Lựa chọn kiểu gây tê tại chỗ kiểm soát đau trước điều trị nội nha
Trước mỗi cuộc điều trị nội nha, đặc biệt với trường hợp bệnh nhân đang mắc các vấn đề liên quan đến bệnh lý, việc lựa chọn kiểu gây tê là quan trọng, quyết định quá trình điều trị thành công hay thất bại. Bài viết này giới thiệu qua một số kiểu gây tê trên lâm sàng, và đưa ra một phương pháp giúp làm tăng hiệu quả tê trong thời gian điều trị. Cùng tìm hiểu.
Gây tê tuỷ răng
1. Gây tê tủy răng và gây tê mô mềm
Nội dung bài viết
Khi gây tê trên răng không triệu chứng, ví dụ như trường hợp tủy răng không bị viêm, thì điều quan trọng phải nhớ là gây tê mô mềm lân cận không đảm bảo là sẽ đạt được tê tủy răng. Điều này đặc biệt đúng ở răng hàm dưới, là nơi mà tê tủy răng thành công sau khi gây tê chặn thần kinh răng dưới, với tỉ lệ là 35 – 60% tùy thuộc vào răng. Do đó trước khi bắt đầu điều trị nội nha, đặc biệt trên răng có viêm, thì điều quan trọng là xác định xem liệu đã đạt được tê tủy răng hay chưa. Có thể xác định bằng cách lặp lại các test thử tủy với kích thích lạnh hoặc điện. Tuy nhiên, trong trường hợp viêm tủy không hồi phục, đôi khi tê tủy răng đã được xác nhận sau khi test mà vẫn có một vài bệnh nhân bị đau trong suốt quá trình điều trị. Vì lý do này mà việc gây tê bổ sung và/hoặc các biện pháp bổ trợ luôn được khuyến cáo để làm giảm thiểu sự khó chịu cho bệnh nhân.
2. Gây tê bổ sung/Biện pháp bổ trợ kiểm soát đau trước điều trị nội nha
Như đã đề cập ở trước, do tỉ lệ gây tê thất bại cao khi điều trị nội nha ở những răng bị đau, đặc biệt là răng hàm dưới sau khi chặn dây thần kinh răng dưới, nên rất cần thiết thực hiện gây tê bổ sung qua các cách khác trước khi bắt đầu điều trị. Mặc dù việc đánh giá toàn diện các phương pháp và bằng chứng của nhiều kiểu gây tê bô khác nhau nằm ngoài phạm vi thảo luận của chương này, nhưng chúng tôi muốn đề cập vấn đề sự hỗ trợ tốt của các phương pháp gây tê mặt ngoài (đặc biệt là với articaine 4%), gây tê dây chằng nha chu cũng như gây tê xương ổ để bổ trợ cho gây tê dây thần kinh răng dưới, giúp tăng khả năng đạt được tê tủy răng.
3. Lựa chọn kiểu tê tại chỗ
Mặc dù có nhiều loại thuốc tê tại chỗ nhưng đa số các nhà lâm sàng đều sử dụng lidocaine 2%, và coi nó là tiêu chuẩn để so sánh với các loại thuốc tê khác. Articaine (4%) là một loại thuốc khác được sử dụng phổ biến để gây tê tại chỗ, và có hàng loạt nghiên cứu so sánh công dụng của lidocaine với articaine trong việc gây tê mô mềm và gây tê tủy răng trên những răng có tủy sống bình thường cũng như trên những răng viêm tủy không hồi phục có triệu chứng. Nói chung cả 2 loại thuốc đều cho hiệu quả tương đồng trên gây tê tủy. Ngoại lệ là articaine có hiệu quả hơn khi thực hiện gây tê thấm (infiltration). Điều này đặc biệt đúng với gây tê tủy ở cả trường hợp viêm tủy có triệu chứng và không có triệu chứng, khi thực hiện gây tê bổ sung mặt ngoài ở răng sau hàm dưới. Do vậy, khuyến cáo lựa chọn articaine thay vì lidocaine để gây tê bổ sung mặt ngoài, nhằm mục đích thực hiện thủ thuật nội nha không đau ở các răng sau hàm dưới.
Lidocaine là thuốc tê được lựa chọn chủ yếu cho gây tê chặn thần kinh bao gồm dây thần kinh răng dưới, thần kinh lưỡi và thần kinh cằm. Tất cả các thuốc tê tại chỗ đều độc thần kinh và có nguy cơ tiềm tàng gây ra bệnh lý thần kinh khi sử dụng với nồng độ thích hợp, gần bó hoặc nhánh thần kinh. Về mặt lâm sàng, bệnh nhân có thể bị tê kéo dài (anesthesia), cảm giác châm chích, cảm giác “ghim và kim” (pins and needles) (dị cảm) hoặc triệu chứng đau thần kinh nghiêm trọng ở vùng chi phối của dây thần kinh bị tổn thương. Thuốc tê với nồng độ càng cao như articaine (4%) và prilocaine (4%) càng có nguy cơ cao gây tổn thương thần kinh, thường là khi sử dụng chặn dây thần kinh răng dưới. Từ hiệu quả so sánh giữa articaine với lidocaine trong gây tê tủy răng và mô mềm, kết hợp với nguy cơ gây tổn thương thần kinh cao hơn của articaine nên lidocaine vẫn là lựa chọn phù hợp để chặn dây thần kinh răng dưới.
Bupivacaine (0.5%) là một loại thuốc tê tại chỗ khá phổ biến vì nó cho kết quả tê kéo dài, lên đến 8 giờ. Sử dụng bupivacaine vào giai đoạn cuối của thủ thuật lâm sàng là một việc làm hữu ích giúp giảm đau sau điều trị. Đây là biện pháp lý tưởng khi đã tiên lượng trước được mức độ đau sau điều trị, bao gồm trường hợp phẫu thuật nội nha và cả với những bệnh nhân đau nhiều trước điều trị.
4. Sử dụng thuốc giảm đau trước để cải thiện hiệu quả
Với những khó khăn khi gây tê tủy ở những răng bị viêm thì cần nhiều biện pháp để giúp các nhà lâm sàng có khả năng thực hiện các thủ thuật nội nha không đau. Các nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các chất trung gian gây viêm lên kênh natri đã chứng minh rằng prostaglandin E2 làm tăng hoạt động của kênh natri kháng tetrodotoxin. Với quan điểm cho rằng những kênh kháng tetrodotoxin đó có khả năng kháng thuốc tê tại chỗ nhiều hơn, nên câu hỏi quan trọng và liên quan về mặt lâm sàng là liệu sử dụng thuốc kháng viêm trước điều trị, chẳng hạn như thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), ibuprofen, có làm tăng khả năng đạt được tê tủy răng ở những bệnh nhân viêm tủy có triệu chứng hay không. Giả thiết này đã được kiểm chứng nhiều trong các nghiên cứu lâm sàng, đa số là các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng. Một vài nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của NSAID là cao hơn so với những giả dược trong việc đạt được tê tủy răng và/hoặc điều trị nội nha không đau. Tuy nhiên, một vài thử nghiệm khác lại không nhận thấy sự khác biệt đáng kể giữa thuốc và giả dược, mặc dù cần lưu ý rằng phần lớn những nghiên cứu này đều cho thấy kết sử dụng NSAID đem lại tỉ lệ tê thành công cao hơn. Sự khác biệt kết quả giữa các nghiên cứu có thể là do sự khác biệt trong thiết kế nghiên cứu bao gồm định quả là nghĩa viêm tủy không hồi phục khác nhau (ví dụ như quần thể đích) và cách thực hiện nghiên cứu khác nhau (chẳng hạn như cỡ mẫu). Điều quan trọng là, các bằng chứng tổng thể đều hỗ trợ cho việc sử dụng một liều NSAID trước điều trị để tăng khả năng gây tê tủy răng hàm dưới nhờ chặn dây thần kinh răng dưới ở những bệnh nhân viêm tủy, như đã được chứng minh trong những bài tổng quan gần đây (ibuprofen 600–800 mg, lornoxicam 8 mg và kali diclofenac 50 mg được chứng minh là tốt hơn so với giả dược; ketorolac, ibuprofen/acetaminophen phối hợp, và acetaminophen đơn thuần không tốt hơn so với giả dược). Mặc dù ít được nghiên cứu nhưng có bằng chứng cho thấy, sử dụng thuốc kháng viêm khác trước điều trị, chẳng hạn như steroid, có thể làm tăng hiệu quả tê tủy hoặc thời gian tê. Nói tóm lại, điều trị bằng NSAID như ibuprofen 600 mg, 1 giờ trước khi bắt đầu điều trị nội nha sẽ làm tăng khả năng đạt được tê tủy, giúp giảm thiểu những cơn đau của bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị nội nha.
Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017