Đánh giá và Điều trị Tăng huyết áp ở người trẻ
Tác giả: Thomas C. Hinton1, Zoe H. Adams1, Richard P. Baker2, Katrina A. Hope1, Julian F.R. Paton1, Emma C. Hart1 and Angus K. Nightingale1
Nơi công tác:
- 1Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đại học Bristol và NHS Foundation Trust, Vương quốc Anh.
- 2Khoa Sinh lý, Viện nghiên cứu Y tế và Khoa học sức khỏe, Đại học Auckland, New Zealand
Xuất bản: 18/11/2019 trên AHA Journals
Tóm tắt
Tăng huyết áp khá phổ biến ở người trẻ, ảnh hưởng tới 1 trên 8 người trưởng thành trong độ tuổi từ 20 tới 40. Con số này có vẻ như tăng lên do những thói quen sống và việc giảm ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp. Dù cho cơ chế chưa được hiểu rõ nhưng những yếu tố đầu đời (Early-life factor) có gây ảnh hưởng lên huyết áp khi theo dõi sát huyết áp ở những cá nhân từ lúc thiếu niên cho tới khi già. Huyết áp cao ở người trẻ có liên quan tới những bất thường trong kết quả hình ảnh học của tim, não bộ và làm tăng nguy cơ các biến chứng tim mạch ở tuổi trung niên. Tuy nhiên, ở người trẻ thì tỷ lệ chẩn đoán còn thấp và việc điều trị thường chậm trễ. Điều này phản ánh sự thiếu hụt những bằng chứng có giá trị về việc giảm huyết áp ở người trẻ giúp sẽ cải thiện kết quả tim mạch ở giai đoạn về sau.
Trong bài báo cáo này, chúng tôi đánh giá những bằng chứng hiện tại liên quan tới mối quan hệ giữa huyết áp ở người trẻ và những kết quả tim mạch xấu ở giai đoạn về sau. Kèm theo đó, chúng tôi trao đổi về việc người trẻ có tăng huyết áp nên được đánh giá những nguyên nhân thứ phát gây tăng huyết áp. Thứ ba, chúng tôi đánh giá những mô hình hiện tại dùng để đánh giá nguy cơ tim mạch và chỉ ra một sự thiếu hụt đánh giá ở nhóm những người trẻ tuổi. Thứ tư, chúng tôi đánh giá bằng chứng về thay đổi lối sống ở nhóm tuổi này và mô tả sự thiếu duy trì trong việc giảm huyết áp từ khi can thiệp bước đầu được đưa ra. Thứ năm, chúng tôi đưa ra những ưu điểm và nhược điểm của các thuốc điều trị tăng huyết áp ở người trẻ. Cuối cùng, có những biến cố đặc biệt trong cuộc sống ở người trẻ ví dụ như mang thai cần những lời khuyên cụ thể trong việc quản lý và điều trị huyết áp.
Tăng huyết áp ảnh hưởng tới một phần tư dân số toàn cầu và nó là yếu tố nguy cơ có thể thay thế đứng hàng đầu với bệnh tật và tử vong do tim mạch. Trước đây, điều trị có xu hướng tập trung vào những cá nhân có nguy cơ biến cố tim mạch 10 năm cao nhất và tuổi cao trở thành một yếu tố cốt lõi. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tăng huyết áp ở người trẻ làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch ở độ tuổi trung niên. Nó tham gia vào việc khởi phát bệnh mạch vành, suy tim, đột quỵ và thiếu máu não thoáng qua xảy ra sớm hơn. Dù với những hướng dẫn cấp quốc gia tốt hiện có nhưng chúng lại không có nhiều hiệu quả cho những người trẻ có nguy cơ thấp mắc tăng huyết áp như với người lớn tuổi. Hơn nữa, việc đánh giá nguy cơ là một thách thức ở những bệnh nhân trẻ tuổi bởi giới hạn về giá trị và tập trung vào huyết áp tâm thu (SBP) vốn ít liên quan tới những kết quả về tim mạch.
Sự xác định người trẻ trong các hướng dẫn rất đa dạng như dưới 50, 40 hay 30 tuổi. Trên toàn cầu, ước tính tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp vào năm 2000 ở người trưởng thành trong độ tuổi 20 tới 29 là 12.7% ở đàn ông và 7.4% ở phụ nữ, con số này tăng lên 18.4% ở đàn ông và 12.6% ở phụ nữ với độ tuổi từ 30 tới 39. Tỷ lệ mắc ước tính của tăng huyết áp trong độ tuổi từ 18 tới 39 tuổi tại Hoa Kỳ (2011-2012) là 7.3%. Cả hai nghiên cứu đều xác định tăng huyết áp là khi huyết áp trung bình trên 140/90 mmHg hoặc có sử dụng thuốc hạ áp. Gần đây hơn, việc xác định tăng huyết áp được mở rộng ra thành huyết áp trên 130/80 mmHg bởi Hướng dẫn thực hành Tăng huyết áp của Hội Tim mạch học Hoa Kỳ (ACC)/ Hiệp Hội Tim Mỹ (AHA) năm 2017 và do đó tỷ lệ mắc tăng huyết áp theo tiêu chuẩn này cao hơn so với những báo cáo trước đó. Ngoài ra, với những nhóm dân số được lựa chọn thì tỷ lệ mắc tăng huyết áp có thể cao hơn ví dụ người da đen có tỷ lệ mắc tăng huyết áp cao gấp hai lần so với người da trắng cũng như có tỷ lệ kiểm soát huyết áp thấp hơn.
Huyết áp ở người trưởng thành có thể được xác định bởi nhiều yếu tố xảy ra trong nhiều năm trước đó. Barker đã đề xuất giả thuyết về nguồn gốc phát triển của bệnh tật và sức khỏe trong đó quỹ đạo theo thời gian của tăng huyết áp đã được lên chương trình trong thời gian chu sinh. Dù cho sự hạn chế phát triển của thai nhi có thể đóng vai trò nhất định nhưng những yếu tố khác ví dụ như di truyền và sự ảnh hưởng của môi trường có thể lại có ý nghĩa hơn. Điều này được củng cố bởi những nghiên cứu cho thấy ở những thanh thiếu niên có mẹ từng mắc những rối loạn về huyết áp trong thai kỳ thì có huyết áp cao hơn và những người trẻ được sinh non có tỷ lệ sử dụng thuốc tăng huyết áp cao hơn. Nói chung, sự thay đổi về hệ tim mạch ở những người sinh non hoặc có cân nặng lúc sinh thấp đã được ghi chép lại chi tiết. Những yếu tố nguy cơ gây xuất hiện tăng huyết áp ở người trẻ đã được khám phá thông qua một số nghiên cứu lớn.
Tăng huyết áp có thể có những tác động có hại lên sức khỏe dù cho là ở người trẻ. Trong ngắn hạn, nó liên quan tới tỷ lệ phì đại thất trái cao hơn và sự thay đổi về thể tích não và thể tích chất trắng cường độ cao gợi ý rằng tăng huyết áp ở người trẻ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch và thần kinh. Nghiên cứu Strong Heart đánh giá những đặc điểm lâm sàng và siêu âm tim ở 1940 người Mỹ có độ tuổi từ 14 tới 39. Những người có tiền tăng huyết áp (huyết áp trong khoảng 120-130/80-89 mmHg) và tăng huyết áp (huyết áp >= 140/90 hoặc sử dụng các thuốc tăng huyết áp) có tỷ lệ phì đại thất trái cao hơn so với những người huyết áp bình thường trong cùng độ tuổi. Trong dài hạn, nhiều nghiên cứu cho thấy tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong do tim mạch ở người trẻ mắc tăng huyết áp. Hơn nữa, huyết áp đã được chứng minh là liên quan chặt chẽ với tuổi nghĩa là những người tăng huyết áp khi còn trẻ nhiều khả năng sẽ tăng huyết áp khi về già.
Sundstrom sử dụng dữ liệu từ 1,2 triệu nam giới Thụy Điển (độ tuổi trung bình là 18) tham gia nghĩa vụ quân sự từ 1969 tới 1995, khi theo dõi đã cho thấy mối liên quan trực tiếp giữa huyết áp nền và tỷ lệ tử vong do tim mạch. Nghiên cứu theo chiều dọc CARDIA (Sự phát triển của nguy cơ bệnh mạch vành ở người trẻ tuổi) quan trọng trong việc phát hiện sự tham gia của những yếu tố nguy cơ đầu đời dẫn tới sự phát triển của bệnh mạch vành khi về già. Nghiên cứu thuần tập ở 5115 người trẻ ở Mỹ trong độ tuổi từ 18 tới 30 đã cho thấy tăng huyết áp tâm thu so với huyết áp nền có giá trị dự đoán vôi hóa mạch vành trong 15 năm tiếp theo cao hơn so với hồ sơ yếu tố nguy cơ tại các mốc thời gian theo dõi. Ngoài ra, một phân tích đoàn hệ dữ liệu CARDIA đã cho thấy một nguy cơ cao hơn có ý nghĩa về bệnh tim mạch ở những người tăng huyết áp (được xác định bởi hướng dẫn năm 2017 của ACC/AHA) so với huyết áp bình thường (<120/80 mmHg) ở những người dưới 40 tuổi ở huyết áp nền.
Điều này cho thấy sự ảnh hưởng của những yếu tố nguy cơ đầu đời lên sức khỏe dài hạn và hiểu rằng có thể việc trì hoãn cải thiện sức khỏe tim mạch cho tới lúc trung niên là không phù hợp. Việc này quan trọng bởi những bệnh nhân tăng huyết áp dưới 40 tuổi có ít hiểu biết hơn, tỷ lệ chẩn đoán muộn hơn và việc kiểm soát huyết áp kém hơn so với những bệnh nhân lớn tuổi. Một nghiên cứu gần đây xác định những rào cản lớn để kiểm soát huyết áp tốt ở những người trẻ. Chúng bao gồm các vấn đề tâm lý của xã hội (ví dụ, những cân nhắc liên quan tới sự phát tán hồ sơ sức khỏe của người trẻ) và quản lý những mối bận tâm (ví dụ, những loại thuốc điều trị phù hợp dành cho phụ nữ đang cho con bú). Nhiều người được hỏi lo ngại về lợi ích cũng như nguy cơ của điều trị, sợ chẩn đoán sai (và có thể ảnh hưởng tới bảo hiểm nhân thọ), việc tuân thủ, theo dõi và phân bổ nguồn lực. Những vấn đề này đã được bàn luận kĩ càng, những nhà chăm sóc ban đầu nhấn mạnh mối bận tâm về việc những hướng dẫn cấp quốc gia mới có thể dẫn tới chẩn đoán quá mức và điều trị quá mức.
Đọc bài viết chi tiết tại đây.
Bình luận0
Bài viết liên quan
Bài viết cùng chuyên gia
