Nguy hiểm của bệnh viêm phổi do thuỷ đậu
Bệnh thủy đậu hay còn được gọi là trái rạ, phỏng dạ, thường xảy ra ở người lớn và cả trẻ em, tác nhân gây bệnh là virus Varicella Zoster. Căn bệnh này tuy là một bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, thậm chí là tử vong. Trong đó Viêm phổi do thủy đậu sẽ là một trong những biến chứng hết sức nguy hiểm và nặng nề nếu như không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1. Tổng quan về viêm phổi do thủy đậu
Nội dung bài viết
- Vi rút Varicella-zoster thường gây ra bệnh nhẹ ở trẻ em (bệnh thủy đậu). Tuy nhiên, ở người lớn thường gây ra những biến chứng nghiêm trọng, bao gồm viêm phổi do bệnh thủy đậu.
- Viêm phổi do bệnh thủy đậu là biến chứng nghiêm trọng nhất của nhiễm trùng toàn thân do virus Varicella-zoster, với tỷ lệ tử vong từ 9-50%. Hơn 90% trường hợp viêm phổi do virus Varicella-zoster ở người lớn xảy ra ở bệnh nhân mắc bệnh lymphoma hoặc có hệ miễn dịch suy yếu.
X quang viêm phổi do thủy đậu – tổn thương dạng kê - Thời điểm gây viêm phổi thường bắt đầu vào khoảng ngày thứ 3-5 của bệnh thủy đậu (tính từ khi bệnh khởi phát). Viêm phổi đôi khi có thể nhẹ và điều trị được nhưng nhiều trường hợp cũng diễn tiến khá nặng.
2. Dấu hiệu mắc viêm phổi do thủy đậu
Tuy thủy đậu ở giai đoạn đầu có nhiều biểu hiện như ho giống cảm cúm, nhưng biến chứng viêm phổi được xác định khi người bệnh gặp phải các triệu chứng như:
– Ho khan
– Sốt, đôi khi sốt cao
– Ớn lạnh
– Hụt hơi
– Đau ngực khi ho hoặc thở
– Thở nhanh
Khi viêm phổi do biến chứng thủy đậu nặng, người bệnh sẽ có biểu hiện: sốt cao; thở nhanh; khó thở; tím tái; ho ra máu…Tình trạng viêm phổi nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và phù phổi vô cùng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
3. Đối tượng dễ mắc viêm phổi do thủy đậu
Theo CDC những người có thể mắc phải bệnh thủy đậu nặng và có nguy cơ mắc biến chứng bao gồm:
– Trẻ sơ sinh
– Thanh thiếu niên
– Người lớn tuổi
– Phụ nữ đang mang thai
– Những người có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh hoặc thuốc, ví dụ như:
+ Những người mắc HIV/AIDS hoặc ung thư
+ Những bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật ghép tạng
+ Những người đang điều trị hóa trị, thuốc ức chế miễn dịch hoặc sử dụng corticoid dài hạn.
4. Chẩn đoán viêm phổi do thủy đậu
- Đánh giá lâm sàng
Chẩn đoán lâm sàng được thực hiện thông qua các biểu hiện điển hình. Viêm phổi do biến chứng thủy đậu gây ra tình trạng thở nhanh, tức ngực, ho, khó thở, sốt, đau ngực hoặc ho ra máu. Các triệu chứng ở ngực có thể bắt đầu trước khi phát ban trên da xuất hiện. Nguy cơ phát triển suy hô hấp cần thông khí nhân tạo là khó dự đoán.
- Đánh giá qua hình ảnh học
Chụp X quang ngực và hình ảnh HRCT rất hữu ích trong chẩn đoán viêm phổi do vi rút varicella cấp tính.
Nếu chẩn đoán còn nghi ngờ, xác nhận phòng thí nghiệm có thể được thực hiện để thực hiện một trong những điều sau đây:
- Nghiên cứu phản ứng chuỗi Polymerase (PCR) của DNA virus
- Phát hiện miễn dịch huỳnh quang của kháng nguyên virus trong tổn thương
- Xét nghiệm huyết thanh
- Nuôi cấy vi rút
- Phết tế bào Tzanck
Trong các xét nghiệm huyết thanh học, phát hiện các kháng thể IgM đối với virus varicella-zoster (VZV) hoặc chuyển đổi huyết thanh từ âm tính sang dương tính với các kháng thể đối với VZV cho thấy nhiễm trùng cấp tính.
5. Đường lây truyền bệnh thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan bằng nhiều cách:
- Lây theo đường hô hấp bằng các giọt nước nhỏ trong không khí bắn ra từ đường hô hấp như mũi, miệng của người bệnh.
- Lây thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật như quần áo, chăn gối có vấy bẩn các chất tiết của người bệnh.
- Lây qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch khi các bọng nước bị vỡ.
- Lây từ mẹ sang con khi mẹ mắc thủy đậu trong khi mang thai
Thời gian lây bệnh của thủy đậu kéo dài từ trước khi nổi ban đỏ 1-2 ngày cho đến khi các bọng nước đóng vảy hoàn toàn.
6. Khi nào cần đến gặp bác sĩ ?
Theo khuyến cáo của CDC người mắc bệnh Thủy đậu có bất kỳ triệu chứng sau đây cần đến gặp Bác sĩ hoặc trung tâm y tế gần nhất:
– Sốt kéo dài hơn 4 ngày
– Sốt cao hơn 102°F (38,9°C)
– Bất kỳ vùng da nào bị đỏ, nóng, hoặc đau nhức, hoặc bắt đầu chảy mủ (chất lỏng đặc, có màu sắc khác nhau), vì những triệu chứng này có thể cho thấy có nhiễm trùng cấp tính.
– Khó tỉnh táo hoặc lú lẫn
– Khó đi lại
– Cổ cứng
– Nôn mửa thường xuyên
– Khó thở
– Ho nặng
– Đau bụng nghiêm trọng
– Phát ban có chảy máu hoặc bầm tím (phát ban xuất huyết)
Xem thêm: Viêm phổi không đáp ứng với điều trị: Chẩn đoán và điều trị