Phân loại cơ và hệ thống bậc cơ
Cơ bắp đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động chức năng của cơ thể như góp phần làm vững khớp, duy trì tư thế hay tạo nên vận động. Dưới đây trình bày các loại cơ và hệ thống bậc cơ đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.
1. Các loại cơ
Nội dung bài viết
Có 2 loại cơ:
- Cơ vân hay cơ bám xương: Hoạt động theo ý muốn do thần kinh động vật chi phối và chiếm tới 2/5 trọng lượng cơ thể. Tổng số cơ của cơ thể là khoảng 500 cơ.
- Cơ trơn (trong đó bao gồm cả cơ tim là loại cơ đặc biệt): Do thần kinh tự chủ chi phối hoạt động ít nhiều ngoài ý muốn và là của các tạng, các tuyến và thành mạch máu.
Cơ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động chức năng của cơ thể
2. Phân loại cơ và tên gọi cơ
Tùy theo số lượng, hình thể và chức năng của phần thịt và phần gân mà người ta phân ra:
- Theo hình thể có bốn loại: Cơ dài (các cơ ở chi), co rộng (các cơ bụng), cơ ngắn (các cơ vuông đùi, sấp vuông) và các cơ vòng (các cơ vòng hậu môn, âm đạo, vòng miệng).
- Theo số lượng thân và gân: Như cơ nhị thân (2 bụng cơ), nhị đầu, tam đầu, tứ đầu.
- Tùy theo hình thể ngoài: Cơ vuông, cơ tam giác, cơ tháp, cơ tròn, cơ răng cưa…
- Tùy theo hướng của thớ cơ như: Cơ chéo bụng, thẳng bụng, ngang bụng.
- Tùy theo chức năng như: Cơ gấp, cơ duỗi, cơ dang, cơ khép, cơ sấp, cơ ngữa.
3. Những tính chất cơ bản của cơ
- Tính đàn hồi: Khi bị kéo căng cơ có khả năng dài thêm một đoạn, khi lực kéo không còn nữa, cơ trở lại vị trí cũ. Cơ chỉ đàn hồi trong một giới hạn nhất định, nếu lực kéo quá lớn cơ sẽ bị giãn tối đa và mất tính đàn hồi. Tính đàn hồi của cơ khiến xương và các khớp cử động nhẹ nhàng êm ái, làm tăng năng suất hoạt động của cơ và tiết kiệm năng lượng cho cơ thể.
- Tính hưng phấn: Cơ có khả năng đáp ứng lại mọi kích thích bằng cách co ngắn lại. Trong cơ thể, khi cơ bước vào trạng thái hoạt động thì chúng co lại do những kích thích của các xung thần kinh từ hệ thần kinh trung ương theo dây thần kinh vận động truyền đến
4. Hệ thống bậc cơ
Thang điểm dưới đây, được xây dựng bởi Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Vương quốc Anh, ngày nay được sử dụng rộng rãi:
Có nhiều hệ thống bậc cơ được đề xuất. Để đơn giản sử dụng thử cơ bằng số, được chia từ 0 – 5 và được quy định như sau:
Bậc 0: không có sự co cơ.
Bậc 1: (rất yếu) co cơ nhẹ, có thể sờ thấy nhưng không tạo cử động.
Bậc 2: (yếu) cử động hết tầm độ nhưng không kháng được trọng lực.
Bậc 3: (khá) cử động hết tầm độ đối trọng lực.
Bậc 4,5: (tốt) cử động hết tầm độ đối trọng lực và sức đề kháng tối đa ở cuối tầm độ.
Trong trường hợp sức cơ không đủ để xếp vào mức của một bậc trên nhưng lại lớn hơn mức của bậc dưới kế tiếp thì dùng phương pháp xác định bằng cách ghi thêm dấu (+) hoặc (-) theo quy ước.
Bậc 0: không có sự co cơ.
Bậc 1: có sự co cơ nhưng không có cử động.
Bậc 1+: cử động được 1/3 tầm hoạt động không có trọng lực.
Bậc 2-: cử động được 1/2 tầm hoạt động không có trọng lực.
Bậc 2+: cử động được 1/3 tầm hoạt động đối trọng lực.
Bậc 3 -: cử động được 1/2 tầm hoạt động với đối trọng lực.
Bậc 3: cử động hết tầm hoạt động với đối trọng lực.
Bậc 3+: cử động hết tầm hoạt động với đối trọng lực và sức đề kháng tối thiểu ở cuối tầm.
Bậc 4 -: cử động hết tầm hoạt động với đối trọng lực và sức đề kháng từ tối thiểu đến vừa phải ở cuối tầm.
Bậc 4: cử động hết tầm hoạt động với đối trọng lực và sức đề kháng phải ở cuối tầm.
Bậc 4+: cử động hết tầm hoạt động với đối trọng lực và sức đề kháng từ vừa phải đến tối đa.
Bậc 5: cử động hết tầm hoạt động với đối trọng lực và sức đề kháng tối đa ở cuối tầm hoạt động.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang sử dụng phương pháp ghi điện cơ và tốc độ dẫn truyền thần kinh trong chẩn đoán các bất thường về thần kinh và cơ. Kỹ thuật này được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản ở trong nước cũng như ở quốc tế, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, tiên tiến; chất lượng dịch vụ y tế chuyên nghiệp.