực vùng cổ cũng như trị số tầm vận động thụ động (PROM) của cột sống cổ được thể hiện trong Bảng 1. Trong số 149 đối tượng này, 50 người (34%) cho biết họ hoàn toàn không bị đau cổ (sau này gọi là nhóm Không đau), 94 người (63%) cho biết thỉnh thoảng bị đau cổ (nhóm Đau không thường xuyên) và 5 người (3%) đau cổ liên tục ít nhất 3 tháng (nhóm Đau mãn tính) trong suốt 16 năm qua. Ba nhóm người tham gia này đều giống nhau về tất cả các đặc điểm (p = 0,21 đến 0,87).

Trong suốt 16 năm trước, 6 người tham gia trong nhóm Đau không thường xuyên báo cáo về tình trạng chấn thương vùng cổ: hai trường hợp va chạm giao thông và một trường hợp chấn thương giật cổ sau lật xe, hai trường hợp chấn thương đầu tại nơi làm việc và một trường hợp ngã khi chơi trượt ván. Gãy xương đòn được báo cáo trong hai trường hợp thuộc trong nhóm Đau mãn tính, một trong hai cho biết có đau vai và cổ liên quan đến gãy xương. Tổng cộng có 32 lần đi khám bệnh vì đau cổ, 27 lần thuộc nhóm Đau không thường xuyên và 5 lần thuộc nhóm Đau mãn tính, trong đó 9 lần được kiểm tra thêm với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác nhau. Một đối tượng trong nhóm Không đau đã cho biết được phẫu thuật bóc hạch vùng cổ như là một phần của điều trị ung thư tuyến nước bọt và một đối tượng trong nhóm Đau không thường xuyên báo cáo có phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.

26 đối tượng trong nhóm Đau không thường xuyên và 5 đối tượng trong nhóm Đau mãn tính cho biết đã được điều trị chứng đau cổ trong khoảng thời gian 16 năm. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng là xoa bóp (26 đối tượng), tập thể dục trị liệu (12 đối tượng), nhiệt và áp lạnh (6 đối tượng), châm cứu (5 đối tượng) và tập vận động trị liệu cột sống cổ (4 đối tượng). 23 người tham gia thuộc nhóm Đau không thường xuyên và hai người thuộc nhóm Đau mãn tính cho biết đã điều trị đau cổ bằng thuốc giảm đau trong 12 tháng qua. Họ đã uống thuốc giảm đau trung bình 19 (SD 41, khoảng từ 2 đến 200) ngày trong năm vừa qua.

Trị số NDI trung bình thấp nhất (3,3, 3,8 SD, khoảng 0 đến 16) thuộc nhóm Không đau, thấp thứ hai (7,7, 7,1, khoảng 0 đến 38) trong nhóm Đau không thường xuyên và cao nhất (19,6, 22,0, khoảng 2 đến 58 ) trong nhóm Đau mãn tính. Nhóm Đau mãn tính có NDI cao hơn đáng kể so với nhóm Không đau (chênh lệch trung bình 16,3, KTC 95%, 8,4 đến 24,2) hoặc nhóm Đau không thường xuyên (11,9, KTC 95%, 4,2 đến 19,7). NDI cũng cao hơn đáng kể ở nhóm Đau không thường xuyên so với nhóm Không đau (4,3, KTC 95%, 1,4 đến 7,3). Sự phân bố các chỉ số NDI cho các đối tượng ở các nhóm Không đau, Đau không thường xuyên và Đau mãn tính được thể hiện trong Hình 1.

Vì nhóm Đau mãn tính chỉ có 5 người, quá nhỏ để có thể đưa vào bất kỳ bài kiểm tra thống kê nào, nên dữ liệu của nhóm này được gộp chung với dữ liệu nhóm Đau không thường xuyên. Trước khi gộp lại, cần đảm bảo rằng tất cả các đặc điểm lâm sàng trong nhóm Đau mãn tính không khác với đặc điểm nào trong nhóm Đau không thường xuyên (p = 0,20 đến 0,83) hoặc cơ lực (p = 0,22 đến 0,99) hoặc giá trị PROM (p = 0,27 đến 0,54). Nhóm gộp này sau đây được gọi là nhóm Đau. Nhóm Không đau (N = 50) và Đau (N = 99) khác nhau về tuổi (trung bình 61,0, SD 10,9 tuổi ở nhóm Không đau và 55,5, SD 11,3 tuổi ở nhóm Đau, chênh lệch trung bình 5,5 tuổi, KTC 95%, 1,7 đến 9,3). Nhóm Đau có NDI cao hơn đáng kể so với nhóm Không đau (trung bình 8,3, SD 8,7 ở nhóm Đau và 3,3, SD 3,8 ở nhóm Không đau, chênh lệch trung bình 4,9, KTC 95%, 2,4 đến 7,5). Các phân tích cho nhóm tổng (n = 149) cho thấy rằng không có trị số cơ lực đẳng trường nào khi duỗi, gấp hay xoay cổ có liên quan đến suy giảm chức năng cổ. Giá trị β cho từng biến dự đoán độc lập vẫn dưới – 0,1 (nhỏ) (Hình 2). Tương tự, không có trị số tầm vận động thụ động của cột sống cổ nào trên mặt phẳng dọc giữa, mặt phẳng ngang hay mặt phẳng trán có liên quan đến suy giảm chức năng cổ vì cả ba giá trị β đều dưới – 0,1 (Hình 2). Các giá trị trung bình của cường độ duỗi cơ tối đa (KTC 95%), cường độ gấp và cường độ xoay lần lượt là 198 (190 đến 205) N, 74 (69 đến 79) N và 8,3 (7,7 đến 8,9) Nm, ở nhóm Không đau và lần lượt là 190 (183 đến 196) N, 74 (70 đến 78) N, và 7,8 (7,4 đến 8,2) Nm ở nhóm Đau (Hình 3). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm về cường độ duỗi cơ tối đa (p = 0.19), cường độ gấp (p = 0.63), cường độ xoay (p = 0.18) hoặc cường độ tối đa khi kết hợp (p = 0.23) (giá trị p được điều chỉnh theo tuổi, Hình 3). Trị số cơ lực của nhóm Đau mãn tính không khác với trị số thuộc nhóm Không đau (p = 0,40 đến 0,59) hoặc Đau không thường xuyên (p = 0,61 đến 0,99).

Tầm vận động trung bình (KCT 95%) đối với vận động thụ động cột sống cổ trên mặt phẳng dọc giữa, mặt phẳng trán và mặt phẳng ngang lần lượt là 167 (162 đến 172) 0, 87 (83 đến 91) 0 và 188 (183 đến 193) 0, trong nhóm Không đau và lần lượt là 166 (162 đến 170) 0, 90 (87 đến 93) 0, và 192 (188 đến 192) 0 trong nhóm Đau (Hình 4). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về giá trị thu được giữa các nhóm được quan sát trên mặt phẳng dọc giữa (p = 0,18), mặt phẳng ngang (p = 0,85), mặt phẳng trán (p = 0,81) hoặc tầm vận động kết hợp (p = 0,71) (giá trị p được điều chỉnh theo độ tuổi , Hình 4). Tầm vận động ở nhóm Đau mãn tính không khác với nhóm Không đau (p = 0,06 đến 0,29) hay nhóm Đau không thường xuyên (p = 0,21 đến 0,54).

4. Bàn luận

Đây là nghiên cứu nhằm tìm hiểu liệu có mối liên hệ giữa sức co cơ cổ đẳng áp cũng như tầm vận động cột sống cổ với tình trạng suy giảm chức năng cổ trong tương lai ở phụ nữ độ tuổi lao động và không mắc chứng đau cổ trước đây. Dựa trên những gì chúng tôi biết, đây là thử nghiệm đầu tiên nghiên cứu về mối liên hệ giữa cơ lực vùng cổ, tầm vận động cột sống với tình trạng suy giảm chức năng cổ bằng việc áp dụng các phương pháp đo cơ lực vùng cổ và tầm vận động cột sống cổ được ghi lại từ 16 năm trước đây. Vì vậy, nghiên cứu này cung cấp các thông tin có giá trị cho đề tài nghiên cứu. Kết quả cho thấy tình trạng rối loạn chức năng cổ xảy ra sau này không liên quan đến cơ lực vùng cổ hay tầm vận động thụ động của cột sống cổ.

Mặc dù đau cổ mãn tính và các rối loạn chức năng cổ liên quan là một vấn đề bệnh tật phổ biến nhưng chỉ có một số nghiên cứu đã điều tra mối tương quan giữa tình trạng rối loạn chức năng liên quan đến cổ với các trị số năng lực thể chất khác nhau, bao gồm cả việc sử dụng phân tích hồi quy tuyến tính. Trong số ít các nghiên cứu về mối tương quan với kết cuộc là rối loạn chức năng liên quan đến vùng cổ, Saavedra-Hernandez và cộng sự [37] tìm thấy mối tương quan nghịch biến yếu nhưng có ý nghĩa (r = – 0,18, p = 0,04) giữa tầm vận động duỗi và tình trạng rối loạn chức năng vùng cổ ở bệnh nhân đau cổ mãn tính. Đến lượt Rudolfsson và cộng sự [38], họ phát hiện có giảm tầm vận động duỗi tại vị trí cột sống cổ cao và giảm tầm vận động gấp ở vị trí cột sống cổ thấp trên bệnh nhân đau cổ mãn tính. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu với kết cuộc là đau cổ mãn tính đã báo cáo rằng những bệnh nhân bị đau cổ mãn tính có biểu hiện giảm tầm vận động cột sống cổ [21, 24, 39, 40] và giảm sức co cơ cổ đẳng áp tối đa so với nhóm đối chứng khỏe mạnh [11– 15, 39]. Giảm cơ lực vùng cổ có thể là do sự ức chế co cơ tối đa do những cơn đau gây ra. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các nghiên cứu nói trên quan sát thấy mối liên hệ tại cùng một thời điểm, trong khi chúng tôi điều tra mối liên hệ này nhiều năm sau đó. Theo hiểu biết của chúng tôi, có rất ít nghiên cứu điều tra trong một khoảng thời gian dài về mối liên quan giữa cơ lực và/ hoặc khả năng vận động với tình trạng đau/ rối loạn chức năng vùng cổ trong tương lai. Timpka và cộng sự [41], trong một nghiên cứu đoàn hệ quy mô lớn với 17 năm theo dõi đã phát hiện ra rằng sức co cơ đẳng trương toàn bộ thấp ở người trẻ không liên quan đến sự tiến triển của đau cơ vân vùng cổ/ vai, lưng/ hông hay tay/ chân. Theo đánh giá hệ thống của Hamberg-van Reenen và cộng sự [42], các kết quả tương tự đã được báo cáo trên những vùng khác của cơ thể, ngụ ý rằng không có tồn tại mối liên hệ nào giữa cơ lực vùng thân mình, sức bền hay khả năng vận động của cột sống thắt lưng với nguy cơ đau thắt lưng về sau. 

Trong một nghiên cứu trước đó trên 192 phụ nữ từ cùng một quần thể nghiên cứu, sự xuất hiện của chứng đau cổ sau 6 năm không được tiên lượng bởi cơ lực vùng cổ hay tầm vận động thụ động của cột sống cổ [27]. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, chúng tôi không hỏi người tham gia về sự xuất hiện của chứng đau cổ mãn tính hay sử dụng NDI như là thước đo kết quả thu được. Những người tham gia chỉ được hỏi liệu họ có bị đau cổ kể từ lần thực hiện các phép đo đầu tiên vào 6 năm trước và họ đã bị đau cổ tất cả bao nhiêu ngày trong 12 tháng trở lại đây. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ đau cổ mãn tính là 3%, thấp hơn một chút so với khoảng 5% được báo cáo rộng rãi trước đây[6, 7, 29]. Hơn nữa, chỉ số Giảm chức năng cổ ở hầu hết các đối tượng này đều thấp. Điều này là do mô hình nghiên cứu, vì các đối tượng ban đầu là những người trưởng thành khỏe mạnh và không có tiền sử đau cổ. Với những phát hiện hiện tại của chúng tôi và các tài liệu trước đây, có vẻ hợp lý rằng bên cạnh tầm vận động của cột sống cổ và cơ lực, các yếu tố khác cũng tiên lượng tình trạng rối loạn chức năng cổ. Trong một nghiên cứu đoàn hệ theo thời gian của Sihawong và cộng sự [43] kéo dài một năm trên đối tượng nhân viên văn phòng đã cho thấy việc duỗi cổ thường xuyên trong ngày làm việc và chỉ số khối cơ thể cao sẽ tiên lượng chứng đau cổ mãn tính. Hơn nữa, họ cũng phát hiện rằng cường độ cơn đau cao lúc đầu và nhu cầu tâm lý cao trong công việc cũng là các yếu tố tiên lượng đau cổ. Trong một nghiên cứu theo thời gian khác kéo dài một năm của Jun và cộng sự [44] cho thấy những người lớn tuổi với tình trạng gia tăng thời gian sống tĩnh tại, tăng gánh nặng và áp lực công việc cũng là các yếu tố nguy cơ thúc đẩy tiến triển chứng đau cổ. Thêm vào đó, các yếu tố thực thể như giảm sức bền cơ cổ [39] và mất cân đối trục vận động của cột sống [45], nữ giới [46] và bệnh lý đi kèm [47, 48] đã được báo cáo là các yếu tố tiên lượng quan trọng của tình trạng rối loạn chức năng vùng cổ. Về phần các nghiên cứu cắt ngang đã chỉ ra rằng những yếu tố tâm lý xã hội như trầm cảm, lo lắng và sự thảm họa hóa có thể là những yếu tố đưa đến sự tiến triển của chứng đau cổ mãn tính được xác định bằng Chỉ số Giảm chức năng Cổ [49–51]. Tuy nhiên, chỉ một yếu tố thúc đẩy không nhất thiết sẽ gây ra đau cổ mãn tính. Thay vào đó, cần có sự kết hợp của các yếu tố thúc đẩy làm dẫn đến tình trạng này và sự kết hợp như vậy hầu như rất khác nhau giữa các cá nhân khác nhau [47].

Điểm mạnh của nghiên cứu này là thời gian theo dõi kéo dài và tỷ lệ bỏ cuộc thấp. Nghiên cứu cũng có những hạn chế của nó. Quy mô số lượng đối tượng nghiên cứu thuộc nhóm Đau mãn tính quá nhỏ để cho phép phân tích xem liệu cơ lực và tầm vận động cơ cổ có liên quan đến sự tiến triển của chứng đau cổ mãn tính hay không. Hơn nữa, độ tuổi của những người tham gia dao động trong khoảng 40 tuổi nên có thể đưa họ vào các nhóm nguy cơ khác nhau vì một số lý do liên quan đến sức khỏe. Tuy nhiên, yếu tố gây nhiễu này đã được khắc phục một phần nào đó bằng cách sử dụng mô hình hồi quy điều chỉnh theo độ tuổi. Ngoài ra, chúng tôi không có thông tin về việc liệu những người tham gia hiện có tập thể dục thường xuyên theo các phép đo ban đầu hay không, và nếu có, liệu điều này có liên quan đến bất kỳ tỷ lệ phổ biến nào của chứng đau cổ sau 16 năm hay không. Cuối cùng, chúng tôi không biết liệu những kết quả này có áp dụng trên những đối tượng lớn tuổi hay không. Một số nghiên cứu cho thấy cơ lực vùng cổ yếu đi theo tuổi [52, 53] và sự suy giảm yếu có liên quan đến chứng đau cổ [11–16]. Vì vậy, để đào sâu về đề nghiên cứu này một cách cặn kẽ, cần có thêm nghiên cứu theo thời gian với cỡ mẫu lớn hơn gồm những người trưởng thành khỏe mạnh trong nhiều độ tuổi khác nhau và nhiều yếu tố gây nhiễu bên cạnh cơ lực vùng cổ và tầm vận động là cần thiết.

5. Kết luận

Nghiên cứu này không tìm thấy bằng chứng chứng minh rằng lực co cơ đẳng trường của cơ vùng cổ hay tầm vận động thụ động của cột sống cổ có liên quan đến sự xuất hiện của chứng đau cổ và rối loạn chức năng vùng cổ trong tương lai trên nhóm đối tượng nữ giới không mắc chứng đau cổ trước đây. Vì vậy, việc nếu chỉ tầm soát đau cổ hay suy giảm tầm vận động cột sống cổ trên những đối tượng khỏe mạnh không được khuyến cáo cho mục đích dự phòng. Ngoài những phương pháp đánh giá năng lực thể chất này, các yếu tố tiên lượng dài hạn khác như yếu tố nguy cơ tâm lý xã hội và thể chất liên quan đến nghề nghiệp nên được đưa vào các khảo sát theo dõi trong tương lai nhằm tiên lượng chứng đau cổ và các rối loạn chức năng liên quan.

Bảng 1. Các đặc điểm lâm sàng hiện có, cơ lực vùng cổ được đo lần đầu và tầm vận động của cột sống cổ ở những phụ nữ (N=129) đã phản hồi bảng câu hỏi theo dõi trong 16 năm.

BiếnGiá trị của biến
Tuổi, năm, giá trị trung bình (SD)57,3 (11,4)
Chiều cao, cm, giá trị trung bình (SD)165 (6)
Cân nặng, kg, giá trung bình (SD)69,7 (12,0)
Chỉ số khối cơ thể, kg/m2, giá trị trung bình (SD)25,4 (4,0)
Người hút thuốc lá, n (%)15 (10)
Người về hưu, n (%)57 (38)
Hoạt động thể chất vào thời gian rảnh, giờ/ tuần, giá trị trung bình (SD)6,1 (4,3)
Cơ lực
  • Duỗi, N, giá trị trung bình (SD)
192 (30)
  • Gấp, N, giá trị trung bình (SD)
74 (19)
  • Xoay, N, giá trị trung bình (SD)
7,9 (2,1)
Tầm vận động
  • Gấp – duỗi, 0, giá trị trung bình (SD)
166 (18)
  • Xoay quanh trục, 0, giá trị trung bình (SD)
191 (19)
  • Gập uốn bên, 0, giá trị trung bình (SD)
89 (15)

Mối liên hệ giữa cơ lực vùng cổ và tầm vận động cột sống cổ với tình trạng đau và suy giảm chức năng vùng cổ trong tương lai

Hình 1. Sự phân bố tỷ lệ suy giảm chức năng cổ ở những phụ nữ cho phản hồi không có đau cổ, đau cổ không thường xuyên hoặc đau cổ mãn tính trong 16 năm theo dõi.

Link bài gốc: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34715847/

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.

Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.

Đường link liên kết

Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
4

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia