MỚI

Bệnh xuất huyết tiêu hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ngày xuất bản: 11/06/2023

Bệnh xuất huyết tiêu hóa là một tình trạng cấp cứu nội khoa và ngoại khoa. Nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về bệnh xuất huyết tiêu hóa, bao gồm các triệu chứng, nguyên nhân và liệu pháp điều trị.

Hình ảnh minh họa xuất huyết tiêu hóa
Hình ảnh minh họa xuất huyết tiêu hóa

1. Tổng quan về bệnh xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng máu chảy ra khỏi mạch máu của đường tiêu hóa vào bên trong đường tiêu hóa. Có hai loại xuất huyết tiêu hóa: xuất huyết tiêu hóa cao và xuất huyết tiêu hóa thấp.

Xuất huyết tiêu hóa cao là khi máu chảy ra ở phần trên của đường tiêu hóa, từ thực quản đến góc Treitz, thường dẫn đến nôn máu hoặc đi cầu ra máu. Khi bệnh nhân mất lượng máu khoảng 50-100 mL vào đường tiêu hóa cao, phân sẽ có màu đen. Khi lượng máu mất lớn hơn 1000 mL, bệnh nhân sẽ đi cầu ra máu đỏ.

Xuất huyết tiêu hóa thấp là khi máu chảy ra từ góc Treitz đến hậu môn. Phần lớn các trường hợp xuất huyết tiêu hóa thấp đều có nguồn gốc từ đại trực tràng và có thể dẫn đến đi cầu ra máu hoặc phân có màu đen. Khi bệnh nhân mất lượng máu lớn, họ có thể bị sốc và cần phải được hồi sức.

2. Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng máu chảy ra từ các mạch máu trong đường tiêu hoá vào bên trong đường tiêu hoá. Triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa có thể bao gồm các trường hợp sau:

  • Nôn ra máu: Nếu bệnh nhân nôn ra máu đỏ tươi, thường là biểu hiện của chảy máu đường tiêu hoá trên, chẳng hạn như do loét dạ dày, tổn thương mạch hoặc giãn tĩnh mạch.
  • Đại tiện phân có máu: Đại tiện phân có máu thường là dấu hiệu của chảy máu đường tiêu hoá dưới, có thể là do trực tràng, hoặc chảy máu đường tiêu hoá số lượng lớn khiến cho lượng máu lớn bị đào thải nhanh chóng qua ruột.
  • Đại tiện phân đen: Đại tiện phân đen có thể là biểu hiện của chảy máu đường tiêu hoá trên, tuy nhiên máu cũng có thể chảy từ vị trí thấp hơn. Máu chảy khoảng 100-200 ml từ đường tiêu hóa trên làm cho phân có màu đen. Sau khi máu ngừng chảy, phân đen vẫn tồn tại trong vài ngày sau đó. Ngoài ra, phân có thể có màu đen do người bệnh sử dụng một số loại thuốc như sắt, bismuth.
  • Tình trạng máu ẩn trong phân mạn tính: Tình trạng này có thể xuất phát từ bất kỳ vị trí nào trong đường tiêu hoá và được chẩn đoán bằng xét nghiệm phân.
  • Chảy máu cấp, trầm trọng: có thể xuất phát ở bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hoá. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu sốc do rối loạn huyết động.

3. Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa

  • Đường tiêu hoá trên: Các nguyên nhân chính là loét tá tràng, viêm dạ dày-tá tràng, giãn tĩnh mạch, loét dạ dày, rách Mallory-Weiss, viêm thực quản, u mạch máu, dị dạng động-tĩnh mạch, u mô đệm đường tiêu hóa (GIST) và chảy máu đường mật.
  • Đường tiêu hoá dưới: Các nguyên nhân có thể là nứt kẽ hậu môn, loạn sản mạch (giãn mạch máu), viêm đại tràng (bao gồm tia xạ, thiếu máu cục bộ và nhiễm trùng), ung thư biểu mô ruột kết, polyp đại tràng, bệnh túi thừa, bệnh viêm đại tràng (bao gồm viêm trực tràng/viêm đại tràng thể loét và bệnh Crohn) và trĩ nội.
  • Tổn thương ruột non (hiếm gặp): Các nguyên nhân bao gồm u mạch, dị dạng động-tĩnh mạch, túi thừa Meckel và khối u.

4. Điều trị xuất huyết tiêu hóa

4.1. Các biện pháp hồi sức

Cấp cứu cơ bản

  • Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm đầu thấp. Chú ý phòng ngừa nguy cơ sặc vào phổi
  • Thở O2 qua canula mũi 2 – 6l/phút.
  • Đặt nội khí quản nếu bệnh nhân có nguy cơ trào ngược vào phổi, suy hô hấp hoặc rối loạn ý thức.
  • Đặt 2 đường truyền tĩnh mạch. Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP) nếu bệnh nhân bị suy tim.
  • Đặt ống thông tiểu.
  • Đặt ống thông dạ dày, bơm rửa máu trong dạ dày.
  • Lấy máu các xét nghiệm cơ bản, đo ECG.

Phục hồi thể tích và chống sốc

  • Ưu tiên hàng đầu là bù lại lượng dịch mất và phục hồi lại tình trạng huyết động.
  • Truyền dịch: NaCl 0,9% hoặc Ringer lactat, ở đa số bệnh nhân truyền 1 – 2 lít dịch muối đẳng trương sẽ điều chỉnh được thể tích dịch bị mất.
  • Sau khi đã truyền tổng liều 50ml/kg dung dịch muối đẳng trương mà bệnh nhân vẫn còn sốc, chuyển qua truyền dung dịch keo.
  • Khối lượng dịch và tốc độ truyền dịch phụ thuộc mức độ mất máu, tình trạng tim mạch của bệnh nhân.
  • Mục đích điều trị: bệnh nhân ra sốc (da ấm, HA tối đa > 90 mmHg, lượng nước tiểu > 30ml/giờ, bệnh nhân hết kích thích).
  • Với bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, không nên nâng huyết áp lên quá cao (HA tối đa > 110mmHg) vì có nguy cơ xuất huyết tái phát do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
  • Theo dõi sát mạch, huyết áp, nghe phổi, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP)

Truyền máu

  • Truyền máu được chỉ định cho bệnh nhân chảy máu nặng hoặc đang tiến triển, mục đích để ổn định huyết động và Hct > 25% (> 30% ở người già có bệnh lí mạch vành hoặc suy hô hấp).
  • Đối với bệnh nhân bị rối loạn đông máu: truyền huyết tương tươi đông lạnh, khối tiểu cầu.

4.2. Điều trị cầm máu theo nguyên nhân

  • Nội soi dạ dày nên tiến hành sớm khi tình trạng bệnh nhân ổn định vì có vai trò quan trọng trong điều trị cầm máu theo từng nguyên nhân.
  • Điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể:
  • Loét dạ dày-tá tràng: nội soi can thiệp kết hợp PPI:
    • Omeprazol bolus 80mg, sau đó truyền TM 8mg/giờ.
    • Phẫu thuật khi bệnh nhân xuất huyết nặng, dai dẳng, điều trị nội soi thất bại.
  • Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản: nội soi can thiệp kết hợp thuốc làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa.
    • Somatostatin (bolus TM 0,25mg, sau đó truyền TM 6mg/24 giờ)
    • Octreotid (bolus TM 100 μg sau đó truyền TM 25 – 50μg/giờ)
    • Terlipressin (1mg x 4 lần/24 giờ).
  • Viêm dạ dày tá tràng cấp: cắt bỏ yếu tố đả kích, Dùng Omeprazole (bolus 80mg, sau đó truyền TM 8mg/ giờ), nếu còn chảy máu có thể kết hợp truyền TM somatostatin (liều như trên).
    • Nếu trường hợp nặng bệnh nhân vào cấp cứu chưa thể nội soi được để xác định nguyên nhân chảy máu, không thể phân biệt được chảy máu do loét dạ dày-tá tràng hay vỡ giãn TMTQ, cần điều trị phối hợp
  • Truyền dịch, máu chống sốc.
  • Truyền TM kết hợp thuốc ức chế bài tiết dịch vị (omeprazol như trên) với thuốc làm giảm áp lực TM cửa (somatostatin hoặc terlipressin – liều như trên).
  • Khi tình trạng bệnh nhân ổn định, nội soi để can thiệp theo nguyên nhân.

Xem thêm: Triệu chứng lâm sàng xuất huyết tiêu hóa trên và dưới | Vinmec

facebook
36

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên gia