Bản tin Dược lâm sàng: Cập nhật thông tin cảnh giác dược về kháng sinh Macrolid trên phụ nữ có thai, số 07.2020
Bản tin dược lâm sàng số 7 và cập nhật thông tin cảnh giác dược về kháng sinh macrolid trên phụ nữ có thai 2.2020 áp dụng cho bộ phận Dược lâm sàng
Tác giả: Phan Quỳnh Lan, Đỗ Thanh Hải
Ngày phát hành: 7/2020
- Cảnh giác dược về kháng sinh macrolid trên phụ nữ có thai 2.2020
- Macrolid là một trong những nhóm thuốc kháng sinh được kê đơn phổ biến ở cho phụ nữ có thai. Thuốc thường được chỉ định trong các trường hợp viêm phần phụ do nhiễm Chlamydia [3], hoặc các bệnh viêm đường hô hấp do vi khuẩn [4], đặc biệt khi bệnh nhân có tiền sử dị ứng với nhóm kháng sinh Penicillin.
- Tháng 2 năm 2020, kết quả nghiên cứu quan sát của Heng Fan và cộng sự trong 20 năm (1996- 2016) trên 104.605 trẻ tại Anh được công bố đã khiến các nhà lâm sàng quan ngại khi lựa chọn kháng sinh macrolid trong thai kỳ. Nghiên cứu chỉ ra: sử dụng kháng sinh macrolid (Erythromycin, clarithromycin hoặc azithromycin) trong ba tháng đầu thai kỳ có liên quan đến tăng 1,5 lần nguy cơ dị tật lớn so với sử dụng kháng sinh penicillin (ARR = 1.55, CI 95% (1.19-2.03), p = 0.001. Trong đó, nguy cơ dị tật tim mạch tăng 1,62 lần (aRR = 1,62, CI 95% (1.05-2.51); p = 0.03) so với nhóm có mẹ sử dụng penicillin. Sử dụng kháng sinh macrolid trong bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ có liên quan đến tăng 1,58 lần nguy cơ dị tật bộ phận sinh dục (Chủ yếu là lỗ tiểu lệch dưới) (ARR = 1,58, CI 95% (1.14-2.19)). Không có mối liên quan nào tới nguy cơ mắc bệnh trên thần kinh (Bại não, động kinh, rối loạn tăng động giảm chú ý hay tự kỷ) được phát hiện [1].
- Tổng quan hệ thống và phân tích meta trước đó (2019) tổng hợp 9 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) và 10 nghiên cứu quan sát cho thấy kết quả không hoàn toàn đồng nhất giữa các nghiên cứu. Ba nghiên cứu quan sát cho thấy macrolid có liên quan đến tăng nguy cơ sảy thai khi dùng trong vòng 5 tháng đầu thai kỳ (Số ca phơi nhiễm cần thiết để xuất hiện một trường hợp gặp tác dụng phụ (NNH)=10 ca trong 6 tuần đầu; NNH=196 ca tại tuần thứ 20 của thai kỳ), trong đó clarithromycin được nghiên cứu nhiều nhất. Không có nghiên cứu RCT nào đánh giá nguy cơ sảy thai. Hai nghiên cứu RCT và hai nghiên cứu quan sát cho thấy nguy cơ thai lưu và tử vong sơ sinh không khác biệt giữa macrolid nhóm so sánh (Nhóm sử dụng các thuốc không có nguy cơ gây dị tật thai nhi: Levothyroxine, penicillin, cephalosporin…). Nguy cơ bại não và động kinh không đồng nhất giữa ba nghiên cứu (2 nghiên cứu RCT không cho thấy nguy cơ và 1 nghiên cứu thuần tập cho thấy kết quả NNH = 245). Về các tiêu chí đánh giá nguy cơ dị tật, chỉ dị tật hệ tiêu hóa có ý nghĩa thống kê trong 1 nghiên cứu thuần tập hồi cứu (NNH = 744) [2].
- Mặc dù không thể tránh khỏi những nhược điểm của thiết kế nghiên cứu quan sát, nghiên cứu năm 2020 của Heng Fan và cộng sự là nghiên cứu có cỡ mẫu lớn nhất từ trước tới nay, thiết kế chặt chẽ, thời gian theo dõi dài. Nghiên cứu là một tín hiệu để sử dụng macrolid thận trọng hơn trong thai kỳ.
- Kết luận:
- Kháng sinh macrolid nên được sử dụng thận trọng trong 3 tháng đầu thai kỳ, trước khi có thêm các hướng dẫn điều trị mới hay các quyết định/thông báo từ cơ quan quản lý Dược uy tín.
- Kháng sinh nhóm beta lactam là lựa chọn ưu tiên trong điều trị phần lớn các bệnh nhiễm khuẩn ở phụ nữ có thai. Trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử dị ứng kháng sinh penicillin trước đó, nhân viên y tế cần khai thác và đánh giá kỹ để đảm bảo không đánh giá nhầm tình trạng dị ứng và không dùng thuốc; cần hội chẩn với dược sĩ/bác sĩ dị ứng lâm sàng để có thể lựa chọn kháng sinh betalactam khác không có nguy cơ dị ứng chéo.
Các chữ viết tắt
- ARR (Adjusted risk ratio): Tỷ số rủi ro được hiệu chỉnh
- CI 95% (Confidence interval 95%): Khoảng tin cậy 95% – Nếu lặp lại nghiên cứu này 100 lần thì 95% các kết quả sẽ nằm trong khoảng số liệu.
- NNH (Number needed to harm): Số ca phơi nhiễm với thuốc cần thiết để xuất hiện một ca gặp tác dụng phụ
- RCT (Randomized controlled trial): Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng
Tài liệu tham khảo:
- Fan, H., et al, 2020 “Associations between macrolide antibiotics prescribing during pregnancy and adverse child outcomes in the UK: population based cohort study”, BMJ, 368: p.m331
- Fan, H., et al., 2019 Associations between use of macrolide antibiotics during pregnancy and adverse child outcomes: A systematic review and meta-analysis. Plos ONE, 14 (2)
- Uptodate, “Treatment of Chlamydia trachomatis infection”, truy cập ngày 4.5.2020
- Uptodate, “Treatment of respiratory infections in pregnant women”, truy cập ngày 4.5.2020
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmec. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmec chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmec không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmec không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: Nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết: Vinmec sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmec được liên kết với website www.vinmec.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó