Bệnh Hysteria: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Rối loạn phân ly (Bệnh Hysteria) là bệnh cảnh mất một phần hay hoàn toàn sự hợp nhất bình thường giữa trí nhớ, quá khứ, ý thức về đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động của cơ thể. Đây là một rối loạn chức năng có liên quan chặt chẽ với sang chấn tâm lý và nhân cách người bệnh. Xác định chẩn đoán và điều trị đúng cách là rất quan trọng vì bệnh có thể gây ra rất nhiều khó khăn cho bệnh nhân và gia đình.
1. Nguyên nhân của bệnh Hysteria
Nội dung bài viết
Những stress có thể gây rối loạn phân ly đó là những hoàn cảnh xung đột, những vấn đề không giải quyết được, những mối quan hệ phức tạp giữa người với người hoặc đôi khi là các nhu cầu tâm lý không được đáp ứng tác động vào tâm thần gây ra các cảm xúc mạnh, phần lớn là các xúc cảm tiêu cực như lo lắng, buồn rầu, tức giận, ghen tuông, thất vọng…
Rối loạn phân ly dễ phát sinh ở những người có nhân cách thuộc loại hình thần kinh nghệ sỹ yếu.
Các bệnh lý cơ thể như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, chấn thương sọ não… nói chung đó là các nhân tố làm suy yếu hệ thần kinh, giảm sút hoạt động của vỏ não và tăng cường hoạt động dưới vỏ có thể tạo điều kiện thuận lợi phát sinh rối loạn phân ly.
2. Chẩn đoán bệnh Hysteria
2.1 Chẩn đoán xác định: Tiêu chuẩn chẩn đoán ICD 10
2.1.1. Lâm sàng
(A). Các nét lâm sàng biệt định cho các rối loạn cá nhân trong chương F44. (Liệt, run, mất đứng mất đi, mù, điếc, câm, tê bì, sững sờ, quên, co giật, hiện tượng bị xâm nhập…)
(B). Không có bằng chứng của một rối loạn cơ thể nào có thể giải thích các triệu chứng.
(C). Bằng chứng có nguyên nhân tâm lý dưới dạng kết hợp rõ rệt về thời gian với sự kiện gây sang chấn và những vấn đề hoặc các mối quan hệ bị rối loạn.
2.1.2. Cận lâm sàng
– Xét nghiệm máu: huyết học, sinh hoá, vi sinh (HIV, VGB, VGC)
– Xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm tìm chất ma tuý, huyết thanh chẩn đoán giang mai…
– Trắc nghiệm tâm lý: nhóm trắc nghiệm đánh giá nhân cách (MMPI, EPI…), trắc nghiệm tâm lý đánh giá lo âu (Zung, Hamilton lo âu…), đánh giá trầm cảm (Beck, Hamilton trầm cảm…), đánh giá rối loạn giấc ngủ phối hợp (PSQI…) …
– Các xét nghiệm xác định bệnh lý kết hợp hoặc loại trừ nguyên nhân thực thể tuỳ theo triệu chứng lâm sàng của rối loạn phân ly:
– Điện não đồ, lưu huyết não
– Điện tâm đồ, XQ tim phổi, siêu âm ổ bụng, siêu âm tuyến giáp
– Xét nghiệm hormon tuyến giáp
– CT, MRI…
– Ngoài ra có thể phối hợp với các chuyên khoa khác để chỉ định thêm các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt.
2.2. Chẩn đoán phân biệt
– Các bệnh thần kinh nội khoa: Viêm não, xuất huyết não, hội chứng Guillain – Barre (viêm đa rễ và dây thần kinh nguyên phát), các bệnh lý về cơ: nhược cơ, viêm đa cơ…, các triệu chứng thần kinh sớm của AIDS, xơ cứng rải rác.
– Rối loạn dạng cơ thể
– Rối loạn giả bệnh
– Cơn co giật động kinh
3. Điều trị bệnh Hysteria
3.1. Nguyên tắc điều trị
Rối loạn phân ly là bệnh tâm sinh nên trong điều trị liệu pháp tâm lý có vai trò quan trọng.
Bước đầu tiên trong điều trị là phải loại bỏ triệu chứng bằng liệu pháp giải thích hợp lý kết hợp ám thị.
Sau đó cần điều trị dự phòng tái diễn bệnh bằng các liệu pháp tâm lý hướng tới nhân cách như liệu pháp tâm lý nhóm, thư giãn luyện tập, liệu pháp nhận thức, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu…
Rối loạn phân ly thường kèm theo trầm cảm, lo âu
Nguyên tắc chọn thuốc:
Ưu tiên đơn trị liệu (chọn một trong những thuốc liệt kê ở dưới nếu chưa hiệu quả thì sử dụng đồng thời một thuốc chống trầm cảm và một thuốc an thần kinh được khuyến cáo nhiều hơn cả).
Khởi liều thấp và tăng liều từ từ cho đến khi có hiệu quả. Hạn chế lạm dụng nhóm giải lo âu gây nghiện.
3.2. Sơ đồ/phác đồ điều trị:
Liệu pháp hóa dược+liệu pháp tâm lý
Các thuốc chống trầm cảm: Chọn một hoặc hai hoặc ba thuốc trong số các thuốc sau:
Nhóm SSRI, SNRI, 3 vòng, hoặc nhóm khác:
Imipramin, liều 150-300 mg/24 giờ
Amitriptylin, liều150-300 mg/24 giờ
Paroxetin, liều 20-80 mg/24 giờ
Fluoxetin, liều 10-80 mg/24 giờ
Fluvoxamin, liều 50-300 mg/24 giờ
Citalopram, liều 20-60 mg/24 giờ
Escitalopram, liều 10-20 mg/24 giờ
Sertralin, liều 50 – 200 mg/24 giờ
Venlafaxin, liều 37,5 – 375 mg/24 giờ
Mirtazapin, liều 15 – 60 mg/ 24 giờ
Các thuốc giải lo âu: Chọn một hoặc hai hoặc ba thuốc trong số các thuốc sau:
Thuốc giải lo âu gây ngủ nhóm Benzodiazepin:
Diazepam, liều 5 – 20 mg/24 giờ
Lorazepam: 2 – 6mg/24 giờ
Bromazepam: 6-12mg/24 giờ
Alprazolam: 1 – 4 mg/24 giờ…
Non-benzodiazepins: etifoxine HCL, sedanxio, zopiclon…
Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm: propanolol…
Các an thần kinh: olanzapin, quetiapin, sulpirid…
Nuôi dưỡng tế bào thần kinh: piracetam, ginkgo biloba, vinpocetin, choline alfoscerate, nicergoline, ….
Thuốc hỗ trợ chức năng gan, thuốc tăng cường nhận thức…
Dinh dưỡng: bổ sung dinh dưỡng, vitamine nhóm b và khoáng chất, chế độ ăn dễ tiêu hóa (mềm, nhiều xơ), đủ vitamin và khoáng chất (hoa quả, ….), tránh chất kích thích, uống đủ nước, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch…trong những trường hợp cần thiết.
4. Tiên lượng và biến chứng
Rối loạn phân ly có tiên lượng tốt nếu bệnh khởi phát cấp tính, liên quan trực tiếp đến sang chấn tâm lý, không có các bệnh lý nội khoa, thần kinh và tâm thần kèm theo.
- Phòng bệnh
Bồi dưỡng nhân cách.
Rèn luyện khả năng thích nghi cao với môi trường.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế
Có thể bạn quan tâm: Các hội chứng trong rối loạn cảm xúc