Quy trình lấy dị vật qua nội soi tiêu hoá
Nuốt phải dị vật là điều thường xuyên xảy ra, nhưng may mắn là phần lớn các dị vật bị nuốt vào sẽ tự trôi qua ống tiêu hóa không gặp khó khăn gì trước khi được thải ra ngoài theo phân. Nhưng đôi khi, các dị vật không tiếp tục di chuyển mà bị tắc lại ở một chỗ hẹp và gây ra nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, do đó cần phải lấy dị vật ra.
1. Chỉ định
Nội dung bài viết
Dị vật có nhiều loại khác nhau, do đó bác sĩ nội soi phải sử dụng các loại dụng cụ khác nhau để lấy chúng ra khỏi ống tiêu hóa.
Chỉ định lấy dị vật qua nội soi phụ thuộc vào các yếu tố:
- Tuổi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
- Hình dạng, kích thước và khả năng gây chấn thương thành ống tiêu hóa.
- Vị trí giải phẫu, nơi dị vật bị tắt.
- Khả năng của bác sĩ nội soi.
Trẻ em và bệnh nhân tâm thần là những người hay nuốt phải các dị vật khác nhau (pin, bi, chìa khóa ….). Có thể phân thành ba loại dị vật: dị vật từ tóc và xơ rau vón cục; thức ăn và các loại dị vật như xương, đồng tiền, răng giả, viên pin, …
Vị trí giải phẫu của các chỗ hay tắc:
- 50 – 80% dị vật thực quản tắc ở 1/3 trên, còn lại ở sát tâm vị.
- Một số vị trí khác: môn vị, tá tràng, van Bauhin, túi thừa Meckel và hậu môn.
2. Biểu hiện lâm sàng
- Nuốt phải dị vật thường gây triệu chứng cấp tính tùy thuộc vào vị trí của các dị vật.
- Dị vật ở thực quản thường gây đau, khó chịu khi nuốt. Trẻ em không chịu ăn, tiết nhiều nước bọt, đau khi nuốt và nôn nhiều.
- Dị vật dạ dày thường có triệu chứng của hẹp, tắc tại vị trí dị vật.
- Ngoài ra còn các triệu chứng đáp ứng viêm tại chỗ hay toàn thân do dị vật phản ứng với cơ thể. Nếu để lâu dần có thể nhiễm trùng tại chỗ, toàn thân.
3. Xử lí qua nội soi các dị vật thực quản
Các dị vật ở thực quản thường gây cơn đau cấp và yêu cầu xử lí nhanh chóng do có nguy cơ gây nhiều biến chứng: thủng, viêm trung thất, chảy máu,… Người ta chia dị vật thực quản thành hai nhóm:
- Nhóm dị vật gây tổn thương là các loại dị vật có hình dạng sắc, nhọn như xương cá, răng giả, vỉ thuốc…
- Nhóm dị vật không gây tổn thương như cục rau, cục thức ăn, miếng thịt…
3.1. Chuẩn bị bệnh nhân
- Chụp X quang phổi và chụp bụng không chuẩn bị để phát hiện các dị vật cản quang.
- Bệnh nhân phải được gây mê toàn bộ bằng đặt nội khí quản vì nó cũng giúp bảo vệ khí quản trong trường hợp dị vật thực quản gây chấn thương.
3.2. Dụng cụ
- Máy soi dạ dày bình thường hoặc loại có 2 kênh thủ thuật.
- Kìm sinh thiết, kìm 3 răng, kìm răng mèo, rọ lấy sỏi (Dormia).
- Overtube để bảo vệ thành thực quản khi rút dị vật ra.
3.3. Kỹ thuật
Lấy dị vật không tổn thương bằng thòng lọng hoặc bằng rọ
- Máy đưa vào từ từ và luôn quan sát kĩ. Nếu thực quản co thắt mạnh: tiêm tĩnh mạch các thuốc giãn cơ trơn để giảm co thắt.
- Khi lấy các vật sắc nhọn (thủy tinh, kim, đinh,…) phải lắp overtube vào ống soi trước khi đưa đèn vào để khi lấy dị vật ra không gây tổn thương ống tiêu hóa.
- Dùng thòng lọng cắt polyp để lấy những dị vật lớn như xương gà.
Những vật tròn, nhẵn có thể dùng rọ lấy sỏi để lấy.
- Tiền xu: dùng kìm lấy dị vật có thể gắp ra dễ dàng.
- Với những dị vật mềm và không gây chấn thương, có thể rút ra hoặc dùng dụng cụ phá nhỏ rồi đẩy xuống dạ dày.
3.4. Theo dõi bệnh nhân
Sau khi lấy những dị vật gây chấn thương, bệnh nhân phải nằm theo dõi tại viện, phối hợp với điều trị kháng sinh và truyền dịch.
4. Xử lí qua nội soi các dị vật ở dạ dày
4.1. Chỉ định
- Các dị vật có chiều dài lớn hơn 7cm (khó qua khung tá tràng).
- Dị vật có khả năng gây chấn thương thành dạ dày. –
- Các cục thức ăn không thể trôi qua môn vị, gây hội chứng tắc, hẹp.
4.2. Kĩ thuật:
Giống như lấy dị vật ở thực quản.
5. Xử lí qua nội soi các dị vật ở trực tràng
Khi nghi ngờ có dị vật ở trực tràng, phải cho bệnh nhân chụp bụng không chuẩn bị để kiểm tra khả năng gây thủng thành ruột, nếu có phải xử lí ngoại khoa.
5.1. Dụng cụ
- Máy soi trực tràng ống cứng.
- Máy soi đại tràng ống mềm.
- Các loại kìm lấy dị vật, thòng lọng cắt polyp.
- Một số dụng cụ ngoại khoa khác có thể dùng để lấy dị vật ra.
5.2. Chuẩn bị bệnh nhân
- Gây tê tại chỗ để giảm co thắt cơ hậu môn.
- Trong các trường hợp dị vật có kích thước lớn, khó lấy, có thể phải gây tê tủy sống.
5.3. Kỹ thuật
- Những vật nhỏ có thể gắp và lấy ra qua ống soi cứng hoặc rút ra cùng ống soi mềm.
- Những dị vật lớn có thể phải dùng đến các dụng cụ ngoại khoa để lấy ra.
- Biến chứng: chảy máu, thủng.
- Theo dõi: 24 giờ sau thủ thuật để loại bỏ khả năng có thủng.
Tài liệu tham khảo
- Nội soi tiêu hoá. Bệnh viện Bạch Mai
- Canard J M, Gastrointestinal Endoscopy in practice, 2011.
- Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, Nội soi tiêu hóa, Nhà xuất bản y học, 2008.