Quy trình nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên theo Bộ Y tế
Siêu âm nội soi là kỹ thuật kết hợp giữa nội soi và siêu âm, trong đó đầu dò siêu âm được áp sát với các tổn thương cần thăm dò qua đường nội soi: tổn thương thành thực quản, dạ dày, ruột, gan, tụy mật. Đây là một phương pháp nội soi mới và đang được ứng dụng rộng rãi trong nước và thế giới, giúp chẩn đoán bệnh về đường tiêu hóa được chính xác hơn.
1. Chỉ định
Nội dung bài viết
1.1. Các chỉ định chính
– Chẩn đoán các bất thường ở dưới niêm mạc của ống tiêu hóa.
+ Phân biệt một tổn thương ở thành ống tiêu hóa hay từ bên ngoài.
+ Đánh giá kích thước và cấu trúc khối u.
+ Đánh giá độ lớn của các nếp niêm mạc của dạ dày.
+ Chẩn đoán varices ở thực quản và dạ dày.
– Chẩn đoán giai đoạn các khối u đường tiêu hóa.
– Chẩn đoán một số bệnh lý của tụy và đường mật.
+ Đánh giá các giai đoạn của ung thư.
+ Xác định vị trí của các u nội tiết.
+ Phát hiện sỏi và giun trong ống mật chủ.
1.2. Các chỉ định khác
– Đánh giá kết quả điều trị varices
– Bệnh lý viêm nhiễm ruột
– Bệnh lý nhu động thực quản
– Loét lành tính đang liền sẹo
– Đánh giá nguy cơ chảy máu ổ loét
– Dẫn lưu nang giả tụy dưới sự hướng dẫn của SANS
– Viêm tụy mạn
– Chọc hút tế bào kim nhỏ dưới hướng dẫn SANS
– Chẩn đoán và phân loại ung thư
– Phá hủy đám rối thần kinh tạng để giảm đau
– Co thắt thực quản
2. Chống chỉ định
– Các bệnh lý ở thực quản có nguy cơ làm thủng thực quản do hóa chất và thuốc gây hẹp thực quản.
– Phình tách động mạch chủ.
– Suy tim, Tụt huyết áp.
– Suy hô hấp.
– Cơn tăng huyết áp.
– Chống chỉ định tương đối:
+ Người bệnh quá già yếu và suy nhược
+ Người bệnh tâm thần không phối hợp được
+ Ho nhiều, Gù vẹo cột sống
3. Chuẩn bị
3.1. Phương tiện dụng cụ, thuốc
3.1.1. Dụng cụ
– Máy siêu âm nội soi, máy hút, nguồn sáng, màn hình, ống ngậm miệng.
– Máy theo dõi mạch, Huyết áp, spO2
3.1.2. Thuốc:
Seduxen, buscopan, midazolam, fentanyl hoặc propofol.
3.2. Người thực hiện:
1 bác sỹ chuyên khoa Tiêu hóa, 1 điều dưỡng giữ canuyn
3.3. Người bệnh
Nhịn ăn tối thiểu 6 giờ trước soi, người bệnh phải được giải thích về lợi ích và tai biến của thủ thuật và đồng ý.
Cho người bệnh uống thuốc chống tạo bọt Simethicone trước soi 30 phút
3.4. Hồ sơ bệnh án:
Người bệnh nội trú phải có bệnh án.
4. Các bước tiến hành
4.1. Chuẩn bị và kiểm tra máy soi
Tư thế: người bệnh nằm nghiêng trái và đặt ống ngậm miệng vào giữa 2 cung răng
4.2. Vô cảm:
Tiền mê bằng seduxen hoặc midazolam/ fentanyl gây mê tĩnh mạch hoặc nội khí quản tùy trường hợp. Phải theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở
4.3. Đưa mù đèn soi qua thực quản vào dạ dày:
Khi nhìn thấy hang vị và môn vị thì đưa máy vào hành tá tràng và xuống đoạn 2 tá tràng. Lưu ý trong quá trình đưa đèn soi không sử dụng nút siêu âm.
4.4. Quá trình nhận định tổn thương:
Bắt đầu tiến hành từ đoạn xa nhất như đoạn xuống tá tràng. Trong khi nhẹ nhàng rút máy lên thì các hình ảnh siêu âm được coi như các mốc định hướng là các tạng ở xung quanh dạ dày như gan mật tụy lách có thể quan sát. Ở thực quản thì đoạn xuống của quai động mạch chủ và nhĩ trái được coi là mốc giải phẫu định hướng. Khi chỉ thăm khám các bất thường ở thực quản và dạ dày thì không cần đưa máy xuống môn vị và hành tá tràng.
4.5. Thăm dò SANS của đường tiêu hóa trên có thể tiến hành bằng cách
– Trực tiếp áp sát đầu dò lên lớp niêm mạc đường tiêu hóa theo sự hướng dẫn của nội soi.
– Sử dụng balloon đầy nước bao quanh đầu dò ( khoảng 400ml nước) sẽ tạo nên cửa sổ siêu âm giúp quan sát tốt nhất thành dạ dày và các tạng xung quanh.
Xem thêm: Hướng dẫn quy trình gây mê trong nội soi đại tràng
5. Theo dõi và xử trí tai biến
– Là một phương pháp thăm dò an toàn tỷ lệ biến chứng rất thấp. Một số biến chứng thường gặp là:
+ Rách hoặc thủng thành ống tiêu hóa
+ Chảy máu.
– Các biến chứng thường gặp là do cố đưa máy đi qua chỗ hẹp.
6. Ưu điểm của kỹ thuật nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên
Kỹ thuật nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên là một phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến cho các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa trên, có nhiều ưu điểm như sau:
– Độ chính xác cao: Nội soi siêu âm có độ chính xác cao trong việc chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa trên, bao gồm ung thư, polyp, viêm và các bệnh lý khác. Phương pháp này cho phép bác sĩ nhìn thấy các tổn thương bên trong các cơ quan đường tiêu hóa trên và đánh giá chính xác vị trí và độ sâu của chúng.
– Đánh giá được độ sâu của tổn thương: cho phép bác sĩ đánh giá được độ sâu của các tổn thương trong các cơ quan đường tiêu hóa trên, giúp cho việc lập kế hoạch điều trị chính xác hơn.
– Giúp hướng dẫn thực hiện các thủ thuật can thiệp: có thể được sử dụng để hướng dẫn thực hiện các thủ thuật can thiệp như tiêm thuốc trực tiếp vào các tổn thương, lấy mẫu tế bào hoặc tiêm kim để hút chất bất thường.
– Không đòi hỏi phẫu thuật mở: Đây là một phương pháp không xâm lấn, không đòi hỏi phẫu thuật mở, do đó giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và thời gian hồi phục sau phẫu thuật.
– Tiết kiệm thời gian: giúp tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân và giảm thiểu thời gian nghỉ việc, vì nó không đòi hỏi thời gian hồi phục sau phẫu thuật mở.
– Đánh giá được các khu vực khó tiếp cận: cho phép bác sĩ đánh giá được các khu vực khó tiếp cận bên trong các cơ quan đường tiêu hóa trên, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị chính xác hơn.
Tóm lại. siêu âm nội soi là một kỹ thuật kết hợp giữa nội soi và siêu âm, trong đó đầu dò siêu âm được gắn vào đầu nội soi để áp sát với các tổn thương cần thăm dò. Phương pháp này được sử dụng để thăm dò và chẩn đoán các bệnh lý trong các cơ quan trong bụng, bao gồm tổn thương thành thực quản, dạ dày, ruột, gan, tụy mật. Siêu âm nội soi giúp cho các bác sĩ có thể nhìn thấy rõ hơn các tổn thương bên trong các cơ quan này và đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.
Xem thêm: Biến chứng của viêm túi thừa đại tràng
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế