MỚI

Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn đo niệu động học

Ngày xuất bản: 20/06/2022

Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn đo niệu động học áp dụng cho nhân viên y tế đơn nguyên nội trú Y học tái tạo và trị liệu tế bào

Người thẩm định: Nguyễn Thanh Liêm
Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm
Ngày phát hành: 30/06/2020

1. Định nghĩa và khái niệm liên quan

  • Hoạt động đi tiểu bình thường: Bình thường, nước tiểu được sản xuất từ thận, sau đó đi qua 2 niệu quản rồi được chứa ở bàng quang cho đến khi đầy và được bài xuất ra ngoài qua niệu đạo bằng hoạt động đi tiểu. Một hoạt động đi tiểu được cho là bình thường đòi hỏi bàng quang có cảm giác bình thường, sức chứa bình thường, đi tiểu dễ dàng và cảm giác hết bãi, dễ chịu khi đi tiểu. Điều này dựa vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa bàng quang, nhóm cơ thắt trong, cơ thắt ngoài niệu đạo dưới sự chi phối của hệ thống thần kinh ở tủy sống và não bộ.
  • Rối loạn tiểu tiện: Đề cập đến rối loạn chức năng đường tiểu dưới, bao gồm các rối loạn khả năng làm đầy bàng quang, khả năng tích trữ và tống xuất nước tiểu do rối loạn cảm giác bàng quang và rối loạn hoạt động của cơ bàng quang, cơ thắt niệu đạo. 
  • Niệu động học: Là một nghiên cứu động học về hoạt động làm đầy, lưu trữ và tống xuất nước tiểu. Nó nghiên cứu về khả năng tương tác của bàng quang và cơ thắt niệu đạo trong hoạt động đi tiểu.

2. Chỉ định và chống chỉ định đo niệu động học

2.1. Chỉ định đo niệu động học

Các người bệnh bị rối loạn tiểu tiện không phải do bệnh lý về thận độ tuổi từ 2 tuổi trở lên.

2.2. Chống chỉ định đo niệu động học

  • Rối loạn nhận thức, tâm thần.
  • Tổn thương niệu đạo không thể đặt catheter niệu động học.
  • U phì đại tuyến tiền liệt quá lớn.
  • Đang nhiễm khuẩn tiết niệu, chảy máu bàng quang.
  • Người bệnh/gia đình người bệnh không đồng ý làm thủ thuật.
  • Thận trọng khi thực hiện thủ thuật cho người lớn tuổi, người có bệnh lý tim mạch, hô hấp, bệnh thận và các bệnh lý toàn thân khác.

3. Dụng cụ/ thiết bị/ vật tư/ thuốc

3.1. Thiết bị

  • Máy đo niệu động học.
  • Máy tính kết nối với máy đo niệu động học.
  • Máy in.
  • Ghế đi tiểu.
  • Cốc đong.
  • Xe đẩy trolley.

3.2. Dụng cụ

  • Bộ dụng cụ đặt thông tiểu – 01 bộ, gồm: 01 khay nhựa, 01 tấm lót thấm, 01 toan lỗ không thấm, 05 gạc vuông, 05 gạc củ ấu, 01 kẹp nhựa.
  • Bàn khám phụ khoa: 01 bàn.
  • Toan có lỗ: 01 chiếc.
  • Găng tay vô khuẩn: 02 đôi.
  • Găng tay sạch: 02 đôi.
  • Bơm tiêm 20ml: 01 bơm.
  • Bơm tiêm 5ml: 01 bơm

3.3. Vật tư tiêu hao

  • Catheter đo áp lực bàng quang chuyên dụng: 01 chiếc.
  • Catheter đo áp lực ổ bụng chuyên dụng: 01 chiếc.
  • Dây bơm dịch chuyên dụng: 01 chiếc.
  • Điện cực tim: 02 cái Băng dính: 01 cuộn.

3.4. Thuốc

  • Gel KY: 01 tuýp.
  • Betadin: 01 lọ.
  • Dung dịch NaCl 0,9% 500ml.

4. Địa điểm thực hiện đo niệu động học

Phòng đo niệu động học – Phòng thủ thuật

đo niệu động học
Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn đo niệu động học

5. Quy trình kỹ thuật đo niệu động học

5.1. Chuẩn bị

  • Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng
  • Chuẩn bị người bệnh: Được giải thích rõ, động viên yên tâm làm thủ thuật, thụt hậu môn, rửa sạch cơ quan sinh dục ngoài, cởi quần, nằm tư thế sản, mông sát mép bàn.
  • Chuẩn bị dụng cụ, vật tư, thuốc và máy đo niệu động học sạc đầy pin.

5.2. Các bước thực hiện kỹ thuật đo niệu động học

  • Làm ấm dung dịch NaCl 0,9%.
  • Nối dây bơm dịch với chai NaCl 0,9% đã được làm ấm – Điều dưỡng rửa tay, đeo mũ, khẩu trang, đi găng.
  • Sát khuẩn lỗ tiểu và tầng sinh môn rộng rãi.
  • Tay trái bộc lộ lỗ tiểu, tay phải nhẹ nhàng đưa Catheter đo áp lực bàng quang chuyên dụng vào bàng quang qua niệu đạo theo các quy trình đặt thông tiểu ở nữ hoặc nam.
  • Khi catheter đã vào bàng quang, nước tiểu chảy ra thì cố định Catheter đo áp lực bàng quang bằng băng dính y tế, hút nước tiểu tồn dư trong bàng quang.
  • Đặt Catheter đo áp lực ổ bụng chuyên dụng vào trực tràng.
  • Lau khô vùng quanh hậu môn và đặt điện cực tim đo điện cơ vùng cơ đáy chậu.
  • Lắp Catheter đo áp lực bàng quang và Catheter đo áp lực ổ bụng với máy đo niệu động học, lắp hệ thống bơm dịch với Catheter đo áp lực bàng quang đầu bơm dịch.
  • Bác sĩ kiểm tra hoạt động hệ thống máy và tiến hành bơm dịch nước muối sinh lý vào bàng quang theo tốc độ thay đổi phụ thuộc lứa tuổi, giới tính, tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, đánh giá tình trạng hoạt động của bàng quang, cơ thắt niệu đạo, hoạt động đi tiểu.
  • Đánh giá tiểu tồn dư bằng cách hút toàn bộ dịch truyền và nước tiểu trong bàng quang cuối thì đo niệu – rút Catheter đo áp lực bàng quang, Catheter đo áp lực ổ bụng, điện cực tim đo điện cơ cơ đáy chậu.
  • Sát khuẩn lại lỗ tiểu, cơ quan sinh dục ngoài.
  • Ghi hồ sơ Bệnh án.
  • Đọc kết quả đo niệu động học, giải thích và trả kết quả cho người bệnh.

6. Tai biến – biến chứng

  • Đau: Đau vùng cơ quan sinh dục ngoài, niệu đạo, bàng quang, đau vùng hậu môn trong quá trình đặt Catheter và đo niệu động học – Quan sát sắc mặt người bệnh đau, màu sắc nước tiểu tháo ra. Nếu người bệnh đau nhiều cần cho giảm đau.
  • Tổn thương niệu đạo, bàng quang, thủng bàng quang: Có thể gây đau, tiểu máu. Chú ý tuân thủ quy trình đặt thông tiểu nam/ nữ đúng quy định, thao tác nhẹ nhàng không đo niệu động học khi bệnh nhân có rối loạn tâm thần, đang nhiễm khuẩn tiết niệu. Nếu có tai biến cần xử lý theo quy trình điều trị thủng bàng quang, chấn thương niệu đạo.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu sau đo niệu: Chú ý công tác vô khuẩn, trước và trong thủ thuật. Nếu có nhiễm khuẩn cần cho kháng sinh thích hợp. Không đo niệu ở các bệnh nhân đã có nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm nhiễm vùng sinh dục ngoài.

7. Check list

STTTên công việcYêu cầuKhôngGhi chú
1Chuẩn bị bệnh nhân.Người bệnh được giải thích rõ ràng trước khi làm thủ thuật Thụt hậu môn làm sạch trực tràng trước làm thủ thuật Chuẩn bị tư thế đúng trước làm thủ thuật.   
2Chuẩn bị dụng cụ, vật tư y tế.Dụng cụ, vật tư, thuốc để đo niệu được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đo niệu.   
3Đo niệu động học.Thực hiện đo niệu động học an toàn, đúng quy trình.   
4Đọc kết quả, giải thích, trả kết quả cho bệnh nhân.Bệnh nhân được trả kết quả đầy đủ, tư vấn rõ ràng về tình trạng bệnh của mình.   
5Ghi hồ sơ.Hồ sơ lưu đúng, đầy đủ thông tin.   

Tư vấn, giáo dục sức khỏe:

  • Các bệnh lý rối loạn tiểu tiện cần phải được phát hiện và điều trị sớm.
  • Tuân thủ các y lệnh của bác sĩ để cải thiện tình trạng bệnh của mình, tránh các biến chứng nặng cho hệ thống tiết niệu như nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận,…
  • Uống đủ nước.

Tài liệu tham khảo: 

  • J. Christian Winters, et al (2012). Adult Urodynamics: AUA/SUFU Guideline (2012). American Urological Association.
  • Rosier, P., Contemporary diagnosis of lower urinary tract dysfunction. F1000Res, 2019. 8.
  • Y. Homma, et al, Urodynamics. Incontinence 2th. 2002. 56, p317.

Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của VinmecDr. Việc sao chép, sử dụng phải được VinmecDr chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. VinmecDr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. VinmecDr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết VinmecDr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc VinmecDr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.

facebook
35

Bình luận0

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên gia