Tiên lượng bệnh lý tuỷ – Giải phẫu và yếu tố trước điều trị
Ngày xuất bản: 03/05/2023
Bài viết này đề cập đến yếu tố giải phẫu, bao gồm loại răng, số lượng chân răng, tiếp xúc mặt bên và yếu tố trước điều trị, bao gồm tình trạng mô tủy, triệu chứng lâm sàng, tình trạng mô quanh chóp, nha chu và các yếu tố liên quan đến lần điều trị trước đối với quá trình tiên lượng bệnh lý tuỷ. Cùng tìm hiểu thêm.
Tiên lượng bệnh lý tuỷ – Giải phẫu và yếu tố trước điều trị
1. Yếu tố giải phẫu đến tiên lượng bệnh lý tuỷ
Nội dung bài viết
Loại răng
Có nhiều nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị nội nha liên hệ với loại răng, nhưng đều có kết luận khác nhau. Kerekes và Tronstad nhận thấy những răng đặc biệt (răng nanh hàm trên, răng cối nhỏ 2 và răng nanh hàm dưới) có thể có tiên lượng tốt hơn những răng khác. Một số ít nghiên cứu cho thấy răng cối lớn hàm dưới có tỉ lệ thành công thấp đáng kể so với những loại răng khác. Ngược lại, một nghiên cứu khác lại quan sát thấy răng hàm dưới có thể có tỉ lệ thành công cao hơn răng hàm trên.
Nghiên cứu trên những răng điều trị nội nha lại cũng cho kết quả răng hàm dưới nói chung là có tỉ lệ thành công thấp hơn khi so với răng hàm trên.
Một bài đánh giá hệ thống về tỉ lệ tồn tại lâu dài của răng đã điều trị nội nha cho biết những răng không thuộc nhóm răng cối lớn thì có kết quả tốt hơn so với những răng cối lớn.
Số lượng chân răng
Có một số nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị nội nha dựa trên số lượng chân răng. Strindberg và Engstrom nhận thấy răng 1 chân thường có tỷ lệ thất bại cao hơn so với răng 2 hoặc 3 chân. Grahnen và Hansson cũng nhận thấy kết quả điều trị thành công ở những răng 3 chân cao hơn so với răng 2 chân, và thấp nhất ở những răng 1 chân. Ngược lại, Friedman nhận thấy răng có 1 ống tủy đơn độc thì có tỉ lệ thành công cao hơn răng có nhiều ống tủy. Kết quả nghiên cứu Toronto cũng trình bày rằng răng 1 chân có thể có kết quả điều trị tốt hơn răng nhiều chân.
Tiếp xúc mặt bên
Ảnh hưởng của các tiếp xúc mặt bên được nghiên cứu chủ yếu là liên quan đến sự tồn tại lâu dài của răng. Răng có 2 tiếp xúc mặt bên thì cho thấy tỷ lệ tồn tại cao hơn răng chỉ có 1 hoặc không có tiếp xúc bên. Trong một vài nghiên cứu, người ta nhận thấy răng đã điều trị nội nha có ít hơn 2 tiếp xúc mặt bên thì bị mất sớm với tỉ lệ cao hơn gấp 3 lần so với răng có 2 tiếp xúc mặt bên.
2. Yếu tố trước điều trị
Tình trạng mô tủy
Có một sự tương phản rất lớn giữa kết quả nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của tiên lượng bệnh lý tủy đến kết quả điều trị nội nha. Cần phải lưu ý rằng hoại tử tủy hầu hết đều liên quan đến viêm quanh chóp, nên việc điều trị nội nha ở những răng hoại tử tủy có thể có tỉ lệ thành công thấp là do sự tồn tại của bệnh lý viêm quanh chóp chứ không nhất thiết là do tình trạng tủy răng. Trong một bài đánh giá hệ thống, sau khi đã kiểm soát những yếu tố có khả năng gây nhiễu này thì không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về kết quả điều trị nội nha giữa răng sống với răng chết tủy.
Triệu chứng lâm sàng đối với tiên lượng bệnh lý
Mối liên hệ giữa triệu chứng lâm sàng với tình trạng mô học thực sự của tủy răng và tình trạng bệnh lý viêm quanh chóp thường đúng. Do đó, bất kỳ nghiên cứu nào dựa vào mối liên hệ này đều cần được đánh giá thật cẩn thận. Một vài nghiên cứu nhận thấy đau trước điều trị có ảnh hưởng lớn đến thành công lâu dài của việc điều trị. Tuy nhiên theo đại đa số kết quả nghiên cứu cũng về vấn đề này thì lại cho thấy triệu chứng trước điều trị không có ảnh hưởng đáng kể đến việc điều trị nội nha hoặc điều trị nội nha lại. Trong một nghiên cứu khác, người ta thấy lỗ dò trước điều trị có ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị. Ngược lại, những nghiên cứu trước đó lại không nhận thấy sự ảnh hưởng đáng kể nào của yếu tố này.
Tình trạng mô quanh chóp
Sự tồn tại của một tổn thương quanh chóp là một yếu tố trước điều trị được nhiều ý kiến đồng tình rằng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị. Đối với trường hợp những răng mới điều trị lần đầu, trong một bài tổng quan hệ thống từ 14 nghiên cứu, người ta kết luận rằng những răng chết tủy không có tổn thương quanh chóp thì có tỉ lệ thành công cao hơn gấp 1.95 lần so với răng chết tủy có tổn thương quanh chóp. Còn đối với những trường hợp điều trị tủy lại, một bài tổng quan hệ thống khác dựa trên 8 nghiên cứu kết luận rằng răng chết tủy không có tổn thương quanh chóp có tỉ lệ thành công cao gấp 6.32 lần so với răng chết tủy có tổn thương quanh chóp. Như vậy, có vẻ như sự tồn tại của bệnh lý mô quanh chóp có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả điều trị của những ca điều trị nội nha lại hơn là những ca điều trị mới.
Kích thước của tổn thương quanh chóp
Một bài viết tổng hợp các kết quả nghiên cứu điều trị tủy lần đầu không tìm thấy sự ảnh hưởng đáng ghi nhận nào của kích thước tổn thương (>5 hoặc <5mm) lên kết quả điều trị. Tuy nhiên một bài tổng hợp khác về kết quả điều trị tủy lại thì nhận thấy răng với tổn thương quanh chóp 25mm làm giảm đáng kể tỷ lệ thành công so với răng có tổn thương <5 mm.
Các yếu tố tiên lượng bệnh lý liên quan đến lần điều trị trước
Khoảng thời gian giữa lần điều trị đầu tiên và lần điều trị thứ 2: Dựa trên những bằng chứng hiện có thì khoảng thời gian giữa lần điều trị đầu tiên với lần điều trị thứ 2 dường như không ảnh hưởng lắm đến thành công của việc điều trị nội nha lại. Tuy nhiên, yếu tố này nên được xem xét cẩn thận vì thời gian chính xác của lần điều trị ban đầu thường khó xác định.
Chất lượng của lần điều trị nội nha đầu tiên: Theo như một nghiên cứu, chất lượng của vật liệu trám bít trước không làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị nội nha lại. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác lại nhận thấy trong trường hợp có tổn thương quanh chóp trước điều trị thì điều trị nội nha lại thành công với chất lượng trám bít tốt trước đó (cách chóp răng trên phim từ 0 – 2mm và không có kẽ hở) cao hơn đáng kể so với răng có chất lượng trám bít kém. Một nghiên cứu khác đã đánh giá cùng một yếu tố, nhưng kết quả không có ý nghĩa thống kê sau khi điều chỉnh kết quả do sự xuất hiện của tổn thương quanh chóp.
Dị vật trong ống tủy: Với trường hợp dị vật trong ống tủy thì các kết quả nghiên cứu rất khác nhau. Dường như dị vật trong ống tủy có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị nội nha lại nếu như nó ngăn cản việc sửa soạn cơ – hóa học từ đoạn chóp cho đến vị trí dị vật. Đối với trường hợp nội nha lại, người ta cho rằng miễn là đoạn tận cùng của ống tủy vẫn được bịt kín thì tỉ lệ thành công của việc điều trị không bị ảnh hưởng bởi dị vật, cho dù nó đã được loại bỏ hay đã được vượt qua.
Thủng chân răng trước đó: Trong một bài viết tổng hợp, người ta nhận thấy chân răng bị thủng ở lần điều trị trước có thể làm giảm tỉ lệ thành công khi điều trị nội nha lại lên đến 32% so với răng không bị thủng.
Tình trạng mô nha chu
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng nguyên nhân chủ yếu khiến cho răng đã điều trị nội nha phải bị nhổ bỏ thường không phải là do kết quả điều trị nội nha thất bại, mà là do thất bại của phục hồi hoặc bệnh lý mô nha chu. Ở một nghiên cứu, sự nâng đỡ của bờ xương được thấy là ảnh hưởng đáng kể đến sự thành công của điều trị. Setzer cũng nhận thấy mối tương quan có ý nghĩa giữa sự mất bám dính của răng với những dấu hiệu bất lợi trên các răng cối lớn. Một nghiên cứu khác nhận thấy răng bị nứt gãy với túi nha chu sâu >3 mm có thể gây ảnh hưởng đến sự tồn tại lâu dài của răng. Những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết của việc đánh giá mô nha chu trước khi điều trị nội nha.
Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017Đọc thêm: Yếu tố trong điều trị tiên lượng tới bệnh lý tuỷ răng.
6
Bài viết liên quan
Thuốc liên quan
Bình luận0
Đăng ký
0 Comments