Suy thận cấp: Biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng
Ngày xuất bản: 13/05/2023
Suy thận cấp là tình trạng giảm chức năng thận đột ngột và kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày, dẫn đến giảm mức lọc cầu thận, mất khả năng loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể, không cân bằng nước và điện giải. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu về các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng của suy thận cấp.
1. Đại cương về suy thận cấp
Nội dung bài viết
Suy thận cấp (STC) là tình trạng giảm chức năng thận đột ngột và kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày, dẫn đến giảm mức lọc cầu thận, ứ đọng các sản phẩm chuyển hóa nito (ure, creatinine) và các sản phẩm của quá trình chuyển hóa không nito (điện giải, kiềm toan). Các rối loạn này phụ thuộc vào mức độ và thời gian kéo dài của tình trạng suy thận mà có các biểu hiện như toan chuyển hóa, tăng kali máu, thừ dịch trong cơ thể, STC nặng đồng thời với nguyên nhân của nó có thể dẫn tới suy đa cơ quan như rối loạn đông máu, tổn thương phổi, tổn thương não và ảnh hưởng tới huyết động.
Suy thận cấp thường xảy ra ở nhóm bệnh nhân nặng nằm trong các khoa hồi sức, nguyên nhân dẫn đến bệnh cảnh suy thận cấp thường do nhiễm khuẩn, đặc biệt ở nhóm có biểu hiện nhiễm khuẩn nặng có sốc, suy đa cơ quan. Ở nhóm diễn biến nặng trong ngoại khoa, STC thường gặp ở bệnh nhân trải qua phẫu thuật lớn, đặc biệt là phẫu thuật hay cấy ghép tim.
Suy thận cấp có thể diễn ra rất nhanh, chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày.
2. Nguyên nhân suy thận cấp
- Nguyên nhân trước thận: là các nguyên nhân gây giảm lưu lượng máu đến thận, bao gồm giảm thể tích máu, huyết áp thấp, suy tim, suy gan và nhiễm trùng huyết.
- Nguyên nhân tại thận: gồm các nguyên nhân gây tổn thương trực tiếp đến mô thận, có thể đến thiếu máu cục bộ, độc tố (như một số loại thuốc, thuốc cản quang hoặc kim loại nặng), nhiễm trùng (như viêm cầu thận cấp tính hoặc viêm bể thận) và các bệnh tự miễn (như viêm thận lupus hoặc viêm mạch).
- Nguyên nhân sau thận: là các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu của thận, bao gồm sỏi thận, khối u, tắc nghẽn đường tiết niệu và phì đại tuyến tiền liệt.
3. Biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng
3.1. Dấu hiệu lâm sàng
Đa số các trường hợp suy thận cấp khởi phát với dấu hiệu thiểu niệu (<400ml/24h), nhưng một số trường hợp nước tiểu vẫn >1L/24h (thể còn bảo tồn nước tiểu).
Ngoài ra tùy theo nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp mà biểu hiện lâm sàng có thể khác nhau:
Suy thận cấp do nguyên nhân trước thận:
- Giảm lượng nước tiểu
- Khát hoặc khô miệng
- Hạ huyết áp, nhịp tim nhanh
- Choáng váng hoặc mất nhận thức
- Da, niêm mạc khô; giảm độ chun giãn da, tĩnh mạch cổ xẹp
Suy thận cấp do nguyên nhân tại thận:
- Giảm lượng nước tiểu
- Xuất hiện máu trong nước tiểu
- Phù nề, tăng huyết áp
- Đau tức ngực
- Khó thở, mệt mỏi, buồn nuôn
- Choáng váng hoặc mất nhận thức, thậm chí còn bất tỉnh trong trường hợp nặng
- Sốt, đau cơ và ngứa, nổi ban sẩn sau dùng thuốc (thuốc cản quang, thuốc gây độc thận)
Suy thận cấp do nguyên nhân sau thận:
- Giảm lượng nước tiểu hoặc không tiểu được
- Đái buốt, đái dắt
- Cơn đau quặn thận hoặc đau hố lưng, bụng dưới
- Thận to do ứ nước, ứ mủ
- Mệt mỏi, buồn nôn
- Choáng váng hoặc mất nhận thức, thậm chí còn bất tỉnh trong trường hợp nặng
3.2. Biểu hiện cận lâm sàng
- Tăng creatinin máu: Creatinin máu là sản phẩm của phản ứng phân hủy Creatin trong cơ. Creatinin được đào thải qua thận nên nồng độ Creatinin phản ánh chính xác chức năng lọc của thận.
- Giảm độ lọc cầu thận (GFR): GFR là lưu lượng máu được lọc qua thận trong một đơn vị thời gian (thường tính bằng phút). Độ lọc cầu thận là giá trị cho biết mức độ lọc chất thải ra khỏi máu của thận và là chỉ số tốt nhất giúp đánh giá chức năng hoạt động của thận.
- Mất cân bằng điện giải: Các chất điện giải như natri, kali và magiê được điều hòa bởi thận. Khi thận bị tổn thương, nồng độ các chất điện giải có thể trở nên mất cân bằng.
- Bất thường trong kết quả phân tích nước tiểu: Phân tích nước tiểu có thể phát hiện sự xuất hiện của protein, máu hoặc tinh thể trong nước tiểu, có thể là dấu hiệu của tổn thương thận.
- Bất thường trong xét nghiệm hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, CT scan hoặc MRI có thể phát hiện những bất thường ở thận, chẳng hạn như giảm kích thước thận hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu.
3.3. Diễn biến lâm sàng
3.3.1. Giai đoạn khởi phát
- Giai đoạn này diễn ra trong vòng 24h với diễn tiến tùy theo mỗi nguyên nhân. Bệnh nhân có thể xuất hiệu triệu chứng giảm lượng nước tiểu . Nếu can thiệp kịp thời có thể tránh chuyển qua giai đoạn 2.
3.3.2. Giai đoạn đái ít- vô niệu
- Vô niệu có thể diễn biến từ từ hoặc đột ngột. Đái ít, vô niệu có thể kéo dài 1-2 ngày, có khi 1-6 tuần, trung bình 7-14 ngày bệnh nhân sẽ đái trở lại. Nước tiểu sẫm màu, có thể có máu, mủ, đôi khi có vi khuẩn.
- Nồng độ ure, creatinin máu tăng nhanh trong giai đoạn này. Tốc độ tăng càng nhau thì tiên lượng càng xấu.
- Xuất hiện các triệu chứng của tăng ure máu như chảy máu nội tạng, viêm màng ngoài tim, biểu hiện rối loạn não.
- Rối loạn điện giải, tăng kali máu gây ra các rối loạn nhịp tim như sóng T cao, QT ngắn, ngoại tâm thu thất, rung thất, xoắn đỉnh.
- Toan chuyển hoá: pH, HCO3 máu giảm, có khoảng trống anion. Người bệnh thở sâu, giãn mạch, tụt huyết áp.
3.3.3. Giai đoạn đái trở lại
- Kéo dài trung bình khoảng 5-7 ngày
- Có lại nước tiểu 200-300ml/24giờ, lượng nước tiểu tăng dần 4-5lít/24giờ.
- Các nguy cơ: mất nước do đái nhiều, vẫn tăng urê, kali máu, rối loạn điện giải
3.3.4. Giai đoạn hồi phục
- Tùy theo nguyên nhân suy thận cấp mà thời gian hồi phục cũng khác nhau, trung bình khoảng 4 tuần.
- Các rối loạn về sinh hóa dần trở về bình thường: ure, creatinine máu giảm dần, ure, creatinine niệu tăng dần. Tuy nhiên khả năng cô đặc nước tiểu của ống thận, có khi hàng năm mới khôi phục hoàn toàn. Múc lọc cầu thận hồi phục nhanh hơn, thường sau 2 tháng có thể trở về bình thường.
74
Bình luận0
Đăng ký
0 Comments