MỚI

Bệnh COVID 19: Các phân độ lâm sàng và chẩn đoán xác định

Ngày xuất bản: 19/04/2023

COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện vào cuối năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Virus đã nhanh chóng lây lan sang các khu vực khác của Trung Quốc và trở thành một đại dịch toàn cầu. Từ đó cho thấy được vai trò cấp bách trong việc chẩn đoán bệnh COVID 19 cũng như hướng điều trị cho bệnh nhân thông qua các phân loại nhầm cá thể hóa điều trị ở từng bệnh nhân. Các phân độ này có thể giúp xác định liệu bệnh nhân có cần được điều trị tại bệnh viện hay không, và liệu họ có cần được chăm sóc đặc biệt hay không.

1. Phân loại mức độ của bệnh COVID 19

1.1. Người nhiễm không triệu chứng

– Người bệnh không có triệu chứng lâm sàng.

– Nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.

1.2. Mức độ nhẹ

– Người bệnh COVID-19 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy…

– Nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.

– Tỉnh táo, người bệnh tự phục vụ được.

X-quang phổi bình thường hoặc có nhưng tổn thương ít.

1.3. Mức độ trung bình

1.3.1. Lâm sàng

– Toàn trạng: Người bệnh có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như mức độ nhẹ.

Hô hấp: Có dấu hiệu viêm phổi với khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút, phổi có ran nổ và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 94-96% khi thở khí phòng. Người bệnh có thể khó thở khi gắng sức (đi lại trong nhà, lên cầu thang).

– Tuần hoàn: mạch nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường.

– Ý thức: tỉnh táo.

1.3.2. Cận lâm sàng

– X-quang ngực và CLVT ngực: có tổn thương, tổn thương dưới 50%.

– Siêu âm: hình ảnh sóng B.

– Khí máu động mạch: PaO2/FiO2 > 300.

1.4. Mức độ nặng

1.4.1. Lâm sàng

– Hô hấp: Có dấu hiệu viêm phổi kèm theo bất kỳ một trong các dấu hiệu sau: nhịp thở > 25 lần/phút; khó thở nặng, co kéo cơ hô hấp phụ; SpO2 < 94% khi thở khí phòng.

– Tuần hoàn: nhịp tim nhanh hoặc có thể nhịp tim chậm, HA bình thường hay tăng.

Thần kinh: người bệnh có thể bứt rứt hoặc đừ, mệt.

1.4.2. Cận lâm sàng

– X-quang ngực và CLVT ngực: có tổn thương, tổn thương trên 50%.

– Khí máu động mạch: PaO2/FiO2 khoảng 200 – 300

– Siêu âm: hình ảnh sóng B nhiều.

1.5. Mức độ nguy kịch

1.5.1. Lâm sàng

– Hô hấp: thở nhanh > 30 lần/phút hoặc < 10 lần/phút, có dấu hiệu suy hô hấp nặng với thở gắng sức nhiều, thở bất thường hoặc cần hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy dòng cao (HFNC), CPAP, thở máy.

– Thần kinh: ý thức giảm hoặc hôn mê.

– Tuần hoàn: nhịp tim nhanh, có thể nhịp tim chậm, huyết áp tụt.

– Thận: tiểu ít hoặc vô niệu.

1.5.2. Cận lâm sàng

– X-quang ngực và CLVT ngực: có tổn thương, tổn thương trên 50%.

– Khí máu động mạch: PaO2/FiO2 < 200, toan hô hấp, lactat máu > 2 mmol/L.

– Siêu âm: hình ảnh sóng B nhiều.

Diễn tiến lâm sàng của COVID 19.

Diễn tiến lâm sàng của COVID 19. Nguồn: Understanding the Range of Disease Severity in COVID-19

2. Chẩn đoán bệnh COVID 19

2.1. Chẩn đoán phân biệt

– Cần chẩn đoán phân biệt với viêm đường hô hấp cấp do các tác nhân hay gặp khác:

+ Vi rút cúm mùa (A/H3N2, A/H1N1, B), vi rút á cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV), rhinovirus, myxovirus, adenovirus.

+ Hội chứng cảm cúm do các chủng coronavirus thông thường.

+ Các căn nguyên gây nhiễm khuẩn hay gặp, bao gồm các các vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma pneumonia…

+ Các căn nguyên khác có thể gây viêm đường hô hấp cấp tính nặng như cúm gia cầm A/H5N1, A/H7N9, A/H5N6, SARS-CoV và MERS-CoV.

– Cần chẩn đoán phân biệt các tình trạng nặng của người bệnh (suy hô hấp, suy chức năng các cơ quan…) do các căn nguyên khác hoặc do tình trạng nặng của các bệnh lý mạn tính kèm theo.\

Xem thêm: Nhận biết các giai đoạn tiến triển của bệnh COVID 19

2.2. Trường hợp bệnh nghi ngờ

Đó là người tiếp xúc gần hoặc là người có yếu tố dịch tễ và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng sau đây: sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.

Đó là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (trừ trường hợp nêu tại mục 2.3, điểm 2.3.2, 2.3.3 và 2.3.4).

* Người tiếp xúc gần là một trong số các trường hợp sau:

– Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền.

– Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền.

– Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền.

– Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

* Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT ≥ 30.

* Người có yếu tố dịch tễ bao gồm:

– Người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học… với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền.

– Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động.

2.3. Trường hợp bệnh xác định

Đó là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi rút (PCR).

Đó là người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Đó là người có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc COVID-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Đó là người có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với vi rút SARS-CoV-2. Trong trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần thứ 2 âm tính thì cần phải có xét nghiệm Real-time RT-PCR để khẳng định

* Sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Nguồn: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID 19 của Bộ Y tế 2022

Xem thêm: COVID 19: Triệu chứng lâm sàng và các cận lâm sàng

facebook
2

Bài viết liên quan

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết cùng chuyên gia