Hướng dẫn dự phòng viêm phổi cộng đồng ở người lớn
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4815/QĐ-BYT vào 22/11/2020 về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn”. Hướng dẫn nhấn mạnh, tiêm phòng cúm đóng vai trò quan trọng trong việc dự phòng bệnh viêm phổi, đặc biệt là ở người lớn tuổi có suy giảm miễn dịch…
Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn” được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước. Dưới đây là trích dẫn cách dự phòng viêm phổi cộng đồng ở người lớn được ban hành bởi Bộ Y tế năm 2020.
1.Các biện pháp dự phòng chung
Nội dung bài viết
– Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng.
– Điều trị quản lý tốt bệnh lý nền của bệnh nhân: Đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh gan thận mạn tính.
– Loại bỏ những kích thích có hại: thuốc lá, thuốc lào, bia rượu.
– Giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh
– Gây miễn dịch bằng tiêm chủng vacxin chống virus, vi khuẩn.
2. Tiêm phòng cúm
Cúm A và B là cúm mùa, gây ra các vụ dịch trong những năm gần đây, H5N1, H1N1, H7N9… Do virus cúm mùa có khả năng đột biến gen cao vì vậy tiêm phòng cúm hàng năm đóng vai trò quan trọng ngăn ngừa nhiễm cúm.
Tiêm phòng cúm đóng vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh viêm phổi, đặc biệt là ở người lớn tuổi có suy giảm miễn dịch. Tiêm phòng cúm được khuyến cáo ở những người trên 50 tuổi, bệnh nhân có bệnh lý tim và phổi mạn tính, đái tháo đường, suy thận nặng hoặc suy giảm miễn dịch.
Ảnh minh họa tiêm chủng vaccine cúm
Chỉ định tiêm phòng cúm
– Tuổi trên 50.
– Sống tại nhà dưỡng lão
– Mắc bệnh tim phổi mạn tính, bệnh chuyển hóa mạn tính.
– Suy giảm miễn dịch.
– Bệnh nhân từ 6 tháng đến 18 tuổi dùng aspirin kéo dài.
– Nhân viên y tế, chủ yếu để tránh lây cúm cho các bệnh nhân có nguy cơ cao.
– Người thường xuyên tiếp xúc với người có nguy cơ cao.
3. Tiêm phòng S. pneumoniae
Xem thêm: Viêm phổi không đáp ứng Chẩn đoán và điều trị
Tiêm vắc xin phòng S. pneumoniae phòng tránh được 60 – 70% VPMPCĐ ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Theo khuyến cáo của BTS:
Chỉ định tiêm phòng S. pneumoniae
– Bệnh tim phổi mạn tính.
– Đái tháo đường.
– Nghiện rượu.
– Bệnh gan mạn tính.
– Dò dịch não tủy.
– Bệnh hồng cầu hình liềm.
– Cắt lách.
– Tình trạng suy giảm miễn dịch: nhiễm HIV, suy thận mạn, dùng thuốc ức chế miễn dịch…
Khi tiêm lần đầu lúc dưới 65 tuổi, lần tiêm nhắc lại sẽ thực hiện sau 5 năm, nếu lần đầu tiêm sau tuổi 65 không cần tiêm nhắc lại.
Đối với bệnh hồng cầu hình liềm, cắt lách, tình trạng suy giảm miễn dịch…: nếu tiêm mũi đầu khi dưới 10 tuổi thực hiện tiêm nhắc lại sau 3 năm, còn nếu tiêm mũi đầu trên 10 tuổi thực hiện tiêm nhắc lại sau 5 năm.
4. Cai thuốc lá để dự phòng viêm phổi cộng đồng
Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động được chứng minh là yếu tố nguy cơ củaVPMPCĐ. Mặt khác, chúng ta biết rằng hút thuốc gây ra những thay đổi về hình thái biểu mô của niêm mạc phế quản, suy giảm tế bào lông chuyển và tế bào tiết nhầy, tạo điều kiện cho sự xuất hiện và lây lan của vi khuẩn trên niêm mạc phế quản.
Trong cai thuốc lá, việc tư vấn cho người bệnh đóng vai trò then chốt, các thuốc hỗ trợ cai giúp người bệnh cai dễ dàng hơn.
4.1. Chiến lược tư vấn người bệnh cai thuốc lá
– Sử dụng lời khuyên 5A
+ Ask – Hỏi: Xem tình trạng hút thuốc của người bệnh để có kế hoạch phù hợp.
+ Advise – Khuyên: Đưa ra lời khuyên phù hợp và đủ sức thuyết phục người bệnh bỏ hút thuốc.
+ Assess – Đánh giá: Xác định nhu cầu cai thuốc thực sự của người bệnh.
+ Assist – Hỗ trợ: giúp người bệnh xây dựng kế hoạch cai thuốc, tư vấn, hỗ trợ và chỉ định thuốc hỗ trợ cai nghiện thuốc lá nếu cần.
+ Arrange – Sắp xếp: Có kế hoạch theo dõi, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp để người bệnh cai được thuốc và tránh tái nghiện.
– Sử dụng tư vấn sâu: Khi lời khuyên 5A chưa đạt hiệu quả cai thuốc, có thể tiến hành tư vấn sâu cho bệnh nhân giúp tăng tỷ lệ tai thuốc lá thành công.
4.2. Thuốc hỗ trợ cai thuốc lá
Dùng thuốc hỗ trợ cai thuốc lá giúp giảm nhẹ hội chứng cai thuốc, làm tăng tỷ lệ cai thuốc thành công. Các thuốc có thể chỉ định: nicotine thay thế, bupropion, varenicline.
– Nicotine thay thế
+ Chống chỉ định tương đối ở bệnh nhân tim mạch có nguy cơ cao (vừa nhồi máu cơ tim cấp).
+ Các dạng thuốc: dạng xịt mũi, họng, viên ngậm, viên nhai, miếng dán da.
+ Thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào mức độ nghiện thuốc lá (mức độ phụ thuộc nicotine): thông thường từ 2-4 tháng, có thể kéo dài hơn.
+ Tác dụng phụ: Gây kích ứng da khi dán, khi uống có thể gây khô miệng, nấc, khó tiêu,…
– Bupropion
+ Chống chỉ định: Không dùng cho bệnh nhân động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi ăn uống, dùng thuốc nhóm IMAO, đang điều trị cai nghiện rượu, suy gan nặng.
+ Thời gian điều trị 7 – 9 tuần, có thể kéo dài 6 tháng.
+ Liều cố định không vượt quá 300 mg/ngày:
- Tuần đầu: 150 mg/ngày uống buổi sáng;
- Từ tuần 2 – 9: 300mg/ngày chia 2 lần.
+ Tác dụng phụ: mất ngủ, khô miệng, nhức đầu, kích động, co giật.
– Varenicline
+ Chống chỉ định tương đối khi suy thận nặng (mức độ thanh thải Creatinine < 30ml/phút)
+ Thời gian điều trị 12 tuần, có thể kéo dài đến 6 tháng.
+ Liều điều trị:
- Ngày 1 đến 3: 0,5mg/ngày uống buổi sáng;
- Ngày 4 đến 7: 1mg/ngày chia 2 lần sáng-chiều;
- Tuần 2 đến 12: 2mg/ngày chia 2 lần sáng-chiều.
+ Tác dụng phụ: buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, ác mộng, trầm cảm, thay đổi hành vi.
Những điểm cần nhớ khi dự phòng viêm phổi cộng đồng
Để dự phòng VPCĐ cần
– Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng, quản lý triệt để các bệnh lý nền của bệnh nhân.
– Giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh, loại bỏ kích thích có hại: rượu bia, thuốc lá
– Tiêm phòng cúm 1 năm/lần ở người > 50 tuổi, chỉ định ở người mắc bệnh lý tim phổi mạn tính, đái tháo đường, suy thận nặng, suy giảm miễn dịch.
– Tiêm phòng phế cầu: 5 năm/lần khi tiêm lần đầu dưới 65 tuổi, nếu lần đầu tiêm > 65 tuổi thì không cần nhắc lại, chỉ định ở người mắc bệnh tim phổi mạn, đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh gan mạn tính, dò dịch não tủy, cắt lách, suy giảm miễn dịch.
– Tư vấn cai thuốc lá với chiến lược tư vấn ngắn 5A (Hỏi – Khuyên – Đánh giá – Hỗ trợ – Sắp xếp) hoặc tư vấn sâu. Trong các trường hợp nghiện thuốc lá thực thể mức độ nặng, có thể dùng thuốc hỗ trợ cai thuốc, bao gồm nicotin thay thế, Bupropion hoặc Varenicline.
Nguồn: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn của Bộ Y tế 2020.
Xem thêm: viêm phổi với viêm tai giữa mạn tính