Đối chiếu hình ảnh siêu âm qua thóp theo phân loại Sarnat trên trẻ sơ sinh đủ tháng bị bệnh não thiếu oxy – thiếu máu cục bộ
Bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ (HIE) là một tổn thương của thai và trẻ sơ sinh do thiếu oxy và thiếu tưới máu đến các cơ quan, là nguyên nhân quan trọng về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh.
Tác giả: Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phan Danh, Phạm Thu Nga
Đơn vị công tác: Đại học Y Hà Nội
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Chưa có nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa mức độ nặng của bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ (HIE) theo Sarnat và siêu âm qua thóp.
Mục tiêu: Tìm mối liên quan giữa hình ảnh tổn thương não trên siêu âm qua thóp và phân loại Sarnat ở trẻ sơ sinh đủ tháng bị bệnh HIE.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả tiến cứu trên 33 trẻ sơ sinh đủ tháng bị bệnh não do HIE tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 08/2019 đến tháng 05/2020.
Kết quả: Các hình ảnh tổn thương trên siêu âm qua thóp ngày thứ 3 chiếm tỷ lệ cao nhất là phù não, não thất hẹp 24,4% (Sarnat mức độ vừa chiếm 75%); tăng âm hạch nền, đồi thị, nhân não 9,1% (Sarnat mức độ vừa chiếm 100%); và xuất huyết não thất 9,1% (Sarnat mức độ vừa chiếm 66,7%). Sử dụng kiểm định Fisher’s Exact, p=0,04 (p<0,05) với khoảng tin cậy 95%.
Kết luận: Có mối liên quan giữa phân loại lâm sàng theo Sarnat ngày thứ 3 và hình ảnh tổn thương não trên siêu âm qua thóp.
1. Đặt vấn đề
Nội dung bài viết
Bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ (HIE) là một tổn thương của thai và trẻ sơ sinh do thiếu oxy và thiếu tưới máu đến các cơ quan, là nguyên nhân quan trọng về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh[1].
Đánh giá mức độ của bệnh não do thiếu oxy- thiếu máu cục bộ theo bảng Sarnat cải tiến, chia ba mức nhẹ, vừa, nặng[2]. Ở những trẻ có bệnh HIE nặng, tỷ lệ tử vong chiếm 50-70%, trong số những trẻ được cứu sống, trên 80% có di chứng nghiêm trọng về phát triển tâm thần vận động [3],[4].
Siêu âm qua thóp được sử dụng rộng rãi để đánh giá tổn thương não ở trẻ sơ sinh bị bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ vì là một biện pháp cho hình ảnh trung thực về cấu trúc não với độ nhạy và độ đặc hiệu tương đối cao 80-90% [5]. Là một kỹ thuật không xâm lấn, dễ thực hiện, rẻ tiền, làm ngay tại giường bệnh và có thể lặp lại nhiều lần ở các thời điểm khác nhau để đánh giá tiến triển của bệnh.
Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về siêu âm qua thóp trong chẩn đoán cũng như tiên lượng bệnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn ít nghiên cứu về vai trò của siêu âm qua thóp trong đánh giá tổn thương não ở trẻ sơ sinh bị bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ, đặc biệt là hình ảnh tổn thương não trên siêu âm qua thóp theo phân loại Sarnat.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
- Trẻ sơ sinh đủ tháng bị bệnh não thiếu oxy – thiếu máu cục bộ thỏa mãn tiêu chuẩn sau: Tuổi thai ≥ 37 tuần, nhập viện trong 24 giờ sau sinh, bị HIE theo phân loại Sarnat.
- Tiêu chuẩn loại trừ: Trẻ có dị tật não bẩm sinh hoặc dị tật bẩm sinh nặng khác, nhiễm khuẩn sơ sinh nặng, sốc, hình thể ngoài bất thường.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Địa điểm và thời gian nghiên cứu: Khoa Sơ sinh – BV Nhi Trung ương từ tháng 8/2019- tháng 5/2020.
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả tiến cứu.
Tất cả bệnh nhân thỏa mãn tiêu chuẩn được đánh giá lâm sàng theo phân loại Sarnat và siêu âm qua thóp vào ba thời điểm trong 24 giờ đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 7 của quá trình bệnh.
Xử lý số liệu
Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.
3. Kết quả nghiên cứu
Từ tháng 8/2019 đến tháng 5/2020 chúng tôi thu thập được 33 trẻ đủ tháng đủ tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu. Tuổi thai trung bình là 39,0±1,0 tuần tuổi, cân nặng lúc sinh trung bình là 3166,8±435,1gram, vòng đầu trung bình là 33,4 ± 1,5cm.
Bảng 1. Một số biểu hiện lâm sàng theo phân loại Sarnat lúc vào viện
Nhận xét:
- Dấu hiệu thần kinh thường gặp ở trẻ bị bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ là li bì chiếm 81,8%, sau đó đến kích thích 9,1%.
- Vận động tự nhiên giảm và tư thế đầu xa gấp, phần thân duỗi chiếm tỷ lệ cao nhất đều là 72,7%. Có 12,1% trẻ có biểu hiện co giật và đều là co giật toàn thân. Các biểu hiện khác hay gặp như nhịp thở không đều 81,8%, nhịp tim từ 100-160: 90,9%, và bú yếu 81,8%.
Biểu đồ 1. Phân loại mức độ nặng của HIE theo Sarnat
Nhận xét: Trong hai thời điểm 24 giờ đầu và sau 72 giờ, số trẻ bị HIE ở mức độ vừa chiếm tỷ lệ cao nhất là 84,8% và 63,6%. Sau một tuần, số trẻ bị HIE chủ yếu ở mức độ nhẹ 72,7%.
Bảng 2. Hình ảnh tổn thương não trên siêu âm thóp theo Sarnat ngày 1
Nhận xét:
Hình ảnh phù não, não thất hẹp là tổn thương chiếm tỷ lệ cao nhất (45,5%) trên siêu âm qua thóp ngày thứ nhất. Sử dụng kiểm định Fisher’s Exact, p=0,35 (p>0,05). Như vậy không có mối liên quan giữa hình ảnh phù não, não thất hẹp với mức độ nhẹ, vừa, nặng theo Sarnat ngày thứ nhất.
Bảng 3. Hình ảnh tổn thương não trên siêu âm thóp theo Sarnat ngày 3
Nhận xét: Các hình ảnh tổn thương trên siêu âm qua thóp ngày thứ 3 chiếm tỷ lệ cao nhất là phù não, não thất hẹp 24,4% (Sarnat mức độ vừa chiếm 75%); tăng âm hạch nền, đồi thị, nhân não 9,1% (Sarnat mức độ vừa chiếm 100%); và xuất huyết não thất 9,1% (Sarnat mức độ vừa chiếm 66,7%). Sử dụng kiểm định Fisher’s Exact, p=0,04 (p<0,05). Như vậy có mối liên quan giữa tổn thương phù não, não thất hẹp; tăng âm hạch nền, đồi thị, nhân não; xuất huyết não thất và nhóm có phân loại Sarnat ngày thứ 3 mức độ vừa với độ tin cậy 95%.
Bảng 4. Hình ảnh tổn thương não trên siêu âm thóp theo Sarnat ngày 7
Nhận xét: Các hình ảnh tổn thương trên siêu âm qua thóp ngày thứ 7 chiếm tỷ lệ cao nhất là tăng âm hạch nền, đồi thị, nhân não 24,4% (Sarnat mức độ nhẹ chiếm 50%); tăng âm đồi thị 12,1% (Sarnat mức độ nhẹ chiếm 75%); và xuất huyết não thất 12,1% (Sarnat mức độ nhẹ chiếm 100%). Sử dụng kiểm định Fisher’s Exact, p=0,212 (p>0,05). Như vậy không có mối liên quan giữa tổn thương tăng âm hạch nền, đồi thị, nhân não; tăng âm đồi thị đơn thuần; xuất huyết não thất với mức độ nhẹ, vừa, nặng theo Sarnat ngày thứ 7.
4. Bàn luận
Có nhiều cơ quan bị tổn thương ở trẻ sơ sinh bị thiếu oxy-thiếu máu cục bộ, để lại hậu quả nặng nề như chậm phát triển tâm thần vận động, bại não, động kinh, thậm chí tử vong. Các triệu chứng nổi bật ở trẻ bị bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ (HIE) là các biểu hiện thần kinh như li bì 81,8%, giảm vận động 72,7%, giảm phản xạ mút 81,8%. Ngoài ra các biểu hiện ở cơ quan hô hấp cũng phổ biến như thở không đều 81,8% và ngừng thở 15,2%. Tỷ lệ trẻ co giật trong nghiên cứu của chúng tôi là 12,1%, thấp hơn so với nghiên cứu ở 72 trẻ HIE của Nguyễn Văn Thắng và các cộng sự có 54% trẻ có có giật [6] và một nghiên cứu khác của Miller trên 90 trẻ HIE có 37% trẻ có co giật [7]. Có thể do khác nhau về cỡ mẫu cũng như cách định nghĩa co giật trên lâm sàng hay trên điện não đồ.
Tại thời điểm 24 giờ đầu tỷ lệ bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ mức độ vừa chiếm tỷ lệ cao nhất là 84,8%, mức độ nhẹ chiếm 6,1%. Sau 3 ngày mức độ vừa giảm xuống 63,6% và mức độ nhẹ tăng lên 30,3%. Và sau 7 ngày mức độ nhẹ chiếm đa số là 72,7%. Có thể lý giải sự tiến triển tốt lên này một phần do tác dụng của quá trình điều trị và việc làm mát não (hầu hết bệnh nhân của chúng tôi đều được trải qua quá trình làm mát não trong 3 ngày đầu).
Tất cả bệnh nhân của chúng tôi đều được siêu âm qua thóp vào ba thời điểm trong 24 giờ đầu, ngày 3 và ngày 7. Hình ảnh tổn thương phù não, não thất hẹp trong 24 giờ đầu và lúc 3 ngày tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất lần lượt là 45,5% và 24,2%. Lúc 7 ngày tuổi, tăng âm hạch nền, đồi thị, nhân não là tổn thương hay gặp nhất 24,2%. Điều này cũng phù hợp với sinh lý bệnh học của tổn thương trong bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ.
Có mối liên quan giữa phân loại lâm sàng theo Sarnat ngày thứ 3 và hình ảnh tổn thương não trên siêu âm qua thóp. Cụ thể, phân loại Sarnat ngày thứ 3 mức độ vừa có liên quan đến tổn thương phù não, não thất hẹp; tăng âm hạch nền, đồi thị, nhân não và xuất huyết não thất trên siêu âm qua thóp với độ tin cậy 95% tuân theo kiểm định Fisher’s Exact, p=0,04 (p<0,05). Mặt khác, không có mối liên quan giữa tổn thương trên siêu âm qua thóp và phân loại theo Sarnat ở 2 thời điểm trong 24 giờ và lúc 7 ngày tuổi. Có thể lý giải được điều này vì trong 24 giờ đầu bệnh nhân thường nặng nên phân loại lâm sàng theo Sarnat thường ở mức độ vừa hoặc nặng, tuy nhiên, các hình ảnh đặc trưng của HIE có thể chưa xuất hiện. Tương tự, ngày thứ 7 bệnh nhân thường cải thiện về mặt lâm sàng, tuy nhiên các hình ảnh của thiếu oxy-thiếu máu cục bộ trên siêu âm thóp lúc này đã rõ ràng hơn.
5. Kết luận
Có mối liên quan giữa phân loại lâm sàng theo Sarnat ngày thứ 3 và hình ảnh tổn thương não trên siêu âm qua thóp. Vì vậy, ngoài đánh giá lâm sàng theo Sarnat lúc nhập viện thì đánh giá Sarnat ngày thứ 3 là cần thiết và có ý nghĩa góp phần tiên lượng ở bệnh nhân bị bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Volpe JJ (2001), “Hypoxic ischemic encephalopathy: Clinical aspects”,In: Neurology of the newborn, WB Saunders, Philadelphia.
- Kurinczuk J.J., White-Koning M., and Badawi N. (2010). Epidemiology of neonatal encephalopathy and hypoxic–ischaemic encephalopathy. Early Hum Dev, 86(6), 329-338.
- Shankaran S., Woldt E., Koepke T., et al. (1991). Acute neonatal morbidity and long-term central nervous system sequelae of perinatal asphyxia in term infants. Early Hum Dev, 25(2), 135-148.
- Simon N.P. (1999). Long – term neurodevelopmental outcome of asphyxiated newborns. Clin Perinatol, 26(3), 767-778.
- Heibel M., Heber R., Bechinger D., et al. (1993). Early diagnosis of perinatal cerebral lesions in apparently normal full-term newborns by ultrasound of the brain. Neuroradiology, 35(2), 85-91.
- Nguyễn Văn Thắng và cộng sự (2009), Nghiên cứu ảnh hưởng của tổn thương não do thiếu oxy ở trẻ sơ sinh đẻ ngạt đến sự phát triển thể chất, tâm-vận động trẻ em từ sơ sinh đến 2 tuổi, Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ.
- P.,ZaleskiC.G.,andPattonA.C.(2006). Neonatal Hypoxic-Ischemic Encephalopathy: Multimodality Imaging Findings. RadioGraphics, 26 (suppl_1), S159-S172.
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết
Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.