MỚI

Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn sử dụng Tricell Kit

Ngày xuất bản: 16/07/2022
icon-toc-mobile

Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn sử dụng Tricell Kit áp dụng cho Bộ phận Đánh giá chất lượng sản phẩm, Bệnh viện Vinmec.

  • Người thẩm định: Hội đồng khoa học Trung tâm Ứng dụng YHTT&CNC
  • Người phê duyệt: Giám đốc Trung tâm Ứng dụng YHTT&CNC
  • Ngày phát hành: 14/07/2022
  • Ngày hiệu chỉnh: 15/07/2022

1. Mục đích điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn

2. Phạm vi áp dụng điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn

  • Quy trình này áp dụng đối với các nhân viên đã được đào tạo quy trình, thực hiện kỹ thuật điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn tại phòng Đánh giá chất lượng sản phẩm, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.

3. Nguyên lý điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn

  • Nguyên lý cơ bản của quy trình dựa trên sự khác biệt về tỷ trọng giữa các thành phần cơ bản (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương) của máu ngoại vi. Tốc độ và thời gian khác nhau của quá trình ly tâm sẽ giúp phân tách các thành phần máu, giúp loại bỏ được các thành phần không mong muốn. Về cơ bản, máu cuống rốn cũng có các thành phần tương tự máu ngoại vi gồm: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
  • Chu trình ly tâm thứ nhất giúp loại bỏ hồng cầu ra khỏi tổng thể tích máu cuống rốn để thu được huyết tương và toàn bộ lớp buffy-coat. Chu trình ly tâm thứ hai giúp phân tách huyết tương và sản phẩm PRP. Sản phẩm PRP được hoạt hóa bằng CaCl2 giúp loại bỏ hoàn toàn các tế bào, mảnh vỡ tế bào và fibrin để thu sản phẩm cuối cùng là huyết tương chỉ chứa các nhân tố tăng trưởng hòa tan.

Huyết tương giàu tiểu cầu

Quy trình điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn diễn ra nghiêm ngặt

4. Trách nhiệm

Quy trình kỹ thuật điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn để đảm bảo tất cả các kỹ thuật viên, người thực hiện quy trình xét nghiệm cần:

  • Tuân thủ các quy định về an toàn được nêu trong mục 6 của quy trình này.
  • Đọc, hiểu quy trình và được đào tạo trước khi thực hiện quy trình.
  • Tuân thủ đúng và chính xác các bước thực hiện được nêu trong quy trình này.
  • Kiểm tra tính phù hợp của mẫu theo tiêu chuẩn trong mục 8.1 khi tiếp nhận mẫu

5. Định nghĩa và các từ viết tắt

5.1. Định nghĩa

  • Tiểu cầu: Thành phần cơ bản của máu ngoại vi, có chức năng chính trong quá trình đông máu, chứa nhiều protein là các yếu tố tăng trưởng và interleukin có tác dụng kích thích phục hồi một số tổn thương (David M. Dohan, 2009).
  • Huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet Rich Plasma – PRP): Huyết tương chứa nồng độ cao tiểu cầu hoặc các protein chiết xuất từ tiểu cầu (David M. Dohan, 2009).
  • Máu cuống rốn (Umbilical cord blood – UCB): là phần máu còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé.

5.2. Các từ viết tắt

  • UCB-PRP: Umbilical cord blood-derived platelet-rich plasma
  • PB-PRP: Peripheral blood-derived platelet-rich plasma
  • ATSH: An toàn sinh học
  • PID: Patient identity

6. An toàn khi điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn

  • Tuân thủ các hướng dẫn an toàn trong phòng thí nghiệm được quy định trong Sổ tay an toàn, mã số VNCV5.2-STAT của Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec và quy định an toàn sinh học trong Nghị định 103/2016/NĐ-CP.
  • Tuân thủ các quy định về xử lý chất thải y tế được quy định trong thông tư liên tịch số 58/2015/TT-BYT-BTNMT và Quy trình thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn y tế, mã số 01418 của Bệnh viện Vinmec.
  • Tuân thủ quy trình xử lý tràn đổ theo văn bản VMEC.III.4.3.1.2.11.003/V0 của Bệnh viện Vinmec.
  • Nhân viên thực hiện điều chế huyết tương giàu tiểu cầu cần được đào tạo về quy trình này trước khi thực hiện độc lập.

7. Thiết bị/vật tư tiêu hao/hóa chất điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn

7.1. Thiết bị điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn

Tên trang thiết bị

Model/Hãng (SN)

Tủ an toàn sinh học

Class II A2/Thermo Scientific, 1386

Máy ly tâm Fleta 40P

Fleta 40P REV – MED inc, Korea

7.2. Vật tư tiêu hao

Tên dụng cụ

Cat. Number/Hãng

Cryotube 2 ml

430659/ Corning, Mỹ

Bơm tiêm 50 ml

Terumo, Mỹ

Bơm tiêm 5 ml

Terumo, Mỹ

Kim 18 G

NN 1838R/ Terumo,Nhật Bản

Falcon 50ml

Corning, Mỹ

Gạc vô khuẩn

Việt Nam

Găng tay phẫu thuật

INTW0865/ Indonesia

Khẩu trang

Medipro, Việt Nam

Thanh Bình, Việt Nam

Bao giầy

Thanh Bình, Việt Nam

7.3. Hóa chất

Tên hóa chất/kit

Cat. Number/Hãng

Điều kiện bảo quản

Tricell PRP kit

REV-MED Inc., Korea

 

Cồn betadine

Việt Nam

Nhiệt độ phòng

Cồn 70%

Việt Nam

Nhiệt độ phòng

Calcium Activator Solution

AdiStem, Australia

2 – 8 oC

8. Quy trình kỹ thuật thực hiện điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn

8.1. Tiếp nhận mẫu

  • Mẫu máu cuống rốn được các kỹ thuật viên nhóm Biobank thu thập vào các túi đựng mẫu chuyên biệt và chuyển sang phòng Đánh giá Chất lượng sản phẩm, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
  • Người thực hiện quy trình tiếp nhận mẫu huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn, đối chiếu tiêu chuẩn chấp nhận mẫu. Tiêu chuẩn chấp nhận mẫu bao gồm:
    • 01 túi mẫu chứa mẫu máu cuống rốn đầy, không bị đông, rò rỉ
    • Túi chứa mẫu được dán PID, gửi kèm chỉ định về các xét nghiệm sàng lọc các bệnh truyền nhiễm kèm theo

8.2. Chuẩn bị thực hiện quy trình điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn

  • Bật tủ ATSH
  • Chuẩn bị phiếu thực hiện điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn, phiếu thông tin sản phẩm
  • Chuẩn bị hóa chất, vật tư cần thiết
  • Thực hiện rửa tay ngoại khoa và mặc đồ vô khuẩn

8.3. Các bước tiến hành điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn

Bước 1: Chuyển mẫu máu vào Kit Tricell trong tủ ATSH

  • Chuẩn bị 02-03 Kit Tricell (tùy thuộc vào tổng thể tích máu thu được), dán PID của bệnh nhân lên thân kit
  • Dùng cồn betadine khử khuẩn túi mẫu máu cuống rốn
  • Dùng bơm tiêm 50ml gắn kim 18G hút mẫu máu cuống rốn từ van khóa của túi mẫu và chuyển vào Kit Tricell qua cổng bơm mẫu.
  • Khóa chặt van khí.

Bước 2: Ly tâm lần 1 loại bỏ hồng cầu

  • Cân kit Tricell có chứa máu và chuẩn bị đối trọng
  • Cho Kit Tricell chứa mẫu và đối trọng vào máy ly tâm, cài đặt chương trình ly tâm 3200 rpm trong 5 phút và chạy máy
  • Khi máy ly tâm dừng, quay nắp ở khoang hồng cầu để đẩy toàn bộ lớp buffy coat lên khoang chứa huyết tương (có thể đẩy một lượng nhỏ hồng cầu lên khoang chứa huyết tương).
  • Đóng chốt cách ly hai khoang hồng cầu và huyết tương, lắc đều huyết tương

Điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn

Quy trình điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn tại Vinmec

Bước 3: Ly tâm lần 2 thu huyết tương giàu tiểu cầu

  • Ly tâm lần 2 theo chương trình ly tâm 3300 rpm trong 3 phút và chạy máy
  • Đóng chốt cách ly huyết tương giàu tiểu cầu và huyết tương nghèo tiểu cầu, lắc đều huyết tương giàu tiểu cầu

Bước 4: Thu huyết tương giàu tiểu cầu vào bơm kim tiêm trong tủ ATSH

  • Sử dụng 02 bơm tiêm 5ml gắn kim 18G thu lại huyết tương giàu tiểu cầu (UCB-PRP) và tương nghèo tiểu cầu (UCB-PPP)
  • Chuyển sản phẩm UCB-PRP sang ống Falcon 50ml
  • Dán PID trên ống Falcon.

Bước 5: Hoạt hóa tiểu cầu

  • Bổ sung 1ml dung dịch Calcium Activator Solution, AdiStem vào sản phẩm PRP
  • Vortex mẫu, ủ ấm ở 37°C trong 2 tiếng

Bước 6: Thu sản phẩm PRP

  • Ly tâm mẫu UCB-PRP và UCB-PPP ở 3000 rpm trong 5 phút để loại bỏ kết tủa
  • Thu mẫu huyết tương giàu tiểu cầu vào các ống corning và bảo quản ở -80°C cho tới khi sử dụng

Bước 7: Hoàn thiện hồ sơ

  • Điền thông tin thực hiện quy trình vào Phiếu thực hiện điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn, Phiếu thông tin sản phẩm huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn và Sổ theo dõi dịch vụ điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn.

Chú ý:

  • Thao tác bơm, hút cần thực hiện trong tủ an toàn sinh học.
  • Ống sử dụng cần được dán/ghi PID

9. Kiểm soát chất lượng 

  • Mẫu máu cuống rốn được thực hiện các xét nghiệm sàng lọc bệnh truyền nhiễm (HIV, HBV, HCV, Giang mai, CMV).
  • Các sản phẩm thu được (UCB-PRP và UCB-PPP) được đánh giá hàm lượng tiểu cầu so với mẫu máu cuống rốn ban đầu.

10. Xử lý mẫu, dụng cụ, chất thải sau khi hoàn tất điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn

  • Loại bỏ túi chứa mẫu, ống Falcon, bơm kim tiêm đã sử dụng, dụng cụ đựng mẫu, dụng cụ hút theo quy trình xử lý chất thải.
  • Vệ sinh bề mặt làm việc của tủ an toàn sinh học, máy ly tâm bằng dung dịch Virusolve và cồn 70%

11. Biểu mẫu điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn

  • Phiếu thực hiện điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn
  • Phiếu thông tin sản phẩm huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn
  • Bảng kiểm tuân thủ quy trình thực hiện điều chế huyết tương giàu tiểu cầu từ máu cuống rốn

Tài liệu tham khảo

  1. Nghị định 103/2016/NĐ-CP, “Quy định về đảm bảo an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm”.

  2. Thông tư liên tịch số 58/2015/TT-BYT- BTNMT, “Quy định về quản lý chất thải y tế”.

  3. Sổ tay an toàn, mã số VNCV5.2-STAT.

  4. Quy trình thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn y tế, mã số 01418 của Bệnh viện Vinmec. Hướng dẫn xử lý tràn đổ VMEC.III.4.3.1.2.11.003/V0.

  5. David M. Dohan Ehrenfest, Lars Rasmusson and Tomas Albrektsson (2008), “Classification of platelet concentrates: from pure platelet-rich plasma (P-PRP) to leucocyte- and platelet rich fibrin (L-PRF)”. Cell Press, doi:10.1016/j.tibtech. 2008.11.009

  6. Marx et al (2001), “Platelet rich plasma (PRP): What is PRP and What is not PRP?”

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của VinmecDr. Việc sao chép, sử dụng phải được VinmecDr chấp thuận trước bằng văn bản.

Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.

Đường link liên kết

VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
370

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia