Tỷ lệ thân/Implant và biến chứng của Implant ngắn
Ngày xuất bản: 06/05/2023
Bài viết này đề cập đến vấn đề tỷ lệ thân/Implant và lưu ý đối với các biến chứng có thể xảy ra của trường hợp cắm Implant ngắn. Đồng thời, đánh giá các lưu ý khi tiến hành đặt loại Implant này. Cùng tìm hiểu.
1. Lo ngại lâm sàng của implant ngắn đối với tỷ lệ thân/Implant (CIR)
Nội dung bài viết
Chiều cao thân răng tương quan thuận với mô- men lực trên răng hoặc implant. Ở răng tự nhiên, tỷ lệ thân/chân được sử dụng làm yếu tố dự đoán lâm sàng để tiên lượng cho những răng có vấn đề nha chu hoặc tiên lượng cho phục hình cố định. Tỷ lệ thân/chân thường là khoảng 0.6 đối với răng hàm trên và 0.55 đối với răng hàm dưới. Tỷ lệ thân/chân = 1:1 được xem là ngưỡng tối thiểu cho sự thành công của cầu răng cố định được nâng đỡ bởi răng thật, nhưng bằng chứng khoa học về vấn đề này còn hạn chế. Đối với phục hình trên implant, người ta cho rằng mô-men lực lớn hơn do tăng CIR sẽ làm tăng sự tiêu mào xương quanh implant. Mặc dù implant ngắn đã được chứng minh là gây tăng lực trong các nghiên cứu in vitro, nhưng tác động bất lợi của tăng CIR vẫn chưa được mô phỏng trong những nghiên cứu lâm sàng. Trong một tổng quan hệ thống, CIR = 2 được đề nghị là ngưỡng tối đa cho phục hình trên implant. Một nghiên cứu hồi cứu trên 889 implant với thời gian theo dõi trung bình 2.3 năm đã báo cáo không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa CIR trung bình của các implant thất bại (1.4:1) với CIR trung bình của tất cả implant (1.3:1). Các thử nghiệm lâm sàng nhận thấy tăng CIR (trung bình 1-2, có thể lên đến 4.95) có liên quan với tăng nguy cơ lỏng hoặc gãy abutment, nhưng không gây tiêu mào xương hoặc cấy ghép thất bại. Trong một nghiên cứu tiến cứu với thời gian theo dõi trung bình 46 tháng, các implant ngắn (5 hoặc 7 mm, CIR trung bình 2.6 hoặc 1.8) có mức độ tiêu mào xương ít hơn 0.2 mm so với các implant dài (9 hoặc 12 mm, CIR trung bình 1.4 hoặc 1.0). Do những giới hạn giải phẫu nên implant ngắn với CIR cao thường được đặt ở vùng răng sau. Ngoài ra, implant ngắn với đường kính rộng (>4mm) đã được sử dụng. Tăng đường kính implant có thể bù trừ cho việc tăng lực do tăng CIR. Tóm lại, các nghiên cứu lâm sàng nhận thấy tăng CIR với implant ngắn sẽ làm tăng các biến chứng phục hình, nhưng nó không liên quan đến việc tăng thất bại cấy ghép hoặc tiêu xương.
Người ta cho rằng nẹp nhiều implant ngắn có thể giúp phân phối lực. Những mô hình nghiên cứu in vitro đã chứng minh được sự phân phối lực tốt hơn ở implant nối nhau so với implant rời. Người ta báo cáo rằng nẹp implant làm tăng khả năng kháng tải lực sang bên, làm giảm nguy cơ gãy các thành phần implant, và giảm nguy cơ lỏng vít abutment ở phục hình bắt vít trên implant. Tuy nhiên, nẹp implant không được ghi nhận là làm giảm thất bại cấy ghép và/hoặc giảm tiêu xương trong các nghiên cứu lâm sàng. Kết quả lâm sàng (tỷ lệ tồn tại, mức độ thay đổi xương) là tương tự nhau giữa phục hình nẹp và phục hình rời trên implant. Phục hình nẹp trên implant với CIR cao đã được ghi nhận là có mức độ thay đổi mào xương tương tự như implant rời trong các nghiên cứu lâm sàng. Do đó, nẹp nhiều implant ngắn có thể làm giảm các biến chứng phục hình, nhưng dường như nó không cải thiện tỷ lệ tồn tại implant và/hoặc khả năng bảo tồn mào xương.
2. Biến chứng khi đặt Implant ngắn
Mặc dù đặt implant ngắn và implant dài đều gây biến chứng như nhau, nhưng đặt implant dài hơn thường đòi hỏi phải ghép xương có khả năng gây thêm biến chứng.
Một tổng quan hệ thống về implant ngắn đã báo cáo tỷ lệ thành công sinh học (được định nghĩa là không đau, không viêm quanh implant, không có thấu quang quanh implant, và implant không lung lay) là 98.8% (khoảng tin cậy (Cl) 95%: 97.8-99.8%) và tỷ lệ thành công cơ sinh học (được định nghĩa là không nứt gãy vật liệu mặt nhai, không gãy hoặc lỏng các thành phần phục hình, không gãy implant, và/hoặc phục hình không mất ổn định) là 99.9% (CI 95%: 99,4-100%). Trong tất cả các nghiên cứu có biến chứng sinh học được chọn vào tổng quan, tỷ lệ thành công sinh học dao động từ 89.5% đến 100%. Ở 1346 implant được làm phục hình trong 7 nghiên cứu được chọn, chỉ có 4 biến chứng cơ sinh học được báo cáo trong thời gian theo dõi trung bình 2.6 năm.
Trong một vài thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, implant ngắn (≤ 8mm) không có tỷ lệ biến chứng sinh học hoặc cơ sinh học cao hơn so với implant dài hơn.
Yêu cầu ghép xương theo chiều dọc trước khi đặt implant làm tăng tỷ lệ biến chứng liên quan đến implant dài. Theo những tổng quan trước đó, tỷ lệ tồn tại của implant có ghép xương theo chiều dọc nằm trong khoảng 90.4-83.8% (trong thời gian theo dõi 1-5 năm), thấp hơn so với tỷ lệ tồn tại thường được chấp nhận của implant [66], và thủ thuật ghép xương theo chiều dọc cũng có tỷ lệ biến chứng cao (>10%).
Tóm lại, những trường hợp có thể sử dụng implant ngắn thay cho ghép xương được dự kiến sẽ giảm đáng kể biến chứng phẫu thuật và sau phẫu thuật. Nếu đủ xương thì tỷ lệ biến chứng của implant ngắn và dài có thể tương đương nhau.
3. Lưu ý khi tiến hành đặt Implant ngắn
Ở mức implant/xương, độ ổn định ban đầu là mối quan tâm chính bởi vì bề mặt liên kết cơ học bị hạn chế ở phần lớn implant ngắn dạng vít. Khi đặt implant ngắn dạng vít vào xương mật độ thấp như vùng răng sau hàm trên, có thể xem xét thực hiện khoan xương bằng mũi khoan kích thước nhỏ hơn để đạt độ ổn định ban đầu tốt hơn. Một điều quan trọng không kém là phải đảm bảo đủ độ dày xương phía ngoài và phía trong để giảm thiểu nguy cơ tiêu xương.
Do implant có chiều dài ngắn nên việc giảm thiểu sự tái cấu trúc mào xương bất cứ khi nào có thể cũng rất quan trọng. Những nghiên cứu trên động vật cho thấy đặt implant ngắn dưới mào xương có tác dụng duy trì bề mặt tích hợp xương trên bề mặt nhám. Implant ngắn (rộng 5mm/dài 8mm) phủ HA được đặt dưới mào xương đã được ghi nhận có tình trạng xương rất ổn định trong một nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu trong thời gian theo dõi trung bình 5.9 năm.
Thiết kế và lựa chọn implant ngắn có thể rất quan trọng cho kết quả thành công. Ở mức abutment và mô mềm, sử dụng abutment bệ chuyển có thể hữu ích trong việc giảm sự tái cấu trúc mào xương. Ngoài ra, thiết kế abutment có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của mào xương. Khối lượng và chất lượng mô mềm cũng có thể góp phần duy trì mào xương quanh implant. Độ dày mô ban đầu mỏng (2 mm) có thể liên quan đến tăng tái cấu trúc mào xương, và không có mô sừng hóa quanh implant cũng liên quan đến tăng mất bám dính cũng như tăng đáng kể chỉ số mảng bám và chỉ số nướu. Mặc dù những yếu tố này không đặc hiệu cho implant ngắn, nhưng bác sĩ lâm sàng vẫn phải nhận thức được các mối lo ngại tiềm ẩn này.
Ở mức phục hình và khớp cắn, thân răng dài hơn hoặc CIR cao hơn không ảnh hưởng đến sự tồn tại của implant (đã trình bày trong câu trả lời cho câu hỏi D), nhưng có thể làm tăng các biến chứng phục hình. Implant đối diện với một phục hình cố định trên implant thì liên quan đến sự tiêu mào xương nhiều hơn so với implant đối diện răng thật. Những lực cận chức năng quá mức cũng là một mối lo ngại. Một số điều chỉnh lâm sàng có thể được xem xét: (1) Giảm lực sang bên hoặc cản trở trong vận động trượt ở phục hình răng sau trên implant bằng cách điều chỉnh khớp cắn. (2) Tránh làm nhịp với. (3) Tăng số lượng implant nâng đỡ phục hình dài. (4) Tăng đường kính implant để bù trừ lực sang bên không thuận lợi. (5) Tăng diện tích bề mặt tích hợp xương bằng cách sử dụng implant bề mặt nhám.
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.
Đọc thêm: Implant ngắn trong Nha khoa – Tổng quan.
9
Bài viết liên quan
Thuốc liên quan
Bình luận0
Đăng ký
0 Comments