Các phương pháp giảm đau sau điều trị Nội nha
Bài viết này tổng quan về các phương pháp giảm đau sau điều trị nội nha, bằng việc sử dụng các nhóm thuốc giảm đau kháng viêm phổ biến, kết hợp các loại thuốc làm tăng tác dụng, hay sử dụng nhóm Corticosteroid giúp giảm đau chống viêm đều được đề cập. Điều quan trọng là cần kiểm soát kỹ càng các phương pháp giảm đau phù hợp và đưa ra chỉ định hợp lý cho người bệnh.
1. Thuốc kháng viêm không steroid – Phương pháp giảm đau phổ biến
Nội dung bài viết
Lựa chọn đầu tiên của thuốc giảm đau trong điều trị đau răng, kể cả đau sau điều trị, là các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), chúng bao gồm các thuốc giảm đau thông thường có bán sẵn như ibuprofen, aspirin và naproxen. Vì viêm là một cơ chế góp phần quan trọng gây đau răng nên thuốc kháng viêm sẽ làm giảm đau khá hiệu quả. Ibuprofen hiệu quả hơn aspirin, acetaminophen hoặc các thuốc phối hợp như vicodin có chứa acetaminophen hay một số dạng thuốc phiện như hydrocodone, để giảm đau sau điều trị trên những bệnh nhân có phẫu thuật miệng. Cũng có những bằng chứng cho thấy ibuprofen là thuốc hiệu quả làm giảm đau sau điều trị nội nha. Điều quan trọng cần lưu ý là những nghiên cứu này thử nghiệm một liều thuốc sau điều trị duy nhất và theo dõi hiệu quả trong 24 giờ hoặc lâu hơn. Việc tiếp tục sử dụng thuốc giảm đau, ở những thời điểm được khuyến cáo, sẽ có tác động lớn đến việc làm giảm đau sau điều trị. Nói tóm lại, một liều ibuprofen duy nhất (400 – 600mg) sử dụng sau điều trị sẽ giúp giảm đau, nhưng vẫn nên tiếp tục sử dụng liều 24 – 48 giờ, mỗi 6 – 8 giờ, ở những bệnh nhân được xác định là an toàn khi sử dụng thuốc (lưu ý đọc thêm về tác dụng phụ của nhóm NSAIDs và tương tác thuốc)
2. Thuốc phối hợp ibuprofen và acetaminophen
Có rất nhiều bằng chứng đáng tin cậy cho rằng sự kết hợp giữa ibuprofen và acetaminophen làm giảm đau tốt hơn chỉ dùng 1 loại thuốc giảm đau đơn thuần trong điều trị đau cấp tính, như đã được mô tả trong một số thử nghiệm lâm sàng có đối chứng và được tóm tắt trong các bài tổng hợp Cochrane gần đây. Cũng có nhiều bằng chứng về hiệu quả của sự kết hợp này, đặc biệt là đối với đau sau điều trị nội nha. Khái niệm sử dụng thuốc giảm đau phối hợp xuất phát từ quan điểm sinh học, vì các thuốc giảm đau khác nhau nhằm vào các đường dẫn truyền đau khác nhau, do đó việc kết hợp các thuốc giảm đau sẽ ngăn chặn các đường dẫn tín hiệu đau rộng rãi hơn nên làm giảm đau tốt hơn. Nên chỉ định thuốc giảm đau phối hợp ibuprofen và acetaminophen khi tiên lượng trước có đau từ vừa tới nặng.
3. Các opioid và thuốc phối hợp opioid
Các thuốc phối hợp opioid như phối hợp acetaminophen và hydrocodone hoặc codeine (ví dụ Vicodin hoặc Tylenol III) thường được chỉ định để điều trị đau răng và đau sau điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, bản thân chúng có tác dụng giảm đau ít hiệu quả hơn so với các thuốc giảm đau sẵn có khác trên thị trường, với đặc tính chống viêm như ibuprofen. Trong những năm gần đây, việc kê toa thuốc giảm đau opioid trở nên phổ biến hơn nên việc sử dụng chúng ngoài phạm vi y khoa và lạm dụng thuốc đã gây ra kết quả tử vong không mong muốn do quá liều. Khi nhìn sâu hơn về xu hướng đáng báo động của việc chỉ định opioid sai mục đích hoặc lạm dụng quá mức này thì các bác sĩ nha khoa được xác định là một nguồn lớn của các đơn thuốc opioid (đứng thứ 2 chỉ sau các bác sĩ gia đình). Điều này tạo ra thực tế là cần chú ý nhiều hơn khi kê đơn các loại thuốc này, vì có khả năng chúng sẽ được sử dụng với mục đích phi y tế chứ không phải cho bệnh nhân. Khi sử dụng cẩn trọng, các thuốc phối hợp opioid có thể được dùng trong những trường hợp đau nặng và NSAID bị chống chỉ định, hoặc đau không thuyên giảm sau sử dụng NSAID hoặc thuốc phối hợp ibuprofen/acetaminophen. Để tránh việc sử dụng sai mục đích lượng thuốc còn sót lại, thời gian dùng thuốc nên chỉ giới hạn trong 24 – 48 giờ, đó là khoảng thời gian mà đau được tiên lượng là nghiêm trọng nhất.
4. Phương pháp giảm đau bằng thuốc steroid
Có hàng loạt các nghiên cứu đánh giá việc sử dụng corticosteroid toàn thân đối với việc làm giảm đau sau điều trị. Nhìn chung, có nhiều bài viết củng cố cho điểm steroid có hiệu quả giúp giảm đau sau điều trị nội nha. Steroid quan toàn thân thường dùng là dexamethasone, sử dụng tiêm bắp hoặc đường uống, làm giảm tỉ lệ và mức độ đau sau điều trị nội nha. Các loại thuốc này cũng có hiệu quả ức chế đau sau điều trị khi sử dụng tại chỗ kể cả trong ống tủy, bằng cách tiêm vào trong dây chằng hoặc tiêm trong xương. Sử dụng thuốc tại chỗ có lợi ích trong việc hạn chế sự tiếp xúc toàn thân với corticosteroid, do đó hạn chế được các phản ứng phụ tiềm ẩn (mặc dù sử dụng steroid ngắn hạn khá an toàn với hầu hết bệnh nhân). Cần làm rõ thêm về các loại đau nội nha đáp ứng tốt nhất với corticosteroid (chẳng hạn như đau do viêm tủy không hồi phục với đau viêm quanh chóp từ một răng có hoại tử tủy hoặc đau bùng phát).
5. Đau dai dẳng sau điều trị Nội nha
Đau dai dẳng sau can thiệp phẫu thuật gần đây đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng chú ý, nhờ vậy tạo ra cơ hội để thực hiện các biện pháp dự phòng ngăn ngừa đau cấp tính chuyển đổi thành đau mãn tính. Mặc dù tỉ lệ xảy ra ít hơn so với các phẫu thuật y khoa lớn, nhưng khả năng đau dai dẳng sau khi thực hiện can thiệp phẫu thuật nha khoa, kể cả điều trị nội nha có phẫu thuật hoặc không phẫu thuật, cắm ghép implant, phẫu thuật trong miệng cũng được công nhận là có xảy ra. Các triệu chứng dai dẳng sau điều trị nội nha có thể do nguyên nhân từ răng như nứt gãy chân răng không được phát hiện hoặc nhiễm trùng tái phát, và có những trường hợp đau dai dẳng vẫn tồn tại dù cho không phát hiện được bệnh lý gì. Trước đây, những cơn đau dai dẳng này được gọi là đau răng không điển hình, hay “đau răng ma” (phantom tooth pain). Thuật ngữ hiện tại là đau xương ổ răng dai dẳng (persistent dentoalveolar pain) hoặc bệnh lý tổn thương thần kinh sinh ba gây đau ngoại vi (peripheral painful traumatic trigeminal neuropathy).
Bệnh lý tổn thương thần kinh sinh ba gây đau ngoại vi (peripheral painful traumatic trigeminal neuropathy)
Mặc dù các cuộc thảo luận liên quan đến tiêu chí phân loại thực thể lâm sàng này vẫn đang được tiến hành, và chắc chắn sẽ còn được tiếp tục, nhưng nó có thể đại diện cho một loại rất đặc biệt khác của đau dai dẳng sau phẫu thuật. Nguyên nhân của đau dai dẳng không do răng sau thủ thuật điều trị nội nha còn chưa biết rõ, nhưng có một số bằng chứng cho thấy các cơ chế về thần kinh có thể liên quan. Cần có nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về cơ chế sinh học góp phần gây ra đau dai dẳng sau điều trị nội nha này.
Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017