Các phương pháp điều trị bệnh trĩ hiệu quả nhất
Bệnh trĩ là sự phình dãn bất thường của đám rối mạch máu ở phần thấp trực tràng và ống hậu môn. Không điều trị trĩ triệu chứng, trừ khi có biến chứng. Chỉ điều trị bệnh trĩ khi bệnh nhân ( BN ) có những rối loạn ảnh hưởng tới cuộc sống, tinh thần và thể chất. Trước khi điều trị trĩ phải điều trị các rối loạn được coi là yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trĩ.
1. Đại cương
Nội dung bài viết
1.1 Sinh bệnh học
Dựa vào 4 cơ chế
1) Sự giãn nở bất thường của các tĩnh mạch của đám rối tĩnh mạch trĩ nội, các nhánh của tĩnh mạch trĩ trên và giữa.
2) Rối loan bất thường của thông nối động-tĩnh mạch năm cùng vị trí với đệm hậu môn.
3) Dịch chuyển xuống dưới hoặc sa trượt của đệm hậu môn
4) Phá hủy hệ thống mô liên kết neo và nâng đỡ
Tăng cung cấp mạch máu và tân sinh mạch có thể đóng một vai trò trong việc làm cho bệnh trĩ nhiều triệu chứng hơn.
1.2 Triệu chứng cơ năng:
- Chảy máu: triệu chứng sớm và thường gặp nhất.
- Lúc đầu chảy máu kín đáo (dính trên giấy vệ sinh hoặc tia máu nhỏ dính trên phân).
- Về sau rặn nhiều khi táo bón thì máu chảy thành giọt hay thành tia.
- Muộn hơn là cứ mỗi lần đi cầu, đi lại nhiều hay ngồi xổm thì máu lại chảy.
- Đôi khi máu chảy đọng ở trực tràng rối sau đó đi cầu ra nhiều máu cục.
- Đau do
- Tắc mạch, xuất hiện những cục máu đông nhỏ trong búi trĩ, đau khi ngồi ngay ngắn, bệnh nhân chỉ dám đặt một mông trên ghế.
- Sa trĩ ngẹt làm búi trĩ phù nề, có khi sưng to không đẩy lên được.
- Nứt hậu môn, bệnh nhân sợ đi cầu.
- Hay ổ áp xe đi kèm.
- Ngứa: do viêm da quanh hậu môn vì các chất dịch nhầy, có thể là bệnh lý ngoài
da hoặc hậu quả các thuốc thoa tại chỗ trong điều trị trĩ.
- Sa trĩ:
- Sa trĩ độ 2, không gây phiền hà nhiều
- Sa trĩ độ 3, bệnh nhân rất khó chịu khi đi cầu, khi đi lại nhiều, làm việc nặng
- Sa trĩ độ 4, thường xuyên khó chịu
- Chảy dịch nhầy ở hậu môn: Do sự bài tiết của niêm mạc ống hậu môn, cũng có khi là
triệu chứng của các bệnh lý khác như viêm đại trực tràng, u trực tràng.
1.3 Triệu chứng thực thể:
Nhìn:
- Có thể thấy búi trĩ ngoại nằm ở ngoài, da xung quanh lỗ hậu môn phồng căng bóng,
lớp dưới da căng bóng có thể thấy màu xanh của các tĩnh mạch nổi. Thấy búi trĩ nội sa khi bệnh nhân rặn mạnh.
- Nếu trĩ sa độ 4 thấy chung quanh hậu môn có 1 vòng niêm mạc gồm nhiều búi trĩ to nhỏ không đều, giữa các búi trĩ là các ngấn nông sâu khác nhau.
- Các dấu hiệu khác như: viêm da quanh hậu môn do dùng thuốc bôi hay tọa dược gây kích thích phản ứng tại chỗ; các chất tiết nhầy hay mủ do các bệnh lý khác như Crohn, viêm đại tràng, bệnh hoa liễu.
Sờ: Búi trĩ ngoại mềm, ấn xẹp, khi có tắc mạch sờ thấy những cục cứng nhỏ như hạt tấm ly ti rất đau
Thăm hậu môn trực tràng:
- Phát hiện chỗ niêm mạc phồng lên, khi ấn vào mất đi.
- Chú ý trương lực của cơ vòng lúc rặn cũng như lúc nghỉ.
- Rút găng lưu ý chất dịch dính găng như: nhầy, máu, mủ.
Nội soi hậu môn trực tràng:
- Thấy rõ tình trạng các búi trĩ, đó là chỗ niêm mạc phồng lên, thẫm màu hơn, thường nằm ở vị trí 4, 7, 11 giờ.
- Có giá trị để chẩn đoán trĩ nội độ 1, độ 2
- Giúp phát hiện tổn thương nứt hậu môn
- Giúp phát hiện polyp trực tràng, ung thư trực tràng dễ nhầm lẫn với trĩ.
Quay video hậu môn khi đi cầu: giúp phân chính xác các độ sa của trĩ nội.
1.4 Phân độ trĩ nội
- Độ 1: búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.
- Độ 2: lúc thường thì búi trĩ nằm gọn trong ống hậu môn, khi rặn đại tiện thì búi trĩ thập thò ở lỗ hậu môn hay lòi ít ra ngoài. Khi đại tiện xong đứng dậy búi trĩ tự thụt vào.
- Độ 3: mỗi lần đại tiện hay đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng thì búi trĩ lại sa ra ngoài. Khi sa phải nằm nghỉ một lúc mới tụt vào hay phải lấy tay ấn nhẹ mới vào.
- Độ 4: búi trĩ gần như thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn, búi trĩ khá to và thường liên kết với nhau thành trĩ vòng
1.5 Biến chứng
- Tắc mạch
- Sa và nghẹt búi trĩ
- Viêm nhú và viêm khe
1.6 Chẩn đoán phân biệt
- Nứt hậu môn
- Polyp hay đa polyp
- Viêm loét đại tràng- trực tràng chảy máu
- Ung thư trực tràng
- Sa trực tràng
Cận lâm sàng
Chỉ định nội soi đại tràng
- Tuổi >= 50 tuổi nếu chưa được nội soi đại tràng lần nào trong vòng 10 năm
- Tuổi >= 40 tuổi hoặc trẻ hơn 10 năm tại thời điểm chẩn đoán nếu có tiền sử có một người thân nhân thế hệ 1 được chẩn đoán ung thư đại trực tràng hoặc u tuyến giai đoạn tiến triển mà ở tuổi < 60
- Tuổi >= 40 tuổi hoặc trẻ hơn 10 năm tại thời điểm chẩn đoán nếu có tiền sử có hai người thân nhân thế hệ 1 được chẩn đoán ung thư đại trực tràng hoặc u tuyến giai đoạn tiến triển
- Xét nghiệm máu ấn trong phân bằng sinh hóa miễn dịch dương tính
- Xét nghiệm máu ấn trong phân bằng sinh hóa miễn dịch DNA dương tính
2. Điều trị bệnh trĩ
2.1 Nguyên tắc điều trị:
- Không điều trị trĩ triệu chứng, trừ khi có biến chứng.
- Chỉ điều trị khi BN có những rối loạn ảnh hưởng tới cuộc sống, tinh thần và thể chất.
- Trước khi điều trị trĩ phải điều trị các rối loạn được coi là yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trĩ.
- Điều trị bệnh trĩ kết hợp với các bệnh lý khác vùng hậu môn trực tràng (rò hậu môn, nứt hậu môn, sa trực tràng kiểu búi…) chỉ nên được thực hiện tại cơ sở y tế chuyên sâu.
- Phải chọn phương pháp thích hợp cho từng loại trĩ.
- Không gây nên các hậu quả xấu hơn những rối loạn của bệnh trĩ.
2.2 Bảo tồn và chế độ sinh hoạt:
- Tránh các hoạt động mạnh, tránh ngồi nhiều hoặc đứng lâu.
- Điều chỉnh thói quen ăn uống:
- Ăn nhiều chất xơ.
- Tránh dùng các chất kích thích như cafe, rượu, trà.
- Tránh dùng thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu.
- Thay đổi thói quen đi cầu, tránh táo bón.
- Ngâm nước ấm 2-3 lần/ngày, cải thiện các triệu chứng trĩ.
- Chườm túi đá giúp giảm sưng nề.
- Thuốc bôi tại chỗ: các thuốc có tác dụng sát trùng, chống phù nề, chống co thắt, giảm đau, chống đông
2.3 Thủ thuật
- Chích xơ: chỉ định cho trĩ nội độ 1, 2. Không dùng cho trĩ ngoại, trĩ huyết khối, trị nội bị viêm loét hay hoại tử.
- Làm đông nhiệt bằng tia hồng ngoại: dùng cho các búi trĩ nhỏ không đáng thắt.
- Thắt bằng dây thun: đơn giản, rẻ, có thể điều trị ngoại trú cho trĩ chảy máu và sa trĩ, lý tưởng cho trĩ độ 2, 3.
2.4 Phẫu thuật
- Mổ cắt trĩ.
- Thắt các mạch máu đến nuôi búi trĩ.
- Phương pháp longo: không cắt mà làm gián đoạn các mạch máu trĩ trên – giữa và khâu treo niêm mạc hậu môn -trực tràng bị sa lên trên, đưa các búi trĩ về lại vị trí trong hậu môn, do đó làm teo mô trĩ.Chỉ định trĩ nôi sa độ 3, độ 4.
Xem thêm:
Bệnh trĩ và các phương pháp điều trị