Bệnh giun lươn: Chẩn đoán và điều trị
Bệnh giun lươn là một bệnh do nhiễm Strongyloides stercoralis khi ăn thịt cá sống hoặc hải sản sống hoặc chưa chín. Khi con người ăn các loại hải sản này mà chưa được chế biến hoặc chưa chín hẳn, sán lươn hoặc sán giun có thể ăn vào cơ thể con người và gây ra các triệu chứng bệnh giun lươn. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
1. Triệu chứng lâm sàng
Nội dung bài viết
1.1. Thể bệnh thông thường
Triệu chứng thường gặp:
– Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy là triệu chứng thường gặp nhất, có thể kéo dài trên 2 tuần và xen kẽ đợt táo bón.
– Đau bụng: thường đau ở vùng thượng vị, hạ sườn phải kèm theo buồn nôn và nôn.
– Dị ứng: ngứa, nổi mẩn đỏ tại vị trí xâm nhập qua da hoặc dạng ban dát sẩn nổi mề đay kéo dài rải rác toàn thân.
Ngoài ra có thể có các triệu chứng như: Mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút cân, thiếu máu, viêm ruột, viêm loét tá tràng, đại tràng, xuất huyết tiêu hóa, viêm khớp, rối loạn nhịp tim, hội chứng thận hư và ho/ hen phế quản.
Đau bụng kèm rối loạn tiêu hóa là triệu chứng điển hình của bệnh giun lươn
1.2. Thể bệnh nặng
– Thê bệnh nặng bao gồm hội chứng tăng nhiễm giun lươn và nhiễm giun lươn lan tỏa thường gặp ở bệnh nhân có suy giảm miễn dịch, dùng corticosteroid kéo dài hay thuốc ức chế miễn dịch và thường đi kèm với các bệnh khác như: Nhiễm khuẩn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận mạn, bệnh ác tính, tiểu đường, suy dinh dưỡng.
– Bệnh giun lươn lan tỏa ấu trùng xâm nhập vào nhiều cơ quan như phổi, gan, tim, thận, các cơ quan nội tiết và hệ thống thần kinh trung ương. Bệnh thường nặng và dẫn đến tử vong cao.
– Ấu trùng giun lươn gây viêm ruột, xuất huyết tiêu hóa hoặc thủng ruột dẫn đến viêm phúc mạc.
– Về thần kinh: Bệnh nhân dễ bị kích thích, suy nhược thần kinh, có thể bị viêm não – màng não, áp xe não, động kinh, rối loạn tri giác.
– Giun lươn lạc chỗ có thể gây những triệu chứng viêm phổi, áp xe phổi, hen phế quản, gây viêm phổi mô kẽ, xuất huyết nhu mô, chấm xuất huyết tại các phế nang, suy hô hấp.
– Ấu trùng giun lươn gây phì đại hạch, viêm nội tâm mạc, viêm tụy, suy gan, suy thận, đau khớp, viêm khớp, đau cơ, phù toàn thân.
2. Cận lâm sàng
2.1. Xét nghiệm
– Xét nghiệm phân bằng phương pháp: soi tươi, hay phương pháp Baermann
– Xét nghiệm dịch tá tràng, dịch rửa phế quản hoặc đờm: tìm ấu trùng giun lươn.
– Xét nghiệm ELISA: phát hiện kháng thể kháng giun lươn Strongyloides stercoralis trong huyết thanh rất có giá trị chẩn đoán.
– Xét nghiệm IgE toàn phần: có thể tăng.
– Công thức máu: chỉ số bạch cầu ái toan thường tăng, số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi có thể tăng.
– Sinh hóa máu: có thể tăng men gan.
– Xét nghiệm sinh học phân tử: xác định loài giun lươn.
2.2. Chẩn đoán hình ảnh
– Siêu âm ổ bụng: có dày thành quai ruột non, dày đều.
– Chụp Xquang ngực: có thể cho thấy sự thâm nhiễm kẽ, đông đặc, hoặc áp xe.
– Chụp CT, MRI: khi có tổn thương thần kinh.
3. Chẩn đoán
3.1. Trường hợp bệnh nghi ngờ
– Yếu tố dịch tễ: Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc sống trong vùng có dịch lưu hành.
– Bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng hướng tới bệnh giun lươn.
3.2. Trường hợp bệnh xác định
Trường hợp bệnh nghi ngờ và có một trong hai các xét nghiệm sau:
– Xét nghiệm phân tìm thấy ấu trùng giun lươn trong phân, dịch tá tràng, trong dịch rửa phế quản hoặc dòm hoặc
– Xét nghiệm ELISA kháng thể kháng giun lươn: dương tính.
3.3. Chẩn đoán phân biệt
– Viêm loét dạ dày tá tràng: bệnh nhân có tiền sử viêm dạ dày, dựa vào kết quả nội soi dạ dày để chẩn đoán xác định.
– Chẩn đoán phân biệt với ấu trùng giun móc: bằng hình thái học.
– Bệnh ấu trùng giun đầu gai: tổn thương là những u cục to nhỏ không đều có tính di chuyển, ngứa. Xét nghiệm ELISA kháng thể kháng giun đầu gai: dương tính.
4. Điều trị
4.1. Nguyên tắc điều trị
– Điều trị bằng thuốc đặc hiệu để diệt giun lươn như ivermectin, albendazole, thiabendazole.
– Điều trị triệu chứng bằng các thuốc kháng histamin, chống rối loạn tiêu hóa, giảm đau,…
– Ngừng hoặc giảm liệu pháp điều trị ức chế miễn dịch (nếu có).
– Nâng cao thể trạng, điều trị các bệnh kèm theo.
4.2. Điều trị đặc hiệu
Sử dụng 1 trong các phác đồ sau
4.2.1. Phác đồ 1: Thuốc Ivermectin viên nén 3mg, 6mg
a) Liều dùng
– Thể bệnh thông thường: trẻ em trên 15kg và người lớn: 0,2 mg/kg cân nặng, dùng trong 1-2 ngày, uống cách bữa ăn 2 giờ.
– Thể bệnh nặng, nhiễm giun lươn lan tỏa: Liều dùng 0,2mg/kg/ngày. Uống cho đến khi xét nghiệm phân và hoặc đờm không còn thấy ấu trùng giun lươn, có thể điều trị trong vòng 2 tuần.
b) Chống chỉ định
– Bệnh nhân mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
– Bệnh nhân mắc các bệnh có kèm theo rối loạn hàng rào máu não và bệnh viêm màng não.
– Trẻ em dưới 5 tuổi hoặc trọng lượng cơ thể < 15kg
– Phụ nữ có thai và cho con bú.
4.2.2. Phác đồ 2: Thuốc Albendazol viên nén 400 mg hoặc 200 mg
a) Liều dùng
– Thể bệnh thông thường:
+ Người lớn: 400mg/lần x 2 lần/ngày trong 7 ngày liên tiếp.
+ Trẻ em > 2 tuổi: uống 400mg/lần/ngày x 3 ngày liên tiếp.
+ Trẻ em < 2 tuổi: uống 200mg/lần/ngày trong 3 ngày liên tiếp, có thể nhắc lại sau 3 tuần.
– Thể bệnh nặng, nhiễm giun lươn lan tỏa có biến chứng dùng liều 400mg/lần x 2 lần/ngày x 7 ngày. Xét nghiệm theo dõi ấu trùng giun lươn trong 2-4 tuần nếu còn ấu trùng thì điều trị tiếp 1 đợt liều như trước.
b) Chống chỉ định
– Có tiền sử quá mẫn cảm với các hợp chất loại benzimidazol hoặc các thành phần nào đó của thuốc.
– Người bệnh có tiền sử nhiễm độc tủy xương.
– Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu hoặc đang cho con bú.
– Trẻ em dưới 2 tuổi.
4.2.3. Phác đồ 3: Thuốc Thiabendazol viên nén 500 mg
a) Liều dùng: 25mg/kg/lần x 2 lần/ngày (tối đa là 3g/ngày). Uống sau khi ăn no.
– Đối với thể bệnh thông thường: điều trị 2 ngày.
– Đối với nhiễm giun lươn lan tỏa: điều trị kéo dài tối thiểu 5-7 ngày hoặc cho đến khi sạch ấu trùng.
b) Chống chỉ định
– Với những trường hợp mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
– Phụ nữ có thai và cho con bú.
– Bệnh nhân nhi có trọng lượng cân nặng <13,6 kg.
4.3. Điều trị triệu chứng
– Nâng cao thể trạng, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
– Nếu bệnh nhân có rối loạn tiêu hóa tiêu chảy phải điều trị bằng truyền dịch để bồi phụ nước và điện giải.
– Nếu có biểu hiện viêm nhiễm phải điều trị bằng kháng sinh.
– Có biểu hiện ngứa phải dùng kháng Histamin.
– Điều trị các bệnh lý kèm theo.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế